Chúc Mừng Năm Mới

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

 

Hôm nay đã là ngày cuối năm 31/12/2020, ngày mai năm mới 2021 sẽ bắt đầu. Viết một bài về năm mới thật là khó vì mỗi năm mọi người, mọi nơi báo chí, sách vở truyền thông... đều viết và nói về năm mới nên chẳng còn gì mới để viết. Năm mới dương lịch lại sống xa quê nhà nên đành góp nhặt một ít suy nghĩ, tục lệ nước ngoài để mọi người đọc cho vui. Hy vọng đến tết Âm lịch các anh chị em khác sẽ có những bài viết về năm mới ở quê nhà.

Xin gửi những lời cầu chúc tốt đẹp nhất đến tất cả mọi người cho suốt một năm mới 2021.

Son Nguyen

 

Tại Sao Chúng Ta Ăn Mừng Ngày Đầu Năm Mới?

Việc chúng ta chào đón tương lai phía trước vào một ngày năm mới là một bản năng của con người bắt nguồn từ những nguồn gốc xa xưa với mong muốn là những điều tốt đẹp sẽ đến cho tương lai.

Vào một giây sau nữa đêm, lúc đồng hồ chỉ 0 giờ 0 phút 01 giây, ngày thay đổi từ 31 tháng 12 của năm trước sang 1 tháng 1 năm sau là một sự chuyển đổi không có gì đặc biệt. Vạn vật vẫn chìm trong bóng đêm và mọi thứ trên đời vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày, Nhưng với con người lại mang một ý nghĩa khác, họ cho rằng sự thay đổi này là sự kết thúc một năm cũ để bắt đầu một năm mới rất khác! Điều đó như một bản năng thúc dục chúng ta thoát ra khỏi những hoạt động hàng ngày để suy ngẫm, đánh giá tất cả những gì đã xảy ra, đã làm và quyết tâm sẽ làm tốt hơn. Có lẽ là không một thời điểm nào khác trong năm được chúng ta quan tâm chú ý đến như vậy.

Tại sao khởi đầu năm mới lại mang tính biểu tượng đặc biệt như vậy? Và tại sao lễ đón mừng năm mới lại trở nên phổ biến trên khắp thế giới, ít nhất là từ khi nhân loại có lịch để phân biệt ngày tháng?

Điều này chắc chắn phải gắn liền với một điều gì đó tiềm ẩn trong con người, nó phải có ý nghĩa sâu sắc và quan trọng, với tất cả năng lượng và động lực chúng ta bỏ ra không chỉ là những buổi lễ đón mừng và còn là mong muốn để thực hiện thật hoàn hảo một loạt các kế hoạch, quyết định mới mặc dù trên thực tế hầu như chỉ thực hiện được một phần hoặc thậm chí không thực hiện được một chút nào. Có lẽ những gì chúng ta gắn liền một ý nghĩa đặc biệt vào thời điểm này bắt nguồn từ một trong những động lực mạnh mẽ nhất: sự tồn tại.

Tổ chức ăn mừng hiển nhiên là điều đầu tiên. Ngày đầu năm là một cơ hội tuyệt vời để ăn mừng vì chúng ta đã vượt qua 365 ngày nữa, đơn vị thời gian mà chúng ta sử dụng làm thước đo cho cuộc đời mình.

Nó còn mang một ý nghĩa trấn an những gì chúng ta đã không làm được và tự an ủi sẽ làm được trong năm tới!

Phù! Một năm nữa đã trôi qua, và chúng ta vẫn ở đây! Đã đến lúc nâng ly và nâng ly chúc mừng sự sống còn của chúng ta.

Và điều đáng phải ăn mừng nữa là chúng ta vẫn còn sống sót dù đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành!

Tại sao phải ăn mừng?

Không phải là chúng ta sống khỏe mạnh hơn, tốt hơn, lâu hơn sao?

Các kế hoach cho năm mới như mong muốn của con người toàn cầu có được quyền kiểm soát tương phía trước: đời sống tốt hơn, kiểm soát môi trường, dịch bệnh... Mong muốn bởi vì tương lai là điều không thể biết trước.  

Không biết điều gì sẽ đến có nghĩa là chúng ta không biết cần phải làm những gì để giữ an toàn cho bản thân cho gia đình. Để chống lại sự bất lực đáng lo ngại đó, chúng ta làm mọi thứ để kiểm soát. Chúng ta quyết tâm ăn kiêng, tập thể dục, bỏ thuốc lá, và bắt đầu tiết kiệm. Dù chúng ta có quyết tâm và thực hiện tốt những lời hứa này hay không cũng không thành vấn đề. Những mong muốn và hứa hẹn, nhất là trong khoảnh khắc này, tạo cho chúng ta cảm giác kiểm soát được nhiều hơn những ngày không chắc chắn sắp tới.

Một nghiên cứu năm 2007 của nhà tâm lý học người Anh Richard Wiseman đã phát hiện ra rằng: “Không có gì thay đổi vào ngày đầu năm mới”. Trong 3.000 người đã được theo dõi trong một năm và kết quả là: 88% không đạt được mục tiêu của các kế hoach đặt ra, mặc dù 52% đã tự tin cho rằng họ sẽ làm được.

Điều thú vị là các kế hoạch cho Năm Mới thường bao gồm những điều như đối xử với mọi người tốt đẹp hơn, kết thêm bạn mới và trả những món nợ đã vay mượn... Lịch sử đã cho thấy điều đó:

Người Babylon nói là họ sẽ trả lại các đồ vật đã mượn.

Người Do Thái tìm kiếm sự tha thứ về những gì họ đã làm.

Người Scotland thì đi thăm hỏi hàng xóm để cầu chúc sức khỏe.

Làm thế nào để tất cả những cách ứng xử xã hội này kết nối với sự tồn tại?

Đơn giản là: Chúng ta là những động vật sống bầy đàn. Chúng ta đã phát triển theo cách phụ thuộc vào người khác vì sức khỏe và sự an toàn của chúng ta. Đối xử tốt với mọi người là một cách hay để được đối xử tốt trở lại.

“Hãy làm với những người khác như bạn muốn họ làm với bạn,” hóa ra là một chiến lược sinh tồn tuyệt vời. Nó tương tự như câu nói của người Trung Hoa – ‘Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Đừng làm cho người khác những gì mình không muốn họ làm cho mình)

Người có tín ngưỡng thì quyết tâm cầu nguyện nhiều hơn. Điều này cũng có ý nghĩa về mặt sinh tồn: Họ tin rằng cầu nguyện nhiều hơn để đấng toàn năng sẽ giữ cho họ được an toàn. Người Do Thái cầu nguyện vào đầu năm mới của họ để được ghi vào "Sách của sự sống – Book of Life" thêm một năm nữa. Và mặc dù cái chết là điều không thể tránh khỏi, trong suốt lịch sử, con người đã phải luôn luôn đối phó với nỗi sợ hãi về cái chết bằng cách liên kết với tôn giáo, cầu nguyện nhiều hơn để mong muốn cuối đời có được một kết thúc có hậu chẳng hạn như cái chết ít đáng sợ hơn (!)

Có rất nhiều nghi thức cầu may khác nhau được tổ chức trong các lễ mừng năm mới ở khắp nơi trên thế giới:

Người Hà Lan, nơi mà vòng tròn là biểu tượng của sự thành công, ăn bánh donuts là một loại bánh có hình tròn.

Người Hy Lạp nướng bánh Vassilopitta (một loai bánh mì có dạng giống bánh bao) đặc biệt với một đồng xu bên trong, ai tìm thấy đồng xu trong lát bánh của mình sẽ được may mắn suốt năm.

Pháo hoa vào đêm giao thừa bắt đầu ở Trung Quốc hàng ngàn năm trước là một hình thức xua đuổi tà ma.

Người Nhật tổ chức New Year’s Bonenkai, hay còn gọi là "tiệc tất niên", để tạm biệt những điều không may của năm cũ và chuẩn bị cho một năm mới tốt đẹp hơn; những bất đồng và hiểu lầm và cả những mối hận thù cũng sẽ được quên đi.

Trong nghi lễ năm mới của nhiều nền văn hóa, nhà cửa được lau chùi sạch sẽ để loại bỏ những điều xấu và nhường chỗ cho những điều tốt đẹp hơn.

Một hình thức nghi lễ hấp dẫn nhất và lan truyền mạnh mẽ đến hầu hết các nơi trên thế giới là: Pháo hoa.

Ở mọi nơi trên thế giới, năm mới là thời điểm để mọi người nhìn lại những điểm yếu kém của mình để tìm cách giảm bớt những tổn thương mà chúng gây ra - và sẽ cố gắng làm điều gì đó để chế ngự những điều chưa biết đáng lo ngại sắp xảy ra ở phía trước. Những thể hiện này khá tương đồng và phổ biến trong lịch sử và văn hóa khắp nơi, nó được lập đi lập lại từ năm này sang năm khác có lẽ là biểu hiện cơ bản của con người đối với sự sống còn.

Vì vậy, làm thế nào để chúng tự trấn an mình trước điều đáng sợ nhất mà tương lai nắm giữ, chỉ có một điều chắc chắn duy nhất ở phía trước, thực tế không thể tránh khỏi rằng một ngày nào đó bạn sẽ chết!

Vậy thì chúng ta hảy đốt bánh pháo hoa, mời một miếng bánh mì Vassilopitta và nâng ly chúc mừng:

"Chúc Mừng Năm Mới Cho Sự Tồn Tại Của Chúng Ta!"

 

 

Truyền Thống Và Lễ Kỷ Niệm Năm Mới

Lễ hội chúc mừng năm mới đã được tổ chức ít nhất đã bốn thiên niên kỷ. Các lễ hội được ghi lại sớm nhất để tôn vinh ngày đầu năm mới là ở Babylon cổ đại khoảng 4.000 năm trước. Đối với người Babylon, ngày trăng non đầu tiên sau ngày phân tiết (xuân phân) - vào cuối tháng 3 khi ánh sáng và  bóng đêm bằng nhau – là ngày một năm mới bắt đầu. Họ đánh dấu sự kiện này bằng một lễ hội tôn giáo lớn gọi là Akitu (bắt nguồn từ từ tiếng Sumer có nghĩa là lúa mạch, được thu hoạc vào mùa xuân). Lễ hội Atiku còn làm ngày kỷ niệm chiến thắng của thần bầu trời Babylon Marduk trước nữ thần biển ác độc Tiamat. Akitu còn có ý nghĩa chính trị quan trọng: Đó là trong thời gian này, một vị vua mới sẽ lên ngôi, hoặc nhiệm vụ thần thánh của vì vua đang trị vì sẽ đổi mới một cách tượng trưng.

Bạn có biết không? Để thiết kế lại lịch La Mã theo mặt trời, Julius Caesar phải thêm 90 ngày vào năm 46 trước Công nguyên. khi ông ta giới thiệu lịch Julian mới của mình.

Trong suốt thời kỳ cổ đại, các nền văn minh trên khắp thế giới đã phát triển các loại lịch rất phức tạp, thường đánh dấu ngày đầu năm bằng một sự kiện nông nghiệp hoặc thiên văn. Ví dụ, ở Ai Cập, năm mới bắt đầu với trận lụt hàng năm của sông Nile, trùng với sự đi lên của sao Sirius (Thiên lang). Trong khi đó, ngày đầu tiên của năm mới ở Trung Quốc là ngày trăng non lần thứ hai sau ngày Đông chí.

Lịch La Mã thời kỳ đầu bao gồm 10 tháng 304 với ngày, với mỗi năm mới bắt đầu vào tiết xuân phân; Theo truyền thống, nó được tạo ra bởi Romulus, người sáng lập thành Rome, vào thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên. Vị vua sau này, Numa Pompilius, được ghi nhận là người đã thêm các tháng Januarius và Februarius. Qua nhiều thế kỷ, lịch này không đồng bộ với mặt trời. Cho đến năm 46 trước Công nguyên, hoàng đế Julius Caesar đã quyết định giải quyết vấn đề này bằng cách tham khảo ý kiến ​​của các nhà thiên văn và toán học lỗi lạc nhất ở thời đại của ông và làm ra lịch Julian. Lịch này gần giống với lịch Gregorian mà hầu hết các nước trên thế giới sử dụng ngày nay.

Là một phần trong cuộc cải cách của mình, Caesar đã qui định ngày 1 tháng 1 là ngày đầu tiên của năm, một phần để tôn vinh tên gọi của tháng: Janus, vị thần của sự khởi đầu của La Mã, người có hai khuôn mặt cho phép ông nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai.

Người La Mã ăn mừng bằng cách dâng vật hiến tế cho Janus, trao đổi quà cho nhau, trang trí nhà cửa bằng những cành nguyệt quế và tham dự những bữa tiệc vui nhộn. Đến hời Trung cổ ở châu Âu, các nhà lãnh đạo Thiên chúa giáo tạm thời thay thế ngày 1 tháng 1 là ngày đầu năm bằng những ngày mang ý nghĩa tôn giáo hơn, chẳng hạn như 25 tháng 12 (kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu) và 25 tháng 3 (Lễ Truyền tin).

Đến năm 1582 đức Giáo hoàng Gregory XIII đã tái lập ngày 1 tháng 1 là Ngày đầu năm mới.

Ngày nay, hầu hết các lễ hội của Năm mới (theo lịch Gregory) bắt đầu vào ngày 31 tháng 12 (đêm Giao thừa), ngày cuối cùng của lịch Gregory và tiếp tục vào những giờ đầu của ngày 1 tháng 1 (Ngày đầu năm mới). Truyền thống phổ biến bao gồm tham dự các bữa tiệc, ăn các món ăn đặc biệt của năm mới, đưa ra các quyết định cho năm mới và xem bắn pháo hoa.

Ở nhiều quốc gia, lễ kỷ niệm Năm mới bắt đầu vào tối ngày 31 tháng 12 (New year Eve - đêm giao thừa) và tiếp tục vào những giờ đầu của ngày 1 tháng 1. Những người tham dự thưởng thức các bữa ăn với đồ ăn nhẹ được cho là mang lại may mắn cho năm tới.

Ở Tây Ban Nha và một số quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha, mọi người xếp hình biểu tượng 12 trái nho - tượng trưng cho hy vọng và may mắn trong những tháng sắp tới vàotrước lúc nửa đêm. Ở nhiều nơi trên thế giới, các món ăn ngày Tết truyền thống  gồm các rau củ có hình giống tiền xu biểu tượng báo trước sự thành công về tài chính trong tương lai; tương tự như thế ở Ý là đậu lăng (lentils) ở Ý và đậu mắt đen (black-eyed peas ở miền nam Hoa Kỳ. Heo tượng trưng cho sự tiến bộ và thịnh vượng trong một số nền văn hóa, nên thịt heo có mặt trên bàn tiệc đêm giao thừa ở Cuba, Áo, Hungary, Bồ Đào Nha và một số các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam).

 Bánh ngọt hình chiếc nhẫn, là dấu hiệu cho thấy một năm sắp đến sẽ tròn đầy xuất hiện ở Hà Lan, Mexico, Hy Lạp và một số nơi khác. Trong khi đó, ở Thụy Điển và Na Uy, bánh gạo với một hạt hạnh nhân (almond) ẩn bên trong được phục vụ vào đêm giao thừa. Người ta tin rằng bất cứ ai tìm thấy hạt hạnh nhân này sẽ gặp may mắn suốt 12 tháng sắp tới.

Các phong tục phổ biến khác trên toàn thế giới bao gồm xem bắn pháo hoa và hát các bài hát chào đón năm mới, như bài “Auld Lang Syne” rất phổ biến ở nhiều quốc gia nói tiếng Anh (và cả ở Việt nam)

https://youtu.be/5mCWIsmSFN8     

Tục lệ đưa ra các quyết định cho năm mới được cho là lần đầu tiên xuất hiện ở người Babylon cổ đại, họ đưa ra lời hứa để được sự ưu ái của các vị thần và để có một năm mới thuận lợi. Theo những ghi chép lại thì họ thề sẽ trả hết nợ và trả lại thiết bị nông trại đã mượn.

Ở Hoa Kỳ, truyền thống mang ấn tượng nhất của năm mới là thả một quả bóng khổng lồ ở Quảng trường Times Square ở New York vào đúng 12 giờ đêm 31 tháng 12. Hàng triệu người trên khắp thế giới theo dõi sự kiện này diễn ra mỗi năm kể từ năm 1907. Theo thời gian, quả cầu bong bóng đã từ một quả cầu sắt và gỗ nặng 700 pound thành một quả cầu trang trí hoa văn rực rỡ có đường kính 12 ft (khoảng 3.7m) và nặng gần 12.000 lbs (5400kg) . Nhiều thị trấn và thành phố khác nhau trên khắp nước Mỹ đã thực hiện một phiên bản riêng của nghi lễ Quảng trường Thời đại cho thành phố của mình kèm theo thả các vật phẩm làm từ dưa muối (Dillsburg, Pennsylvania) đến thú có túi (Tallapoosa, Georgia) vào lúc nửa đêm.

(những trích dẫn và số liệu trong bài này có nguồn từ History Channel)

31 tháng 12 năm 2020. S. Ng.

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết