Vụ án oan Trần Quý Cáp

Tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà, nằm bên cầu sông Cạn, là miếu thờ nhà nho chí sĩ Trần Quý Cáp. Được xây dựng vào năm 1970, miếu nhỏ nhưng trang nghiêm.

Vụ án oan khuất này diễn ra như thế nào. Dưới đây là sơ lược nội dung theo Nguyễn Văn Xuân (Phong trào Duy Tân, 1970).

“Bắt đầu cuộc đàn áp, vây bắt truy nã các thân sĩ có liên quan tới phong trào Duy Tân.

… Cuộc vây bắt một chàng thư sinh (là Huỳnh Thúc Kháng) tay chân trần phải dùng một đề đốc tỉnh, hai quan Đồn binh lại đèo hai chục lính tập… Lý do bị bắt ra sao, Huỳnh Thúc Kháng cũng không bao giờ được nghe nói cho rõ. Nhưng đại khái chắc không ngoài những gì mà viên Đại lý Pháp ở Tam Kỳ bảo với ông:

Ông là hàng khoa giáp của An Nam, sĩ dân trong tỉnh đều suy phục. Ông thường đi các nơi diễn thuyết, đề xướng dân quyền. Nay hạt dân nổi loạn, kéo nhau cự sưu, trong số đó có đồ đệ của ông theo xúi giục, quan Sứ triệu ông cũng vì cớ ấy.”

Hôm sau vào nhà giam Hội An, ông lại gặp người quen, là Tiểu la Nguyễn Thành.

Rồi lần lượt các sĩ phu khác cũng vào tù. Trong đám người bị bắt, Châu Thượng Văn là người tự hy sinh trước hết bằng tinh thần và một cái chết can cường làm rúng động giới sĩ phu.

Trong số nhiều câu đối khóc Châu Thượng Văn, câu sau đây của Trần Cao Vân là ý nghĩa hơn hết, ý nghĩa không chỉ bởi nội dung cao sâu mà còn bởi dám hẹn hò:

Ngã bất nan xả sanh, nại hà tai Trung Thiên dịch sơ khai, Dũ lý thất niên tiền vị diễn.

Quân nãi năng tựu nghĩa, nan đắc giả vạn thế kinh độc thủ, Thú dương thiên tải hậu do văn.”

Huỳnh Thúc Kháng dịch:

“Ta có tiếc sống đâu, ngặt vì dịch Trung Thiên mới mở đâu, Dũ lý bảy năm chưa kịp diễn.

Người hẳn theo nghĩa đấy, khó nhất kinh muôn đời hay giữ chắc, Thú dương ngàn thuở vẫn còn nghe”.

Sau đó là cái chết vô cùng hãi hùng mà cũng hào hùng của Trần Quý Cáp.

Trần Quý Cáp bị đổi vào Khánh Hòa đầu tháng giêng 1908 đến cuốt tháng hai ở Quảng Nam mới nổ ra vụ kháng thuế. Ông không can dự vào việc xin xâu. Có nhiều tài liệu cảa các tác giả khác nhau nói về cái án đó. Riêng ông Phan Châu Trinh trong Trung kỳ dân biến thỉ mạc ký gởi cho Toàn quyền Đông dương (1911) có trình bày một cách thống thiết, sắc bén, đanh thép, hùng hồn những sai lầm, tàn bạo, vô loại của án ấy gồm có:

  1. Cái án ấy có 8 điều oan.
  2. Cái án ấy là gian dối và vì sao mà gian dối.

Tóm lại, người ta thường cho cái án của Trần Quý Cáp là rất oan. Để trưng bằng cớ giết ông, Bố chánh Nguyễn Văn Mại, Án sát Phạm Ngọc Quát đã vin vào một lá thư của ông mà kết án. Nguyên lúc bấy giờ Trần Văn Thống làm tri phủ Điện Bàn vốn có tư thù với Trần Quý Cáp về bài thơ Cái Trống nên đã xui đổi ông vào Khánh Hòa. Sau đó Thống bị dân Phủ Điện làm nhục trong vụ xin xâu nên khi dẫn lính đến lục soát nhà Cử nhân Phan Thúc Duyên, làng Phong Thử, bắt được lá thư ông Trần Quý Cáp mới gởi về, liền gởi ngay cho quan tỉnh Kh́anh Hòa kết tội. Thư ấy chỉ có câu:”Cận văn ngô Châu thủ cử, khoái thậm! khoái thậm! (Nghĩa là”Gần đây được nghe tỉnh ta cử hành việc ấy, sướng lắm, sướng lắm.)

Các quan tỉnh gạn mãi, ông nói :”Tôi chỉ đem sở học nhi hành để mong dìu dắt cho dân khôn nước mạnh, nay dân trí như vậy là đã khá cao là do lòng định liệu cho tương lai dân mình, nước mình. Tôi có tội tình gì, dân có tội tình gì.

Trong bản xử, chúng tự rằng thế phát (cúp tóc) Âu trang (mặc đồ tây) là mưu vãng tha quốc (mưu ra nước ngoài), ghép vào tội bất trung, bất hiếu xử tiên sinh về hình lăng trì. Toà Khâm sứ Huế điện về Pháp xin giảm một bậc là xử quyết thì Hôi Nhân quyền bên Pháp bảo phải hoãn lại, nhưng khi quan tỉnh Khánh Hòa tiếp được điện trả lời thì bọn Bố Mại, Án Quát đã đem tiên sinh hành hình rồi..”

 Người ta gọi án ấy là”Mạc tu hữu”không cần có tội danh gì, án Tần Cối dùng giết Nhạc Phi ngày xưa.

Nhớ khi ông ra tới trường chém, dao đã kề cổ, còn thung dung xin với quan giám trảm, cho đặt án, đốt hương, áo mão nghiêm trang, bái tạ quốc dân ngũ bái, rồi khảng khái tựu hình, sắc mặt in như lúc nhóm trò giảng sách (Phan Bội Châu, Thi văn quốc cấm.)

Cái chết của Trần Quý Cáp gây xúc động như chưa từng thấy.

(Nơi ông bị xử là Gò Chết Chém, còn gọi là Gò Quýt, Gò Giam. Ngày 15.6.1908)

Người ta đã nói nhiều về nỗi oan của Trần Quý Cáp và những kẻ giết ông đều vì thù riêng nhưng theo chỗ tôi nghĩ (lời Nguyễn Văn Xuân) thì trong các tay lãnh tụ Duy Tân ở Quảng Nam, Trần Quá Cáp lợi hại hơn hết, từng hợp tác với Nguyễn Thành cũng như từng có ý định xuất ngoại… Nhiều người biết mà chính Huỳnh Thúc Kháng cũng điếu ông bài thi với câu:

Bồng Đảo gió chưa đưa giấc mộng.”

Vậy giết ông những kẻ cầm quyền muốn nhân cơ hội dứt một hậu hoạn mà chúng ngày đêm lo sợ, đồng thời trả được thù riêng.”

 

Những thân sĩ trong phong trào Duy Tân đều là nhà nho thực thụ. Họ thấm nhuần tư tưởng Nho gia từ ngàn xưa, trung quân ái quốc. Khi tân hoc tràn vào nước ta, các nhà nho thấy mình phải thức thời vụ, đi tìm cái mới, nhưng tinh thần nho học vẫn thấm đẫm trong con người họ.

Sau khi Pháp chiếm nước ta, hầu hết các cuộc khởi nghĩa là do các nhà nho khởi xướng và lãnh đạo phong trào. Từ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám ở miền bắc đến Trương Định, Nguyễn Trung Trực ở miền nam. Rồi đến đầu thế kỷ 20 là phong trào Duy Tân ảnh hưởng đến phong trào kháng sưu thuế ở miền trung, sự kiện đã dẫn đến cái chết oan khuất của Trần Quý Cáp. Họ đều là nhà nho cả đấy thôi.

Tân học chê nho học lạc hậu, thủ cựu, chỉ vụ hình thức mà kém thực tiễn. Suốt ngày chỉ tầm chương trích cú, đối sao cho hay, dùng chữ sao cho chỉnh mà không biết gì đến thời cuộc.

Những nhà nho đầu tiên và cuối cùng chết vì nước đều là những con người hiên ngang bước chân vào lịch sử. Họ ra pháp trường (Trần Quý Cáp) hay tuẫn tiết (Châu Thượng Văn) hay chết trên chiến trường (Phan Đình Phùng, Trương Công Định) mà vẫn ôm theo tinh thần nho giáo nặng nề nhưng trong sáng, cái khối nho giáo hủ bại nhưng quanh nó là vầng hào quang rực rỡ.

Người ta có thể chê nội dung cái học của họ, nhưng ai dám chê tinh thần một lòng vì dân vì nước của họ. Tinh thần ấy muôn đời là tấm gương chói lọi cho chúng dân soi.

 

Bình Thạnh, tháng 2.2020

Ng T Hải

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết