Vân Nam, Nam chiếu, Đại Lý và Đoàn Hoàng Gia (Kỳ 2/4)

Đại Lý

Vương quốc của người Bạch, tồn tại từ 937 đến 1253. Do Đoàn Tư Bình thành lập, có 22 đời vua nối tiếp nhau, bị Mông Cổ tiêu diệt vào 1253, dưới đời Mông Kha. Kinh đô là thành Đại Lý. Là quốc gia theo Phật giáo Mật tông, từ vua đến dân rất sùng đạo, vua thường tại vị một thời gian rồi xuất gia làm sư.

Nước Đại Lý kéo dài 316 năm, 22 đời vua, trong đó có đến 10 đời vua bỏ ngôi đi tu như Bảo Định đế Đoàn Chính Minh, Trung Tông Đoàn Chính Thuần, Cảnh Tông Đoàn Chính Hưng. Vương triều Đại Lý bị gián đoạn 2 năm khi quyền thần Cao Thăng Thái cướp ngôi lập ra vương triều Đại Trung.

Một trong các cư dân Đại Lý là giống người Thái, địa bàn cư trú trải dài từ Vân Nam qua bắc Thái Lan, thượng Lào và bắc Việt Nam. Người Thái gồm các sắc dân như Thái trắng, Thái đen, Thái đỏ, Thổ, Nùng. Sau khi Đại Lý bị Mông Cổ diệt, người Thái lẩn trốn vào rừng rồi di chuyển lần hồi xuống phía nam và tây nam.

Dưới đây là một số đời vua Đại Lý:

Thời Tiền Đại Lý (937 – 1094)

Thái tổ Văn Vũ đế Đoàn Tư Bình (937 – 944)

Bảo Định đế Đoàn Chính Minh (1081 – 1094)

Thời Đại Trung

Biểu Chính đế Cao Thăng Thái (1094 – 1095)

Thời Hậu Đại Lý (1096 – 1253)

Văn An đế Đoàn Chính Thuần (1096 – 1108)

Hiến Tông Tuyên Nhân đế Đoàn Chính Nghiêm (1108 – 1147)

Thiên định Hiền vương Đoàn Hưng Trí (1561 – 1253).

Từ 1253, Đại Lý rơi vào tay Mông Cổ, nhưng các tổng quản vẫn là người họ Đoàn.

Đoàn Thật (1256 – 1282)

Đoàn Thế (1382 – 1387) là người cuối cùng.

Đoàn Chính Nghiêm hay Đoàn Hòa Dự, vị vua thứ 16 chính là nhân vật Đoàn Dự trong Thiên Long bát bộ của Kim Dung.

Trong lịch sử

Đoàn Dự là người dân tộc Bạch, không có dữ liệu chắc chắn về năm sinh năm mất. Theo truyền thống dòng họ, phụ vương ông là Đoàn Chính Thuần thoái vị nhường ngôi cho ông và xuất gia làm sư năm 1108. Đoàn Dự kế vị và trở thành vị quân chủ thứ hai của Đại Lý kể từ sau sự kiện Cao Thái Minh trả ngôi cho họ Đoàn.

 

Bấy giờ, thế lực họ Cao vẫn còn rất mạnh, thường xuyên gây rối loạn. Sau khi lên ngôi, Đoàn Dự mới dần dần cải thiện cục diện chuyên quyền của các bè đảng của họ Cao chuyên quyền.

 

Năm 1110, nổ ra cuộc bạo loạn của 37 bộ tộc thiểu số ở Điền Đông (nay thuộc Côn Minh). Tướng quốc Cao Thái Minh thống lĩnh quân binh dập tắt được cuộc bạo loạn, giao lại cho con trai thứ 4 là Cao Minh Thanh kế thừa tướng vị Thiện Xiển hầu trấn thủ. Cao Thái Minh sinh được 8 người con trai, trong đó có Cao Trí Xương vì phạm tội nên bị lưu đày mà chết. Bộ hạ của Cao Trí Xương dự định mưu sát Đoàn Dự lúc tế lễ để báo thù. Tuy nhiên, âm mưu bại lộ, Đoàn Dự vì nể gia tộc họ Cao từng trả ngôi lại cho họ Đoàn, nên xá miễn tội cho.

 

Năm 1117, Đoàn Dự được Tống Huy Tông phong tước Kim tử Quang lộc Đại phu, Kiểm hiệu Tư không, Vân Nam Tiết độ sứ, Thượng trụ quốc, được kế thừa ngôi vị Đại Lý Quốc vương của thân phụ.

 

Năm 1119, 37 bộ tộc thiểu số ở Điền Đông lại nổi dậy. Cuộc bạo loạn tuy được dập tắt nhanh chóng, nhưng Thiện Xiển hầu Cao Minh Thanh cũng bị tử trận. Triều đình Đại Lý bèn tôn lập cháu của Cao Thăng Thái là Cao Lương Thành, một người có tiếng là hiền đức, làm Tể tướng, hiệu Trung Quốc công.

 

Năm 1147, một lần nữa 37 bộ tộc Điền Đông lại nổi dậy. Cũng trong năm này, Đoàn Dự thoái vị và xuất gia làm sư. Ông là vị quân chủ Đại Lý tại vị lâu nhất trong 39 năm. Con trai ông là Đoàn Chính Hưng kế vị ngôi vua Đại Lý. Sau khi ông mất, được truy phong miếu hiệu là Hiến Tông, thụy hiệu Tuyên Nhân Đế.

 

Các niên hiệu của Đoàn Chính Nghiêm:

 

Nhật Tân (1108-1109)

Văn Trì (1110-1121)

Vĩnh Gia (1122-1128)

Bảo Thiên (1129-1136)

Quảng Ứng (1137-1147)

Tiểu thuyết hóa

Đoàn Dự là một trong ba nhân vật nam chính trong truyện Thiên long bát bộ của Kim Dung, là con của nguyên thái tử Đại Lý Đoàn Diên Khánh và trấn nam vương phi Đao Bạch Phượng và là vương tử nước Đại Lý, dáng vẻ thư sinh, tính hay si, sùng đạo Phật, ghét bạo lực, thẳng thắn, đa cảm nhiều khi hơi gàn. Không chịu học võ nhưng nhờ cơ duyên may mắn nên học được Bắc Minh Thần Công có thể hút công lực của người khác, học Lục Mạch Thần Kiếm nhưng không biết sử dụng nên lúc dùng được lúc dùng không được, Lăng Ba Vi Bộ di chuyển khinh công lẹ làng. Trên đường đi du ngoạn giang hồ chàng đã kết nghĩa huynh đệ lần lượt với Tiêu Phong và Hư Trúc.

 

Đoàn Dự có ba người vợ gồm: Vương Ngữ Yên, Chung Linh và Mộc Uyển Thanh. Cháu nội Đoàn Dự là Đoàn Trí Hưng cũng được Kim Dung tiểu thuyết hoá, trở thành một nhân vật trong Xạ điêu tam bộ khúc, xếp vào Thiên hạ ngũ tuyệt với ngoại hiệu là Nam đế. Theo nguyên tác ban đầu thì anh lập Vương Ngữ Yên lên làm hoàng hậu nhưng trong lần sửa đổi mới nhất của Kim Dung vào năm 2012, cuối tác phẩm có nói tới việc chàng đã tiết lộ cho một số ít người thân cận như Mộc Uyển Thanh, Ba Thiên Thạch, Chung Linh, Chu Đan Thần cha thật sự của anh là ai, đồng thời Đoàn Dự nhận ra Mộc Uyển Thanh là người con gái mình yêu nhất nên đã quyết định kết hôn với nàng và lập làm hoàng hậu, lập Chung Linh làm phi tần, sống một cuộc đời ung dung tự tại. Còn với Vương Ngữ Yên, chàng nhận ra mình đã mang tình yêu với bức tượng ngọc bích (Thần tiên tỉ tỉ) gán cho cô nên đã để cô ra đi.

 (https://vi.wikipedia.org/wiki/Đoàn_Dự)

 

 (https://vi.wikipedia.org/wiki/Vuong_quoc_Dai-Ly)

Chiến tranh giữa Nam Chiếu và An Nam

Nam Chiếu cũng đã từng xâm chiếm An Nam (tên gọi khi đó của Việt Nam) từ những năm 858 tới năm 866. Về việc này, trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép (lược trích lại):

Bính Dần, [846], (Đường Hội Xương năm thứ 6). Người Nam Man (tức Nam Chiếu) vào cướp. Vua Đường sai Kinh Lược Sứ là Bùi Nguyên Hựu đem quân các đạo lân cận đánh dẹp được.

Mậu Dần, 858, (Đường Đại Trung, năm thứ 12). Mùa xuân, người Nam Chiếu kéo đến đông, đóng ở bến đò Cẩm Điền. Vương Thức khi đó là Giao Châu kinh lược đô hộ sứ, sai người đến dụ, chỉ một đêm người Nam Chiếu lại kéo đi. Nguyên nhân do đô hộ Lý Trác tham lam tàn bạo, mua hiếp bò ngựa của người Man, mỗi con chỉ trả cho một đấu muối, giết tù trưởng Man là Đỗ Tồn Thành, dân Man oán giận, dẫn đường cho người Nam Chiếu đến lấn cướp biên giới.

Tháng 5 năm ấy, người Nam Chiếu đến cướp, Thức đánh lui được.

Canh Thìn, 860, (Đường Ý Tông, Thôi Hàm Thông, năm thứ 1). Mùa đông, tháng 12, ngày Mậu Thân, người thổ man dẫn quân Nam Chiếu hợp lại hơn 30.000 người, đánh chiếm phủ trị.

Tân Tỵ, 861, (Đường Hàm Thông, năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, vua Đường phát quân Ung, Quản và các đạo lân cận sang cứu Lý Hộ, đánh lại Nam Chiếu. Mùa hạ, tháng 6, ngày Quý Sửu, vua Đường sai phòng ngự sứ Diêm Châu là Vương Khoan làm Kinh lược sứ An Nam. Bấy giờ Lý Hộ từ Vũ Châu thu nhặt quân người địa phương Giao Châu đánh bọn Nam Chiếu, lấy lại được phủ thành.

Nhâm Ngọ, 862, (Đường Hàm Thông, năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, Nam Chiếu lại vào cướp phá. Vương Khoan mấy lần sai sứ cáo cấp. Vua Đường sai Hồ Nam quan sát sứ là Sái Tập thay thế, đem binh các đạo Hứa, Hoạt, Từ, Biện, Kinh, Tương, Đàm, Ngạc, hợp lại 30.000, giao cho Tập để chống cự. Yếu thế, quân Nam Chiếu rút lui.

Mùa đông, tháng 10, Nam Chiếu đem 50.000 người đến cướp, Tập cáo cấp. Vua Đường sai lấy quân hai đạo Kinh Nam, Hồ Nam 2.000 người và nghĩa chinh ở Quế Quản 3.000 người đến Ung Châu chịu lệnh tiết chế của Trịnh Ngu để sang cứu Sái Tập. Tháng 12, Tập lại xin thêm quân, vua Đường sắc cho Sơn Nam đông đạo đem 1.000 quân cung nỏ sang cứu.

Quý Mùi, 863, (Đường Hàm Thông, năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, ngày Canh Ngọ, quân Nam Chiếu đánh chiếm phủ thành. Nam Chiếu hai lần chiếm Giao Châu, vừa giết vừa bắt gần 150.000 người. Khi rút lui còn lưu lại 20.000 quân, sai Tư Tấn giữ thành Giao Châu. Người Di Lão ở các khe động đều hàng phục cả. Vua Nam Chiếu cho thuộc hạ là Đoàn Tù Thiên làm tiết độ sứ phủ Giao Châu.

Giáp Thân, 864, (Đường Hàm Thông, năm thứ 5). Mùa thu, tháng 7, vua Đường cho Cao Biền làm Đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ.

Ất Dậu, 865, (Đường Hàm Thông, năm thứ 6). Mùa thu, tháng 7, Cao Biền sửa quân ở trấn Hải Môn. Biền đem hơn 5.000 quân vượt biển đi trước. Tháng 9, Biền đến Nam Định, Phong Châu, quân Man gần 50.000 đương gặt lúa, Biền ập đến đánh tan, chém được bọn Trương Thuyên, thu lấy số lúa đã gặt để nuôi quân.

Bính Tuất, 866, (Đường Hàm Thông, năm thứ 7). Mùa hạ, tháng 4, Nam Chiếu sai Trương Tập giúp Tù Thiên đánh Giao Châu, cho Phạm Nật Ta làm Đô thống Giao Châu. Giám trận nhà Đường sai Vi Trọng Tể đem hơn 7.000 quân đến Phong Châu. Biền được thêm quân, tiến đánh Nam Chiếu, nhiều lần đánh tan được. Tháng ấy, Biền đánh tan quân Nam Chiếu, giết và bắt sống rất nhiều. Nam Chiếu thu quân còn sót chạy vào châu thành cố giữ. Mùa đông, tháng 10, Cao Biền vây châu thành hơn 10 ngày, người Man rất khốn quẫn. Biền đến nơi đốc thúc khích lệ tướng sĩ, lấy được thành, giết Tù Thiên và Chu Cổ Đạo là người thổ man dẫn đường cho quân Nam Chiếu, chém hơn 30.000 đầu. Quân Nam Chiếu trốn đi, Biền lại phá được hai động thổ man đã theo Nam Chiếu, giết tù trưởng. Người thổ man rủ nhau quy phục đến 17.000 người. “

 (https://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_Chieu)

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết