Bồ Đào Mỹ Tửu Chân Kinh

Giới tửu đồ, trà sinh không ai không biết Kim Dung với 2 tiểu đoạn trứ danh luận về trà và rượu. Đoạn trà luận của Đoàn Dự với Vương phu nhân ở Mạn Đà sơn trang và đoạn tửu luận của Tổ Thiên Thu với Lệnh Hồ Xung đáng gọi là Kinh Nhật tụng cho nhị giới.

Lưu ý rằng người luận về hai thứ thức uống này được Kim Dung đặt vào hai giới khác nhau. Luận về trà là thế tử Đoàn Dự, người sẽ kế vị ngai vàng nước Đại Lý, nghĩa là giới danh gia vọng tộc. Luận về rượu là Tổ Thiên Thu thuộc giới giang hồ cùng đinh (  xem mô tả về nhân vật này: Tổ Thiên Thu khoảng năm chục tuổi, da mặt khô vàng, hai mắt vô thần, mũi tẹt, dưới cằm lưa thưa mấy cọng râu, quần áo đầy dầu mỡ, mười đầu ngón tay dơ bẩn đen đúa.Thân hình gã gầy đét nhưng bụng rất to.)

 

Trà với Rượu đã đi cùng lịch sử của loài người. Cứ cho là Trà do ông Thần Nông tìm ra. Thần Nông theo huyền thoại thì sống cách đây 5.000 năm. Rượu thì xưa hơn thế. TS Patrick McGovern (Trường đại học Pennsylvania, Mỹ) cho biết các cuộc thí nghiệm trên hũ gốm lấy từ làng Giả Hồ, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã tìm ra dấu vết của những thức uống lên men làm từ gạo, mật ong và nho hay táo gai, và như vậy rượu đã có từ 7.000 năm trước CN.

Thế là trà và rượu đều xuất phát từ nước Trung hoa.

Bảo sao ông Kim Dung, cũng là người Trung hoa, luận về trà và rượu không hay sao được.

Trà là tặng vật của Tạo hóa. Rượu thì do người làm ra. Nhưng làm ra từ bao giờ và do ai thì chẳng ai biết được.

Người Babylone, người Ai Cập đã biết làm rượu bia. Dựa theo di vật và hình vẽ để lại người ta suy đoán họ làm để dâng cúng thần linh. Thôi thì trước cúng thần linh, sau người trần chúng con xin tọa hưởng.

Hẳn việc phát minh ra rượu là một phát minh vĩ đại, chỉ không biết là người phát minh ra nó kêu lên như thế nào thôi. ( hay Archimede kêu lên, Eureka, là học theo tổ tiên ? )

Các nhà nghiên cứu về lịch sử quả đất cho biết vi khuẩn hình thành từ rất lâu ( thời gian đâu chừng 1 tỉ năm trước), và chúng cũng chính là… tổ tiên của con người . Vi khuẩn có hại nhưng cũng… có lợi. ( Ví dụ như nhờ tìm cách diệt vi khuẩn gây bệnh         mà Alexander Flemming tìm ra penicillin). Và biết đâu khi quan sát vài loại quả ngọt (nho, táo…) lên men khi bị hỏng mà con người tìm ra cách nấu rượu.

Dưới đây là vài ý nghĩ khi đọc The Wine Bible của tác giả Keren Mac Neil:

Khi tác giả (người Mỹ ) cho rằng rượu vang là chân lý cuối cùng còn lại trên trái đất, hẳn người Pháp sẽ rất vui lòng, bởi chính họ đã tặng rượu vang cho cả thế giới. Thế nhưng than ôi, văn hoá rượu vang của Pháp lại _ lạy chúa tôi_ (Mon Dieu trong nguyên bản) bắt đầu từ nước Ý.

Có hề gì đâu. Biên giới chỉ là cái hàng rào do con người vạch ra. Lịch sử chỉ ghi nhận người Pháp và rượu vang là một. Chẳng ai dành đâu mà sợ.

Mà tác giả cũng thẳng thắn thừa nhận rượu vang của Mỹ khởi nguồn từ Mexico ( xưởng rượu đầu tiên của Tân Thế giới, Casa Madero thành lập năm 1597 ở thị trấn Santa Maria de las Parras ).

California, nơi trồng và chế biến rượu vang danh tiếng nhất của Mỹ, vốn là đất xưa của Mexico. Thung lũng Napa, Napa Velley, nơi hội tụ đầy đủ mọi điều kiện thổ nhưỡng , địa lý, thời tiết để cho ra mẻ rượu vang ngon nhất, là ưu ái của tạo hóa dành cho ... ai đây, Mỹ hay Mexico. Thôi thì, ai đang ở, đang có hộ khẩu thì người ấy hưởng.

Tác giả cũng ghi nhận rằng Ấn độ có nghề trồng nho từ thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên, xưa hơn cả Trung hoa nữa. Trồng thôi chứ không thấy nói có biết làm rượu từ nho này không. Nhưng mà người Ấn thích chiêm nghiệm, thích ngồi Yoga , thích nghiền ngẫm chân lý dưới rặng Hy mã lạp sơn, nên chắc là chẳng bõ công tìm cách chế rượu từ nho đâu.(Ngồi Yoga chổng ngược đầu thì làm sao uống rượu được).

Thử dạo chơi sang xứ bò tót, Tây ban nha, xem sao. Hóa ra ở xứ này, bợm nhậu đông vô số kể. Tác giả kể rằng, hễ để dành được chút tiền là ngay lập tức dân TBN tậu ngay một xưởng rượu vang. Vậy là dân TBN,  thứ nhất mê món đấu bò, thứ hai mê món rượu trời dành cho. (Trong thiên truyện Ba chàng ngự lâm pháo thủ, Alexander Dumas  là dân Pháp chính hiệu nhưng lại khen rượu vang TBN rất ngon.)

Lướt qua vài con số thống kê:

Canada: xếp thứ 16 về sản lượng rượu vang trên thế giới. Trung bình dân Canada uống 15lít mỗi năm.

Thụy sĩ: xếp thứ 17 về sản lượng. Dân TS uống 47lít/năm.

Slovenia: xếp thứ 27. Dân tình uống 43lít/năm.

Dân châu Âu uống gấp 3 dân Bắc Mỹ. Cho trung bình là châu Âu uống 45lít / năm. Tính ra là 180 xị. Mỗi ngày nốc nửa xị rượu vang. Chưa tính các loại rượu khác. Thuộc loại Đại kiện tướng.

Tìm thử trong văn học Việt Nam. Rất ít nhắc đến rượu. Nổi tiếng nhất ( ở đây muốn nói có liên quan đến rượu ) là Phạm Thái tức Chiêu Lỳ. Được Khái Hưng thuật lại trong Tiêu Sơn tráng sĩ. Thì chỉ là hình ảnh nhếch nhác thảm hại trong chùa: tay cầm be rượu thở than, Chí lớn trong thiên hạ không đong đầy đôi con mắt mỹ nhân.

Trong kịch thơ Phạm Thái Quỳnh Như, Nguyễn Đình Toàn thi vị hóa hình ảnh của Phạm Thái qua mấy dòng:

Ta tráng sĩ hề, lòng không mềm bằng kiếm

Ta anh hùng hề, sự nghiệp có đầy đôi mắt

Trương Quỳnh Như.

Chí nhỏ lòng kiêu, đồ thừa vận rủi

Tài sơ sức mỏi, trách vấy thời cơ

Lòng chua cay uống mãi rượu giang hồ

Nâng chén nhỏ đốt tàn dần năm tháng.

Thấy hình ảnh Chiêu Lỳ thân tàn ma dại thành tráng sĩ hành hiệp giang hồ như Hiệp khách hành.

Đọc bài Văn tế chiến sĩ trận vong, lòng bồi hồi chan chứa:

Dưới trướng nức mùi chung đỉnh, sực nhớ khi chén rượu rót đầu ghềnh

Trong nhà rõ vẽ áo xiêm, chạnh nghĩ buổi tấm cừu vung trước gió.

Nền phủ định tới đây còn xốc nổi, vụ lòng một lễ, chén rượu thoi vàng

Chữ tương đồng gẫm lại vốn đinh ninh, khắp mặt ba quân, cờ đào nón đỏ.

Hưng Đạo Đại Vương , để cổ cũ tinh thần binh sĩ trước trận chiến với giặc Thát Đát, ông viết bài hịch Dụ chư tỳ tướng hịch văn:

Đàn hát hay rượu ngon quen tìm hưởng

Việc binh nhung biếng nhác gần thành quên

Sức nhược suy trí não đâm hư hèn

Nếu nay mai tặc binh dồn dập tới

Áo giáp kia cựa gà đâm sao nổi

Mưu địch quân đủ bách kế thiên phương

Mẹo cờ bạc biết lấy gì đảm đương

Chó săn hẳn không xua tan giặc nổi

Rượu ngon hẳn không làm giặc chết say

Bấy giờ thì chẳng riêng ta mất ấp

Vợ con các ngươi cũng bị gian nguy

Nhưng muôn năm danh ta còn vẩn đục

Mà các ngươi cũng ô cả gia thanh

(trích Ải Bắc – Thao Thao)

Bài hịch đã khơi dậy lòng yêu nước bừng bừng của quan quân nhà Trần. Và kết quả là chiến công đại thắng quân Nguyên Mông  đã đi vào lịch sử.

Tổ Thiên Thu giảng cho Lệnh Hồ Xung hay rằng rượu nào phải uống với chén nấy. Chẳng hạn, rượu Bồ đào phải dùng chén Dạ quang, rượu Cao lương phải uống với chén Thanh đồng tước, rượu Bách thảo đi với chén Cổ đằng, rượu Thiệu Hưng dùng chén Dương chi Bạch ngọc, hay rượu Lê hoa dùng chén Phỉ thúy v.v… và v.v…

Nước Nam ta không cầu kỳ đến thế. Mà cũng chẳng có đâu ra mà cầu kỳ. Rượu chỉ đựng trong be, trong nậm, trong bầu. Uống thì rót ra chén sành , chén đất. Muốn biết có ngon không hãy hỏi người lính già đời Nguyên Phong ( tên hiệu vua Trần Thái Tông):

Người lính già đầu bạc

Kể mãi chuyện Nguyên Phong

(Bạch đầu quân sĩ tại

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong)

(Niên hiệu Nguyên Phong thứ 7, 1257, Trần Thái Tông lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh tan quân Mông Cổ)

Ấy là khách giang hồ và người bình dân uống rượu.

Hãy đọc Tỳ bà hành xem khách phong lưu uống rượu xem sao.

Bến Tầm dương canh khuya đưa khách

Quanh hơi may lau lách đìu hiu

Người xuống ngựa, khách dừng chèo

Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti

Say những luống ngại khi hầu rẽ

Nước mênh mông đượm vẻ gương trong

Không biết chén quỳnh là gì, nhưng hẳn rượu quỳnh tương là rượu quý ( Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp, Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân – Nguyễn Khuyến). Rượu quý chắc phải rót trong chén ngọc. Người dịch Tỳ bà hành là Phan Huy Thực, (có tài liệu ghi Phan Huy Vịnh) sống thời Hậu Lê. Dòng Phan Huy là dòng họ văn chương lừng lẫy, khi dịch bài này, ông đã đưa tâm tình , lối sống của thời đại và dòng họ mình vào đó. Khi viết bài, Bạch Cư Dị đang bị biếm làm Tư mã Giang châu ở Giang Nam. Cả tác giả và người dịch đều là khách phong lưu, thế nên vừa cạn chén rượu thì nhớ ngay tiếng đàn ( chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti)

Vậy trong Nam, chàng tuổi trẻ Lục Vân Tiên có thích tí tửu không ? Không thấy.

Mượn rượu để nói lên nỗi buồn nhân thế, như Bạch Cư Dị chẳng có mấy ai:

Hoa xuân nở, nguyệt thu tròn

Lần lần tay chuốc chén son khuyên mời

Nghe não nuột khác tay đàn trước

Khắp tiệc hoa tuôn nước lệ rơi

Lệ ai chan chứa hơn người

Giang châu Tư mã đượm mùi áo xanh

Sầu nhân thế thì ít, còn sầu tình thì bao la. Những ai sầu tình đã có Vũ Hoàng Chương nói hộ :

Đất trời nghiêng ngửa

Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ

Đất trời nghiêng ngửa

Thành Sầu không sụp đổ em ơi.

Còn những ai tha phương, chiều cuối năm nhớ nhà, nhớ quê hương bản quán thì ngâm nga bài Hành phương nam của Nguyễn Bính:

Đôi ta lưu lạc phương nam này

Trải mấy mùa qua én nhạn bay

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở

Ma ta với ngươi buồn vậy thay

 

Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu

Mà không uống cạn mà không say

 

Tâm giao mấy kẻ thì phương bắc

Ly tán vì cơn gió bụi này

Ngươi ơi buồn lắm mà không khóc

Mà vẫn cười qua chén rượu đầy

 

Ta đi nhưng biết về đâu chứ ?

Đã dấy phong yên lộng bốn trời

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

Uống say mà gọi thế nhân ơi

 

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ

Ta với nhà ngươi cả tiếng cười

Dằn chén hất cao đầu cỏ dại

Hát rằng phương Nam ta với ngươi

 

Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!

Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!

Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh

Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi.

 

Tháng 1.2021

NTH

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết