Phật viện Đồng Dương và Thiền phái Trúc Lâm (Kỳ 2/7)

Tượng Laksmindra-Lokesvara bằng đồng phát hiện ở Đồng Dương năm 1978. (Bảo tàng Chăm, Đà Nẵng)

 

Vật cầm tay của pho tượng ở trên. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ là hoa sen và con ốc.

 

Tượng Phật bằng đồng phát hiện ở Đồng Dương năm 1911. (Bảo tàng Lịch sử, TP HCM)

Riêng về nguồn gốc 2 pho tượng đồng nói trên, có 3 ý kiến khác nhau:

  1. Nhập tượng từ nước ngoài (Ấn Độ hoặc Đại Lý, là nước của công tử Đoàn Dự trong Thiên Long bát bộ đấy).
  2. Nguyên liệu đồng nhập từ nước ngoài, nhưng nhân công là người bản xứ.
  3. Nguyên liệu nước ngoài, nhân công cũng là người nước ngoài, có thể là Ấn Độ.

     Theo mô hình phục dựng cho thấy, toàn bộ khu vực chính được chia làm ba khoảng bằng nhau chạy dài từ tây sang đông theo một chỉnh thể thống nhất. Điểm giữa của khu di tích (nằm ở khoảng giữa cực tây) là một tháp lớn (đã bị đổ nát). Chung quanh tháp lớn là bốn điện thờ gồm tháp nam, tháp tây nam, tháp tây bắc và tháp bắc. Một bức tường bao quanh khu vực này tạo nên một khoảng sân chính cho Phật viện. Ở khu sân trung tâm còn có nhiều kiến trúc phụ khác như: 7 ngôi miếu, hai tháp có 4 cửa, hai tòa nhà (khu tịnh xá), trước cổng sân có hai cột trụ. Bên cạnh khu sân trung tâm (gọi là sân I) còn có các sân khác (gọi là sân II và sân III) với không gian nhà dài và hai cổng (mỗi cổng có hai trụ). Riêng khu sân IV là khu sân dài dẫn ngay tới cổng ngoài cùng. Đó chính là những mô tả chính yếu của khu Phật viện Đồng Dương.

Nhìn tổng quát kiến trúc đền tháp Đồng Dương là một cấu trúc dài 1330 mét chạy dài theo hướng đông – tây. Trong khu vực này, có một đền thờ chính nằm ngay trong một vành đai hình chữ nhật dài 326 mét, rộng 155 mét. Từ đó, một con đường dài 763 mét chạy tới một khu rộng hình chữ nhật (dài 300 mét, rộng 240 mét). Tiếp theo, theo hướng đông – tây là những thánh đường nằm trong các khu khác nhau.

     Toàn Phật viện chia thành 3 khu kiến trúc được tách nhau bằng các tường ngăn cách và kế tiếp nhau từ tây sang đông: khu chánh điện trung tâm; khu vực tịnh xá và giảng đường của Phật viện; và đáng chú ý hơn cả là nghệ thuật kiến trúc và xây dựng của khu đền tháp phía nam, phía tây bắc, phía tây nam và phía bắc.

     Khu vực trung tâm của Phật viện, bao gồm tháp thờ (hay đài thờ) trung tâm (còn gọi là chánh điện), các tháp phụ và hơn 18 điện thờ nhỏ nằm dọc các chân tường nằm bao quanh. Đây là khu vực quan trọng vào loại bậc nhất của khu Phật viện, là nơi diễn ra các nghi thức tôn giáo trong Phật viện.

     Khu Tăng xá hay tịnh xá đã bị đổ nát, chỉ để lại dấu tích của các bức tường, các thềm cửa... Ngôi nhà chạy dài theo hướng đông tây và mở hai cửa ra vào ở hai đầu đông và tây. Gian nhà được chiếu sáng bằng hai dãy cửa sổ ở hai phía tường dài, những dấu tích còn lại như các bức tường quá mỏng và cách xa nhau. Theo H. Parmentier, tòa nhà dài ở khu II có kiến trúc là một ngôi nhà có mái lợp ngói không phải xây gạch hình tháp mà là ngôi nhà trú đơn giản. Mặc dầu không để lại nhiều dấu tích kiến trúc và điêu khắc như ở khu tháp phía tây, nhưng một số tượng Thiện Thần bằng đá ở khu II lại là những tượng Thiện Thần đẹp nhất, gây ấn tượng nhất không chỉ của Đồng Dương mà còn của toàn bộ lịch sử nghệ thuật Chămpa.

     Khu giảng đường tu viện Phật giáo là ngôi nhà dài đa chức năng, vừa là nơi để thuyết giáo, vừa là nơi để đón tiếp khách, vừa là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo. Gian nhà dài có kiến trúc khá đặc biệt: “Ngôi nhà chạy theo hướng đông tây và mở hai cửa ra vào ở hai đầu hồi đông và tây. Gian nhà được chiếu sáng bằng hai dãy cửa sổ ở hai phía tường dài... Gian nhà dài được dựng trên hai dãy tám cột. Chạy quanh gian chính dựng trên hai hàng cột lớn là các gian bên được dựng nối tiếp từ các cột lớn tới các cột nhỏ và thấp hơn bên ngoài. Các cột lớn và nhỏ được xây bằng gạch và đều vuông. Mặt ngoài của các cột lớn đều có lỗ hình chữ nhật ở tầm cao ngang với tầm đỉnh của các cột nhỏ”.

     Khu vực phía sau của khu nhà dài được phủ kín bằng các cột, không có cửa ra vào như mặt phía trước. Khu vực này là khu vực trang nghiêm của gian nhà dài với một đài thờ lớn có cấu trúc, kích thước và trang trí gần giống và không kém phần quan trọng như đài thờ của chánh điện ở khu I. Trên toà đài thờ lớn này là hình tượng đức Phật Thích Ca, các vị Bồ Tát và các vị sư tổ nhà Phật. Đài thờ có kiến trúc khá đặc trưng của Phật giáo Chămpa.


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết