Vân Nam, Nam chiếu, Đại Lý và Đoàn Hoàng Gia (Kỳ 4/4)

Triết lý tánh Không của đạo Phật và Đoàn Dự, người ngộ đạo

Yếu lý của Phật giáo là chữ Không. Đó là một chữ huyền diệu, Nó không có nghĩa là Zero, con số mà người Ấn Độ phát minh ra và người Tây phương áp dụng rất thành công trong môn đại số, mà lại có nghĩa là Trống Rỗng (Emptiness, Nothingness)

Bát nhã tâm kinh diễn ý chữ Không như sau, (ở đây xin mạn phép Thầy Đường tăng Trần Huyền Trang diễn nôm na cho dễ hiểu, bản Bát nhã tâm kinh rất phổ biến ở Việt Nam, và cả ở Nhật, Trung hoa, Triều Tiên là do Đường tăng thỉnh về từ Thiên trúc và dịch lại từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào năm 649):

Này các Phật tử, mọi hiện tượng, mọi việc và sự vật đều là không, chúng không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm. Không có thân xác (tức không có mắt mũi tai miệng lưỡi), không có tâm ý (tức không có thể xác và do đó không có ý tưởng).

Thấu hiểu điều đó sẽ hết khổ đau và ngộ được lẽ vô thường của tạo hóa. (Khổ phát sinh từ ham muốn, ham muốn phát sinh từ mắt thấy tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm; hết ham muốn sẽ hết khổ đau.)

Kinh Hoa Nghiêm tóm tắt như sau: tất cà là sự không ngoài không gian và thời gian.

Ngay cả Stephen Hawking, nhà vật lý lý thuyết danh tiếng nhất thời hiện đại cũng đã nhiều lần tuyên bố một cách công khai rằng ông có ý định tìm hiểu ý nghĩa của Thượng đế. Và từ nỗ lực đó, ông đã rút ra kết luận bất ngờ nhất, ít nhất là cho đến hiện nay, đó là vũ trụ không có biên trong không gian, không có bắt đầu và kết thúc trong thời gian và chẳng có việc gì cho Đấng sáng thế phải làm ở đây cả.

Như mô tả trong Thiên Long bát bộ, Đoàn Dự là người dòng họ hoàng gia mà nhiều vị vua đã xuất gia đi tu ngay khi còn tại vị, là người dân trong một nước mà tuyệt đại đa số rất sùng mộ đạo Phật. Ông từ nhỏ đã lên chùa nghe giảng kinh nên tất nhiên rất hiểu mọi lẽ huyền vi của Phật giáo. Ông rất nhân từ, không ưa bạo lực, ghét sát sanh. Chỉ mỗi tội si tình. Si tình thuộc loại bậc nhất. Chỉ nhìn thấy pho tượng ngọc bích mỹ nhân trong động đã say mê điên đảo rồi. (Nhân vô thập toàn mà).

Vì không ưa sát sanh nên không muốn học võ. Trớ trêu là lại trở thành tay võ công tuyệt thế. Thấy pho tượng mỹ nhân liếc đi đâu thì Dự ta bước chân theo đó. Vô tình học được pho khinh công số một giang hồ, pho Lăng Ba vi bộ. Thừa hưởng từ dòng họ Đoàn kiếm pháp Lục Mạch thần kiếm tuyệt thế vô song, nhưng nhất định không học. Bị Ác tăng Cưu Ma Trí (nhưng sau khi rơi xuống giếng ở nước Tây Hạ, bỗng ngộ đạo, trờ thành Thần tăng, vân du giảng đạo ở nhiều nơi, chỉ không đến Việt Nam) bức bách, bất đắc dĩ Dự phải học, nhưng lúc nhớ lúc quên. Cố ý thì không sao thi triển được, vô tình thì lại phát được đủ 6 đường kiếm pháp, đánh cho Mộ Dung Phục thất điên bát đảo.

Yếu lý của việc này đã được Thiền sư Đạo Hạnh (Từ Đạo Hạnh 1072 – 1116) diễn qua bài thơ Hữu Không (Có Không)

Tạc hữu trần sa hữu,

Vi không nhất thiết không.

Hữu, Không như thủy nguyệt,

Vật trước hữu không không.

Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không.

Kìa xem bóng nguyệt lòng sông,

Ai hay không có có không làm gì.

 (Bản dịch của Huyền Quang tam tổ).

Có thì như Đoàn Dự, không biết gì nhưng lại có tất cả. Không thì như Cưu Ma Trí, biết tất cả nhưng lại muốn gồm luôn võ công của Đoàn gia là Lục Mạch thần kiếm và cuối cùng mất hết.

 Chùa Thầy, núi Phật Tích, xã Sóc Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, nơi Thiền sư Đạo Hạnh từng trụ trì

 

Thủy đình Chùa Thầy

 

Bình Thạnh, Tháng 1.2020

Ng T Hải


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết