TRÊN ĐỈNH CAO QUYỀN LỰC, KỲ 7

Chương 13

 

HẠ NGHỊ VIỆN.

 

1.

 

 

Brian Richardson nói, ‘ Vậy là ông đã báo với Nội các. Thái độ họ ra sao ?’ Ông trưởng ban tổ chức lấy tay dụi mắt cho đỡ mỏi. Từ lúc Thủ tướng ở Washington về ngày hôm trước, Richardson hầu như cứ ngồi lì ở bàn. Ông vừa rời nó mười phút trước để đáp taxi đến Đồi Quốc hội.

Tay thọc sâu vào túi áo, James Howden tiếp tục đối diện với cửa sổ nơi ông đang nhìn xuống, từ văn phòng khu vực giữa tòa nhà, dòng xe cộ tấp nập buổi chiều. Trong mười phút qua, có một viên Đại sứ đến và đi; bộ ba Thượng nghị sĩ, như những hiền triết đời xưa; đã đi qua bên dưới và khuất tầm mắt ; một giáo sĩ mặc áo choàng đen, mặt như diều hâu, bước đi như cái bóng của định mệnh ; những nhân viên văn thư mang hồ sơ giao nhận, vẻ quan trọng ; một nhúm phóng viên trong phòng họp báo ; những quân cảnh từ một phiên điều tra hay buổi ăn trưa trở về, trông như những thành viên câu lạc bộ và những du khách ngẫu nhiên , vài người đứng nhờ bạn bè chụp hình bên cạnh những kỵ binh cảnh sát đang tươi cười và lúng túng.

Howden nghĩ, tất cả những điều này có nghĩa gì ? Nó lên tới gì khi kết thúc ? Mọi thứ quanh ta hình như là vĩnh cửu : những năm tháng dọc dài; nhà điêu khắc ; những tòa nhà nhiều chuyện ; hệ thống chính quyền của chúng ta; sự rực rỡ của chúng ta, hoặc những điều ta muốn suy nghĩ. Và tất thảy đều tạm bợ và chính chúng ta là thành phần tạm bợ và mong manh nhất. Tại sao chúng ta chiến đấu, cố gắng, đạt tới, khi mà đến lượt nó, cái tốt nhất mà ta làm được lại không đi tới cái gì cả ?

Ông cho là không có câu trả lời. Giọng ông trưởng ban tổ chức kéo ông về với thực tại.

Brian Richardson lập lại, ‘ Thái độ họ ra sao ?’ Buổi họp toàn thể Nội các đã được tổ chức sáng nay.

Từ cửa sổ quay lại, Howden hỏi , ‘ Thái độ gì ?’

‘ Hiệp ước Liên minh, tất nhiên. Chứ còn cái gì nữa ?’

James Howden suy nghĩ trước khi trả lời. Hai người đang ở trong văn phòng thuộc Quốc hội của Thủ tướng – phòng 307S, một kiểu phòng nhỏ hơn và thân mật hơn là dãy văn phòng ở khu vực phía Đông, nhưng chỉ có một thang máy đi từ Hạ nghị viện.

‘ Thật là lạ , ông lại hỏi còn cái gì khác. Một khi đã lưu tâm đến Hiệp ước Liên minh, hầu hết Nội các đều đánh giá nó rất cao. Tất nhiên, cũng có vài bất đồng, có lẽ là bất đồng trầm trọng – khi ta thảo luận lại.’ Brian Richardson khô khan nói, ‘ Những con số , phải không ?’

Howden đi quanh phòng, ‘ Tôi cho là thế. Nhưng rồi, lại có thể là không. Điều rất thực tế là người ta chấp nhận những ý tưởng lớn dễ hơn những quan niệm nhỏ.’

‘ Bởi vì hầu hết con người ta chỉ có đầu óc nhỏ.’

Đây là lúc Richardson mỉa mai cay độc Howden, ‘ Không cần thiết. Tôi nghĩ ông là người chỉ ra rằng, chúng ta tiến về phía Hiệp ước Liên minh một thời gian dài. Cái gì hơn nữa, là những điều khoản tôi đã thương thuyết với họ, đều cực kỳ có lợi cho Canada.’ Thủ tướng dừng lại, vuốt mũi rồi tiếp một cách trầm tư. ‘Điều tuyệt vời nhất trong Nội các sáng nay là chỉ có vài người lo lắng khi nói về vụ nhập cư tồi tệ kia.’

‘ Chứ không phải mọi người sao ? Tôi tưởng ông đã đọc báo hôm nay ?’

Thủ tướng gật đầu, rồi ngồi xuống, chỉ Richardson ngồi vào ghế đối diện. ‘ Tên luật sư Maitland ở Vancouver này hình như gây cho ta nhiều lo lắng . Chúng ta biết gì về hắn không ?’

‘ Tôi đã kiểm tra. Hình như chỉ là một luật sư trẻ, khá thông minh, không có liên hệ chính trị nào.’

‘ Bây giờ thì không, có lẽ vậy. Nhưng vụ này là một cách rất tốt để khởi đầu. Có cách nào để chúng ta tiếp cận được Maitland một cách gián tiếp không ; cho y một chỗ nào đó bằng lá phiếu nếu y muốn chẳng hạn ?’

Ông trưởng ban tổ chức lắc đầu, ‘ Quá liều lĩnh. Tôi đã cho mở vài cuộc điều tra và lời khuyên tôi nhận được là nên đứng xa ra. Nếu nói ra một điều nào như thế, Maitland sẽ dùng nó để chống lại chúng ta. Hắn là týp người như thế. Vậy đó.’

Howden nghĩ lúc mình còn trẻ, mình cũng là týp người như vậy. Ông nói , ‘ Được thôi. Anh có đề nghị gì khác không ?’

Richardson lưỡng lự. Suốt ba ngày ba đêm, từ khi Milly Freedeman đưa ra tờ giấy định mệnh ấy, cuộc thương lượng giữa Thủ tướng và Harvey Warrender, ông đã nghĩ đến rất nhiều khả năng.

Brian Richardson nghĩ ở đâu đó phải có một đối trọng chống lại Harvey Warrender. Luôn luôn có một đối trọng; ngay cả những tên tống tiền cũng có những bí mật chúng muốn giữ, dù vấn đề cũng hiển nhiên như nhau : làm thế nào để lôi được bí mật này ra. Rất nhiều cá nhân trong chính trị - cả trong và ngoài đảng – Richardson đã nghe nói về những bí mật của họ suốt nhiều năm liền. Và trong cái két sắt ở văn phòng riêng, ông cất một cuốn sổ nhỏ màu nâu ghi lại tất cả, viết bằng kiểu chữ tốc ký mà chỉ ông đọc được.

Nhưng dưới cái tên “ Warrender” trong cuốn sổ ấy, chẳng ghi một điều gì đến tận một, hai ngày trước. Song, dù thế nào … đối trọng phải được tìm thấy và nếu có ai tìm thấy, Richardson biết, nó sẽ là của ông.

Suốt ba ngày ba đêm, ông lật đi lật lại trí nhớ của mình … đến tận những nơi sâu kín nhất … nhớ lại những lời nói tình cờ, ngẫu nhiên, buột miệng, tung hứng những khuôn mặt, những nơi chốn, những câu chữ.

Đó là một quá trình đã thực hiện rồi, nhưng lần này không có kết quả.

Ngoại trừ việc trong hai mươi bốn giờ qua, ông mơ hồ nghĩ là đã đến gần nó. Ông biết, có một điều gì đó; ở gần trên bề mặt tâm trí ông. Một khuôn mặt, một ký ức, một lời nói nào có thể làm lẩy nó ra. Nhưng không có . Câu hỏi là : bao lâu ?

Ông rất muốn tiết lộ cho Howden ông đã biết về thỏa thuận năm năm trước đó; để có một cuộc thảo luận đầy đủ và ngay thẳng. Nó sẽ đánh tan bầu không khí, có thể nẩy sinh ra kế hoạch để đối phó với Harvey Warrender, hay biết đâu làm hé ra một cái gì vẫn được khóa kín trong đầu ông ta. Nhưng để làm việc này, phải kéo Milly vào cuộc, ngay lúc này đây, trong văn phòng ngoài kia, bảo vệ sự riêng tư của họ. Và Milly phải không liên can, dù bây giờ hay về sau.

Thủ tướng hỏi, ‘ Anh có đề nghị gì khác không ?’

‘ Thưa xếp, có một phương thuốc khá đơn giản mà tôi đã đề nghị trước đây.’

Howden nói ngay, ‘ Nếu anh muốn nói là cho gã đi lậu vào với tư cách là người nhập cư, thì anh đã đi ra ngoài vấn đề rồi. Ta đã có một chỗ dựa và ta phải bám lấy nó. Lùi lại nghĩa là chấp nhận yếu thế.’

‘ Không. Nếu mọi việc được chỉ đạo đúng.’

Howden nói, ‘ Tôi muốn bàn với Warrender về tay viên chức đang chịu trách nhiệm ngoài đó.’

Richardson nói, ‘ Kramer. Ông ta là một giám đốc ủy quyền được tạm thời cử ra đó.’

‘ Có lẽ phải triệu hồi ông ta về. Một người có kinh nghiệm không bao giờ chấp nhận cuộc điều tra đặc biệt như thế. Theo báo chí, ông ta tự nguyện chấp nhận sau khi đơn xin xét xử đã bị bác.’ Howden nói thêm với vẻ giận dữ,’ Vì sự ngu xuẩn đó, mà mọi chuyện lại bị kích động trở lại.’

‘Có lẽ ông nên chờ đến khi ra đó . Rồi hãy sửa riêng hắn. Ông có định xếp lịch việc này không ?’

‘ Có.’ Howden đứng dậy, băng ngang qua chiếc bàn đầy ắp giấy tờ gần cửa sổ. Buông người xuống chiếc ghế bành sau bàn, ông với tay lấy một tập hồ sơ để ngỏ, ông vừa ý nói, ‘ Xem xét một thông báo ngắn. Đó là một kế hoạch hay anh đã vạch ra cho tôi.’

Howden liếc mắt qua danh sách này. Chấp thuận cho Hạ nghị viện tuyên bố về Hiệp ước Liên minh trong thời gian mười ngày. Còn lại năm ngày để làm một vòng diễn thuyết quanh đất nước – họ đã dự định đó là thời gian “ có điều kiện”. Ông sẽ bắt đầu ở Toronto vào ngày mốt – một cuộc hội họp hỗn hợp giữa những người Canada có uy tín và Câu lạc bộ Hoàng gia – và sau cùng, vào ngày cuối, ở thành phố Quebec và

Montreal. Khoảng giữa sẽ là Fort William, Winnipeg, Edmonton, Vancouver, Calgary và Regina.

Ông mỉa mai nhận xét, ‘ Tôi thấy anh đã gồm luôn những hạn ngạch thông thường trong các mức độdanh dự.’

 Richardson nói, ‘ Tôi luôn luôn nghĩ rằng ông đã sưu tập chúng.’

‘ Tôi cho là anh có thể gọi nó như thế. Tôi giữ nó trong hầm số hai mươi bốn, cùng với những bộ tóc giả da đỏ. Hai vật này chắc là có ích.’

Richardson cười khoái trá, ‘ Đừng bao giờ trích dẫn việc ấy. Chúng ta đã mất cả cử tri da đỏ và trí thức.’

Rồi nói thêm, ‘ Ông nói Nội các đã đá vụ Duval đi vòng quanh, cũng như Hiệp ước Liên minh. Có kết luận nào mới không ?’

‘ Không. Ngoại trừ việc phe đối lập đòi phải tranh luận ở Hạ viện vào chiều nay và tôi sẽ can thiệp nếu cần.’

Richardson vừa nói vừa cười, ‘ Thận trọng hơn hôm qua, tôi mong thế.’

Thủ tướng mặt đỏ tía tai. Ông cáu kỉnh đáp, ‘ Cách lưu ý đó không được yêu cầu. Điều tôi nói ở phi trường hôm qua là một sai lầm, tôi thừa nhận. Nhưng ai mà chẳng có lúc sai lầm. Ngay cả anh, thỉnh thoảng cũng sai bét kìa.’

Ông trưởng ban tổ chức chà tay lên mũi . ‘ Tôi biết. Và không chừng, tôi vừa mới sai nữa. Xin lỗi.’ Howden đấu dịu, ‘ Có lẽ Harvey Warrender có thể tự tay giải quyết những vụ này.’

Thực tế, Howden nghĩ nếu Harvey nói cũng hay và thuyết phục như ở Nội các, có lẽ ông ta đã khôi phục phần nào thanh danh cho chính phủ và cho đảng. Sáng nay, dưới sự công kích dữ dội của các Bộ trưởng khác, ông ta đã bảo vệ cho hành động của Bộ Di trú, biến nó thành ra vô tội và hợp pháp. Cũng không có gì sai lầm trong tính cách của ông ta cả, vẫn vững chải và hợp lý, cho dù vẫn cảm thấy lo âu vì không biết tính tình ông ta sẽ thay đổi vào lúc nào.

Thủ thướng lại đứng dậy và đối diện với cửa sổ, quay lưng về Brian Richardson. Ông để ý thấy chỉ có vài người ở dưới. Ông cho là, hầu hết, đã vào khối nhà giữa, nơi Hạ nghị viện sẽ triệu tập trong vài phút nữa.

Richardson hỏi, ‘ Luật có cho phép tranh luận ở Hạ viện không ?’

Howden đáp mà không quay lại, ‘ Không, theo cách thông thường. Nhưng chiều nay đã có cuộc vận động, và phe đối lập có thể chọn bất cứ chủ đề nào. Tôi nghe đồn Bonar Deitz có thể đưa vụ nhập cư ra.’

Richardson thở dài. Ông có thể hình dung ra tin tức tràn ngập trên truyền thanh và truyền hình như thế nào vào tối nay, và những câu chuyện thời sự vào sáng mai.

Có tiếng gõ nhẹ ở cửa. Là Milly. Howden quay lại, đối diện với cô.

Milly thông báo, ‘ Đã quá nửa tiếng. Nếu ông muốn đi cầu kinh …’ Cô mỉm cười với Richardson và gật đầu. Trên đường đi, tay trưởng ban đã trao cho cô một tờ giấy gấp đôi, lối viết rõ là cách nói của ông : ‘ Chờ anh lúc 7 giờ tối nay. Quan trọng.’

Thủ tướng nói, ‘ Được rồi. Tôi đi đây.’

Trên cao, tiếng chuông Westminster ở Tháp Hòa bình bắt đầu ngân nga.

 

2.

 

 

Giọng nói cao và vang của vị Chủ tịch Hạ nghị viện đã chuyển về cuối đoạn kinh cầu khi James Howden bước vào hành lang tòa nhà Chính phủ. Thủ tướng nghĩ, như thường lệ, vị chủ tịch này đang có một buổi trình diễn ấn tượng. Qua cửa gần nhất đi vào tầng trệt Hạ nghị viện, ông nghe được những từ quen thuộc hàng ngày …cầu xin Người … riêng cho Tổng chưởng lãnh, Thượng và Hạ nghị viện … rằng Người sẵn lòng chỉ đường và làm phong phú thêm mọi ý hướng dẫn …rằng hòa bình và hạnh phúc, sự thật và công lý, tôn giáo và lòng trung, sẽ được củng cố trong chúng con qua nhiều thế hệ …

Howden nghĩ, những cảm xúc ngời sáng, thay đổi mỗi ngày giữa tiếng Anh và tiếng Pháp cho một Đức Chúa được cho là có hai ngôn ngữ. Thật đáng thương, chỉ trong vài phút nữa, người ta sẽ quên hết những lời này trong những cuộc tranh luận chính trị vụn vặt.

Từ bên trong, tiếng amen đồng thanh, dẫn đầu là vị Chủ tịch Hạ nghị viện, như một đặc quyền riêng của ông.

Rồi các Bộ trưởng và những thành viên khác bước vào và Hạ nghị viện sẽ đầy người như thường lệ vào thời gian chất vấn mở đầu cho phiên họp thường ngày. Quanh Thủ tướng, ở hành lang, những ủng hộ viên cho phe đa số của ông ngồi vào chỗ. Howden đứng lại, tán gẫu với các thành viên Nội các, gật đầu với những người biết có sự hiện diện của ông khi họ đi qua.

Ông để cho các hành lang đầy người trước khi bước đi.

Như thường lệ, có tiếng ồn lên và những cái đầu quay lại khi ông xuất hiện. Như thể không chú ý đến mọi sự quan tâm ấy, ông bước thong thả lên hàng trên, nơi có hai cái bàn bên phía dành cho Chính phủ, nơi Stuart Cawston đã ngồi sẵn. Cúi chào vị Chủ tịch Hạ viện, chễm chệ trên ghế chủ tọa như chiếc ngai vàng ở đầu phía bắc căn phòng dài hình chữ nhật, James Howden ngồi vào chỗ của mình. Lát sau, ông nhã nhặn gật đầu chào Bonar Deitz ngồi trên ghế của thủ lãnh phe đối lập đặt ngay ở cánh giữa.

Phiên chất vấn thường kỳ các Bộ trưởng trong Chính phủ đã bắt đầu.

Một thành viên người vùng Newfoundland đang bối rối vì có quá nhiều cá tuyết chết trôi nổi trên bờ biển Đại tây dương, và Chính phủ dự định làm gì ? Bộ trưởng Ngư Nghiệp bắt đầu câu trả lời rườm rà do không chuẩn bị kỹ.

Ngồi cạnh Thủ tướng, Stu. Cawston cợt thì thào, ‘ Tôi nghe nói Deitz đã chọn vụ nhập cư cho chắc. Hy vọng Harvey đỡ được trái banh này.’

James Howden gật đầu, rồi liếc về phía sau ở hàng thứ hai nơi Harvey Warrender ngồi, rõ ràng là rất bình tĩnh, ngoại trừ việc thỉnh thoảng những bắp thịt trên mặt hơi co giật.

Trong khi việc chất vấn tiếp tục, hiển nhiên là vấn đề nhập cư và Henri Duval – bình thường ra chính là đề tài mà phe đối lập sẽ lấy làm vui sướng để công kích Chính phủ trong thời gian chất vấn – đang bị bỏ qua. Điều này khẳng định thêm là Bonar Deitz và những người ủng hộ ông ta dự định một cuộc tranh luận đầy đủ và riêng rẻ về vấn đề này, khi có chuyển biến thích hợp trong vài phút nữa.

Howden buồn rầu nhận thấy hành lang dành cho báo chí đã chật cứng. Tất cả hàng ghế đều đã có người ngồi, những người còn lại tập trung ở phía sau. Phiên chất vấn kết thúc và Stu cợt đứng dậy từ sau lưng Thủ tướng.

Xúng xính trong chiếc áo choàng Cố vấn Nữ hoàng, Chủ tịch Hạ nghị viện gật đầu. Ngay lập tức , lãnh tụ phái đối lập đứng lên.

‘ Thưa Ngài Chủ tịch,’ Ngài Bonar Deitz cất cao giọng , rồi ngừng lại, khuôn mặt gầy đầy vẻ trí thức quay về phía vị Chủ tịch dọ hỏi. Một cái gật đầu nữa từ vị này, như con bọ đen đang canh gác, trong chiếc ghế dưới mái vòm bằng gỗ sồi có chạm khắc.

Trong một thoáng, Deitz ngưng lại rồi nhìn lên – một thói quen vô thức mà thì thoảng ông vẫn có – trần nhà mười lăm mét cao vút ở trên. Phía bên kia, Howden nghĩ, y nhu thể, đối thủ chính của ông đang tìm cách lôi ra từng chữ từ bề mặt tấm nỉ Ái nhĩ lan mạ vàng, trong thời khắc trọng đại này.

Bonar Deitz bắt đầu, ‘ Báo cáo đáng tiếc của Chính phủ này là, không đâu lại được minh họa một cách đáng buồn hơn chính sách ảnh hưởng đến việc nhập cư của họ, và việc hành xử từng ngày một những vụ việc nhập cư. Thưa Ngài Chủ tịch, tôi đề nghị rằng Chính phủ cùng Bộ Dân quyền và Di trú với những dấu chân đã in sâu từ thế kỷ mười chín, một thời kỳ mà họ sẽ không bị khuấy động bởi những tư tưởng của một thế giới đã đổi thay hoặc bởi tình nhân loại giản dị và bình thường.’

Howden nghĩ, đó là một khai từ trung dung, dù bất cứ thứ gì mà Bonar Deitz tìm được trong chuyến thám sát trần nhà, nó chẳng có gì vĩ đại. Hầu hết các từ, dưới hình thức này khác, đều đã được các phe phái đối lập kế tiếp nhau trong Hạ nghị viện, sử dụng rồi.

Ý nghĩ này làm ông chợt ngoáy một tờ giấy trao cho Harvey Warrender, ‘ Hãy trích dẫn những trường hợp mà phe đối lập, khi nắm quyền, tiến hành cùng một cách thức y như chúng ta bây giờ. Nếu ông không có chi tiết, hãy báo cho Bộ của ông chuyển đến ông ngay.’ Ông gấp đôi tờ giấy lại, vẫy một người phục vụ và chỉ về phía ông Bộ trưởng Bộ Di trú.

Lát sau, Harvey Warrender quay về phía Thủ tướng, gật đầu, lấy ra một tập hồ sơ trong đống giấy tờ để trên bàn. Howden nghĩ, phải rồi, sự phải như thế. Một phụ tá chấp hành giỏi phải biết chỉ dẫn tường tận cho Bộ trưởng của mình về những vấn đề như thế.

Bonar Deitz vẫn đang tiếp tục, ‘ … trong chuyển biến của “ sự bất tín” … một ví dụ rõ ràng về vụ án đang gây xôn xao nơi mà, những quan điểm về con người, cũng như nhân quyền, đã bị cố ý bỏ qua.’

Lúc Deitz dừng lời, có tiếng đập bàn rầm rập bên phía Đối lập. Bên phía Chính phủ, có ai đó nói to, ‘Tôi ước gì chúng tôi có thể bỏ qua ông luôn.’

Trong một giây lát, lãnh tụ phe Đối lập ngập ngừng.

Những khó khăn, gai góc ở Hạ nghị viện chưa bao giờ là điều hấp dẫn lớn lao với Bonar Deitz. Ngay từ khi được bầu lần đầu tiên làm thành viên nghị viện vài năm trước, tòa nhà này với ông hình như là một cái gì quá ư khủng khiếp, nó như một đấu trường thể thao, nơi mà hai đội đối thủ cố gắng ghi điểm trong từng cơ hội. Quy luật điều hành đơn giản như trò trẻ : nếu một phương pháp nào mà đảng của anh ưa thích, thì nó hiển nhiên là tốt, nếu do đảng kia ưa thích mà không phải là của anh, thì nó chắc chắn là tệ hại. Rất hiếm khi có cái gì trung dung. Tương tự, nếu nghi ngờ vị thế của đảng mình và có khi nào cho là, đảng đối thủ đúng hơn, khôn ngoan hơn thì anh bị coi là vô hiệu và bất trung.

Tiếng người chất vấn gào to, ‘ Tôi ước gì chúng tôi có thể bỏ qua ông luôn.’

Phản ứng theo bản năng của ông là không bực tức trước một việc xen ngang thô lỗ và ngu xuẩn như thế, Nhưng ông biết những người ủng hộ chờ đợi trả đũa. Vì thế, ông quát trả, ‘ Ước muốn của thành viên đáng kính này là có thể hiểu được vì Chính phủ mà ông ta ủng hộ đã bỏ qua quá nhiều và quá lâu.’ Ông chỉ một ngón tay buộc tội về phía bên kia tòa nhà, ‘ Rồi sẽ đến một lúc lương tâm của đất nước này không còn bỏ qua nữa.’

Bonar Deitz tự nhủ, ‘ Không tốt lắm’. Ông ngờ rằng, Thủ tướng, vốn có tài đối đáp, hẳn sẽ làm tốt hơn. Nhưng ít nhất nỗ lực phản công của ông cũng nhận được tiếng đập bàn ủng hộ..

Và bây giờ, để trả lời, là những tiếng la ó, gào thét, ‘ Ô, ô.’ Và , ‘ Có phải ông là lương tâm của chúng tôi không ?’ từ phía bên kia.

‘ Trật tự, trật tự.’ Đó là tiếng ông Chủ tịch, đang đứng, đội mũ ba góc. Trong chốc lát, tiếng huyên náo lắng xuống.

Bonar Deitz tuyên bố, ‘ Tôi muốn nói đến lương tâm của đất nước chúng ta. Hãy cho phép tôi nói với quý vị rằng lương tâm nào đang nói với tôi. Nó nói với tôi rằng chúng ta là một trong các quốc gia giàu nhất và ít dân số nhất trên thế giới, Song chúng ta cũng được Chính phủ thông báo , qua Bộ Di trú rằng ở đây không còn chỗ cho chỉ một con người bất hạnh duy nhất …’

Trong một góc khuất của hồn mình, Lãnh tụ phe Đối lập ý thức được sự khinh suất trong cách dùng từ của mình. Thật nguy hiểm khi đưa tình cảm vào sự việc này, vì bất cứ đảng nào muốn lên cầm quyền cũng sẽ nhanh chóng nhận ra rằng những áp lực chính trị đối với việc nhập cư giới hạn là quá lớn để có thể bỏ qua. Deitz biết, một ngày nào đó, ông sẽ hối tiếc những từ ngữ nhiệt thành ông dùng hôm nay.

Nhưng có những giây phút – đây chính là giây phút ấy – những thỏa hiệp chính trị, những bài diễn văn xôi thịt dài vô tận, làm ông mệt mỏi và ghê tởm. Hôm nay, chỉ một lần này, ông sẽ nói ra những gì ông cho là chính trực và mặc kệ hậu quả !

Ông ghi nhận, trong hành lang báo chí, người ta đã ngồi xuống.

Kêu xin cho Henri Duval, một con người tầm thường ông chưa bao giờ gặp. Bonar Deitz tiếp tục tuyên bố trước Hạ viện.

Ở cánh giữa, James Howden đang nghe bằng nửa lỗ tai. Trong vài phút qua, ông mãi nhìn chiếc đồng hồ ở phía Nam dưới hành lang có bậc dốc dành cho quý bà, hôm nay chỉ có ¾ số người. Ông cũng nhận ra rằng 1/3

số phóng viên đã rời đi để kịp viết bài cho ấn bản buổi chiều. Khi bản tin giờ chót đã khép lại, họ sẽ bỏ đi ra bất cứ lúc nào. Lắng nghe cẩn thận, ông chờ một khai từ …

Bonar Deitz nói, ‘ Chắc chắn vẫn còn thời gian, khi quan điểm về con người sẽ lấn át những viện dẫn cố chấp từng câu chữ của luật lệ.’

Thủ tướng đứng dậy, ‘ Thưa Ngài Chủ tịch, Lãnh tụ phái Đối lập có cho phép đặt câu hỏi không ?’ Bonar Deitz ngần ngừ. Nhưng đó là một yêu cầu hợp lý ông khó từ chối được. Ông sẳng giọng ‘ Được’. Howden nói, văn vẻ một cách bất ngờ, ‘ Có phải Lãnh tụ phái Đối lập đề nghị rằng Chính phủ nên bỏ qua luật pháp, luật của xứ sở này , được Quốc hội soạn thảo ra …’

Ông bị ngắt lời vì những tiếng la ó của phe đối lập. ‘ Câu hỏi, câu hỏi đi !’; ‘ Hãy hỏi tiếp đi !’; ‘Đó là diễn văn. Và từ phía ủng hộ ông là những tiếng gào trả đũa ‘ Trật tự !’ ; ‘ Nghe câu hỏi đi !’ ; ‘ Bọn ông sợ gì ?’

Bonar Deitz đã ngồi vào chỗ, lại đứng lên.

Thủ tướng lớn tiếng, ‘ Tôi đang đi đến trọng tâm câu hỏi đây, giọng ông lớn hơn hẳn những người khác ,

‘ và nó đơn giản chỉ như thế này.’ Ông dừng lại, chờ tiếng ồn lặng bớt, rồi nói tiếp , ‘ Bởi vì rất đơn giản là chàng trai bất hạnh này, Henri Duval không thể nào được chấp nhận vào Canada theo luật pháp của chúng ta, tôi xin hỏi ngài lãnh tụ phe Đối lập có muốn đưa vụ này ra Liên hiệp quốc không ? Và tôi xin nói rằng trong bất kỳ trường hợp nào, ý định của Chính phủ là đưa vấn đề này ra Liên hiệp quốc ngay lập tức …’

Và cũng ngay lập tức là những âm thanh rộ lên. Lại một lần nữa, những tiếng gào, những tiếng buộc tội qua lại lẫn nhau. Vị Chủ tịch đứng lên, và không ai thèm để ý tiếng ông nói cả. Mặt đỏ bừng, mắt sáng quắc, Bonar Deitz đối mặt với Thủ tướng. Ông giận dữ gào to, ‘ Đây là một âm mưu…’

Và thế là.

Trong hành lang báo chí, các phóng viên vội vã đi ra.

James Howden có thể đoán được câu mở đầu cho hầu hết các bài báo đang được gọi qua điện thoại hay gõ trên máy đánh chữ : hôm nay, Thủ tướng đã tiết lộ : Henri Duval, con người vô tổ quốc, có thể sẽ được đưa ra Liên hiệp quốc. Hãng thông tấn CP và BVP đã gởi bản tin này đi ‘ DUVAL RA LIÊN HIỆP QUỐC- THỦ TƯỚNG.’ , các máy viễn ký gõ lách cách, các biên tập viên, mà thời gian rất eo hẹp, sốt ruột tìm cách trình bày lại trang báo, sẽ dùng những từ này làm tiêu đề. Phe đối lập tấn công ; diễn văn của Bonar Deitz – những điều này sẽ được lưu ý , tất nhiên, nhưng theo nghĩa khác.

Một ý nghĩ lóe lên, Thủ tướng nguệch ngoạc mấy chữ trên tờ giấy chuyển cho Arthur Lexington : ‘ Hãy

viết một văn bản’. Nếu sau này bị chất vấn, ông hẳn có thể tuyên bố rằng lời hứa đưa ra Liên hiệp quốc đã được

Bộ Ngoại giao lo liệu thích đáng.

Bonar Deitztrở lại bài diễn văn bị ngắt quãng. Nhưng có cảm giác như ảnh hưởng đã bị suy giảm, giống như cái đầu máy đã bị vỡ ra. James Howden ý thức rõ điều này; ông ngờ rằng Deitz cũng vậy.

Có lần, trước đây đã lâu, Thủ tướng đã từng ưa thích và kính trọng Bonar Deitz cho dù phe cánh chính trị chia cách họ. Trong con người lãnh tụ phái Đối lập, có tính chính trực và cá tính rõ rệt, sự kiên định ngay thẳng trong mọi hành động và không khó lắm để khâm phục ông. Nhưng từ ngày hôm nay, thái độ của Howden đã thay đổi khi ông nghĩ đến Bonar Deitz với chút lòng khoan thứ.

Hầy hết những thay đổi đã đến qua tính cách như là lãnh tụ Đối lập của Bonar Deitz. Howden biết rằng đã nhiều lần, Bonar Deitz không lợi dụng được tính dễ bị tổn thương của James Howden trong những vấn đề đặc biệt. Vai trò của một lãnh tụ là lãnh đạo. Ngay khi có được ưu thế, phải nắm chắc và không khoan nhượng. Chính trị đảng phái không phải là cái bánh kem, và con đường đi đến quyền lực trải đầy những mảnh vỡ hy vọng và tham vọng của những kẻ khác.

Chính trị tàn nhẫn là cái Bonar Deitz còn thiếu.

Howden nghĩ, gần như không thể tưởng tượng được Bonar Deitz làm Thủ tướng, điều hành Nội các, không chế Hạ nghị viện, dẫn dắt, nghi binh. Nhanh lẹ - như ông đã làm trước đó – nhằm đạt được ưu thế chiến thuật trong cuộc tranh luận.

Còn về Washington ? Có thể nào Lãnh tụ Đối lập cũng đối diện với Tổng thống Mỹ và thế lực khủng khiếp của ông, cũng chiếm được vị trí của mình và đi xa hơn Washington như chính ông đã đạt được ? Rất có thể Deitz có lý, không bao giờ gai góc như James Howden và cuối cùng, nhượng bộ nhiều hơn và đạt được ít hơn. Và cũng tương tự như thế, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra trong vài tháng tới.

Ý nghĩ này là điều nhắc nhở ông rằng chỉ trong mười ngày nữa, James Howden, sẽ đứng ở đây, trong tòa nhà này và tuyên bố Hiệp ước Liên minh cùng các điều khoản của nó. Rồi sẽ là thời gian cho sự vĩ đại và những sự kiện vĩ đại, cùng với những quan tâm vụn vặt – những kẻ đi lậu, việc nhập cư, và những gì chúng ưa thích – bị lãng quên hay bị bỏ qua.

Ông cảm thấy thất vọng và bực mình vì cuộc tranh luận hiện thời, thực ra, chỉ là chuyện cỏn con đáng nực cười so với những gì ông sắp tiết lộ ra. Còn bây giờ, sau bài diễn văn kéo dài chừng một giờ, Bonar Deitz đang kết thúc.

Lãnh tụ Đối lập tuyên bố, ‘ Thưa Ngài Chủ tịch, sẽ không quá trễ đối với Chính phủ, bằng lòng khoan dung và cao thượng, hãy chấp nhận Henri Duval làm một công dân Canada như anh đang mong mỏi. Cũng không quá trễ cho chính cá nhân con người này thoát khỏi nhà tù bi thảm ấy nơi mà hoàn cảnh sinh anh ra đã kết án anh một cách tàn nhẫn. Cũng không quá trễ cho Duval – với sự trợ giúp của chúng ta và ở trong lòng chúng ta – sẽ trở nên một thành viên hữu dụng và hạnh phúc của xã hội. Tôi kêu gọi lòng trắc ẩn của Chính phủ. Tôi mong mỏi rằng chúng tôi sẽ không cầu xin trong tuyệt vọng.

Sau những uyển ngữ thông thường ‘ … rằng Hạ nghị viện lấy làm tiếc trước sự từ chối của Chính phủ và việc chối bỏ trách nhiệm trong vấn đề nhập cư …’. Bonar Dietz ngồi xuống trong tiếng đập bàn sấm sét của phe Đối lập .

Ngay lập tức, Harvey Warrender đứng lên.

‘ Thưa Ngài Chủ tịch,’ ông Bộ trưởng Bộ Di trú bắt đầu, bằng một giọng trầm và vang, ‘ Như thường lệ, Ngài thủ lãnh phái Đối lập bằng trí tưởng tượng phong phú đã dặm mắm thêm muối, làm phức tạp thêm một sự kiện đơn giản với sự xúc động thái quá và đã thành công trong việc biến Bộ Di trú thành một con ngoáo ộp xấu xa chống lại toàn thể nhân loại.’

Tức thì là những tiếng la ó phản đối, ‘ Cút đi !’ xen lẫn những tiếng hoan hô đập bàn thình thình.

Phớt lờ những tiếng hò la, Harvey Warreder tiếp tục một cách sôi nổi, ‘ Nếu Chính phủ này có lỗi trong một nguyên tắc nào đó, chúng tôi xứng đáng bị Quốc hội sỉ nhục. Hoặc Bộ Dân quyền và Di trú thi hành nhiệm vụ không thích đáng, bỏ qua những điều luật mà Quốc hội soạn ra, tôi xin cúi đầu chấp nhận sự sỉ nhục này. Nhưng bởi vì chúng tôi đã không làm gì trong những điều nói trên, tôi xin nói với ông rằng, tôi sẽ không chấp nhận gì cả.’

James Howden thấy mình ước gì Harvey Warrender làm dịu giọng lưỡi công kích của ông ta lại. Ở Hạ nghị viện có vài dịp để tạo nên những kiểu chiến thuật dữ dội nào đó, nhưng hôm nay thì không . Ở đây và bây giờ, những lý lẽ êm dịu có hiệu quả hơn. Hơn nữa, Thủ tướng lo lắng thấy là trong giọng nói Warrender có sự xúc động thái quá. Điều này được khẳng đinh khi ông ta tiếp tục, ‘ Trách nhiệm về sự ô nhục và vô lương tâm này là gì đây, cái mà Ngài Thủ lãnh Đối lập đang đặt ra trước mắt quý vị ? Chỉ đơn giản là Chính phủ đã không phá vỡ luật lệ, là Bộ Dân quyền và Di trú đã có vinh dự khép mình theo đúng luật Nhập cư của Canada, với sự công bằng tối đa.’

Phải, không có gì sai lầm cả; trong thực tế, có đôi điều cần được nói ra. Nếu chỉ là cá nhân Harvey, có lẽ sẽ ít căng thẳng hơn …

‘ Ngài Lãnh tụ Đối lập đã nói đến con người tên là Henri Duval. Cho phép chúng tôi bỏ qua vấn đề là làm thế nào đất nước này lại phải nhận lấy gánh nặng mà không ai khác muốn, làm thế nào mà chúng ta phải mở cửa đón nhận những thứ rác rưởi của biển khơi …’

Trong khắp tòa nhà tiếng rền vang phản đối át hết tất cả những cuộc cãi vả trước đó. Howden biết rằng Harvey Warrender đã đi quá xa. Ngay bên phía Chính phủ cũng có những bộ mặt bị sốc, chỉ vài người phản ứng yếu ớt.

Bonar Deitz đứng lên, ‘ Thưa Ngài Chủ tịch, tôi phản đối …’ Sau lưng ông là những tiếng la ó dữ dội.

Giữa những tiếng ồn càng lúc càng tăng, Harvey Warrender cứ tiếp tục, ‘ Tôi nói rằng chúng ta hãy bỏ qua những tình cảm giả dối ấy đi và chỉ xem xét đến luật. Luật pháp phải được tôn trọng …’ Những lời của ông chìm lỉm trong cả một cơn sóng giận dữ dâng trào.

Môt giọng nói cất lên át hết tiếng ồn, ‘ Thưa Ngài Chủ tịch, có phải ông Bộ trưởng Bộ Di trú xác định rằng những thứ rác rưởi ?’

James Howden lo lắng nhận ra người nói câu này. Đó là Arnold Geany, một thành viên ít uy tín của phái Đối lập, đại diện cho một trong những quận nghèo của Montreal.

Về Arnold Geany, có hai điều đáng nói. Ông là một người khuyết tật, chỉ cao hơn 1,5m, một phần thân thể bị lệch và bại liệt, với bộ mặt xấu xí và không cân xứng như thể thiên nhiên đã hợp sức chống lại ông. Song, bất chấp những cản ngại ấy, ông vẫn là một thành viên Quốc hội đáng kính trọng, đấu tranh cho những kẻ thấp cổ bé miệng. Cá nhân Howden rất ghét con người này, cho là ông ta là kẻ thích phô trương, lợi dụng một cách vô liêm sỉ khuyết điểm hình thể của mình. Đồng thời cũng biết rõ rằng tình cảm công chúng rất sẵn lòng đứng về phía người tàn tật. Thủ tướng hết sức đề phòng để không dính vào mớ bòng bong Arnold Geany khi tranh luận.

Geany hỏi lại lần nữa, ‘ Xin ông Bộ trưởng định nghĩa từ “rác rến của con người”.

Những bắp thịt trên mặt Harvey Warrender co giật. James Howden đối diện với câu trả lời mà vì quá vội, ông Bộ trưởng Di trú có thể tuôn ra, “ Không ai ở một vị trí tốt hơn là thành viên đáng kính trọng này biết rõ những gì tôi nói.”

Howden quyết định, bằng mọi giá, phải chận ngay câu trả lời này. Thủ tướng đứng lên, giọng ông át hết những la ó phản đối và ủng hộ, ‘ Ngài đại biểu đáng kính của Đông Montreal đang đặt ra vấn đề về những từ ngữ nào đó mà tôi chắc rằng đồng nghiệp của tôi không cố ý nói đến.’

‘ Vậy hãy để ông ta nói thế đi !’ Geany, vụng về đứng dậy trên đôi nạng, ném những lời này qua cánh giữa. Quanh ông, là những tiếng gào và la hét ủng hộ, ‘ Rút lại đi ! Rút lại đi !’ Trong các hành lang, người ta dừng cả lại.

‘ Trật tư ! Trật tự !’ Đó là lời ông Chủ tịch, chỉ nghe được loáng thoáng trong tiếng ồn như chợ vỡ.

‘ Tôi không rút lại gì cả !’ Harvey Warrender hung hăng quát , mặt đỏ bừng, gân cổ nổi lên. ‘ Không gì cả, có nghe không ?’

Lại tiếng hò la. Lại tiếng ông Chủ tịch gào lên trật tự. Howden phải thừa nhận đây là một cuộc họp Quốc hội hiếm có.Chỉ sự chia rẻ có nguồn gốc sâu xa hay một cuộc chất vấn về nhân quyền mới đưa Hạ viện vào tình trạng như hôm nay.

Vẫn là giọng lanh lảnh và dứt khoát của Arnold Geany, ‘ Tôi yêu cầu ông Bộ trưởng phải trả lời !’

‘ Trật tự ! Câu hỏi đặt ra ở Hạ viện’ … Sau cùng thì ông Chủ tịch cũng thành công khi bắt mọi người phải nghe mình. Bên phía Chính phủ, Thủ tướng và Harvey Warrender đã ngồi xuống. Khắp bốn phía, tiếng ồn đang lắng dần xuống. Chỉ có Arnold Geany, vẫn còn lắc lư trên đôi nạng, tiếp tục chống lại uy quyền của ông Chủ tịch.

‘ Thưa ông Chủ tịch, ông Bộ trưởng Di trú đã nói tại Viện này về con người rác rưởi. Tôi yêu cầu…’

‘ Trật tự ! Tôi đề nghị thành viên của Viện ngồi vào chỗ.’

‘ Đây là vấn đề đặc quyền …’

‘ Nếu thành viên của Viện không ngồi vào chỗ, tôi buộc phải gọi tên ông ra.’

Như thể Geany đang chuốc lấy sự khiển trách. Trật tự khi đứng , luật của Hạ viện đã quy định rằng khi

Chủ tịch đứng, tất cả những người khác phải nhường vị trí cho ông. Trong trường hợp này, nó còn được củng cố bằng một thái độ đặc biệt. Nếu Geany cứ cố chống đối, một vài nguyên tắc sẽ được áp dụng.

Ông Chủ tịch loan báo một cách nghiêm khắc, ‘ Tôi sẽ dành cho thành viên đáng kính này một cơ hội nữa, trước khi tôi gọi tên ông ra.’

Arnold Geany bướng bỉnh nói, ‘ Thưa ông Chủ tịch, tôi đang đứng đây vì một con người ở cách xa đây 4.600 cây số, người mà Chính phủ này gọi một cách khinh miệt là “ đồ rác rưởi” ….’

James Howden đột nhiên hiểu ra, chuyện này hết sức đơn giản. Geany, người khuyết tật, đang tìm sự chia sẻ nơi vị thánh tử đạo Duval, kẻ đi lậu. Đó là một ngón đòn cao tay, một trò phù phép chính trị mà Howden phải ngăn chận.

Thủ tướng đứng dậy nói xen vào, ‘ Thưa Ngài Chủ tịch, tôi tin rằng vấn đề này có thể được giải quyết …’ Ông đã quyết định là nhân danh Chính phủ, ông phải rút lại những lời công kích, bất kể Harvey Warrender thấy như thế nào …

Quá trễ rồi.

Phớt lờ Thủ tướng, ông Chủ tịch tuyên bố một cách cương quyết, ‘ Nhiệm vụ không dễ chịu của tôi là gọi tên thành viên đáng kính của Đông Montreal.’

Điên tiết vì mình đã thua ván bài này, James Howden ngồi xuống.

Những thể thức tiếp theo diễn ra nhanh lẹ. Việc ông Chủ tịch gọi tên một thành viên Hạ viện ra là một biện pháp ít khi dùng đến. Nhưng khi nó xảy ra, nguyên tắc hành động của các thành viên còn lại là tự động và đương nhiên. Thẩm quyền cùa ông Chủ tịch, trên tất cả, phải được ủng hộ. Đó là thẩm quyền của chính Quốc hội, và của con người, có được qua hàng thế kỷ tranh đấu.

Thủ tướng chuyển tờ giấy chỉ ghi vài chữ cho Stuart Cawston. Đó là “ Hình phạt tối thiểu”. Ông Bộ trưởng Tài Chánh gật đầu.

Sau khi vội vã tham khảo ý kiến ông Tổng cục trưởng Bưu chính ngồi phía sau, Cawston đứng dậy. Ông nói, ‘ Theo quyết định của Ngài, thưa Ngài Chủ tịch, tôi không còn sự chọn lựa nào ngoại trừ phải hành động, với sự tán thành của ông Tổng cục trưởng Bưu chính, ông Gold rằng : “ thành viên đáng kính của Đông Montreal bị phạt trong suốt thời gian ngồi của ngày hôm nay.’

Thủ tướng không vui nhận thấy hành lang Báo chí lại đông nghẹt trở lại. Tin tức tối nay trên truyền thanh và truyền hình, cũng như tất cả các báo buổi sáng, đang được hình thành.

Mất đến hai mươi phút để biểu quyết đề nghị của Cawston. Có 155 phiếu thuận, 55 chống. Ông Chủ tịch trịnh trọng nói, ‘ Tôi tuyên bố kiến nghị đươc thi hành’. Yên lặng bao trùm trong tòa nhà Hạ nghị viện.

Cẩn thận, do dự trên đôi nạng, Arnold Geany đứng dậy . Thận trọng, bước từng bước vụng về, lắc lư thân hình méo mó và dị dạng đi qua hàng ghế phe đối lập đến cánh giữa. Với James Howden, người biết Geany đã nhiều năm, hình như con người này chưa bao giờ di chuyển chậm hơn thế. Đối diện với vị Chủ tịch, bằng vẻ ngượng nghịu gây xúc động, con người dị tật này cúi đầu và trong một thoáng có vẻ như là ông sẽ ngã sấp xuống . Rồi, hồi phục, ông quay lại, chậm chạp thối lui qua hết chiều dài tòa nhà, lại quay người và cúi đầu lần nữa. Khi ông đã biến mất qua cánh cửa ngoài của gian phòng, được một nhân viên lấy tay giữ cửa mở, người ta nghe được tiếng thở dài nhẹ nhõm.

Vị Chủ tịch nói nhẹ nhàng, ‘ Đến lượt Bộ Dân quyền và Di trú.’

Harvey Warrender, một cái bóng nhẫn nhục chưa từng thấy – tiếp tục từ nơi ông bỏ dở. Nhưng James Howden biết rằng bất cứ chuyện gì xảy ra vào lúc này chỉ có thể là hạ xuống từ cực điểm. Arnold Geany chỉ vừa bị trục xuất, trong một vài giờ vì đã vi phạm trắng trợn nguyên tắc của Hạ viện. Nhưng báo chí sẽ lợi dụng câu chuyện này, còn dư luận, không biết hay không lưu tâm đến nguyên tắc tranh luận, sẽ chỉ thấy hai con người kém may mắn – người tàn tật và kẻ đi lậu không bạn bè – là nạn nhân của một Chính phủ chuyên quyền và hà khắc.

Lần thứ nhất Howden tự hỏi mình Chính phủ còn bao lâu nữa trước khi đánh mất công chúng, như đã xảy ra từ khi Henri Duval xuất hiện.

 

3.

 

 

Tờ giấy của Brian Richardson ghi : ‘Chờ anh lúc 7 giờ’ .

Lúc 7g kém 5 phút, Milly Freedeman, gần như chưa sẵn sàng, người còn ướt sũng nước trong phòng tắm, hy vọng ông sẽ đến trễ.

Milly đôi khi vẫn tự hỏi với đôi chút tò mò rằng, tại sao cô, người đã thu xếp cuộc sống công sở cho mình – và James Howden – hiệu quả như một cái máy, lại hầu như chưa bao giờ đi cùng một con đường tại nhà. Ở Đồi Quốc hội, cô chính xác đến từng giây; ở nhà , ít khi lại thế. Văn phòng Thủ tướng là một kiểu mẫu trật tự, bao gồm cả những tủ ly tách được bày biện gọn gàng, và một hệ thống hồ sơ mà ở đó, chỉ vài giây, Milly đã có thể lôi ra được một bức thư viết tay xưa đã năm năm từ một cá nhân mơ hồ nào đó mà tên, người ta đã quên từ lâu. Còn bây giờ, một cách máy móc, cô đang lục lọi trong những ngăn tủ căn phòng ngủ bừa bộn để tìm một cái áo mới.

Cô cho là – khi cô bận tâm suy nghĩ về nó – sự bừa bộn êm dịu ngoài thời gian văn phòng này là sự phản kháng cuộc sống riêng tư của cô bị ảnh hưởng bởi những thói quen hay áp lực từ bên ngoài. Cô luôn luôn phản kháng, đôi khi còn ương bướng nữa, về những vụ việc không liên quan, hoặc ý tưởng của ai đó , tìm cách lôi kéo cô vào.

Cô cũng không thích ai lập kế hoạch cho tương lai của cô, dù đó là ý đồ tốt đẹp, Có lần, khi còn đại học ở Toronto, cha cô hối thúc cô theo ông vào nghề luật. Ông đoán là, ‘ Con sẽ thành công lớn, Mill ạ Con thông minh, nhanh nhẹn, có bộ óc nhìn thấu vào trọng tâm của sự việc. Nếu con muốn, con có thể khiến thiên hạ chạy quanh con như ba vậy.’

Về sau cô lập luận : nếu cô nghĩ đến nó, cô có thể theo được. Nhưng cô bực bội – với chính cha mình, người mà cô yêu quý – vì những quyết định của riêng cá nhân cô lại do người khác thực hiện.

Tất nhiên, tất cả suy nghĩ này là sự mâu thuẫn. Bạn chẳng bao giờ có cuộc sống độc lập hoàn toàn, không thể nào tách bạch được cuộc sống riêng và cuộc sống ở văn phòng. Miily nghĩ, ngược lại, khi cô đã tìm thấy áo và mặc nó vào, hẳn đã không có chuyện tình yêu với James Howden và không có chuyện Brian Richardson đến đây hôm nay.

Nhưng có nên không ? Cô có nên cho Brian đến không ? Không phải là tốt hơn nếu cô được khẳng định ngay từ đầu, đoan chắc rằng cuộc sống riêng của cô vẫn còn nguyên vẹn : cuộc sống riêng mà cô đã chăm chút tạo ra từ cái ngày cô biết được rằng sẽ không còn tương lai nào cho chính cô và James Howden nữa ?

Cô xỏ chân vào đôi dép đi trong nhà và một lần nữa, những cây hỏi làm cô lo lắng. Một cuộc sống riêng tư cô tự thu xếp, hạnh phúc đơn sơ là quá xứng đáng. Với Brian Richardson, cô đang liều đánh mất đi hạnh phúc cô đã dày công vun xén và chẳng đánh đổi được gì ?

Rất mất thời gian, quá nhiều thời gian sau cuộc chia tay với James Howden – để điều chỉnh lại vẻ ngoài và cung cách sống, cô đơn thường trực. Nhưng vì (Milly hình dung) bản năng cố hữu của cô là tự giải quyết vấn đề , nên cô đã điều chỉnh được như cuộc sống hiện nay, thăng bằng và thành đạt.

Quá thành thật, Milly không còn ganh tị nữa – như đã từng có lần - những cô bạn đã lập gia đình với những ông chồng ngậm ống vố và những đứa con nheo nhóc. Đôi khi, thật thế, càng nhìn thấy họ, cô càng thấy cuộc sống của họ tẻ nhạt làm sao, so với sự tự do và độc lập của riêng cô.

Vấn đề là : những cảm xúc cô dành cho Brian Richardson có khiến cô hướng ý nghĩ về các vướng bận cổ hủ đó ?

Vừa mở cửa phòng tắm, Milly vừa tự hỏi cô sẽ mặc gì. Cô chọn chiếc quần màu xanh lá nhạt, rồi lục ngăn kéo tìm cái áo len dài tay trắng và mang đôi săng đan cũng màu trắng. Mặc quần áo và trang điểm sơ sài xong thì cũng đã 10g 7 phút.

Cô lùa tay vào mái tóc, rồi quyết định là phải chải lại và chạy vội vào phòng tắm.

Nhìn vào gương, cô tự nhủ : không có vấn đề gì, tuyệt đối không có vấn đề gì phải quan tâm. Vâng, nếu thành thật, tôi có thể yêu Brian và có lẽ tôi đã yêu. Nhưng Brian thì không thể và anh ta chỉ muốn thế này. Nên không có vấn đề gì cả.

Nhưng có một câu hỏi, đầu óc cô cứ lắng xuống. Sau này sẽ ra sao ? Khi anh ta đã quá thân thuộc. Khi ngươi lại chỉ còn một mình.

Trong giây lát, Milly ngừng lại. Cô nhớ lại năm năm trước nó như thế nào. Những ngày trống rỗng, những đêm cô quạnh, những tuần dài lê thê … Cô nói lớn : ‘ Tôi không nghĩ tôi có thể đi qua được.’ Và nói khẽ: ‘ Có lẽ, sau rốt, tôi sẽ kết thúc nó tối nay.

Cô vẫn còn nhớ khi chuông cửa dưới nhà vang lên.

Brian hôn cô khi ông cởi áo khoác dày. Râu lớt phớt trên mặt và mùi thuốc lá. Cô cảm thấy yếu đuối và sự cương quyết biến đâu mất. Cô nghĩ, tôi cần người đàn ông này, bằng bất cứ cách nào. Rồi cô nhớ lại ý nghĩ của mình vài phút trước : có lẽ tôi sẽ kết thúc nó tối nay.

Ông nói khẽ, ‘ Milly, con búp bê, em đẹp khủng khiếp.’

Cô nhìn ông, cảm thấy dễ chịu. Rồi tỏ vẻ quan tâm, Brian , anh có vẻ mệt.’ Ông gật đầu, ‘ Anh biết. Anh cần cạo râu. Anh mới ở Hạ viện về.’

Cô hỏi, hơi lơ đãng, ‘ Mọi việc ra sao ?’

‘ Em không nghe gì sao ?’

Cô lắc đầu, ‘ Em rời văn phòng sớm. Em không mở radio. Có nên không ?’ Ông nói,’ Không. Em sẽ nghe sớm thôi.’

‘ Việc tranh luận diễn biến xấu ư ?’

Ông buồn bã gật đầu, ‘ Anh ở trong hành lang. Ước gì anh đã không ở đó. Họ sẽ hành quyết chúng ta trong các tờ báo buổi sáng.’

Milly nói, ‘ Ta hãy uống đã. Anh nói cứ như anh cần có một ly.’

Cô pha martini với vermouth trong căn bếp nhỏ. Vừa mang ra cô vừa nói rất vui vẻ, ‘ Cái này được việc lắm đây. Luôn luôn như vậy.’

Cô nghĩ, không kết thúc vào tối nay. Có lẽ một tuần nữa, hay một tháng. Nhưng không phải tối nay. Brian Richardson nhấp ly rượu rồi đặt xuống.

Không rào đón, gần như đột ngột, ông nói, ; Milly, anh muốn em lấy anh.’

Yên lặng trong vài giây mà kéo dài tưởng như cả giờ. Rồi, thời khắc êm dịu : ‘ Milly, em có nghe anh nói không ?’

Milly nói, ‘ Chờ một chút. Em có thể thề rằng em vừa nghe anh hỏi cưới em.’ Lời cô thốt ra nghe như từ hư không, như không phải là của cô nữa. Cô có cảm giác như đầu cô nhẹ bỗng đi.

Richardson cau có, ‘ Đừng đùa nữa. Anh nói nghiêm túc đấy.’

Giọng cô êm như ru, ‘ Brian, cưng ơi. Em không đùa đâu. Thực sự là không.’

Ông để ly xuống và bước về phía cô. Họ lại hôn nhau, lâu và đắm đuối, rồi cô dựa đầu vào vai ông. Vẫn còn thoảng mùi thuốc lá. Cô thì thào, ‘ Ôm em đi. Ôm em đi !’

Ông nói trong tóc cô, ‘ Khi em vòng vo nghĩa là em đã cho anh câu trả lời.

Bản năng của người phụ nữ thúc dục cô nức nở tiếng “Vâng”. Cách thức và giờ khắc để nhanh chóng bằng lòng. Không phải cô đã mong muốn thế từ lâu sao ? Không phải cô đã tự nhủ mình, chỉ vài phút trước, rằng cô sẽ chấp nhận với bất cứ điều kiện nào; và bây giờ, cô đã có điều kiện tốt nhất : hôn nhân, mãi mãi …

Tất cả đều dễ dàng. Một lời chấp nhận thì thào. Và nó sẽ xảy ra; không hối tiếc nữa …

Sự chấm dứt làm cô sợ hãi. Điều này là thật, không phải mơ. Cô bị chấn động vì lưỡng lự. Một giọng đề phòng thì thào : Hãy chờ !

Tiếng Brian vang vang trong tóc cô, ‘ Anh đoán là anh không được gì. Anh đã hơi vội vàng. Anh sẽ phải ly dị, dù là việc đó không có gì phải bận tâm. Eloise và anh rất thông cảm nhau.’

Tạm ngưng rồi chầm chậm tiếp, ‘ Anh đoán là anh yêu em. Milly, anh đoán là anh thực sự yêu em.’

Cô ngẩng đầu lên, mắt cô đẫm lệ, cô hôn ông, ‘ Brian, anh yêu. Em biết anh sẽ làm thế. Và em nghĩ em cũng yêu anh nữa. Nhưng em phải chắc chắn. Xin cho em chút thời gian.’

Mặt ông dãn ra thành một nụ cười. Ông nói, ‘ Được thôi. Anh sẽ nhắc lại mãi.’

Ông nghĩ, có lẽ tôi đã để quá trễ. Hay đã xử sự sai lầm. Hay có lẽ là sự trả thù cho cách mà chúng ta bắt đầu : tôi đã không cẩn thận, khôn ngoan để đừng dính líu vào. Nhưng ít nhất, ông tự an ủi mình, sự do dự đã chấm dứt : tâm hồn đầy lo âu đi tìm vài ngày qua ; ý thức rằng Milly là cái đáng kể nhất. Giờ, không có cô, mọi thứ đều trống rỗng …

‘ Xin anh, Brian.’ Milly đã bình tĩnh hơn, sự thăng bằng và tự chủ đang trở lại. Cô nồng nàn nói, ‘ Em đã được tôn sùng và kính trọng, anh yêu và em nghĩ câu trả lời sẽ là vâng. Nhưng em muốn chắc chắn – vì cả hai ta. Xin anh, anh yêu, hãy cho em chút thời gian.’ Ông cộc cằn hỏi, ‘ Bao lâu ?’

Họ cùng ngồi xuống trường kỷ, đầu sát vào nhau, tay nắm chặt nhau. ‘ Cưng ơi, anh yêu ơi, em không biết, và em mong anh đừng đòi hỏi một thời gian cố định. Em không thể nào mang một cái giá treo trên cổ. Nhưng em hứa sẽ nói cho anh biết sớm ngay khi có thể.’

Cô nghĩ : Có gì sai lầm trong tôi sao ? Tôi sợ cuộc sống sao ? Sao lại do dự; sao không ổn định ngay bây giờ ? Nhưng vẫn là một giọng đề phòng hối thúc : Hãy chờ !

Xế chiều, Brian bước vào phòng khách, mang cà phê cho cả hai. Trong căn bếp nhỏ, Milly đang sửa soạn món sandwich xúc xích. Cô thấy những bát đĩa ăn sáng vẫn còn chất trong bồn, chưa rửa. Thật thế, cô nghĩ, tôi nên mang vài thói quen ở sở về nhà.

Richardson đi qua chiếc tivi xách tay của Milly đặt trên cái bàn thấp đối diện với cái ghế bành. Vừa bật nút tivi ông vừa kêu lên, ‘ Anh không biết anh có chịu nổi không, nhưng anh đoán tốt hơn ta nên biết điều tệ nhất.’

Lúc Milly mang đĩa sandwich ra đặt xuống bàn, bản tin trong nước của đài CBC vừa bắt đầu.

Như đã xảy ra trong hầu hết những ngày gần đây, bản tin đầu tiên đề cập đến tình hình quốc tế tồi tệ, những cuộc cách mạng do Sô viết kích động đã nổ ra ở Lào và điện Kremlin đã hung hăng trả lời cáo buộc phản đối của Hoa kỳ. Tại các nước chư hầu của Sô viết ở Âu châu, quân đội đang được tổng động binh. Những trao đổi hữu hảo đã diễn ra giữa trục Mạc Tư Khoa – Bắc Kinh.

Richardson lẩm bẩm, ‘ Đang gần hơn. Gần hơn từng ngày.’ Câu chuyện Henri Duval đang cận kề.

Phát thanh viên ăn mặc chải chuốt đọc bản tin, ‘ Ở Ottawa hôm nay, Hạ nghị viện náo loạn vì vấn đề Henri Duval , con người vô - tổ - quốc , đang chờ bị trục xuất ở Vancouver. Ở đỉnh điểm cuộc đụng độ giữa Chính phủ và phe Đối lập, Arnold Geany, thành viên của Đông Montreal, đã bị treo không cho tham dự phần còn lại của tranh luận …’

Phía sau lưng phát thanh viên là tấm màn sáng lên hình Henri Duval, tiếp theo là một thành viên Quốc hội khuyết tật. Như Richardson – cũng như James Howden – đã lo sợ, sự kiện đã nổ bùng và những từ của Harvey Warrender “ con người rác rưởi” đã chọc đúng vào cái ngòi nổ này, là trọng tâm của bản tin thời sự. Và bản tin nhấn mạnh, không công bằng chút nào, hiển nhiên gã đi lậu và con người tàn tật ấy là nạn nhân của một Chính phủ tàn bạo và vô lương tâm.

Phát thanh viên nói, ‘ Phóng viên CBC, Norman Deeping mô tả quang cảnh trong Hạ nghị viện …’

Richardson với tay tắt tivi, ‘ Anh không nghĩ anh có thể chịu đựng hơn nữa. Em không phiền chứ ?’ Milly lắc đầu. Tối nay dù biết tầm quan trọng của những gì cô đã thấy, cô nghĩ khó mà quan tâm được.

Câu trả lời quan trọng nhất vẫn chưa được quyết định…

Brian Rchardson chỉ vào màn hình tivi tối đen, ‘ Trời ơi, em có biết khán giả có được gì không ? Nó là mạng lưới – từ bờ biển này sang bờ biển kia. Thêm vào tất cả những cái khác nữa – truyền thanh, truyền hình địa phương, báo chí ngày mai …’ Ông nhún vai thất vọng.

Milly nói, ‘ Em biết.’ Cô cố đưa đầu óc trở lại những quan tâm cá nhân, ‘ Em ước gì có những điều em có thể làm được.’

Richardson đứng lên, bước qua lại trong phòng, ‘ Em đã làm được vài điều, Milly thân yêu ơi … Ít nhất em đã tìm thấy …’ Ông bỏ lửng câu nói.

Milly biết, cả hai đều đang nhớ đến bản sao thỏa thuận bí mật định mệnh giữa James Howden và Harvey Warrender. Cô tư lự hỏi, ‘ Anh có làm …’

Ông lắc đầu, ‘ Khốn kiếp hết thảy ! Không gì … Không gì …’

Milly chậm chạp nói, ‘ Anh biết đấy. Em luôn nghĩ rằng có cái gì đấy rất lạ về ông Warrender. Cái cách ông nói năng và hành động; như thể lúc nào ông ấy cũng căng thẳng. Và rồi cái việc thần tượng hóa con trai ông ấy – người đã chết trong chiến tranh …’

Cô ngừng lời, ngạc nhiên vì thái độ của Brian Richardson. Mắt ông dán chặt vào mặt Milly, miệng ông há hốc.

‘ Brian - ?’

Ông thì thào, ‘ Milly búp bê, hãy nhắc lại việc đó đi.’

Cô bứt rứt lập lại, ‘ Ông Warrender – em nói ông ấy có vẻ lạ lùng về con trai ông ấy. Em hiểu là có một kiểu thánh điện gì đấy trong nhà ông ta. Người ta vẫn nói rất nhiều.’

Richardson gật đầu, ‘ Ừ.’ Ông cố che dấu sự kích động. ‘ Ừ, phải rồi. Anh đoán là không có gì trong việc ấy.’

Ông tự hỏi làm thế nào để thoát nhanh đi được. Ông muốn sử dụng điện thoại – nhưng không phải điện thoại của Milly. Có những điều gì đó … những điều mà ông có lẽ phải làm. Ông không bao giờ muốn cho Milly biết.

Hai mươi phút sau, ông gọi điện thoại từ một tiệm thuốc tây mở cửa suốt đêm. Ông trưởng ban tổ chức đảng nói với người nhận cuộc điện thoại, ‘ Tôi không cần biết khuya sớm gì hết. Tôi bảo anh ra phố ngay bây giờ. Tôi sẽ chờ anh ở phòng chờ tòa nhà Jasper.’

 

4.

 

 

Chàng trai trẻ xanh xao đeo kiếng gọng đồi mồi bị lôi ra khỏi giường ngủ đang lo lắng xoay xoay gọng kiếng trong tay. Anh nói, giọng than thở, ‘ Tôi thật không biết có làm được không nữa .’

Brian Richardson ra lệnh, ‘ Tại sao không. Cậu có mặt ngay ở Bộ Quốc phòng. Tất cả những gì cậu phải làm là hỏi.’

Chàng trai nói, ‘ Không đơn giản vậy đâu. Hơn nữa đó là những thông tin đã được phân loại.’ Richardson lập luận, ‘ Quỷ thần ! Ông già ấy còn để ý cái gì khác nữa.’

Chàng trai nói với vẻ xúc động, ‘ Đó mới là một nửa những gì tôi lo lắng.’

Richardson nói, ‘ Tôi hứa với cậu, tôi sẽ không để lộ dấu vết của cậu khi sử dụng những gì cậu đưa cho tôi đâu.’

‘ Nhưng khó tìm lắm. Những hồ sơ cũ ấy đã đươc chôn vùi phía sau tòa nhà, dưới đường hầm … Phải mất nhiều ngày , nhiều tuần.’

Richardson nói cộc lốc, ‘ Đó là chuyện của cậu. Ngoại trừ việc, tôi không chờ hàng tuần được.’ Ông vẫy bồi bàn, ‘ Làm một chầu nữa nhé.’

Chàng trai nói, ‘ Không, cám ơn. Tôi đủ rồi.’

Richardson gật đầu với người bồi, ‘ Cứ tự nhiên. Làm một thôi. Và đủ rồi.’

Khi người bồi đi khuất, chàng trai nói, ‘ Tôi rất tiếc, nhưng tôi e câu trả lời là không.’

Richardson nói, ‘ Tôi cũng rất tiếc. Nhưng tên cậu đã lên gần đầu danh sách rồi.’ Và ngừng, rồi tiếp, ‘

Cậu biết tôi đang nói đến danh sách gì rồi, phải không ?’ Chàng trai nói, ‘ Vâng, tôi biết.’

Richardson nói, ‘ Trong phần hành của mình, tôi có rất nhiều chọn lựa các ứng viên Quốc hội. Thực tế, người ta nói rằng tôi rất khéo chọn người mới trong đảng chúng ta, những người sau cùng sẽ được bầu.’

Chàng trai nói, ‘ Vâng, tôi cũng có nghe.’

‘ Dĩ nhiên. Liên kết cục bộ là từ sau cùng. Nhưng họ sẽ làm phần lớn những gì mà Thủ tướng khuyến cáo. Hoặc tôi sẽ bảo Thủ tướng khuyến cáo.

Chàng trai không nói gì, chỉ liếm môi.

Brian Richardson nhẹ nhàng nói , ‘ Tôi làm một cuộc trao đổi. Làm việc này cho tôi, và tôi sẽ đưa tên cậu lên đầu danh sách. Và không chỉ có một cái ghế cũ đâu, mà là cái cậu chắc chắn sẽ thắng.’

Gò má chàng trai đỏ ửng lên khi chàng ta hỏi, ‘ Và nếu như tôi không làm những gì ông muốn ?’

Brian Richardson nói khẽ, ‘ Trong trường hợp đó, tôi bảo đảm chắc chắn rằng bao giờ tôi còn ngồi trong đảng, cậu sẽ không bao giờ ngồi vào ghế Hạ nghị viện và không bao giờ là ứng viên cho một cái ghế nào đó mà cậu ao ước. Cậu sẽ chỉ là phụ tá thừa hành cho tới già, và tất cả tiền bạc của cha cậu sẽ không bao giờ thay đổi được việc đó.’

Chàng trai cay đắng nói, ‘ Ông đang yêu cầu tôi bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình bằng một việc thối tha.’

Richardson nói, ‘ Thực tế là, tôi đang ban cho cậu một đặc ân. Tôi đang giới thiệu với cậu vài khía cạnh của cuộc sống mà những người khác phải mất nhiều năm mới khám phá ra.’

Người bồi đã quay lại, Richardson hỏi, ‘ Cậu có chắc là cậu không thay đổi ý kiến và muốn uống một ly nữa không ?’

Chàng trai dốc cạn ly và nói, ‘ Đồng ý. Một ly nữa.’

Khi người bồi đi rồi, Richardson hỏi, ‘ Giả sử như tôi đúng, mất bao lâu để cậu lấy được cái tôi cần ?’

Chàng trai lưỡng lự, ‘ Xem nào, tôi nghĩ phải mất hai ngày.’

‘ Hoan hô !’ Brian Richardson vói tay vỗ vào đầu gối chàng trai. ‘ Trong hai năm nữa, cậu sẽ quên hết những chuyện hôm nay.’

Chàng trai đau khổ nói ,’ Vâng, tôi sợ là thế.’

 

 

 

Chương 14

 

 

CẦM GIỮ VÀ TRỤC XUẤT

 

 

Trên mặt bàn làm việc, lệnh trục xuất Henri Duval cứ trừng trừng nhìn Alan Maitland.

… Chiểu theo lệnh này, can phạm phải bị cầm giữ và trục xuất đến nơi mà từ đó can phạm đến Canada, hoặc đến quốc gia mà can phạm mang quốc tịch hay là công dân, hoặc là quốc gia theo nơi sinh, hoặc đến quốc gia có thể được chứng minh …

Từ chỉ dụ này tại cuộc điều tra đặc biệt năm ngày trước, mệnh lệnh ấy cứ in hằn vào tâm trí Alan. Cho đến khi, mắt nhắm nghiền, anh vẫn có thể lập lại từng chữ theo trí nhớ. Và anh đã lập lại nó thường xuyên, lục tìm trong cú pháp một sơ hở nào đó, một điểm yếu nhỏ nhoi nào đó, một cái mốc mà chiếc ăn- ten của luật có thể thò vào.

Nhưng không có gì cả.

Anh đã đọc hết các đạo luật, các vụ án xưa cũ, trước hết là hàng tá, về sau là hàng trăm, nghiền ngẫm thứ ngôn ngữ phức tạp và rối rắm đến tận khuya, cho đến khi mắt đỏ ngầu, thân thể đau nhức vì thiếu ngủ. Hầu như suốt ban ngày, Tom Lewis cùng đi với anh đến thư viện luật của Tòa án Tối cao, nơi mà họ cùng lục lọi các chỉ mục; xem xét các tóm tắt và nghiên cứu các vụ án trong những bộ sách cổ ít người sử dụng đến. Tom nói , vào ngày thứ hai, ‘ Tao không cần ăn trưa. Bao tử tao đầy bụi rồi.’

Cái họ tìm là một tiền lệ về luật để chứng minh rằng cách hành xử của Bộ Di trú trong trường hợp Duval là sai lầm và do đó , bất hợp pháp. Khi Tom đặt vấn đề : ‘ Chúng ta cần cái có thể chìa ra trước mặt quan tòa và nói, “ Này Jack, bọn chó chết ấy không thể tóm gáy chúng tôi được và đây là lý do.”’ Còn sau đó, mệt mỏi đu đưa trên đỉnh thang trong thư viện, Tom nói, ‘ Không phải cái mày biết tạo nên một luật sư; phải biết nơi để tìm và chúng ta đã không tìm được đúng nơi.’

Họ cũng chẳng tìm được đúng nơi nào hết trong suốt những ngày tìm kiếm còn lại, giờ đã kết thúc. Alan sau cùng phải thú nhận , ‘ Quá nhiều để người ta có thể làm được. Tao cho là ta bỏ cuộc thôi.’

Lúc này là 2giờ trưa, thứ ba, ngày 9 tháng Giêng. Họ đã từ bỏ một giờ trước đó.

Có một thời khắc gián đoạn trong chuyến nghiên cứu ở thư viện luật – sáng hôm qua khi một hội đồng thuộc Bộ đã xem xét kháng cáo của Duval về kết quả cuộc điều tra đặc biệt. Nhưng đó chỉ là một diễn biến thông thường, hời hợt, một kết quả có thể đoán trước khi Edgar Kramer là chủ tịch hội đồng và hai nhân viên Sở Di trú là thành viên.

Đây là một phần trong cái phương thức mà ban đầu Alan đã hy vọng là sẽ trì hoãn. Sau sơ suất của anh trước tòa, mọi việc đã thay đổi quá nhanh …

Mặc dù biết mọi nỗ lực đều vô vọng, Alan đã trình bày lập luận một cách nhiệt thành và hoàn hảo như thể trước mặt quan tòa và bồi thẩm đoàn. Hội đồng – gồm Edgar Kramer, tỏ ra lịch sự suốt – đã chăm chú nghe, rồi long trọng tuyên bố quyết định y theo phán quyết ngày hôm trước. Sau đó, Alan nói với Tom Lewis ,’ Cứ như đang tranh luận với Bà Hoàng trong Alice ở xứ thần tiên, chỉ có điều hơi đần hơn một chút mà thôi.’

Nghiêng chiếc ghế ra sau trong văn phòng nhỏ bừa bộn , cố che cái ngáp vì mệt mỏi, Alan thấy mình hối tiếc vì vụ án đã gần như kết thúc. Hình như anh không còn có thể làm gì đựoc nữa. Chiếc Vastervik – việc sửa chữa đã hoàn tất và đang chất hàng hóa lên – sẽ ra khơi trong bốn ngày nữa. Trước thời gian đó, có lẽ là ngày mai, anh sẽ phải xuống tàu để thông báo những tin tức sau cùng cho Henri Duval. Nhưng anh biết rằng đó là những tin tức không được chờ đợi ; gã đi lậu trẻ tuổi ấy đã học hỏi được quá nhiều về sự dửng dưng của con người, có hơn một lần từ chối nữa cũng chẳng làm anh ta ngạc nhiên chút nào.

Alan duỗi dài thân hình hơn 1,8m của anh, gãi mái tóc cắt kiểu thủy thủ, rồi lê lết từ khối hộp lót kính sang văn phòng nhỏ khiêm tốn ở ngoài. Phòng vắng như chùa Bà Đanh . Tom Lewis đã ra phố, giải quyết vài vụ bất động sản họ may mắn nhận được một, hai ngày trước; còn bà nhân viên góa phụ già. mệt mỏi vì công việc dồn dập bất ngờ mấy ngày qua , đã về nhà vào giờ cơm trưa, như lời bà nói, ‘ để ngủ suốt một ngày, ông Maitland ạ, và nếu ông nghe lời tôi khuyên, ông cũng nên làm vậy.’

Alan nghĩ, có lẽ lúc này việc đó là khôn ngoan nhất. Anh rất muốn về nhà, về căn phòng chật chội trên đường Gilford, buông người xuống tấm nệm trải dưới đất và quên hết mọi sự, cả gã đi lậu , việc nhập cư và tính bất đồng của nhân loại. Ngoại trừ Sharon. Chính là đây : anh sẽ tập trung mọi ý nghĩ vào mỗi Sharon. Anh tự hỏi cô đang ở đâu giờ này, cô đã làm những gì kể từ lần họ gặp nhau hai ngày trước – vài phút ít ỏi bên cốc cà phê giữa hai giờ học trong thư viện luật; cô đang nghĩ gì; trông cô thế nào; hay cô đang cười; đang nhíu mày một cách kỳ cục như đôi khi cô vẫn thường …

Anh quyết định gọi điện thoại cho cô. Thời gian đang trong tay anh, anh không còn có thể làm gì nữa cho Henri Duval. Sử dụng điện thoại ở văn phòng phía ngoài, anh quay số nhà Devereaux, xin ông Maitland vui lòng chờ .

Một, hai phút sau, anh nghe tiếng chân nhẹ bước đến điện thoại.

‘ Alan !’ Giọng Sharon xúc động, ‘ Anh tìm thấy rồi !’

Anh đáp, ‘ Ước gì bọn anh tìm thấy. E rằng anh phải bỏ cuộc thôi.’

‘ Ồ, không !’ Giọng hối tiếc thành thật.

Anh giải thích việc tìm kiếm không hiệu quả; việc vô ích nếu cứ tiếp tục .

Sharon nói, ‘ Cũng như nhau thôi. Em không tin nó đã kết thúc. Anh cứ suy nghĩ và suy nghĩ đi. Cứ tiến lên như cách anh đã làm trước đó.’

Anh cảm động vì niềm tin của cô nhưng không chia sẻ nó.

Anh nói, ‘ Anh có ý này. Anh sẽ nặn tượng Edgar Kramer và đính ghim vào. Đó là cách duy nhất mà bọn anh chưa thử.’

Sharon cười, ‘ Em vẫn thường nặn tượng bằng đất sét.’

Anh vui vẻ đề nghị, ‘ Ta hãy làm việc đó tối nay. Ta sẽ bắt đầu bằng bữa tối rồi đi kiếm đất sét sau.’

‘ Ôi, Alan; em rất tiếc nhưng em không thể.’

Anh hỏi ngay, ‘ Sao lại không ?’

Một chút lưỡng lự rồi Sharon nói , ‘ Em đã có hẹn.’

Anh nghĩ, phải; anh hỏi và nhận được câu trả lời. Anh tự hỏi có hẹn với ai; có phải là người Sharon quen biết từ lâu; họ sẽ đi đâu. Anh cảm thấy ghen tức rồi tự nhủ rằng thế là vô lý. Suy cho cùng, Sharon phải có cuộc sống riêng, một cuộc sống trọn vẹn, từ lâu, trước khi anh xuất hiện trên sân khấu này. Và nụ hôn trong khách sạn không phải là một ước định chắc chắn.

‘ Em rất tiếc, Alan; thực sự là em bận. Nhưng có những việc em không thể vứt bỏ.’

‘ Anh không muốn em vứt bỏ.’ Bằng vẻ tươi tỉnh dứt khoát, anh bảo cô, ‘ Chúc vui. Anh sẽ gọi cho em khi có tin gì mới.’

Sharon ngập ngừng nói, ‘ Tạm biệt.’

Khi anh bỏ điện thoại xuống, căn phòng như nhỏ hơn và u sầu hơn trước . Anh vu vơ ước gì mình đừng gọi. Anh bước qua lại trong phòng.

Trên bàn đánh máy, một chồng điện tín để mở lọt vào mắt anh. Trong đời anh chưa bao giờ nhận được nhiều điện tín như thế trong vài ngày qua. Nhặt tờ trên cùng anh đọc:

CHÚC MỪNG CUỘC CHIẾN ĐẤU ANH DŨNG- NHỮNG CÔNG DÂN CÓ TẤM LÒNG VẪN SẼ HOAN HÔ ANH.

K.B.BROWNE

Anh tự hỏi, K.B.Browne là ai. Đàn ông hay đàn bà ? Giàu hay nghèo ? Là loại người gì ? Ông ấy hay bà ấy có thực sự quan tâm đến những bất công và đè nén này không ? … Hay chỉ xúc động nhất thời ? Anh bỏ nó xuống và nhặt một tờ khác.

BỞI VÌ CHÚA JESUS ĐÃ NÓI NHƯ NGƯƠI ĐÃ LÀM CHO ÍT RA LÀ MỘT TRONG NHỮNG ANH EM CỦA TA. NGƯƠI ĐÃ LÀM CHO TA LÀ MẸ CỦA BỐN ĐỨA CON ĐANG CẦU NGUYỆN CHO NGƯƠI VÀ CẬU BÉ BẤT HẠNH CỦA TA.

BERTHA MACLEISH

Tờ thứ ba, dài hơn những tờ còn lại, làm anh chú ý.

20 THÀNH VIÊN CỦA STAPLETON VÀ QUẬN MANITOBA KIWANIS TẬP HỌP Ở ĐÂY CHÀO MỪNG ANH. CHÚC THÀNH CÔNG TRONG NỖ LỰC VÌ TÌNH NGƯỜI CAO CẢ. CHÚNG TÔI RẤT HÃNH DIỆN VÌ ANH VỚI TƯ CÁCH MỘT CÔNG DÂN

CANADA. CHÚNG TÔI CÓ QUYÊN ĐƯỢC CHÚT ÍT. HÃY SỬ DỤNG BẰNG CÁCH NÀO ANH CHO CÓ LỢI NHẤT.

GEORGE EARNDT, THƯ KÝ.

Alan nhớ lại, tấm séc đã đến sáng nay. Nó đã được chuyển , cùng những tấm khác nữa, cho tổ hợp Công ty tỉnh British Columbia, nơi sẽ quản lý những gì đã quyên góp cho Henri Duval. Như hôm nay, 1,100 đô la đã được chuyển vào.

Alan nghĩ, cảm ơn, K.R.Browne, bà MacLeish và những người của Stapleton Kiwanis. Và tất thảy những người khác. Anh giở chồng điện tín dày. Tôi đã không làm cái gì ra trò. Nhưng cám ơn tất cả.

Anh thấy có hai chồng báo dày để dưới sàn trong góc nhà, một chồng nữa trên ghế. Trong ba chồng này, có rất nhiều tờ là báo ngoại tỉnh – tờ Toronto, Montreal, Winnipeg, Reggina, Ottawa và vài thành phố nữa. Anh để ý có một tờ ở tít tận Halifax, Novo Scotia. Một số phóng viên các tờ này viết bài, như họ nói, những câu chuyện về chính anh. Tờ New York Times cũng đăng hai bài tương tự. Song Alan chẳng có thời giờ đâu mà đọc cho hết. Nhưng anh sẽ lướt qua, anh nghĩ nên làm một cuốn sổ. Có lẽ là : ‘Kinh Cầu Cho Nguyên Nhân Đã Mất’.

Anh nói to, ‘ Này Maitland, cắt ra đi. Mày sẽ oán hận cho chính mày hơn là cho Duval.’

Cùng với những lời này là tiếng gõ cửa, vẫn để ngỏ. Một cái đầu thò vào – chính là bộ mặt hồng hào, gò má rộng của Dan Orlifffe. Liền theo đó là thân hình lực lưỡng như anh nông dân của chàng phóng viên, nhìn quanh người anh. Ông ta hỏi, ‘ Anh có một mình sao ?’

Alan gật đầu.

‘ Tôi nghĩ là tôi có nghe ai đó nói.’

‘ Đúng rồi. Tôi đang nói với chính mình.’ Alan cười nhạo, ‘ Đó là sân khấu tôi đã đứng vào.’

Dan Orliffe nói, ‘ Anh cần được giúp đỡ. Anh nghĩ thế nào nếu tôi thu xếp một cuộc nói chuyện với ai đó đáng quan tâm hơn.’

‘ Ai, chẳng hạn ?’

Orliffe đáp như tình cờ, ‘ Tôi nghĩ chúng ta có thể bắt đầu bằng Thủ tướng. Ông ấy sẽ đến Vancouver vào ngày mốt.

‘ Chính Howden sao ?’

‘ Chính xác.’

‘ Ôi, chắc rồi.’ Alan buông người xuống chiếc ghế ở bàn đánh máy, lưng dựa ra sau, gác chân lên chiếc máy đánh chữ.’ Nói cho anh biết những gì tôi sẽ làm : Tôi sẽ thuê một chiếc xe và mời ông ấy đến nhà tôi chơi.’

Dan năn nỉ, ‘ Nhìn này. Tôi không đùa đâu. Điều này là thật đấy. Sẽ có một cuộc mít tinh và có lẽ sẽ có một cái gì đó tốt đẹp.’ Ông đặt câu hỏi, ‘ Anh không thể làm gì thêm nữa cho Duval trong các phiên tòa, phải không ?’

Alan lắc đầu, ‘ Chúng tôi đã ở cuối đường rồi.’

‘ Vậy thì, còn gì để mất nữa đâu.’

‘ Không còn gì, tôi đoán thế. Nhưng vấn đề là gì ?’

Dan hối thúc , ‘ Anh có thể cầu xin, phải không ? Lòng khoan dung và tất cả những cái khác. Không phải là cách các luật sư vẫn làm sao ?’

Alan nhăn mặt, ‘ Anh cũng cho là mình cũng có lập luận vững chắc nữa. Tôi có thể hình dung như thế này : Tôi quỳ gối và Thủ tướng lau nước mắt. Ông ấy sẽ nói, “ A, con ơi. Suốt nhiều tuần liền, ta đã sai lầm khủng khiếp. Bây giờ nếu con vui lòng ký vào đây, chúng ta sẽ quên hết mọi sự và con sẽ có những gì con muốn.’

Dan Orliffe thừa nhận, ‘ Được thôi. Sẽ không là nạn nhân yếm thế nữa. Nhưng sao lại bỏ cuộc ?’

Alan khẽ đáp, ‘ Một lý do đơn giản. Bởi vì đến một lúc nào đó, rất nhạy cảm khi phải chấp nhận mình đã bị vặt trụi lông.’

Dan nói, ‘ Anh làm tôi thất vọng.’ Anh duỗi một chân ra và vấp phải chân bàn.

‘ Rất tiếc. Ước gì tôi có thể làm gì thêm nữa.’ Yên lặng. Rồi Alan tò mò hỏi. ‘ Tại sao Thủ tướng lại muốn đến Vancouver?’

‘ Ông ấy đang thực hiện một chuyến vi hành khắp cả nước. Tất cả đều rất bất ngờ. Có nhiều suy đoán về việc này.’

Cháng phóng viên nhún vai, ‘ Đó là việc của người khác. Ý tôi là ghép chung anh và ông ấy lại.’

Alan nói ,’ Ông ấy sẽ không bao giờ gặp tôi.’

‘ Nếu được yêu cầu, ông ấy không thể từ chối.’ Dan chỉ tay vào chồng báo trên ghế, ‘ Có phiền không nếu tôi dời nó đi ?’

‘ Cứ việc.’

Dan gạt chồng báo xuống sàn nhà, quay tròn chiếc ghế, rồi dạng chân ra. Anh ta đối diện Alan, cùi chỏ tì

trên lưng ghế, ‘ Nhìn này, anh bạn.’ Và hăng hái cãi, ‘ Nếu ngay bây giờ anh không hình dung được, thì để tôi trình bày nó ra. Đối với 10 triệu người, có lẽ hơn – với mỗi người đọc báo, xem tivi hay nghe radio – anh là người-dũng-cảm-vì-sự-thật.’

‘ Người-dũng-cảm-vì-sự-thật,’ Alan lập lại. Anh tò mò hỏi, ‘ Trích trong Diễn Biến Của Đoàn Hành Hương, phải không ?’

Giọng trả lời lạnh lùng, ‘ Tôi đoán vậy.’

Alan tư lự nói, ‘ Tôi nhớ tôi có đọc một lần rồi. Chắc là ở trường vào ngày chủ nhật.’

Chàng phóng viên nói, ‘ Chúng ta đã ở quá xa trường của ngày chủ nhật đó . Bọn các anh đã bị chà xát quá kỹ rồi.’

Alan bảo, ‘Tiếp đi. Anh đang nói về mười triệu người.’

Orliffe nhấn mạnh, ‘ Họ đã biến anh thành một biểu tượng quốc gia. Anh là một thần tượng. Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ thấy một cái gì như thế.’

Alan nói, ‘ Có quá nhiều tình cảm. Khi tất cả kết thúc, người ta sẽ quên tôi chỉ trong mười ngày.’

Dan thừa nhận, ‘ Có lẽ thế. Nhưng trong khi anh còn là một hình ảnh của công chúng, anh phải được đối xử tôn trọng. Ngay cả Thủ tướng.’

Alan nhăn mặt, như thể ý tưởng này làm anh buồn cười, ‘ Nếu tôi yêu cầu một cuộc hội kiến với Thủ tướng, anh nghĩ nó sẽ được thu xếp như thế nào ?’

Dan Orliffe thúc dục, ‘ Cứ để tờ Post thu xếp. Howden không ưa gì chúng tôi nhưng ông ta cũng không thể bỏ qua chúng tôi được. Ngoài ra, tôi muốn chạy một bài độc quyền vào ngày mai. Chúng tôi sẽ nói là anh yêu cầu có một cuộc gặp và đang chờ câu trả lời.’

Alan đong đưa chân bên bàn đánh máy, ‘ Bây giờ ta chuẩn bị đi. Tôi đã hình dung có môt quan điểm ở đâu đó.’

Khuôn mặt Dan Orliffe biểu lộ vẻ hăng hái, ‘ Mỗi người đều có quan điểm, nhưng anh và tôi đang giúp đỡ những người khác và cả Duval nữa. Hơn nữa, với công chúng tiến bộ, Howden không dám từ chối đâu.’

‘ Tôi không biết. Chỉ là tôi không biết’. Vừa đứng dậy, Alan vừa vươn vai mệt mỏi. Anh nghĩ, vấn đề là gì đây. Cố gắng thêm nữa thì được gì ?

Rồi, trong tâm trí, anh nhìn thấy khuôn mặt của Henri Duval và phía sau Duval- là bóng dáng Edgar Kramer.

Bỗng nhiên mặt Alan sáng lên, giọng anh mạnh mẽ, ‘ Trời ơi ! Chúng ta hãy quậy tung lên nào.’

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết