(Trích Trên Đường Nam Tiến, Vũ Văn Mẫu, 1979)
Trên giải đất mà Chiêm Thành đã lần lần nhượng chủ quyền cho nước ta, hoặc vì thua trận, hoặc dâng đất làm sính lễ, dân Việt đã lần di cư tới, cần cù khai thác, chung sống với dân tộc Chàm, mỗi sắc dân vẫn giữ nếp sống cổ truyền với tất cả nhứng đặc điểm 2 nền văn minh dị biệt, vì nền văn minh Việt không hề chịu ảnh hưởng của Ấn Độ như dân tộc Chàm.
Một đôi khi, lịch sử ghi chép vài biện pháp khá cứng rắn của nhà cầm quyền Việt Nam bắt người Chàm phải theo phong tục Việt, nhưng chỉ là những biện pháp nhất thời được áp dụng rất linh động.
Năm 1075, Lý Thường Kiệt đem quân chinh phạt, vẽ bản đồ 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, rồi sau đó nhà Lý di dân nước ta sang 3 châu này khai thác và giữ đất..
Dưới triều Hồ Quý Ly, các di dân được tuyển chọn đưa vào 2 châu Tư, châu Nghĩa. Họ được trổ vào cánh tay địa danh châu phải đến, và sung vào lính đồn trú để giữ đất.
Việc di dân tiếp tục dưới các đời vua Lê, và từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ miền nam, việc di dân khó khăn hơn vì thiếu dân. Do đó, mỗi khi vượt sông Gianh tiến ra bắc trong cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn, quân chúa Nguyễn thường cướp dân đem về nam để khai khẩn đất đai.
1 trường hợp lịch sử là tổ tiên nhà Tây sơn, vố là dòng dõi Hồ Quý Ly, nguyên quán ở Hưng Nguyên (Nghệ An). Dưới triều Lê Thần Tông (1655), quân Nguyễn dưới quyền Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật đánh ra bắc chiếm được 7 huyện phía La Sơn, phía nam sông Lam Giang (sông Cả) [ là các huyện Kỳ Hoa, Thạch Hòa, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn, Thành Cương ].
Khi rút về, quân chúa Nguyễn bắt một số dân đem theo, trong số đó, có ông tổ của nhà Tây Sơn là Hồ Phi Phúc, được đưa về làng Tây sơn, huyện Phù Ly, phủ Qui Nhơn.
Năm 1697, sau khi chiếm được hết lãnh thổ Chiêm Thành, chúa Nguyễn Phúc Chu (Minh Vương) ra lệnh bắt người Chàm phải thay đổi y phục theo người Việt.
Tuy nhiên trong thực tế những biện pháp này không được áp dụng triệt để. Đến nay, gần 300 năm sau khi nước Chiêm không còn tồn tại, đồng bào Chàm ở vùng Phan Rang, Bình Thuận vẫn sinh hoạt theo nếp cổ truyền, từ y phục đến phong tục, tôn giáo, ngôn ngữ.
Về ngôn ngữ, đồng bào Chàm nói tiếng Việt nhưng vẫn nói tiếng Chàm.
Về tôn giáo, họ theo các tôn giáo Bà La Môn, Hồi Giáo, Phật giáo.
Về giá thú, trong chế độ mẫu hệ, con gái phải đi hỏi chồng, và phải chịu mọi phí tổn.
Tuy 2 dân tộc có nền văn minh và nếp sống khác biệt, nhưng sự chung sống hòa bình qua bao nhiêu thế kỷ cũng đã tạo được bầu không khí thân thiết, thông cảm và có sự giao hoà trong một vài lãnh vực.
I. Ảnh hưởng của nền văn minh Việt Nam đối với đồng bào Chàm
Về tôn giáo, truyền thống dân tộc ta từ nghìn xưa đã chấp nhận tự do tín ngưỡng, nên đối với đồng bào Chàm không có sự bó buộc nào. 2 tôn giáo chính từ 9 thế kỷ nay vẫn là Bà La Môn (hay Ấn độ giáo) và Hồi giáo. Cũng có một thiểu số theo Phật giáo.
Về ngôn ngữ, vì sự giao tiếp hàng ngày, hầu hết người Chàm đều biết tiếng Việt, và tiếng Chàm.
Về phương diện xã hội, do sự tiếp xúc với người Việt, nên dù chế độ mẫu hệ vẫn được tôn trọng nhưng không còn sắc thái nguyên thủy.
Trong chế độ mẫu hệ thuần túy, tất cả con phải mang họ mẹ, nhưng do ảnh hưởng phụ hệ chế của người Việt, chỉ còn con gái mang họ mẹ, còn con trai mang họ cha.
Một số đồng bào Chàm đã lấy họ Việt. Trong dòng dõi hoàng phái, đàn ông lấy họ Tôn, đàn bà lấy họ Nguyễn. Do đó mới có chuyện, có nhà báo đọc tên Tôn Ái Liêng (người Chàm) lại tưởng là tên một nữ ca sĩ thuộc hoàng phái ở Huế.
Một số lớn người Chàm lấy họ Việt như Phạm, Dương, Đặng, Trần, Huỳnh…. Còn một số lại phiên âm họ Chàm thành họ Việt như Chế, Ma, Bắc, Trà, Nại, Châu, Bá, Đổng, Ôn…
Lần hồi, do ảnh hưởng Việt, địa vị người đàn ông trong gia đình cũng được nâng cao. Các nghi thức hôn lễ và ly hôn cũng chịu một phần các hình thức của người Việt.
II. Ảnh hưởng của văn minh Chàm đối với người Việt.
Tuy Việt Nam đã chiếm hết đất đai của Chàm nhưng lại không thi hành chính sách đồng hóa mà lại để dân Chàm tự do sinh họat theo truyền thống.
Ông cha ta với tinh thần phóng khoáng, đã thu nhận những tinh hoa từ bốn phương trời đưa lại, trong đó có cả văn minh Chàm.
1. Tôn giáo
Ngoài một thiểu số theo Phật giáo, đa số người Chàm theo 2 tôn giáo chính là Ba La Môn và Hồi giáo. Nhưng ngay từ đầu Công nguyên, Phật giáo đã rất phổ biến. Hình tượng Đức Phật Thích Ca khi còn là hoàng tử Siddharta đã được điêu khắc rất tinh vi vào đá ở Đồng Dương, Quảng Nam. Người ta thấy có cả tượng Bồ tát Quan Âm (Avalokitecvara), ở Trà Kiệu có tượng Phật A Di đà (Amitabbha).
Sử chép khi vua Lê Đại Hành sang đánh Chiêm Thành, trong số các tù binh bị bắt đêm về có một nhà sư Thiên trúc (Ấn Độ).
Trong bài khảo luận về Phật giáo, ông Trần Văn Giáp nêu ra những ảnh hưởng của Phật giáo Chàm tại Việt Nam ngay từ thế kỷ 10. Sách Thiền uyển tập anh có chép một vị sư tên Đàm Khí có học đạo với sư Chiêm Thành. Một nhà sư Chàm khác tên MaraMara đi tu ở chùa Quan Ái nước ta.
Vua Lý thánh Tông sau khi chiến thắng Chế Củ, trong các tù binh bắt được, có một vị sư tên Thảo Đường, vốn là người Tàu sang tu ở Chiêm Thành.
Rồi vị nữ thần ở tháp Po Nagar ở Nha Trang lại trở thành thần nữ Thiên Y A Na, vị thành hoàng bổn cảnh cho tỉnh Khánh Hòa, là một ví dụ cho sự giao hoà giữa 2 dân tộc Việt Chàm.
Ngày nay dựa vào các bi ký và nghiên cứu của các nhà khảo cổ, người ta đã biết lịch sử xây dựng các tháp ở Nhatrang (Tháp Nam, dựng năm 784 bằng gỗ, triều vua Satyavarman và xây lại bằng gạch năm 1143; tháp Trung tâm và tháp Tây Bắc năm 817 triều vua Harivarman; tòa tháp chính phía bắc, niên đại trong khoảng thế kỷ XI-XIII (Ngô Văn Doanh và Parmentier). Nhưng theo truyền thuyết, các tháp này được kể như sau:
a. Chính điện, phương bắc, thờ thánh mẫu.
b. Tháp trung ương, thờ thái tử trung hoa.
c. Tháp phía nam, thờ đưỡng phụ của thánh mẫu.
d. Tháp phía tây (đã điêu tàn) thờ hoàng tử Tri.
e. Tháp phía tây nam (đã điêu tàn), thờ dưỡng nữ của thánh mẫu.
Trong lịch sử đầy những biến cố đau thương của 2 dân tộc Việt Chàm, thánh mẫu Thiên Y A Na là trường hợp đặc biệt được cả 2 dân tộc thờ kính.
2. Ngôn ngữ và phong tục.
Về ngôn ngữ, nếu hầu hết đồng bào Chàm đều nói thạo tiếng Việt và tiếng Chàm, thì ảnh hưởng của tiếng Chàm với tiếng Việt rất mỏng manh và biểu hiện dưới hình thức vay mượn một số từ. Nhưng sự vay mược khá đặc biệt, vì đáng lẽ phải vay mượn những gì ta thiếu thì lại vay mượn những từ thông dụng mà tiếng ta không thiếu.
Những từ đặc biệt ở miền sông Hương núi Ngự như ni, tê, mô, răng, rứa, có lẽ chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ Chàm. Trong tiếng Chàm, ni nghĩa là này, đây, và tê nghĩa là kia. Các từ răng, rứa do tiếp xúc với người Chàm mà có và vì tiếng Việt không có âm R. Vì vậy mà các địa danh Chàm như Phan Rang, Phan Rí, được đọc thành Phan Lang, Phan Lý trong các thư tịch xưa (Thái Văn Kiểm, Đất Việt Trời Nam).
Ông Tạ Quang Phát cũng ghi nhận một số từ Việt mà có lẽ có gốc Chàm:
Từ giúp giống tiếng Chàm pajup (đọc là pa- chúp nghĩa là giúp)
Từ giỏi giống tiếng Chàm jioi (đọc là chi-oi nghĩa là giỏi)
Từ liếc giống tiếng Chàm liek (cũng đọc là liếc) nghĩa là ngó xéo.
Từ dòng dõi giống tiếng Chàm tchong tchoi cũng có nghĩa tương tự.
Đặc biệt từ bể mà bắc bộ gọi là vỡ thì tiếng Chàm cũng có từ bể nghĩa là vỡ. Phải chăng từ bể mượn từ tiếng Chàm.
Về địa vị ưu đãi của người phụ nữ Việt cũng như sự tự do tương đối ngoài xã hội, thì Linh mục Thanh Lãng cho rằng đó là do ảnh hưởng của tôn giáo Chàm khi tôn thờ giống cái như một nền tảng chính yếu.
Tác giả Vũ Văn Mẫu, dẫn René Grousset (bộ Sử ký Viễn đông) bác ý này khi đề cập việc thờ phụng sinh lực Cakti của thần Civa ở tháp Po Nagar, Nhatrang. Thánh mẫu Po Nagar được phụng thờ dưới hình thức tượng nữ thần chứ không phải dưới hình thức giống cái như Lm Thanh Lãng nói.
Tác giả Vũ Văn Mẫu nhấn mạnh rằng, việc thờ nữ thần Cakti dưới hình thức nào không liên hệ gì đến địa vị biệt đãi của người phụ nữ Việt Nam. Dân tộc Việt Nam không tôn thờ phụ nữ đến mức kính trọng như người Pháp, cũng không miệt thị, hạ thấp địa vị phụ nữ như dân Trung hoa.
Lẽ tất nhiên, các nhà làm luật nước ta đã không bỏ quên địa vị và quyền lợi phụ nữ khi điển chế luật lệ. Nhưng tiếc thay, khi Trương Phụ đem quân xâm lược nước ta, mượn danh nghĩa phù Trần diệt Hồ, y đã tịch thu mang về Trung hoa, cả bộ Hình thư triều Lý, và bộ Hình luật triều Trần.
Tuy nhiên ta còn may mắn bảo lưu được bộ Quốc triều Hình luật triều Lê, tức bộ Luật Hồng Đức. Khác hẳn các bộ luật Trung hoa, luật Hồng Đức tôn trọng địa vị và quyền lợi của người phụ nữ trong gia đình theo truyền thống dân tộc.
Trong luật của tất cả các nước Đông phương, chịu ảnh hưởng Trung quốc, trọng nam khinh nữ, không tôn trọng quyền lợi của người vợ. Chỉ riêng có luật pháp Việt Nam, biểu lộ một tinh thần tự chủ, điển chế theo phong tục dân tộc và truyền thống đất nước.
Bộ luật Hồng Đức là công trình nêu cao danh tiếng các thế hệ luật gia triều Nguyễn trong lịch sử pháp lý không những của nước ta mà của toàn thể Đông phương.
-
Sự trao đổi văn minh giữa hai dân tộc Viêt - Chàm (kỳ 2/2)< Trang trước
-
Bia võ Cạnh và đường cổ Nha Trang - DalatTrang sau >