Chùa Ngọc Hoàng

CHÙA NGỌC HOÀNG

 

 

Điện Ngọc Hoàng, 1904

 

Trên bưu thiếp, Pháp gọi là Pagode de Dakao, chùa Đakao

 

Là Điện Ngọc Hoàng

 

 

 

Là Chùa Phước Hải

 

Nghe tên rất đỗi bàng hoàng. Chùa sao lại thờ Ngọc Hoàng, vị giáo chủ của Đạo giáo, thống suất tám phương trời (dân gian ta hay gọi là Ngọc đế, Thượng đế hay vắn tắt hơn, ông Trời hay Giời, hoặc xưa hơn nữa, Blời).  Cùng chia ngôi vị còn có Thái thượng lão quân lo nấu thuốc trường sinh, có Nam tào, Bắc đẩu giữ sổ sinh, sổ tử, có Tây vương mẫu chăm lo vườn đào, dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần.

Ấy là vì nó thiệt là Điện Ngọc hoàng, có phải chùa đâu.

Theo nhiều thuyết thì nó được một người Hoa gốc Quảng đông tên là Lưu Minh xây dựng, hoặc là vào năm 1892 hoặc là năm 1900 hay 1905. Có thuyết còn cho rằng nó được xây, ngoài lý do tín ngưỡng có nơi thờ phụng, thì còn là nơi tụ hội của những người theo phong trào phản Thanh, phục Minh.

Chỉ là” theo” thôi cứ không còn hưởng ứng hay hoạt động gì nữa. Vì thời điểm xây dựng, đã là cuối thế kỷ 19, đầu 20 rồi. Thanh triều gần như mục ruỗng, chỉ đẩy khẽ là ngã lăn chiêng. Viên Thế Khải đang tác oai, tác quái, nhưng là cố níu chút hào quang chỉ còn le lói. Tôn Văn (Tôn Trung sơn) đang lăm le đưa phong trào Tam dân vào thay cho chế độ phong kiến đã lỗi thời. Phản với phục chi nữa. Có lẽ là nơi tụ họp của Hội Tam hoàng thì đúng hơn.

Lưu Minh theo đạo Minh sư, một tôn giáo chủ trương bài Thanh phục Minh. Đạo này thờ cả Thần, Thánh và Phật. Sau khi bị nhà Thanh đàn áp, Minh sư tan rã. Minh giáo đồ chán nản, hầu hết bỏ đi tu.  Lưu Minh lưu lạc sang Việt Nam, lập ra điện Ngọc hoàng và giữ nguyên tín ngưỡng của Minh sư.

Nhưng thật ra Minh sư đã truyền sang Việt Nam từ thời Tự Đức. Đó là Trưởng lão Đông sơ, lập ra Chiếu Minh Phật đường ở Chợ lớn năm 1863. Cùng thời gian, có Lão sư Trương Đạo Tân lập Phật đường ở Quy nhơn. Sau khi ông mất, đệ tử là Lưu Đạo Nguyên (tức Lưu Minh), vào Sài Gòn lập Điện Ngọc hoàng.

Nhà yêu nước Trần Cao Vân cũng là tín đồ của Minh sư. Ông đang viết dở dang Trung Thiên đạo để giải thích mối quan hệ Thiên-Địa-Nhân thì bị Pháp bắt, đưa lên đoạn đầu đài. Khi khóc cụ Châu Thượng Văn, ông làm câu đối nhắc đến công trình dang dở ấy:

Ngã bất năn xã sinh
Nại hà tai "Trung thiên dịch" sơ khai,
Du lý thất niên tiền vị diễn

Quân nãi năn tựu nghĩa
Nan đắc giả vạn thế kinh độc thủ
Thú Dương thiên tài hậu du văn

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng dịch:

Ta có tiếc sống đâu, ngặt vì Dịch Trung Thiên mới mở đầu, Dũ lý bảy năm chưa kịp diễn.

Ngươi hẳn theo nghĩa đấy, khó nhất kinh muôn đời hay giữ chắc, câu Thú dương nghìn thuở hãy còn nghe

Nguyên lý của đạo Minh sư tóm tắt như sau:

Vũ trụ tạo lập theo dịch lý: Vô cực sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Ngũ hành, Ngũ hành cấu tạo nên vạn vật. Đặc tính của Vô cực là sinh động nên dùng hình tượng người mẹ tượng trưng. Người Mẹ Vũ Trụ của tông phái Minh Sư là Kim Mẫu (Kim Hoa thánh mẫu). Còn Thái cực tức khí dương sinh là Ngọc Hoàng thượng đế. Minh Sư đạo chia thế giới thành ba cõi: Hạ giới là cõi âm phủ, Trung giới là thế giới loài người, Thượng giới là cõi trời. Đó là Tam Thiên. Ngọc Hoàng Thượng đế là vị ngự trị ở cõi trời, nhưng quyền năng chưởng quản hai thế giới còn lại.

Nhưng gốc của Minh đạo lại là một tông phái Phật giáo, có từ rất lâu đời. Có thuyết cho rằng tổ sư của phái này là Đạt Ma tổ sư.

Minh sư, từ Thanh triều trở đi, lại nghiêng sang Đạo giáo. Thế nên, trong Điện Ngọc Hoàng, 2 ngôi vị cao nhất là Ngọc Hoàng và Kim Hoa Thánh mẫu, được hiểu là hai vị Phụ Mẫu của nhân loại.

Từ cõi hỗn mang của vũ trụ, Minh sư áp dụng nguyên lý của Đạo để sắp xếp cõi trời và cõi nhân gian thành một thế giới riêng: Trời, Đất và Người. Người ở cõi trần làm việc tốt sẽ lên Trời, xấu thì xuống Âm phủ chịu tội. Trời (tức Ngọc Hoàng thượng đế) ở ngôi cao nhất, có Mẫu cai quản nhân gian, với các phụ tá đắc lực điều hành mọi khía cạnh của xã hội loài người. Triết lý sâu xa của Đạo được diễn giải đơn giản qua mối liên hệ của Trời Đất và Người. Đó là lý do chính khiến Tổng thống Obama muốn đến tìm hiểu chứ không vì lý do nào khác. (Nhưng dĩ nhiên với cương vị là Tổng thống, ông chẳng có thời gian đâu mà tìm hiểu, ông Obama chỉ muốn thể hiện sự tôn trọng với truyền thống tín ngưỡng của người Việt: đó là là tinh thần Tam giáo đồng nguyên, ở một nơi mà các thần thánh của 3 tôn giáo Nho, Phật, Lão đều được tôn thờ.)

(Kim Dung tiên sinh, trong bộ truyện Ỷ Thiên Đồ Long kiếm, nói đến Minh giáo, lại là một tôn giáo khác. Có thuyết cho đó là Bái Hoả giáo gốc từ Ba tư truyền sang, trở thành một bang phái giang hồ. Thích hành hiệp trượng nghĩa, hay chống phá triều đình nên bị Nguyên triều rất ghét, đổ cho là Ma giáo. Mối u tình giữa Thánh nữ Tiểu Siêu với Bang chủ Minh giáo, chi phái Trung hoa Trương Vô Kỵ là hình tượng đẹp đẽ của Minh giáo mà Kim Dung tiên sinh muốn xây dựng để phá bỏ thiên kiến xấu xa “Ma giáo”. Lai như lưu thủy hề, thệ như phong. Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung. Chợt đến như dòng nước chảy. Rồi tàn như gió qua mau. Chẳng biết từ nơi nào đến. Và chẳng biết về nơi đâu. Câu hát buồn của Tiểu Siêu còn theo mãi Vô Kỵ về sau. Nhưng trong câu hát ấy, chứa chất triết lý sâu xa của cả Phật giáo và Đạo giáo.)

Đang là điện trở thành chùa là vì khoảng năm 1982 Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp quản nơi này và đổi là Chùa Phước Hải. Tên thì đã đổi rồi. Mà người thì chẳng nhớ. Thế là cũng là chùa nhưng cứ tên cũ mà gọi: “Chùa Ngọc Hoàng” thành tên mới mà cũ là thế. Còn lý do tại sao lại ở nơi nay là quận 1, nhiều người Việt, chứ không ở vùng Chợ lớn, nơi có nhiều người Hoa, thì đành phải hỏi ông Lưu Minh. (Về việc này, biết đâu chừng đó là ý đồ của thực dân Pháp: thời điểm xây dựng điện Ngọc hoàng, phong trào kháng Pháp vẫn rất mạnh, hùm thiêng Đề Thám gầm vang vùng Yên Thế, đến năm 1913 mới bị dập tắt; năm 1916 có vụ phá khám lớn Sài Gòn của tay giang hồ Tư Mắt; và tiếp theo là cuộc nổi dậy của Việt Nam quốc dân đảng. Rất có thể khi cho phép xây dựng điện thờ ở ngay vùng Đakao, Pháp đã có ý định là ru ngủ người Việt trong một ngôi điện thờ không thiếu vị thần nào, từ huyền thoại tới dân gian).

Nếp cũ thờ sao thì chùa mới giữ nguyên: có Thập điện Diêm vương, cho thiên hạ thấy sợ mà làm lành tránh dữ; có ông tổ nghề mộc Lỗ Ban, có Kim Hoa thánh mẫu, chủ việc sanh nở cùng 12 bà mụ, có ông Tơ bà Nguyệt lo việc se duyên, có thần Văn xương chủ việc học hành thi cử. Lại có cả Thổ Địa, Thanh Long, Phục Hổ. Và không thiếu ông Thần Tài.

Các vị bồ tát của Phật giáo thì có Phật Di Lặc, Quan thế âm, Dược sư, Chuẩn Đề.

Và dĩ nhiên điện thờ chính thờ Ngọc hoàng thượng đế, Nam tào, Bắc đẩu, Tề thiên đại thánh, Hoa đà, Quan thánh. (Liêu trai chí dị, có kể chuyện đền thờ Tề thiên đại thánh ở đất Mân, tỉnh Phúc Kiến.)

Và rất nhiều vị thần linh khác…

Tính cách đa thần của Ai cập, Hy lạp, Ấn độ xưa chắc cũng chưa nhiều bằng các thần của Điện Ngọc hoàng.

Ngoài các thần thánh bồ tát của Đạo giáo, Phật giáo, ta thấy các vị thần trong tín ngưỡng dân gian cùng hội tụ ở đây. Niềm tin đơn sơ của con người thể hiện qua các thần như Lỗ Ban, cầu cho nghề nghiệp, Văn Xương cầu việc học hành, mong chút công danh ở đời, ông Tơ bà Nguyệt cầu tình duyên, mà hai vị này thì quá nửa số người trên trái đất mong được hiển linh, ai mà chẳng mong lấy được người trong mộng (!) mà chuyện se nhầm thì thường xảy ra lắm, cứ xem tỉ lệ li hôn ngày càng tăng thì rõ, qua đó thì thấy thánh cũng chẳng khác người phàm là mấy ; Mẫu Kim Hoa cầu việc sinh nở được mẹ tròn con ca rê. Cứ việc gì khó thì tìm một vị nào thích hợp thờ làm thần. Niềm tin con người lớn lao đến thế. Còn cầu có được, ước có thấy hay không là chuyện khác.

Việc chẳng thành là niềm tin không đủ lớn, nên thần không phù hộ. Ông bà đã bảo, có thờ có thiêng, có kiêng có lành đó sao.

Còn thì tận nhân lực, tri thiên mệnh là thuyết của Nho giáo. Ông Khổng không tin thì kệ ông ấy.

Và mỗi ngày, ngày ngày, hàng hàng lớp lớp người Hoa, người Việt và nhiều người khác nữa vẫn đến chùa Ngọc hoàng cầu cúng. Người cầu tình duyên, người mong con cái, người khấn khứa bình yên.

Mà đến cả Tổng thống Obama còn đến cầu nữa là!!!

"Rằng trăm năm cũng từ đây.

Của tin gọi một chút này làm ghi”.

(Trích diễn văn của TT Obama)

Đã muộn rồi, nhưng vẫn xin mạn phép:

“Khi nên trời cũng chiều người,

Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau”.

 

 

Tháng Ba.2022

NTH

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết