Tết và mùa xuân

TẾT VÀ MÙA XUÂN

Ch’ ien Hsuan, Hoa Lê, 1280. The Four Seasons. (Cành lê trắng điểm một vài bông hoa, Kiều, Nguyễn Du)

Trời đất tuần hoàn, khi Đại hàn lạnh lẽo qua đi thì Lập xuân ấm áp đến. Nắng xuân chan hoà lan vào từng nhánh cây ngọn cỏ. Khí lạnh tan và nước róc rách theo khe theo lạch chảy vào suối vào sông. Hoa mận trắng, hoa mai vàng, hoa đào hồng đua nhau nở. Lộc non xanh trên cành biếc. Cỏ non xanh tận chân trời. Ấy là mùa xuân. Để đón nó, con người nghĩ rằng phải làm cái gì đó thật đặc biệt. Thế là ta có Tết. Hay cầu kỳ hơn, Tết Nguyên Đán. Ngày xa xưa, nông phu làm việc quần quật trên đồng, người buôn bán quanh năm ở mom sông. Vậy nên được dịp nghỉ ngơi thì không gì bằng nghỉ ngơi trong dịp Tết.

Ngày Nguyên đán bất kể là kẻ sang hèn, lớn nhỏ, đều no say vui chơi, tuy người nghèo trong thôn dã cũng đủ lễ. (Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức)

Tháng Giêng là tháng ăn chơi.

Cảnh xuân sớm. Thời kỳ Muromachi, nửa đầu tk 16. Japanese Art Selection from the Mary and Jackson Burke Collection.

Ngày nay nghỉ ba ngày ta thấy đã là dài. Nhưng xưa làm gì có máy móc, có đủ loại cơ xảo làm thay con người. Chỉ con người và con người làm lụng đầu tắt mặt tối. Thế nên nghỉ một tháng chắc chưa phải là dài mấy. Quang âm thấm thoát thoi đưa. Chỉ nhìn trời, nhìn trăng đếm thời gian qua. Trời mọc rồi lặn, biết một ngày đã qua. Trăng đầy rồi vơi, biết một tháng đã hết. Rất nhanh, nhanh như giấc mộng tàn canh vậy.

Vả lại, nhân sinh như mộng, mộng đẹp như hoa, nhưng hoa thì chóng tàn, đời người chóng qua.

Vì đời như mộng nên Lý Bạch theo Lão tử, Trang tử mà  than:

Xử thế nhược đại mộng

Hồ vi lao kỳ sinh

Ở đời như giấc chiêm bao
Cái thân còn đó, lao đao làm gì?

(Tản Đà dịch)

Chớp mắt, Tết hết, Xuân qua. Năm tháng cũng qua. Trời đất thì vẫn thế. Vòng tuần hoàn trở lại. Nhưng đời người như dòng sông, một đi không trở lại. Mỗi năm dòng thời gian chỉ ghé một lần ở Bến Xuân thôi. Bến ấy có chúa Xuân làm trưởng. Thế nên ai cũng muốn tìm về Bến Xuân gặp chúa. Dẫu biết rằng gặp rồi chia tay. Chẳng ai gặp chúa hai lần trên cùng một Bến Xuân.

Chỉ đáng thương cho dòng nước chảy

Một đi không lại cuộc đời trôi.

Lập xuân là khởi đầu cho hai mươi tư tiết của năm. Tết là ngày đầu của năm. Vạn vật, mọi sự đều có khởi nguồn. Vậy khởi nguồn của sự sống là gì ? Nó bắt đầu từ hạt bụi trần gian tên là nguyên tử. Những ngẫu nhiên của Tạo hóa tạo ra sự sống, còn thì Tạo hóa là ai, thôi chuyện ấy đừng hỏi làm gì.

Mùa xuân thuộc Mộc, khí dương trong sáng ấm áp. Sự tái sinh, đổi mới, đều từ mùa xuân. Thế nên, con người cũng xếp cất hay vất bỏ những cái cũ để thay mới cho hợp lẽ tuần hoàn. Còn đời người có thay được không?  Rắn già rắn lột, còn người già? Ta chỉ nói già thì lên thượng thọ, chẳng thấy ai bảo người già trẻ lại. Tần Thủy Hoàng muốn trẻ mãi, sai người ra đảo Bồng Lai tìm thuốc trường sinh. Người có đi mà không thấy về. Thuốc chưa tìm thấy mà Tam Thế chỉ kịp lên thay vài tuần trăng thì nhà Tần đã mất.

Thôi đọc dăm ba câu thơ cho quên nhà Tần đi, mà nhớ rằng vẫn đang là mùa Xuân.

Nhất tuế nhất khô vinh.
Dã hoả thiêu bất tận,
Xuân phong xuy hựu sinh.
Viễn phương xâm cổ đạo,

Đồng cao cỏ mọc như chen,

Khô tươi thay đổi hai phen năm tròn.

Lửa đồng thiêu cháy vẫn còn;

Gió xuân thổi tới mầm non lại trồi.

(Cỏ, Bạch Cư Dị, Tản Đà dịch)

Tạo hóa khéo xếp đặt để mỗi mùa lại có vật tượng trưng. Ví như thấy hoa đào nở là biết mùa xuân về:

Tầm đắc Đào Nguyên hảo tỵ Tần,
Đào hồng hựu thị nhất niên xuân.
Hoa phi mạc khiển tuỳ lưu thuỷ,
Phạ hữu ngư lang lai vấn tân.

Tìm chốn Đào nguyên để tránh Tần
Đào hồng nở rộ lại thêm xuân.
Hoa bay đừng dạt theo nguồn suối
Người có tìm vào bến chật chân.

(Hoa đào ở am Khánh Toàn, Tạ Phương Đắc, Hà Như dịch)

Nổi tiếng nhất là bài thơ hoa đào của Thôi Hộ:

Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong

     Ngày này năm ngoái bên hiên

     Má hồng soi ánh hồng bên hoa đào

     Má hồng nay vắng tăm hao

     Hoa đào năm ngoái cười chào gió xuân

(Đề tích sở kiến xứ, Đề nơi khi xưa gặp người, Thôi Hộ, Linh Thảo dịch)

Chàng Thôi Hộ tưởng người là hoa đào, tưởng hoa đào là người, chàng đi tìm mùa Xuân, chẳng thấy người của mùa xuân năm ấy, chỉ thấy hoa đào vẫn cười với gió đông.

Thi hào Nguyễn Du đã mượn ý này để viết:

Ðầy vườn cỏ mọc lau thưa

Song trăng quạnh quẽ vách mưa rả rời

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Thì Đỗ Mục đã viết :

Đông phong bất dữ Chu lang tiện

Gió đông nào có giúp gì cho chàng Chu đâu.

Vì hoa đào với mùa xuân là một cho nên ngay cả trong những cuộc tiễn hành, họ vẫn hẹn ngày gặp mặt vào mùa xuân:

Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu

Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca

Nay quyên đã giục oanh già

Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo

Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió

Hỏi ngày về chỉ độ đào bông

 Nay đào đã cuốn gió đông

 Phù dung lại nở bên sông bơ sờ

(Chinh phụ ngâm, Đoàn thị Điểm)

Đó là ý của các thi nhân nhìn mùa xuân bằng đôi mắt của người thế gian. Còn đây là mùa xuân qua cách nhìn của thiền sư:

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi

Khách lai bất vấn nhân gian sự

Chỉ bạng lan can khán thúy vi

 (Xuân Cảnh)

 Tiếng chim thưa hoa liễu đầy cành

 Chiều dọi thềm hoa mây thoáng nhanh

 Khách đến chuyện đời không hỏi tới

 Chỉ bao lơn tựa ngắm trời xanh

 (Cảnh Xuân, Trần Nhân Tôn)

Trần Nhân Tông chính là Trúc Lâm đại sĩ. Nhìn chim hót trên cành, mây trôi qua nhanh, là ông đã ngộ lẽ đời. Thế nên ông chẳng còn màng chuyện thế sự, chỉ ngắm trời xanh. Trước khi quên thế sự, ông đã đánh tan quân Mông Cổ, hoàn thành giấc mộng con rồi.

Ch’ien Hsuan (1235-1307), Words and Images Chinese Poetry Calligraphy and Painting

Ma Yuan. Trên sơn đạo mùa xuân. Cung điện hoàng gia, Đài Bắc. Words and Images Chinese Poetry Calligraphy and Painting

 

 

Ma Yuan, Ngắm hoa mận nở. Japanese Art Selection from the Mary and Jackson Burke Collection.

 

 

The Arts of Japan. The Metropolitan Museum of Art

Xuân đến hoa mơ hoa mận nở.

Cây mận, Jakuchu, 1755. Japanese Art Selection.

Nhìn bức tranh này, ta mới thấy vì sao người xưa tán thưởng hoa mận và xem hoa mận như tượng trưng cho mùa xuân. Đẹp chẳng kém hoa mai, vẻ trắng trong tinh khiết, hương thoang thoảng, dáng cây cổ kính như tiên ông.

The Arts of Japan. The Metropolitan Museum of Art

 

Dòng thời gian trôi mãi không ngừng, mỗi lần cập Bến Sông Xuân, hãy chở thêm hương hoa mai, hoa mận; thôi đừng chở những ô trọc của đời.

 

Tết Tân Sửu, 2021.

NTH

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết