Vân Nam, Nam chiếu, Đại Lý và Đoàn Hoàng Gia (Kỳ 1/4)

VÂN NAM

Là tỉnh ở phía tây nam Trung quốc, giáp với Lào Cai của Việt Nam, diện tích 394.100km2, dân số 48 triệu người. Thủ phủ là thành phố Côn Minh. Vân Nam là nơi bắt nguồn của sông Đà, sông Hồng; sông Mê Kông cũng chảy qua Vân Nam. Các dân tộc chính là Hán (67%), Di (11%), các dân tộc còn lại như Bạch, Hà Nhì, Choang, Thái, Miêu, Hồi chỉ chiếm từ hơn 1% đến hơn 3%.

Thế kỷ thứ ba TCN, khu vực xung quanh Côn Minh đã có tên là Điền. Năm 279 TCN, tướng nước Sở là Trang Giao từ Dương tử tiến vào lập ra nước Điền, tự xưng làm vua.

Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung quốc và mở rộng ảnh hưởng xuống phía nam, đặt ra châu huyện ở Vân Nam. Năm 109 TCN, Hán Vũ Đế sai tướng Vương Thiên Vũ đến đây chinh phạt, nhưng Điền vương ỷ có binh tốt tướng mạnh lại có các bộ tộc cùng họ là Lao Thâm, Mạc My ủng hộ nên không chịu khuất phục. Vũ Đế điều quân Ba Thục tấn công, tiêu diệt Lao Thâm, Mac My, Điền Vương phải xin hàng. Vũ Đế cho đặt quận Ích Châu với 24 huyện trực thuộc.

Thời ấy, nông nghiệp ở Vân Nam có nhiều tiến bộ, Dân địa phương đã biết sử dụng công cụ và cày bừa bằng đồng, họ chăn thả nhiều loại gia súc như trâu, bò, dê, ngựa, lợn, chó.

Các nhà nhân loại học đã xác định dân địa phương ở đây có quan hệ gần gũi với người Thái ngày nay.

Thời Tam quốc, chính quyền trung ương suy yếu và tan rã làm tăng tính tự trị cho các bộ tộc địa phương. Năm 225, Thừa tướng Gia Cát Lượng nước Thục phải thân chinh dẫn quân dẹp yên các bộ tộc này. (xem Gia Cát Lương thất cầm Mạnh Hoạch trong Tam quốc chí của La Hán Trung).

Đến thế kỷ thứ tư, các bộ tộc Trung Á tràn sang bắc Trung quốc. Năm 320, thị tộc Thoán di cư đến Vân Nam, Thoán Sâm nắm quyền lực và xưng làm vua tại Điền Trì (khi ấy tên là Côn Xuyên). Dòng họ này cai trị Vân Nam trên 400 năm.

Tỉnh Vân Nam và các thành phố trực thuộc

 

Các địa danh ở Vân Nam ghi theo tiếng Anh

Nước Nam Chiếu và Nước Đại Lý

Nam Chiếu

Năm 738, thủ lĩnh bộ tộc Mông Xá là Bì La Các thành lập vương quốc Nam Chiếu, (có thuyết cho rằng nguyên thủy có vài bộ lạc người Bạch sinh sống quanh hồ Nhĩ Hải, mỗi bộ lạc là một vương quốc riêng gọi là Chiếu, có Lục Chiếu là: Mông Huề Chiếu, Việt Tích Chiếu, Lăng Khung Chiếu, Đằng Đạm Chiếu, Thi Lăng Chiếu, Mông Xá Chiếu. Mông Xá Chiếu ở về phía nam nên gọi Nam Chiếu) kinh đô là thành Thái Hòa, nay là Đại Lý. Nhà Đường công nhận ông là Vân Nam vương. Từ đó 13 đời vua đã cai trị Nam Chiếu trên 2 thế kỷ. Năm 902, quyền thần Trịnh Mãi tiếm quyền, đổi tên nước là Đại Trường Hòa. Năm 629, Triệu Thiện Chính diệt Đại Trường Hoà, lập ra nước Đại Thiện Hưng. Năm 930, Dương Càn Hưng diệt Đại Thiên Hòa, đổi tên nước là Đại Nghĩa Hưng. Năm 937, thủ lĩnh bộ tộc Bạch là Đoàn Tư Bình diệt Đại Nghĩa Ninh lập ra vương quốc Đại Lý. Vương quốc này khi ấy rất rộng, bao gồm phần lãnh thổ ngày nay thuộc các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, tây nam Tứ Xuyên, bắc Miến Điện, bắc Lào, tây bắc Việt Nam.

Dân cư phía nam Nam Chiếu đa số là người gốc Tây Tạng như Bạch, Di (gồm các sắc tộc là Lolo và La Hủ), phía tây nam là người Thái gốc Nam Việt (có lẽ di cư sang khi thành Phiên Ngung thất thủ), người Miêu (hay Hmong) và Dao.

 

Vị trí Nam Chiếu thời nhà Đường


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết