Bia võ Cạnh và đường cổ Nha Trang - Dalat

Nhân đọc Trên Đường Nam Tiến (TĐNT) của ông Vũ Văn Mẫu để tìm dấu vết con đường cổ Nhatrang-Đà lạt, thấy có vài chi tiết hay ho, ghi lại đây để tham khảo.

Trang 369: dựa theo sử liệu, các sử gia phỏng đoán rằng nước Phù Nam ở vùng hạ lưu sông Cửu long, phía đông gồm toàn thể miền nam Việt Nam hiện nay, và một phần lớn Trung bộ, vì nước Lâm ấp khi mới thành lập chỉ chiếm có phía bắc Trung bộ ngày nay. Phía tây, Phù Nam bao gồm miền trung lưu sông Cửu Long Thuộc Lào ngày nay), một phần lớn lãnh thổ Thái Lan hiện tại. Về phía nam, chủ quyền Phù Nam lan rộng đến cả bán đảo Mã Lai. Sở dĩ Phù Nam có lãnh thổ rộng lớn như vậy, là vì trước và đầu kỷ nguyên, PN là quốc gia duy nhất trong vùng này, chưa có Chân Lạp tức Cao Miên, cũng chưa có Xiêm La, Lào và Chiêm Thành, kinh đô là thành Vyadhapura ( nghĩa là”đô thị của người di căn”), xây dựng gần đồi Ba Phnom hiện nay.

Di tích văn minh Phù Nam trên lãnh thổ VN:

  1. Văn bản Phạn ngữ ghi trên mặt tường trụ ở Đồng Tháp Mười (tỉnh Kiến Phong
  2. Bản văn khắc trên bia đá ở Võ Cạnh (tỉnh Khánh Hòa)
  3. Di tích thị trấn Thnol Moroy hay Thnal M Ray, tức thị trấn Trăm Đường, ở xã Vĩnh Phong, tổng Thanh Yên, tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang)

 

Bản dịch văn bia Võ Cạnh ( dấu chấm thay cho chữ bị mòn không đọc được)

“…lòng trắc ẩn đối với muôn loài… trận chiến thắng thứ nhất… Ngày trăng tròn, Người tuyên bố buổi họp theo vị Quốc vương ưu tú nhất trong tất cả các quốc vương rằng:”ta muốn (tất cả triều thần) uống giọt nước thánh của lời nhà vua phán.”

Người … thuộc dòng Sri Mara, Người được danh dự cùng huyết thống với Sri Mara đã tuyên bố giữa những kẻ ấy, lời nói đầy hảo ý với muôn loài. Người là bậc ưu tú nhất của hai”Karin (là bộ lạc), khi ngự trên ngai vàng, Người đã lưu tâm đến tình trạng bất thường trên thế gian, mà phán rằng:

“Khi con trâu và em trẫm hoặc người nào khác được thỏa mãn ý muốn chiếm tài sản làm của riêng… những gì (thuộc) kho tàng của trẫm, bạc, vàng, những động sản và bất động sản, tất cả những tài sản ấy, trẫm cung tiến cho họ với niềm vui sướng và lợi ích (cho muôn loài chúng sinh). Đây là lệnh của trẫm. Những quốc vương trị vì sau này, phải hành động đúng với ý trẫm, cũng phải biết bầy tôi của trẫm, tôn Vira…”

 

Ngoài ra , người Pháp còn tìm thấy di tích cảng Óc Eo ở xã Mỹ Hảo , tổng Kiên Hảo, tỉnh Rạch Giá vào năm 1944.

 

Vương quốc PN xuất hiện vào tk I, và bị Chân Lạp diệt vong vào năm 627 (tr 403).

Thời chúa Sãi (1619-1643), vì Chiêm Thành bị quân ta chinh phạt, nên người Chàm kéo nhau lên cao nguyên ( và di tản sang Cao Miên rất đông).

 

Hết trích.

 

Đoạn ghi chép trên đây cho ta thấy vào tk II- III, niên đại xuất hiện của bia Võ Cạnh, vùng Khánh Hòa còn là đất của Phù Nam, chứ chưa phải là đất Chiêm Thành. Vậy, có thể 3 ngọn tháp ở Phan Rang mà người Chàm không thừa nhận là của họ, phải chăng là do PN hay CL xây dựng, (Và cả ngọn tháp gạch ở Tây Ninh nữa).

 (Riêng thánh địa Cát Tiên, ở huyện Cát Tiên, Lâm Đồng thì còn nhiều tranh cãi. Người cho là của vương quốc Mạ, người cho là của Phù Nam, lại có người cho là thuộc một vương quốc từng tồn tại ssong với Phù Nam, Chân Lạp).

Về con đường cổ Nhatrang- Đàlạt, khi bị quân ta chinh phạt, người Chàm kéo nhau lên cao nguyên, hẳn là họ phải đi theo một con đường có sẵn, chứ không thể sáng làm đường, chiều chạy giặc. Nếu cho rằng Cát Tiên đã phát triển rực rỡ ( từ tk VII- XI), thì chắc là phải có đường thông thương xuống vùng duyên hải ( Khánh Hòa đến Bình Thuận). Đường có từ lúc ấy chăng?

 

Bọn ta người trần mắt thịt, không chen chân vào lịch sử, chỉ nói chuyện vu vơ lúc trà dư tửu hậu vậy thôi.

 

Bình Thạnh, tháng 9.2019

 Ng T Hi,


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết