TÔN GIÁO RA ĐỜI

TÔN GIÁO RA ĐỜI

Chúng ta vẫn quen nghĩ nông nghiệp khai sinh ra thành thị rồi tiếp đó là chữ viết, nghệ thuật và tôn giáo. Giờ đây ngôi đền xưa nhất thế giới sẽ thúc dục chúng ta phải tôn thờ một nền văn minh sáng chói.

Bất chợt buổi đầu của nền văn minh lại hiện ra trên một ngọn đồi xa xôi ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Hàng đoàn xe buýt chở du khách lại xuất hiện _ đa phần là người Thổ, cũng có vài người châu Âu. Xe buýt chạy ngả nghiêng trên con đường quanh co, xa vắng tới  những bờ đá dựng trông như những con tàu chiến đậu trước cổng thành đá. Du khách ào xuống với lỉnh kỉnh những chai nước và máy MP3, hướng dẫn viên thì gào lên chỉ chỏ, giải thích. Chẳng chú ý gì sất, đám du khách xông lên đồi, rồi há hốc mồm  thành một hàng chữ O.

Trước mắt họ là hàng tá cột đá khổng lồ tạo thành một loạt vòng tròn, cáí này trộn lẫn vào cái kia. Có tên là Göbekli Tepe (đọc là Gut bek li tet pet), địa điểm này gợi nhớ đến Stonehenge, chỉ khác là Göbekli Tepe được xây dựng sớm hơn nhiều và được làm không phải từ những khối đá chẻ thô kệch mà là từ những trụ đá vôi chạm khắc tinh tươm, tung tẩy các phù điêu động vật _ một đoàn những linh dương, rắn , chồn, bò cạp và những con lợn rừng hung dữ. Tập hợp này được xây dựng đâu chừng 11.600 năm trước, 7 thiên niên kỷ trước Đại Kim tự tháp Giza. Trong đó có ngôi đền cổ nhất. Nói cho đúng, Göbekli Tepe là nguyên mẫu xưa nhất mà con người biết đến về kiến trúc đền đài _ thứ kiến trúc mà con người xếp đặt đầu tiên phức tạp hơn một căn lều. Vào thời gian xuất hiện những trụ đá này, thì trong chừng mực hiểu biết của chúng ta, trên thế giới không gì so sánh được với nó.

Vào thời gian tạo tác Göbekli Tepe, loài người còn sống thành các nhóm du mục nhỏ, tồn tại bằng cách hái lượm hay săn bắt thú hoang. Xây dựng địa điểm này đòi hòi phải tập trung đông người hơn vào một chỗ, điều chưa từng xảy ra trước đó. Điều lạ là, những người xây dựng đền có khả năng chặt, tạo hình những khối đá nặng đến 16 tấn mà không có bánh xe hay thú kéo. Những người hành hương đến Göbekli Tepe  sống trong một thế giới không có chữ viết, kim loại, đồ gốm; với những ai từ dưới leo lên đền, thì những cột trụ của nó lù lù hiện ra như những người khổng lồ cứng ngắc, những con thú trên đá rùng mình dưới ánh lửa _ như hiện ra từ một thế giới thần linh mà con người chỉ mới bắt đầu được mục kích.

Các nhà khảo cổ còn đang đào xới Göbekli Tepe và vẫn đang tranh luận về ý nghĩa của nó. Họ biết chắc  di chỉ này mang tầm quan trọng nhất trong một chuỗi những phát hiện bất ngờ làm đảo lộn hết những quan điểm cũ về quá khứ xa xưa của loài người chúng ta. Chỉ mới 20 năm trước, các nhà nghiên cứu còn tin rằng họ biết rõ thời gian, địa điểm và hệ quả của Cuộc Cách mạng Tân Thạch khí (Neolithic Revolution), cuộc chuyển tiếp mang tính quyết định đưa đến kết quả là khai sinh ra nông nghiệp, đưa người Homo sapiens từ những nhóm săn bắn rải rác tập hợp thành những làng làm nông và từ đó đi đến những xã hội có kỹ thuật tinh xảo, có đền có tháp vĩ đại, có vua và thầy tu điều khiển công việc của thần dân, và ghi chép lại lễ lạc của họ dưới hình thức chữ viết. Nhưng trong vài năm gần đây, giữa vô số các phát hiện mới, Göbekli nổi hẳn lên và bắt đầu làm các nhà khảo cổ phải suy nghĩ lại.

Trước tiên cuộc Cách mạng Tân thạch khí được nhìn như một sự kiện duy nhất_ một ánh chớp đột ngột của thiên tài_ diễn ra ở một địa điểm duy nhất, Mesopotamia, giữa 2 con sông Tigris và Euphrates, nơi hiện nay là miền nam Iraq, rồi lan rộng ra Ấn Độ, châu Âu và xa hơn nữa. Phần lớn các nhà khảo cổ cho rằng nền văn minh đột khởi này do các biến đổi về môi trường đưa đẩy: sự ấm lên từ từ khi kỷ Băng hà kết thúc cho phép con người trồng trọt hoặc chăn nuôi với số lượng lớn. Những nghiên cứu mới đây cho thấy cuộc cách mạng diễn ra có nhiều người tham dự trên một vùng rộng lớn và trải qua nhiều ngàn năm. Và nó được lèo lái không do môi trường mà do một cái gì đó khác hoàn toàn.

Sau một khoảnh khắc yên lặng vì sửng sốt, đám du khách tíu tít dơ máy chụp ảnh và điện thoại di động lên chụp hình. 11 thiên niên kỷ trước, dĩ nhiên là chẳng ai có thiết bị chụp hình kỹ thuật số cả. Nhưng mọi thứ thay đổi ít hơn người ta nghĩ. Đa số các trung tâm tôn giáo lớn trên thế giới, trong quá khứ và hiện tại, đều là các nơi chốn hành hương_ Vatican, Mecca, Jerusalem, Bodh Gaya (nơi Đức Phật giác ngộ), hoặc Cahokia ( phức hợp thổ dân châu Mỹ khổng lồ ở gần St. Louis). Chúng là đài tưởng niệm dành cho khách hành hương về tinh thần, là những người thường là vượt qua những quãng đường rất xa, để rụt rè và để được kích động. Göbekli Tepe có thể là cái đầu tiên trong tất cả những nơi ấy, cái làm kiểu đầu tiên. Điều nó gợi lên, ít ra là đối với các nhà khảo cổ làm việc ở đó, là ý thức của con người đối với tính thiêng liêng _ và tình yêu của con người đối với một nơi thánh thiện _ có thể đã mở đường cho chính nền văn minh.

Klaus Schmidt biết ngay rằng mình sắp phải mất rất nhiều thời gian ở Göbekli Tepe. Đang là nhà nghiên cứu ở Viện khảo cổ Đức ( DAI), Schmidt đã mất cả muà thu năm 1994 lăn lộn suốt miền nam Thổ nhĩ Kỳ. Ông từng làm việc ở đó một vài năm và đang tìm thêm địa điểm khác để khai quật. Thành phố lớn nhất trong vùng này là Şanliurfa ( đọc là shan li o fa). So với tiêu chuẩn của một thành phố mới như Luân đôn, Şanliurfa quả là quá xưa _ nơi người ta cho là nơi sinh của nhà tiên tri Abraham. Schmidt ở trong thành phố để đi tìm một nơi nào đó giúp ông hiểu được thởi Tân thạch khí, một chỗ làm Şanliurfa trông như trẻ hơn. Phía nam Şanliurfa mặt đất nhấp nhô thành những rặng đồi đầu tiên của dãy núi chạy ngang miền nam Thổ nhĩ Kỳ, nguồn của 2 con sông lừng danh Tigris và Euphrates. 14km bên ngoài thành phố là rặng núi dài có chóp tròn mà dân địa phương gọi là Đồi Potbelly _ Göbekli Tepe.

Vào những năm 1960 các nhà khảo cổ thuộc Đại học Chicago đã khảo sát vùng này và kết luận không đáng quan tâm. Có dấu vết xáo trộn trên đỉnh đồi nhưng họ gán nó cho các hoạt động quân sự của một tiền đồn thời Byzantine. Rải rác đây đó là những mảnh đá vôi mà họ cho là đá làm mộ. Schmidt đã tình cờ thấy được những mô tả ngắn gọn về đỉnh đồi của các nhà nghiên cứu Chicago và quyết định kiểm tra lại. Ông thấy rất nhiều mẩu đá lửa trên mặt đất. Schmidt bảo là, trong vòng vài phút ông nhận ra ông đang đứng ở một nơi mà nhiều thiên niên kỷ trước hàng tá thậm chí hàng trăm con người đã làm việc. Những phiến đá vôi không phải là đá mộ Byzantine mà xưa hơn nhiều. Cộng tác với DAI và Bảo tàng Şanlirufa, ông quyết định sang năm sẽ làm việc ở đây.

Vài phân dưới mặt đất, toán nghiên cứu chạm phải một tảng đá kiểu mẫu trau chuốt. Rồi một, và thêm nữa, một chuỗi những cột đá dựng đứng. Năm tháng trôi đi, toán của Schmidt, gồm các sinh viên tốt nghiệp Đức và Thổ, luân phiên thay thế nhau và chừng 50 dân địa phương, tìm thấy một vòng tròn đá thứ hai, rồi thứ ba, và nhiều nữa. Khảo sát địa từ trường vào năm 2003 cho thấy có ít nhất 20 vòng chồng lên nhau, hết sức lộn xộn, dưới mặt đất.

Những cột đá rất lớn _ cao nhất là 5,4m và nặng 16 tấn. Tập hợp trên các bề mặt là cả bầy thú chạm nổi, mỗi con mỗi tư thế, có con thô phác, có con rất tinh xảo và có tính biểu tượng như nghệ thuật thời Byzantine vậy. Rải rác khắp nơi trên đồi là kho chứa lớn nhất những dụng cụ bằng đá lửa thời cổ mà Schmidt mới thấy _ cái kho thời Tân thạch khí chứa những dao, rìu, mũi chạm. Schmidt bảo là, cho dù đá có lấy từ các thung lũng kế cận, “ thì vẫn có quá nhiều đá lửa ở một chỗ nhỏ xíu như thế này, chưa tới nửa mét, nhiều hơn bất kỳ trên toàn một địa điểm khảo cổ nào khác.”

Những vòng này đi theo một thiết kế chung. Tất cả đều làm bằng trụ đá vôi tạo hình như chiếc que nhọn đầu khổng lồ hay hình chữ T hoa. Giống như lưỡi dao, những trụ này có chiều rộng gấp 5 chiều sâu. Chúng đứng như cánh tay vươn ra, kết nối bên trong là những bức tường đá thấp. Giữa mỗi vòng là 2 trụ đá cao hơn, hai đầu mỏng ăn vào những lỗ mộng nông đục dưới nền. Tôi hỏi viên kiến trúc sư người Đức và viên kỹ sư Eduard Knoll, người cùng làm việc với Schmidt để bảo tồn di chỉ này, có phải hệ thống giá đỡ được thiết kế rất tốt cho các trụ trung tâm không. Anh lắc đầu, “ Không. Đó chưa phải là thiết kế bậc thầy”. Knoll ước chừng là các trụ này được chống lên bằng các cột gỗ.

Đối với Schmidt, các cột hình chữ T này là thiết kế của người có phong cách, dùng ý tưởng đỡ bằng cánh tay chạm khắc, tạo góc từ vai của vài trụ đá, tay vươn đến chỗ phần bụng có quấn khố. Các tảng đá đối diện với trung tâm của vòng tròn, như ở “buổi lễ hay buổi hội”, theo lời Schmidt, một cách tượng trưng cho nghi thức tôn giáo. Còn với hình tượng các con thú nhảy dựng lên , ông ghi nhận là, hầu hết chúng đều là thú gây chết người, bò cạp đang chích, lợn rừng đang tấn công, sư tử giương nanh múa vuốt. Hình tượng mà các cột đá này tiêu biểu có lẽ được chúng canh giữ, hay vỗ về, hay kết hợp với chúng làm vật tổ.

Các bài toán khó cứ chất chồng lên khi cuộc khai quật tiếp tục. Vì những lý do chưa được biết, các vòng tròn ở Göbekli Tepe cứ mất dần quyền năng, hay ít nhất là vẻ lôi cuốn của chúng. Cứ mỗi vài thập kỷ con người lại chôn những trụ này đi và dựng những trụ mới lên, vòng thứ hai nhỏ hơn, bên trong vòng thứ nhất. Về sau, đôi khi, họ dựng vòng thứ ba. Thế rồi toàn bộ khối này sẽ bị bùn đất lấp đầy, và một vòng mới hoàn toàn sẽ được tạo ra gần đó. Địa điểm này có lẽ đã được tạo nên, lấp đầy, rồi được dựng lại trong nhiều thế kỷ.

Hoang mang, những con người ở Göbekli Tepe dần trở nên tồi tệ khi xây dựng đền đài. Những vòng đầu tiên là lớn nhất và phức tạp nhất, rất kỹ thuật và thẩm mỹ. Thời gian trôi đi, các trụ dần trở nên nhỏ hơn, đơn giản hơn, và dựng lên cẩu thả hơn. Sau cùng thì hình như mọi nỗ lực đều cạn kiệt vào năm 8200 trước Công nguyên. Tất cả Göbekli Tepe đều đổ sập xuống và không đứng lên nữa.

Cũng quan trọng như những gì các nhà nghiên cứu đã tìm thấy là cái họ không tìm ra: dấu vết cư trú. Hẳn phải có hàng trăm con người để chạm khắc và dựng các trụ này lên, nhưng địa điểm này không có nguồn nước. Con suối gần nhất cũng cách xa đến chừng 5km. Những người thợ này phải có nhà ở_ nhưng các cuộc khai quật không tìm thấy dấu vết tường, lò, nhà gì cả_ không một dấu hiệu kiến trúc nào để Schmidt  xem nó như nhà ở. Họ phải được cung cấp cái ăn, nhưng không có vết tích gì của việc trồng trọt. Schmidt không tìm thấy bếp tập thể hay bếp nấu ăn nào hết. Nó chỉ thuần tuý là một trung tâm hành lễ. Nếu có ai đó sống ở đây, họ không thường trú như các nhân vật chỉ huy. Về xương của hàng ngàn con linh dương và bò rừng tìm thấy ở đây, thì hình như thợ được nuôi ăn bằng những chuyến chuyên chở thú săn đều đặn, từ những căn lều cách xa nơi đó. Tất cả những công việc phức tạp này hẳn phải được tổ chức vả giám sát, nhưng không có một chứng cớ rõ rệt nào về một xã hội có tổ chức _ không có một vùng đất nào dành cho giới giàu có hơn, không ngôi mộ nào có đồ xa xỉ, không có dấu hiệu có người được ăn uống tốt hơn người khác.

Schmidt bảo, “ Những người này ăn cỏ”, họ hái lượm thực vật và săn động vật. “ Bức tranh của chúng ta về những người ăn cỏ này lúc nào cũng chỉ thấy họ là những nhóm nhỏ, di động, chừng vài chục người. Chúng ta nghĩ rằng  họ không thể tạo nên một cơ cấu to lớn và cố định vì họ phải di chuyển quanh các nguồn thức ăn. Họ không thể duy trì một lớp tu sĩ và các thợ khéo, vì họ không thể mang thêm thức ăn nuôi những người này. Thế rồi đến đây, Göbekli Tepe này, và hẳn nhiên họ đã được điều đó.”

Việc khám phá ra việc những người săn bắn- hái lượm này xây dựng nên Göbekli Tepe cũng giống như việc thấy có người đóng cả chiếc (phi cơ) 747 bằng dao cắt tia X dưới tầng hầm. Schmidt bảo, “ Tôi và các đồng nghiệp đều nghĩ, Cái gì vậy? Như thế nào đây?” Điều nghịch lý là, Göbekli Tepe xuất hiện như một tập quán của thế giới văn minh hiển nhiên phải đến lúc xuất hiện và sau rốt, biểu tượng lớn nhất của quá khứ du mục đã biến mất. Việc hoàn tất nó là đáng ngạc nhiên, nhưng điều khó hiểu là nó được làm như thế nào và có ý nghĩa gì.” Schmidt đoán chừng, “ Trong 10, 15 năm nữa, nó sẽ nổi tiếng hơn cả Stonehenge. Và cũng hợp lý thôi.”

Lởn vởn quanh Göbekli Tepe là bóng ma của V. Godon Childe. Di cư từ Úc sang Anh, Childe là con người khoa trương, một tay Marxist cuồng nhiệt, một trong những nhà khảo cổ có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ qua. Là nhà tổng hợp vĩ đại, từ các yếu tố rời rạc của các đồng nghiệp, ông đã dệt thành một lý thuyết tổng hợp thông minh. Lý thuyết nổi danh nhất được đưa ra vào những năm 1920, đó là quan điểm về Cuộc Cách mạng Tân Thạch khí.

Theo cách nói ngày nay, có thể tóm tắt lý thuyết của Childe như sau: Homo sapiens đột ngột bước lên sân khấu 200.000 năm trước. Trong hầu hết các thiên niên kỷ tiếp theo, chủng loài này thay đổi rất ít, con người là những nhóm nhỏ ăn cỏ đi lang thang. Rồi Cuộc Cách mạng Tân thạch khí diễn ra_ Childe bảo, “ sự thay đồi về nòi giống, mang đầy những hậu quả có tính cách mạng cho toàn chủng loài. Trong một ánh chớp hứng khởi, con người quay lưng lại với việc ăn cỏ và ôm lấy nông nghiệp. Childe lý luận, “ chấp nhận làm nông nghiệp đưa đến những chuyển biến sâu xa hơn.” Để làm được trong lãnh vực này, con người phải thôi đi lang thang và dời vào sống trong các làng mạc cố định, đây là nơi họ chế ra những công cụ mới và tạo ra đồ gốm. Theo quan điểm của ông, Cách mạng Tân thạch khí là biến cố quan trong mang tính bùng nổ_ “là sự biến vĩ đại nhất trong lịch sử loài người kể từ khi chế ngự được lửa.”

Xét về mọi khía cạnh của cuộc cách mạng, nông nghiệp là quan trọng nhất. Suốt hàng ngàn năm, đàn ông đàn bà mang theo công cụ đá lang thang khắp nơi, bóc vỏ hạt thô, lấy chúng làm nhà. Cho dù họ chăm bẳm các luống hạt, chúng cứ là hạt hoang dại, làm họ không thể nào gặt hái khi đã chín. Về mặt di truyền, nông nghiệp dựa vào hạt kiểu này chỉ bắt đầu khi con người trồng các loài thực vật đã biến đổi  trên những diện tích lớn và không bị rải rác khi chín, tạo ra những cánh đồng lúa mì, lúa mạch đã thuần giống, nghĩa là chỉ còn chờ nông dân đến gặt thôi.

Phải bươn chải qua mọi địa hình để tìm cái ăn, con người giờ đã có thể trồng bao nhiêu mà họ cần và trồng ở nơi mà họ muốn, và họ có thể sống chung với nhau thành những nhóm lớn. Dân số tăng vọt. Childe viết, “ Nhưng chỉ ngay sau cuộc cách mạng, thì các chủng loài của chúng ta bắt đầu tăng bội rất nhanh.” Trong xã hội dân số gia tăng đột ngột này, tư tưởng có thể trao đổi dễ dàng hơn và tần suất canh tân kỹ thuật và xã hội cũng tăng vọt. Tôn giáo và nghệ thuật_ con dấu xác nhận của nền văn minh_ nở hoa.

Childe, cũng như hầu hết các nhà nghiên cứu ngày nay, đều tin rằng cuộc cách mạng diễn ra trước tiên ở vùng Lưỡi Liềm Vàng (Crescent Fertile)_ dải đất vòng cung ôm vòng lấy miền đông bắc từ Gaza chạy vào miền nam Thổ Nhĩ Kỳ rồi quét qua đông nam vào Iraq. Giới hạn ở phía nam là sa mạc Syria khô cằn và phía bắc là những rặng núi của Thổ Nhĩ Kỳ, lưỡi liềm này là dải đất có khí hậu ôn hoà giữa những thái cực khắc nghiệt. Tận cùng phía đông là hợp lưu của 2 con sông Tigris và Euphrates phía nam Iraq, vị trí có tên là Sumer, niên đại khoảng 4.000 năm trước Công nguyên. Vào thời của Childe, hầu hết các nhà nghiên cứu dồng ý rằng Sumer là khởi đầu cho nền văn minh. Nhà khảo cổ Samuel Noah Kramer tổng kết quan điểm này vào những năm 1950 trong tác phẩm Lịch sử bắt đầu ở Sumer (History begins at Sumer). Song trước khi Kramer kết thúc bản thảo, bức tranh đã được xét lại theo chiều đối nghịch, tận cùng phía tây của Lưỡi Liềm Vàng. Trong miền Levant, nơi hiện nay bao gồm cả Israel, Palestina, Lebanon, Jordan và tây Syria _ các nhà khảo cổ đã khám phá ra những khu định cư ngược về mãi tận 13.000 trước Công nguyên. Gọi là những khu làng Natufian ( đặt tên theo vị trí được tìm thấy đầu tiên), họ nhảy vọt qua Levant đang trong Kỷ Băng hà để tiến sát đến thời kỳ khi khí hậu miền đất này trở nên tương đối ấm và ẩm.

Việc khám phá ra Natufian là cú lắc đầu tiên đi xuyên qua cửa sổ trong cuộc Cách mạng Tân thạch khí của Childe. Childe đã nghĩ rằng nông nghiệp là tia lửa cần thiết dẫn đến làng mạc và khởi động văn minh. Song cho dù người Natufian sống trong những ngôi làng cố định lên tới vài trăm người, họ chỉ là người ăn cỏ, không phải nông dân, đi săn linh dương, hái lượm lúa mì, lúa mạch dại. Nhà khảo cổ Ofer Bar-Yosef thuộc Đại học Harvard bảo, “ Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cần phải xét lại tư tưởng của chúng ta.”

Những ngôi làng Natufian rơi vào thời kỳ khó khăn khoảng 10.800 trước Công nguyên, khi nhiệt độ đột ngột rớt xuống chừng -11o C, một phần trong thời kỳ tiểu băng hà kéo dài 1.200 năm, tạo ra điều kiện khô khan hơn trong suốt miền Lưỡi Liềm Vàng . Môi trường cho thú và những luống hạt phải thu hẹp lại, các ngôi làng bỗng nhiên trở nên quá đông dân gây khó khăn cho việc cung cấp lương thực tại chỗ. Nhiều người một lần nữa trở thành kẻ ăn cỏ lang thang, đi tìm đất để duy trì nguồn lương thực.

Vài khu định cư cố gắng điều chỉnh khi khí hậu càng lúc càng khô cằn hơn. Làng Abu Hareyra, hiện nay là nam Syria, hình như thử gieo trồng giống lúa mạch địa phương, có lẽ đã trồng lại. Sau khi khảo sát hạt lúa mạch ở vị trí này, Gordon Hillamn thuộc Đại học Luân đôn và Andrew Moore thuộc Viện Kỹ thuật Rochester vào năm 2.000 lý luận rằng có một số hạt lớn hơn những hạt dại tương đương _ dấu hiệu khả dĩ của việc thuần giống, vì việc canh tác dĩ nhiên tăng về số lượng, chẳng hạn như kích thước trái cây và hạt giống, khi con người thấy có giá trị. Bar Yosef và vài nhà nghiên cứu khác tin rằng những địa điểm gần đó như Mureybet và Tell Qaramel cũng có nông nghiệp.

Nếu những nhà khảo cổ này đúng, những ngôi làng nguyên khởi này (protovillage) cung cấp cho ta cách giải thích mới về mức độ phức tạp của xã hội ban đầu. Childe nghĩ rằng nông nghiệp có trước, đó là sự canh tân cho phép con người nắm lấy cơ hội khi có môi trường mới phì nhiêu để mở rộng lãnh địa của mình ra thế giới tự nhiên. Địa điểm Natufian trong miền Levant cho thấy thay vì thế định cư có trước và nông nghiệp phát triển sau, ấy là sản phẩm của khủng hoảng. Đối đầu với môi trường khô và lạnh, cùng dân số gia tăng, con người ở vùng đất màu mỡ còn lại nghĩ rằng, như Bar-Yosef diễn thành lời, “ Nếu ta đi, đám dân này sẽ khai thác tài nguyên của ta. Cách tốt nhất để tồn tại là định cư và khai thác đất của ta.” Và nông nghiệp tiếp diễn theo sau.

Ý kiến cho rằng cuộc Cách mạng Tân Thạch khí diễn ra do những thay đổi môi trường vang lên suốt những năm 1990, thời gian mà người ta đang ngày càng bận tâm đến những hậu quả của việc ấm lên toàn cầu. Nó được xướng lên trong vô số bài báo, sách và sau cùng được trân trọng đưa lên Wikipedia. Song các nhà phê bình công kích rằng bằng chứng này quá mong manh, không chỉ vì Abu Hareyra, Mureybet và nhiều địa điểm khác ở nam Syria đã bị các đập thuỷ điện làm ngập trước khi được khai quật trọn vẹn. George Wilcox, chuyên gia hạt giống cổ, thuộc trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp, bảo, “ Bạn có toàn bộ lý thuyết về văn hóa loài người mà chỉ dựa vào mỗi nửa tá hạt giống múp míp. Không phải là các hạt giống này đã bị đốt làm phình lên hay có ai đó tìm thấy hạt lúa mạch dại trông có vẻ bất thường sao?”

Trong khi các cuộc tranh luận về Natufian trở nên sôi nổi, Schmidt vẫn đang cẩn thận làm việc ở Göbekli Tepe. Và những gì ông tìm thấy , một lần nữa buộc các nhà nghiên cứu phải đánh giá lại quan điểm của mình.

Các nhà nhân chủng học xác định rằng tôn giáo có tổ chức bắt đầu như một cách xoa dịu những căng thẳng không tránh khỏi khi những người săn bắn-hái lượm đã định cư, trở thành nông dân, và phát triển những xã hội rộng lớn. So với đám dân du mục, xã hội của một ngôi làng có những hạn định dài hơn, những mục tiêu phức tạp hơn _ lưu trữ hạt giống và duy trì những ngôi nhà bền vững. Làng sẽ hoàn thành được những mục tiêu này khi các thành viên chấp nhận những kế hoạch mang tính tập trung. Cho dù việc thực hiện tôn giáo ban sơ  _ chôn người chết, sáng tạo nghệ thuật hang động và các tiểu hình nhân_ đã có từ hàng ngàn năm trước, theo quan điểm này, tôn giáo có tổ chức chỉ xuất hiện khi cần có một quan niệm chung về trật tự các thiên thể để ràng buộc những nhóm người mới, đông đúc, dễ tan vỡ này. Nó cũng có thể giúp làm cân bằng xã hội tôn ti đã xuất hiện trong một xã hội phức tạp hơn: Những kẻ vươn lên nắm quyền bính được nhìn nhận như có liên kết đặc biệt với các thần linh. Những cộng đồng tin cậy, thống nhất quan điểm chung về thế giới và vị trí của họ trong đó thì vẫn có tính kết dính cao hơn những nhúm người bình thường hay tranh chấp.

Göbekli Tepe, theo cách nghĩ của Schmidt, có kịch bản đảo ngược như sau: việc một nhúm người ăn cỏ xây dựng ngôi đền vĩ đại là bằng chứng cho thấy tôn giáo có tổ chức đã có trước khi nông nghiệp và các khía cạnh khác của nền văn minh  ra đời. Nó cho thấy động lực của con người là tập trung để thực hiện những nghi lễ linh thiêng sẽ trổi đậy khi con người chuyển từ việc nhìn chính mình như một phần của thế giới tự nhiên sang việc đi tìm một vị chủ toà cho mình. Khi người ăn cỏ định cư thành làng, đương nhiên họ đã tạo ra sự phân chia các lãnh vực của con người_ những túp nhà cố định chứa hàng trăm cư dân_ và vùng đất nguy hiểm do các loài dã thú chiếm ngụ.

Nhà khảo cổ Pháp, Jacques Cauvin, tin rằng những thay đổi về ý thức này là “cuộc cách mạng biểu tượng”, một sự thay đổi về nhận thức cho phép con người hình dung ra các thần linh _ những hình tượng siêu nhiên giống con người _ tồn tại trong một vũ trụ bên ngoài thế giới vật chất. Schmidt coi Göbekli Tepe như bằng chứng cho lý thuyết của Cauvin. Ông bảo, “ Những con thú là bảo vệ cho thế giới linh hồn. Những hình chạm nổi trên các cột chữ T minh họa cho một thế giới khác.”

Schmidt ước chừng rằng những người ăn cỏ sống trong phạm vi bán kính 160km của Göbekli Tepe xây dựng ngôi đền như một nơi chốn linh thiêng để tập hợp, gặp gỡ, có lẽ cũng để mang quà, cống vật cho các tu sĩ và các thợ thủ công. Một vài hình thái của tổ chức xã hội hẳn cũng cần thiết không những để xây nên nó mà còn để giao tiếp với những người mà nó quyến rũ đến nữa. Có thể tưởng tượng ra là có ca hát, đánh trống, những con thú trên các cây cột đang di chuyển trong ánh đuốc bập bùng. Chắc chắn có lễ hội; Schmidt đã tìm thấy những cái bể bằng đá, chắc để chứa bia. Đền là nơi tập trung mang tính linh thiêng, nhưng nó cũng có thể là phiên bản thời Tân Thạch khí của Disneyland.

Schmidt tin rằng, khi thời gian trôi đi, nhu cầu phải có đủ lương thực cho những người làm việc và tập trung lễ lạc ở Göbekli Tepe dẫn tới việc phải gia tăng sức canh tác các loại ngũ cốc hoang dại và tạo ra những những căng thẳng đầu tiên trong việc thuần giống. Đúng ra các nhà khoa học ngày nay vẫn tin rằng một trung tâm nông nghiệp  đã hình thành ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ _ trong phạm vi một cuốc đi bộ của Göbekli Tepe _ chính xác là vào thời gian ngôi đền đang hồi cực thịnh. Ngày nay tổ tiên gần nhất của giống lúa mì hiện đại đã tìm thấy trên sườn núi Karaca Dağ, cách Göbekli Tepe 96km về phía đông bắc. Nói cách khác, việc chuyển hướng sang nông nghiệp như V. Gordon Childe đã vinh danh là kết quả của một nhu cầu đã ăn rất sâu vào tiềm thức con người, cái nạn đói ám ảnh vẫn còn đẩy con người lang thang trên khắp địa cầu đi tìm những viễn ảnh khủng khiếp.

Một số bằng chứng cho việc thuần giống thực vật đến từ Nevali Ҫori (đọc là Nut vat lut Ko ri), một khu định cư trong núi cách 32km. Cũng như Göbekli Tepe, Nevali Ҫori xuất hiện chỉ ngay sau kỳ tiểu băng hà, thời gian mà các nhà khảo cổ mô tả bằng một thuật ngữ khó ưa, thời TânThạch khí Tiền –gốm ( Pre-pottery Neolithic, PPN). Nevali Ҫori hiện nay đã bị một cái hồ mới xây làm ngập để cung cấp điện và dẫn nước tưới cho vùng này. Nhưng trước khi nước cắt đứt việc nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các cột hình chữ T và những hình thú giống y như những gì mà sau này Schmidt đã khám phá ở Göbekli Tepe. Những cột và hình tượng trong khu định cư PPN nằm phía trên Göbekli Tepe 160km. Schmidt bảo, như những gì mà người ta có thể ức đoán ngày nay, nhà nào treo hình Thánh nữ Đồng trinh là theo đạo Thiên chúa, những hình tượng trong các khu định cư PPN này chỉ ra rằng có một thứ tôn giáo chia sẻ _ một cộng đồng niềm tin bao quanh Göbekli Tepe và có lẽ là tập hợp tôn giáo lớn thật sự đầu tiên trên thế giới.

Tất nhiên, một số đồng nghiệp của Schmidt không đồng ý với ông. Chẳng hạn, bầng chứng lỏng lẻo về nhà cửa, không chứng minh được là không có ai sống ở Göbekli Tepe. Và cứ thế, các nhà khảo cổ đang nghiên cứu nguồn gốc văn minh ở Lưỡi Liềm Vàng nghi ngờ bất kỳ nỗ lực nào nhằm tìm ra một kịch bản thỏa mãn cho tất cả. Cứ như thể các cư dân của nhiều di chỉ khảo cổ khác nhau đang chơi với các khối cao ốc văn minh khác nhau nhằm tìm ra mối liên kết thích hợp. Ở chỗ này, có thể nông nghiệp là căn bản, ở chỗ kia lại là nghệ thuật và tôn giáo; còn ở đây kia, là áp lực dân số, là cơ cấu xã hội, hoặc là trật tự tôn ti. Rốt cuộc, tất cả đều kết thúc ở cùng một chỗ. Có lẽ không có con đường riêng nào cho nền văn minh; thay vì thế, người ta đạt đến nó bằng nhiều phương tiện khác nhau ở nhiều nơi khác nhau.

Theo quan điểm của Schmidt, nhiều nhà khảo cổ hiểu Göbekli Tepe rất chậm chạp, cũng như ông khi khai quật nó. Muà hè này đánh dấu năm thứ 17 ông có mặt ờ di chỉ này. Biên niên sử của ngành khảo cổ tràn ngập các nhà khoa học đã vội vàng hay vô tình làm đánh đắm mất những khám phá quan trọng, đánh mất kiến thức cho mọi thời đại. Schmidt cương quyết không điền tên mình vào danh sách ấy. Ngày nay chưa đến 1/10 trong diện tích 9ha là đã được khai quật dưới ánh mặt trời.

Schmidt nhấn mạnh rằng những nghiên cứu về sau ở Göbekli Tepe có thể sẽ làm thay đổi những hiểu biết hiện thời của ông về tầm quan trọng của di tích. Ngay cả niên đại của nó cũng chưa rõ ràng _ Schmidt không chắc ông đã đi đến lớp đáy chưa. Ông bảo là, “ Chúng tôi có 2 bí mật cho mỗi lớp mà chúng tôi phải giải quyết”. Song, ông đã rút ra được vài kết luận. “ 20 năm trước ai cũng tin rằng văn minh sinh ra do các lực lượng sinh thái đưa đẩy. Tôi thì nghĩ rằng điều chúng ta đang học hỏi là nền văn minh ấy  là sản phẩm của trí tuệ con người.”

  • Trụ đá ở đền Göbekli Tepe_ 11.600 năm tuổi, cao 5,4m_ có thể là tượng trưng cho vũ công-thầy tế trong một buổi tập hợp. Chú ý đến các bàn tay trên thắt lưng quấn khố trong hình ở tiền diện.
  • Rất có thể chẳng có ai sống ở Göbekli Tepe cả, một thánh địa tôn giáo do những người săn bắt-hái lượm dựng lên. Các khoa học gia mới chỉ khai quật 1/10 diện tích di chỉ này, đủ để chuyên chở nỗi khiếp sợ mà chắc hẳn nó đã gây ra 7.000 năm trước Stonehenge.
  • Con thú dữ gầm gừ nhô lên từ khối đá vôi nặng 5 tấn, các nghệ nhân đã đưa nó đến Göbekli Tepe từ mỏ đá gần đó không nhờ đến thú kéo hay bánh xe.
  • Ở miền nam Thổ Nhĩ Kỹ dân làng vẫn dùng liềm gặt lúa mì. Lúa mì đã được thuần giống trước tiên tại đây, có lẽ là để cung cấp cái ăn cho số người đến Göbekli Tepe hành lễ.
  • Trong cái bát đá vôi ở Nevali Ҫori, khu vực định cư thành lập 1.000 năm sau Göbekli Tepe, 2 hình nhân đang múa cùng một con thú. Có lẽ là kẻ dẫn đường vào lãnh vực tinh thần, thú là những biểu tượng quan trọng khi con người bắt đầu thuần hóa cừu, dê và các loài dã thú khác.
  • Có niên đại ít nhất 8.000 năm trước Công nguyên, bức tượng có kích thước bằng người thật này tìm thấy ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, cách Göbekli Tepe hơn 14km, ngôi đền cổ nhất thế giới. Khi các người săn bắt-hái lượm chuyển sang một cấu trúc xã hội phức tạp, thì việc miêu tả người_ hay thần linh_ bắt đầu xuất hiện.
  • Những dấu vết của những gì có thể là tôn giáo có tổ chức đầu tiên trên thế giới nằm rải rác khắp các địa điểm thời Tân thạch khí ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, nam Syria và Iraq. Biểu tượng phổ thông nhất là các loài thú nguy hiểm lởn vởn bên ngoài khu định cư mới thành lập của con người. Đây là con lợn rừng ở Göbekli Tepe.
  • Một biểu tượng phổ biến khác của tôn giáo có tổ chức đầu tiên trên thế giới là rắn. Mẫu này tìm thấy trên gáy người ở Nevali Ҫori
  • Trên nền vòng trụ đá ở Göbekli Tepe là những gì còn lại của cánh cửa_ có lẽ là lối đi tượng trưng vào khu vực siêu nhiên hình như là được biểu tượng bằng các con thú chạm khắc ở di chỉ này. Nhiều con là thú ăn thịt như con chồn ở trụ phía sau trên bên phải
  • Tìm thấy vào muà hè năm 2010, cánh cửa rất đẹp này dẫn vào ngôi đền 11.600 năm tuổi, chạm quanh nó là những con thú dữ gồm rắn, bò rừng(loài này đã tuyệt chủng), lợn rừng và một con thú ăn thịt chưa xác định được. Người ta chưa biết gì mấy về các kiến trúc này.
  • Con kên kên, như bức chạm trên đá này, tìm thấy ở Göbekli Tepe. Vì chim, theo truyền thống thường kết hợp với cái chết, nên hình tượng này làm người ta nghĩ rằng Göbekli Tepe có thể là nơi hành lễ, những nghi lễ liên quan tới sức mạnh tinh thần của tổ tiên.
  • Bức chạm nổi tinh tế những con kên kên, bò cọp và các loài vật khác tìm thấy trên những trụ đá hình chữ T phải do các nghệ nhân tài ba làm ra, bằng chứng cho thấy những người săn bắn-hái lượm này có khả năng tạo ra một cơ cấu xã hội phức tạp.
  • Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một trụ đá đã khai thác một phần trên những đồi đá vôi bao quanh Göbekli Tepe, nơi ta có thể thấy được trên gò ở phía xa.
  • Gia đình làm nghề chăn nuôi này đang chăn bầy gia súc ở vùng phía bắc Lưỡi Liềm Vàng suốt một thế kỷ nay. Vùng quê này, nằm trên sườn núi Karaca Dağ, chỉ cách Göbekli Tepe 96km, là nơi mà các nhà di truyền học cho rằng là nơi thuần giống lúa mì đầu tiên. Cừu và dê cũng được thuần giống ở đây.
  • Trụ đá chạm hình con chồn kéo dài nổi bật trên nền trời đầy sao. Để bảo vệ những bức chạm mong manh này, các nhà khảo cổ có kế hoạch làm mái che trong năm nay. Ngẫm nghĩ về những bí ẩn của ngôi đền cổ xưa này dưới bầu trời mênh mông sẽ sớm trở thành quá khứ.

 

Dịch từ The Birth of Religion, Bài: Charles C. Mann, Ảnh:  Vincent J. Musi - NatGeo, June, 2011

NTH

29.6.2011

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết