Phật viện Đồng Dương và Thiền phái Trúc Lâm (Kỳ 4/7)

Qua Bi Ký

Trong 128 bia Chămpa tìm thấy, chỉ có 7 bia đề cập đến Phật giáo (các bia còn lại nói đến các thần Siva, Vishnu, Brahma…). Đó là các bia Võ Cạnh (Nhatrang), bia An Thái (Quảng Nam), bia Đại Hữu và bia Phong Nha (Quảng Bình), bia Phú Quý và bia Bakul (Phan Rang), bia Nhan Biểu (Quảng Trị), bia Đồng Dương. Các bia này phân bố đều trong vương quốc Chămpa. Trong số này, bia Võ Cạnh có giá trị nhất. Bia bằng đá hoa cương, niên đại khoảng thế kỷ thứ I – IV. Nội dung bia có thể cho thấy thời điểm Phật giáo du nhập vào Chămpa. Theo L. Finot, vua Cri Mara cho dựng bia thể hiện sự vô thường của cuộc đời, lòng trắc ẩn với chúng sinh, sự hy sinh của cải của mình cho chúng sinh theo tinh thần của Phật pháp.

George Coedes cho rằng vào thế kỷ thứ III, Phật giáo là tôn giáo chủ đạo quanh vùng Nhatrang. Như vậy, Kauthara (vùng Nhatrang nay), có thể là nơi Phật giáo truyền vào đầu tiên, rồi từ đó lan sang các trung tâm khác như Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam nay), Amaravati (Quảng Bình đến Quảng Nam nay).

(Quảng Văn Son, Phật giáo Chămpa)

(Nội dung và xuất xứ của bia Võ Cạnh vẫn đang trong vòng tranh cãi. Maspero cho nó thuộc Lâm Ấp. Coedes, Stein, Gaspardone lại cho nó thuộc Phù Nam. Finot, Sarkar cho nó mang nội dung Phật giáo. Chhabra, Filiozart lại cho nó mang tinh thần Ấn giáo.)

Bia Võ Cạnh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

 

Bản dập minh văn bia Võ Cạnh

(Năm 1954, Filiozart đã dịch lại bản văn này như sau:

“Từ dòng thứ 1 đến 5 bị mòn.

Dòng thứ 6: … phổ độ chúng sinh.

Dòng thứ 7:... đặt để… cho cuộc khải hoàn đầu tiên.

Dòng thứ 8:… Đêm rằm sáng trăng… đêm trăng tròn, tổ chức thành cuộc nhóm họp do đức hoàng đế lọn tốt lọn lành triệu tập…

Dòng thứ 9: … cùng với các nhà truyền giáo, thật là một dịp để uống lấy hàng trăm lời huấn thị của đức hoàng đế. Cùng với cả hoàng gia và hoàng tộc của đức Vua Sri Mara.

Dòng thứ 10:… vì sự tô điểm… vì cái con người là niềm vui của gia đình của nàng con gái của người đích tôn của Hoàng thượng Sri Mara… đã được hạ chiếu… đẻ ra các người thân thuộc…

Dòng thứ 11:… Ở chính giữa… Việc ban lệnh này đưa lại hạnh phúc cho muôn loài do vị Karin tốt lành nhất (tức là đức vua) ban cho… đi và về trên thế giới này…

Dòng thứ 12:… Những người được ngồi trên ngôi vua… bởi tấm lòng muốn chia đều của cải cho con cái anh em, và con cháu sau này…

Dòng thứ 13:... Tất cả mọi thứ gì là bạc, là vàng, là người hầu, là của cải vật chất trong kho…

Dòng thứ 14: …Tất cả những thứ đó đều do tự tôi giao lại với lòng vui vẻ và có ích lợi. Đó là cái mà tự tôi cho phép và tự các nhà vua sau này cho phép.

Dòng thứ 15: …là đã chuẩn y… được sự chứng giám của vị quan tư lễ của tôi là Vira”.

Học giả Claude Jacques, trong bài “Một số ghi chú về khối bia Võ Cạnh “thì nêu câu hỏi, đây là văn xuôi hay văn vần? Nếu là thơ thì niêm luật của nó ra sao? Tổng cộng bao nhiêu chữ đã được viết ra? Chữ được đọc theo từng mặt, hay đọc theo dòng từ mặt nọ tới mặt kia?

 

 Ngày nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã thống nhất về nội dung minh văn của bia Võ Cạnh, theo “Những ghi chép về văn khắc “của Louis Finot, tr.4 trong “Étude épigraphique sur le pays chams in Paris”, năm 1995 của tác giả Claude Jacques.

 

Theo đó, khối bia Võ Cạnh có nội dung sau: “Ý tưởng về sự ổn định, đến rồi đi, ở thế giới này, lòng khoan dung đối với con người, sự hy sinh vì lợi ích của người khác, tất cả những nét đó làm nổi bật sự phóng khoáng ở Sri Mara, xuất phát từ một thần cảm Phật giáo rõ nét, khiến người ta thoát khỏi ý nghĩ rằng vị thủ lĩnh này rao giảng học thuyết về sự khoan dung độ lượng.

 

Những vị thủ lĩnh Braman đã làm rất nhiều cho những khu đền. Họ không bao giờ có những suy nghĩ đã chu cấp đầy đủ nhu cầu cho gia đình họ.

 

Thừa nhận việc sở hữu số dư thừa trong tài sản của con người nói chung. Tinh thần của Acoka đã trở lại như trong chỉ dụ này. Nó cũng không tồn tại đến thời kỳ ban bố trước hội đồng trong những đêm trăng tròn, đây là một trong hai lễ hội hằng tháng của tín đồ Phật giáo”.)

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết