Những bức ảnh gợi nhớ - Phần 3

Hà Nội: vài thức quà vặt

 

Hàng quà rong .

Không phải xôi, không phải cháo, bánh cuốn chăng ?

“ Đây mới là món quà chánh tông: bánh cuốn, ăn với chả lợn béo hay với đậu rán nóng. Nhưng là bánh cuốn Thanh trì mỏng như tờ giấy và trong như lụa. Vị bánh thơm bột mịn và dẻo. Bánh chay thì thanh đạm, bánh mặn đậm vì chút mỡ hành…”

(Thạch Lam, Hà Nội 36 phố phường)

 

Đúng là phở, hãy nhìn thùng nước dùng ở gánh sau.

“ Phở là thức quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, mà chính là vì ở Hà Nội mới ngon…

Phở bán gánh có một vị riêng, không giống như phở bán ở hiệu…

Có một nơi phở rất ngon mà không ai nghỉ đến và biết đến: ấy là gánh phở trong nhà thương… Gánh phở của bà thì tuyệt, bát phở đầy đặn và tươm tất. Nước thì trong, lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ…”

(Thạch Lam, Hà Nội 36 phố phường)

Bánh đa nướng.

Khoảng năm 1985, đi xe đò qua Phan Thiết, ăn cái bánh tráng nướng quết mắm ruốc, lạ miệng nhưng ngon. Ăn xong khát nước, uống thêm ly trà đá. Đủ no để vào tới Sài Gòn. Bây giờ còn bán không ?

Vẫn là hàng quà rong, nhưng không đoán ra được là thức gì ?

Không phải là quang gánh như các bà, các cô thường gánh, mà là những thanh gỗ đóng thành thùng vuông vức và đẹp. Trên là sạp để vài món linh tinh.

Hà Nội 1948.

Vẫn là kiểu thùng gỗ như ở trên, nhưng là của một bác khác. Bác ở trên đội nón cối, bác này mang mũ phớt. Xem mấy chai lọ lỉnh kỉnh thì đoán chừng bác này bán bò khô ?

Cháo hoa quánh mùi gạo thơm.

“Cháo hoa buổi sớm của người Khách bán. Thứ cháo tên là ‘Bạc chúc’, gạo nhỏ biến và mịn như nhung, thỉnh thoảng lại điểm cái vị mát của ý dĩ và vị bùi của thảo quả. Hoặc ăn cháo không , hoặc ăn với ‘dâu chặc quây’, một thứ bánh bột mì  rán vàng và phồng mà cái béo ngậy và ròn tan ra hòa hợp rất kín đáo và rất mỹ thuật với cháo loãng. Trong thức quà buổi sớm đó, có một cái nhỏ nhắn, tế nhị và thanh tao…”

(Thạch Lam, Hà Nội 36 phố phường)

Kem dạo. Câu rao nghe thật lạ, “Se cấu, se cấu”. Thức quà chỉ có từ khi người Pháp sang.

 

Nước vối nóng. Nóng nhưng lại uống vào ngày hè vì nước vối mát nên có tính giải nhiệt.

Cháo đậu xanh, chè đậu đen Xem lời rao: “Ai cháo đậu xanh ra mua”. “Ai cháo đậu xanh, chè đậu đen ra mua.”

“ Sao bằng mát ruột và lạnh hơn lúc đương nực, ăn một xu chè đậu đen của cô hàng đòn gánh cong ở sau phố Sinh Từ ? Trong một buổi đêm mùa hạ, khi các hè phố ngổn ngang những người nằm ngồi hóng mát, từ viên công chức đến bác thợ thuyền, thì các cô qua lại luôn luôn bật ra cái tiếng rao, ‘Ai cháo đậu xanh, chè đậu đen ra’, lanh lảnh và kéo dài như một luồng gió mát.

(Thạch Lam, Hà Nội 36 phố phường)

Bánh giò, bánh dày. Món của người Bắc. Trước ở Sài Gòn ít thấy, muốn ăn phải lên tiệm giò chả Phú Hương trên đường Hiền vương mua. Bây giờ thì ngày nào cũng có người bán dạo khắp hang cùng ngõ hẽm.

Hai món này luôn được bán chung với nhau dù không để ăn chung. Và, tiếng rao thì buồn như những cuộc đời trong ngõ hẹp: Dầầyy… Giòò…òò… nhất là khi nghe tiếng rao lúc nửa đêm.

Bánh chưng, bánh cốm (Ai bánh trưng, bánh cốm ra mua)

“Bánh cốm hàng Than…một thứ bánh ngon mà không đắt. Vuông vắn như quyển sách vàng, buộc lá chuối xanh bọc lạt đỏ. Nhân đậu xanh giã nhỏ, vương mấy sới dừa, mà đường thì ngọt đậm…”

“Cốm là thứ quà đặc biệt riêng của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam…

Cốm không phải là thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghỉ.Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của mùi thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ. Chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ủ trong lá sen…”

(Thạch Lam, Hà Nội 36 phố phường)

Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm,

Chả biết tay ai làm lá sen ?

(Nguyên Sa, Paris có gì lạ không em)

Ai bánh cuốn ra mua

Ai bánh tây ra mua

Bánh tây ăn với chả. Bánh tây (bánh mì) do người Pháp đem sang. Tây thì ăn với phô mai, với trứng ‘ôm lết’, với bò ‘bíp tếch’, người Việt ăn với chả lụa, hay chả quế, rắc ít muối tiêu. Ngon ra phết.

Thời đi học, thỉnh thoảng lại ăn bánh tây với quả chuối, hình như chỉ với chuối già là ngon nhất, với chuối sứ, chuối ngự không đúng vị.

Ai nem sốt mua. Ai nem mua. Nem sốt là món nóng, nem là món nguội chăng? Là nem chua hay gì ?

 

Hàng ăn bán dạo.

Một bức ảnh bình thường nhưng y phục rất đặc trưng:

Của phụ nữ: áo tứ thân, nón quai thao hoặc khăn mỏ quạ.

Của nam giới: áo cánh tay dài, quần lá tọa, đầu quấn khăn. Không thấy ai để đầu trần vì người xưa quan niệm cái tóc rất thiêng liêng ( Ca dao: cái răng, cái tóc là góc con người).

 

Tháng 1.2021

NTH

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết