Những bức ảnh gợi nhớ - Phần 2

Vài món ăn đường phố ở Sài Gòn

 

Chú thích ảnh ghi: Soya cheese hawker in 1890. Sớn sác tưởng là món của hoàng gia Anh, hóa ra là món tàu hủ bình dân của Nam bộ (người bán hình như là chú Khách). Bây giờ vẫn còn nhưng đậu không bùi, gừng không cay như ngày xưa ăn ở Nhatrang nữa. Món ăn nhẹ và dễ tiêu.

Chú thích ảnh ghi Soupe. Nhưng súp là tên chỉ rất nhiều món ăn Việt (và Hoa) khác nhau. Đây có lẽ là cháo ( để ý chén và muỗng của người ăn). Không biết là cháo trắng ăn với cá kho mặn hay hột vịt muối hay cháo đậu xanh ăn với đường tán. Người Nam bộ thường ăn cháo trắng với cá kho mặn. Cháo của người Hoa thì rất loãng ăn với trứng muối. Người Việt nấu cháo đặc hơn một chút.

Kẹo. Kẹo dừa hay mè xửng hay kẹo đậu phụng ? Miền Trung có loại kẹo ú, làm bằng đường thắng chín tới gia gừng tươi, ngoài tẩm bột cho khỏi dính; trông hình thù xấu xí và không đều nhưng thực sự rất ngon, các cô cậu bé con ngày xưa rất mê món này. Miền Bắc có món kẹo vừng, kẹo bột có lẽ cùng loại này, nhưng Thạch Lam (HN, 36 phố phường) lại cho là không ngon lắm.

Hàng nước chè. Thật bất ngờ khi xem tấm ảnh này. Cứ tưởng hàng nước chè xanh chỉ có ở ngoài Bắc.

Thạch Lam (Hà Nội 36 phố phường) tả hàng nước cô Dần như sau:

“Cô Dần là một thiếu nữ hãy còn trẻ, cứ nghe tên cô thì đủ biết (cái lối đặt tên của cổ nhân ta nghỉ cũng thẳng thắn và thực thà mang cái tuổi trong tên mình không cần giấu giếm)…

Cửa hàng của cô cũng không có gì: một vài phong thuốc lào, một bao thuốc lá bán lẻ, vài cái bát uống nước, như cái bát uống nước ở tất cả hàng nước Việt Nam, đặt úp xuống mặt chõng. Nhưng hàng nước cô Dần có một chút đặc biệt hơn: cô không bán nước vối hay nước chè tươi. Cô bán nước chè, tôi cũng không biết chè mạn hay chè hột, chỉ biết là một thứ chè cũng dễ uống. Và có lẽ bán cho người ở đất ‘văn minh’ , nên cô bán nước chè uống sôi, dù trời rét hay trời nóng, mùa đông hay mùa hạ. Ấm chè bọc cái áo gai rất cẩn thận, dựng bên cái hỏa lò than cũng hồng, mang một ấm nước bao giờ cũng reo sôi.”

Trong Nam quanh năm nắng nóng, người ta thường uống chè và cắn thêm miếng đường tán. Làm đồng hay lao động nặng nhọc, miếng đường cũng làm tăng thêm chút năng lượng.

Ảnh ghi ngày 27.10.13. Vẫn là soupe. Ở thùng hàng bên phải có cái siêu, loại siêu sắc thuốc, nên không rõ là món gì.

Ảnh ghi Marchand ambulant (hàng rong) nên không biết món gì.

Mía ghim. Có lẽ thời ấy chưa có món mía hấp. Cây mía gọt sạch vỏ, cắt thành từng đoạn cỡ ngón tay, bỏ vào xửng, dưới là nồi nước sôi thêm vài lá dứa. Mía hấp có vị ngọt thanh hơn là mía tươi. Ngày nay không còn bán nữa.

Còn đây là món mía ở Hà Nội xưa qua lời thuật của Thạch Lam (Hà Nội 36 phố phường): “Hút thuốc hay ráo cổ, thì có khó gì. Đã có mía ngọt, luộc trong một thứ nước riêng, có những vị gì tôi không biết, vì mấy lần hỏi, chú bán hàng cứ giữ bí mật của nhà nghề. Khẩu mía và chén nước ấy, người ta rao bốn tiếng lạ lùng là: ‘Mạo cán chè, sủi !’

Soupe chinoise, hủ tíu hay mì tiều ? Xe gắn kiếng vẽ hình sặc sỡ nay không còn thấy .

(Giải thích của học giả An Chi về món hủ tíu: hình thức phiên âm ban đầu là củ tíu, là cách phiên âm của người Triều Châu, không phải Quảng đông.

Theo học giả Vương Hồng Sển thì : Hủ tíu của chệc Tiều, từ Nam Vang tiếng hủ tíu lại là tiếng Quảng đông, “hủ “ là mục nát, và “ngầu dục phảnh” chính là ngưu nhục phấn”, qua xóm Tiều hóa ra “củ tiếu”, có lẽ “củ” là “quế”, “tíu, tiếu” là nhỏ nhít (ngon thơm như mùi quế, nhỏ sợi…)

 

Xe hàng rong bán kem. Được trang trí cầu kỳ để tự quảng cáo và dụ đám khách con nít. Lạ là kem lại là món từ các xứ ôn đới quyến rũ được dân các xứ nóng.

Bán nước chè và bánh gatô. Chú bé bán báo đang húp vội tô nước để còn kịp rao báo. Bà hàng đã theo kịp thời đại, thay đường tán bằng bánh ga tô của tây.

Mía và bưởi

Thùng nước lèo đang sôi. Đồ ăn cất gọn và sạch sẽ trong các ngăn gỗ. Lọ nước mắm (?) và vài gia vị trên thùng bên kia. Phở chăng ? Có thể là phở gánh Hà Nội, bán ở Saigon vì trên ảnh có ghi Cochinchine, Saigon (Nam kỳ). Không rõ ảnh chụp lúc nào, nhưng nhiều tài liệu cho rằng Phở chỉ có ở Saigon khoảng 1951, 52 và rộ lên khoảng sau 1954.

Phở gánh có hương vị khác hơn phở hiệu. Nha trang ngày xưa, khu Xóm Mới, có xe phở đầu đỏ danh tiếng “lẫy lừng khắp xóm”. Cứ khoảng 4, 5 giờ chiều, ông hàng phở, luôn quấn chiếc khăn đầu rìu màu đỏ trên đầu (nên thành danh Phở Đầu Đỏ) bắt đầu buổi bán hàng của mình. Ông không gánh mà có xe hẳn hoi. Dĩ nhiên là không gắn kiếng, không bọc inox, chỉ là đồ gỗ cũ kỹ. Nhưng mùi thơm bất diệt của nồi nước dùng thì không bao giờ cũ. Nó luôn thơm, luôn mới như các thức rau  (hành hoa, húng quế…). Nhà ta là khách thường xuyên của ông, giờ gọi là khách Vip, hay khách hàng thân thiết ! Xem ông biểu diễn món phở tái thì hấp dẫn hơn chính tô phở nữa. Cầm một miếng thịt bò tươi, cắt dăm miếng mỏng như tơ trời, đảo qua một phát, giơ cao con dao thái thịt sáng loáng, đập chát một cái, hất gọn vào tô phở mà trước đó đã trụng bánh, rắc hành. Mở nồi nước, hơi thơm bay ra, khách hàng hít lấy hít để như sợ mùi bay đi mất, múc hai hay ba vá gì đó chan vào. Chuyền tay qua cho khách, vắt vài giọt chanh, với lấy lọ tiêu rắc một ít và…  cầm đũa nào… Ăn thôi…

Rạp chiếu phim lưu động và gánh hàng ăn kề bên. Có ai từng xem phim ở rạp này chưa ? Mối xuất chỉ chiếu cho một khách duy nhất. Dĩ nhiên, để bảo đảm doanh thu, xuất chiếu rất ngắn. Vì còn vô số khách đang xếp hàng chờ kia.

Một gánh trái cây khác

Xe bán nước giải khát. Quý anh uống gì ? Bia, limônát, xá xị, nước cam ?

Chè. Sương sa sương sáo. Đậu xanh đậu đỏ bánh lọt. Có sâm bổ lượng không cô ?

 

Phá lấu, món ăn đường phố trứ danh của Sài gòn. Ăn với bánh mì hay ăn không thì có sẵn miếng nhỏ ghim cây tăm chấm tương ớt. Đầy đủ tiêu chuẩn bảo vệ môi trường (không dùng bao nilon). Nhớ lại khoảng 1973-74, chiều nào cũng đi qua góc Pasteur-Lê Lợi, là thấy hàng phá lấu này đã dọn ra. Không biết ăn nên rất thắc mắc sao người ta ăn ngon lành vậy.

Ăn phá lấu rồi thì uống thêm ly nước mía Viễn Đông là xong một buổi bát phố Sài Gòn.

Hay chưa no thì thêm vài cái gỏi cuốn.

Chỗ này còn có tiệm cà phê Meilleur Gout, và tiệm mì Hào Huê.

Và, bên kia đường là tiệm kem Mai Hương. Những ngày tháng cũ và những hình ảnh đã xa rồi…

 

Tháng 1.2021

NTH


Có 1 phản hồi với bài viết “Những bức ảnh gợi nhớ - Phần 2”

  1. Thứ tư, 13 Tháng 1 2021 15:32

    Những tấm ảnh quí giá, những dòng tư liệu gợi nhớ cả một trời ký niệm của những người ở tuổi thất thập cổ lai hy. Xe phở "đầu đỏ"ở khu Xóm mới, những gánh tàu hủ bờ biển Nhatrang... Nhất là mấy tấm hình chụp nam 1968 góc phố Pasteur-Nguyễn Huệ, năm bác S đặt chân vào Saigon. Nhìn kỹ có khi tìm thấy mình đang đứng đâu đó, dang ăn phá lấu, uống nước mía Viễn Đông...hay đang ở trong quán kem Mai Hương...

    Cám ơn chú Hải thật nhiều!

Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết