TRÊN ĐỈNH CAO QUYỀN LỰC
IN HIGH PLACES
ARTHUR HAILEY
(Nguyên tác In High Places, Arthur Hailey, 1962)
Bao nhiêu quyền lực đã sụp đổ trên bãi chiến trường! Hỡi Jonathan, ngươi sẽ bị giết ngay trên ngôi báu.
Tụng ca David
How are the mighty fallen in the midst of the battle! O Jonathan, thou was slain in thy high places.
The Lament of David
Tất cả nhân vật trong truyện đều là tưởng tượng, nếu có bất kỳ sự trùng hợp nào, dù còn hay mất, chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên)
(Chú thích của tác giả)
CHƯƠNG 1
NGÀY 23 THÁNG 12
Vào buổi trưa và đầu giờ chiều ngày 23 tháng 12, có ba biến cố cùng xảy ra, chúng không liên quan gì với nhau và cách nhau rất xa, đến 3.000 dặm. Một là cú diện thoại, gọi trên đường dây tối mật, từ Tổng Thống Hoa Kỳ đến Thủ Tướng Canada; cuộc điện đàm kéo dài gần một giờ và tối như hũ nút. Thứ hai là lễ tiếp tân của viên Toàn quyền ở dinh thự tại Ottawa và thứ ba là một con tàu thả neo ở Vancouver trên bờ biển phía tây Canada.
Cú điện thoại đến trước, được gọi từ văn phòng Tổng Thống ở tòa Bạch ốc và do Thủ Tướng nhận trong văn phòng của ông ở khu Đông trên đồi Quốc hội.
Kế đến là việc con tàu thả neo. Đó là chiếc Vastervik trọng tải 10.000 tấn, mang cờ Liberia, thuyền trưởng người Nauy tên Sigurd Jaabeck. Việc buông neo diễn ra nhanh chóng lúc 3giờ sáng tại La Pointe Pier, cảng Burrard Inlet ở về phía nam và ngoài thành phố.
Đúng một giờ sau ở Ottawa, cách ba tiếng vì khác biệt múi giờ, trời đã chiều rồi, những khách đến sớm trong lễ tiếp tân bắt đầu lục tục đến dinh Toàn quyền. Buổi lễ rất nhỏ : chỉ là một thủ tục hàng năm trước lễ Giáng sinh Ngài Toàn quyền dành cho các thành viên nội các và vợ họ.
Chỉ có hai vị khách – Thủ Tướng và Bộ trưởng Ngoại giao – là biết cú điện thoại của Tổng Thống Mỹ; không một vị khách nào biết đến chiếc tàu Vastervik, cũng không hay gì những sự việc có thể xảy ra.
Song le, một cách chắc chắn và không có cách nào gỡ thoát được, ba biến cố ấy đã được bàn tay của định mệnh đan chéo vào nhau như những hành tinh và tinh vân mà quỹ đạo của chúng theo một cách thức dị thường, va vào nhau và sáng lóe lên trong một chớp mắt.
CHƯƠNG 2
NGÀI THỦ TƯỚNG
1
Đêm Ottawa khô khốc và lạnh lẽo, trời vần vũ mây hứa hẹn sẽ có tuyết rơi khi trời sáng. Thủ đô của quốc gia – như các chuyên viên vẫn nói – đang trong một mùa Giáng Sinh trắng.
Trong băng sau chiếc Oldsmobile đen có tài xế lái, Margaret Howden, phu nhân Thủ Tướng Canada, chạm tay chồng và nói, ‘ Jamie, anh có vẻ mệt.’
Ngài James McCallum Howden, Đại Tư Nghị, Cử nhân luật khoa, Cố vấn Hoàng gia, Nghị sĩ quốc hội, nhắm cứng mắt, duỗi người trong chiếc xe ấm áp. Và rồi ông mở mắt ra, ‘ không hẳn đâu.’ Lúc nào ông cũng ghét thú nhận sự mệt mỏi, ‘ Chỉ không chợp mắt được một chút. Suốt bốn mươi tám giờ qua…’ Ông vừa soát lại mình vừa liếc tấm lưng rộng của người tài xế. Kiếng ngăn ở giữa đã kéo lên, nhưng dù sao cũng phải đề phòng.
Một luồng sáng ở ngoài chiếu vào kính và ông thấy được hình ảnh của mình; bộ mặt diều hâu quàu quạu, mũi chim và cằm bạnh.
Vợ ông ngồi bên cạnh nói đùa, ‘ Đừng nhìn nữa kẻo anh lại to lên đấy… Cái vật phân tâm ấy là gì vậy?’
Chồng bà cười, mí mắt nặng chình chịch xếp nếp ‘ Bệnh Narciss ấy mà ( bệnh tự kiêu thái quá). Nhưng anh đã bị nhiều năm rồi. Nó là quy tắc nghề nghiệp trong chính trị.’ Một thoáng yên lặng rồi họ trở lại vẻ nghiêm trọng.
Margaret khẽ khàng nói, ‘Có chuyện gì xảy ra phải không?’
‘ Có chuyện quan trọng.’
Bà quay về phía ông, gương mặt lo âu, cũng có vẻ bận tâm như ông và ông cảm nhận được những đường nét cổ điển trên thân thể bà. Ông nghĩ, nàng vẫn là một người đàn bà đáng yêu và những cái đầu vẫn quay lại khi họ cùng bước vào một nơi nào đó.
Ông thừa nhận, ‘ Phải.’ Trong giây lát ông muốn giãi bày tâm sự với Margaret; kể với bà những việc đã xảy ra chóng vánh, bắt đầu từ cú điện thoại mật gọi từ Tòa Bạch ốc xuyên biên giới hai ngày trước ; cú điện thoại thứ hai trưa nay. Rồi ông quyết định : chưa phải lúc.
Bên cạnh ông, Margaret nói, ‘ Đã có quá nhiều việc muộn màng và có những khoảnh khắc chúng ta thấy cô đơn.’
Ông vươn người và cầm lấy tay bà, ‘ Anh biết.’
Như thể cử chỉ ấy đã làm ông buông thả những lời nói cố nén lại, Margaret nói nhanh, ‘ Tất cả những cái ấy có giá trị không ? Anh làm chưa đủ sao ?’ Bà ý thức được chuyến đi ngắn ngủi, biết rằng chỉ mất vài phút đi xe từ ngôi nhà của họ đến dinh Toàn quyền. Trong giây lát nữa, khoảnh khắc ấm cúng và thân mật này sẽ biến mất. ‘ Jamie, chúng ta lấy nhau đã bốn mươi hai năm, phần lớn thời gian ấy, em chỉ được một phần con người anh. Cuộc đời còn lại đâu có bao nhiêu nữa ?’
Ông nói đơn giản và thành thật, ‘ Thật không dễ chịu cho em, phải không ?’
Những lời của Margaret đã làm ông xúc động.
‘ Không, không hẳn vậy.’ Một chút lưỡng lự. Đó là một vấn đề khó nói, một điều mà họ hiếm khi đề cập.
‘ Sẽ có lúc. Anh hứa với em vậy. Nếu có điều gì khác…’ Ông ngừng lại, nhớ đến những điều không lường trước được về tương lai mà hai ngay vừa qua mang lại.
‘ Còn gì khác?’
‘ Một việc nữa. Có lẽ là việc lớn nhất trong đời anh.’
Bà rụt tay lại, ‘ Tại sao lại là anh?’
Không thể trả lời. Cả với Margaret thân thiết với bao nhiêu ý nghĩ của mình, ông cũng không bao giờ hé môi vê những quan niệm sâu kín nhất, bởi vì không ai khác; không ai ngoài bản thân mình, bằng trí thông minh và nhãn quan sâu rộng, ông phải sớm có một quyết định hệ trọng.
Margaret lại nói, ‘ Sao lại là anh?’
Họ đã vào đến sân dinh Toàn quyền. Tiếng lốp cao su nghiến xào xạo trên sỏi. Trong bóng tối, bãi đậu xe mở rộng ra hai bên.
Ngay tức khắc ông có cảm giác tội lỗi nhói buốt trong mối quan hệ giữa ông và Margaret. Bà vẫn chân thành chấp nhận cuộc sống thiên về chính trị, cho dù không bao giờ vui với nó như ông. Nhưng từ lâu ông đã cảm nhận được niềm hi vọng của bà rằng một ngày nào đó ông sẽ từ bỏ chính trị để họ lại gần gũi với nhau hơn như những năm đầu chồng vợ. Mặt khác ông là người chồng tốt, không có một người đàn bà nào khác trong đời ông…ngoại trừ một trường hợp nhiều năm trước : mối tình đã khởi đầu và kéo dài gần suốt một năm cho đến khi ông cương quyết kết thúc lúc cuộc hôn nhân của ông có thể bị ảnh hưởng . Nhưng thỉnh thoảng mặc cảm tội lỗi vẫn ám ảnh… cả căng thẳng thần kinh nữa, e rằng một lúc nào đó Margaret sẽ biết được sự thật.
Ông an ủi, ‘ Tối nay về nhà anh sẽ nói chuyện.’
Xe ngừng lại và cửa mở ra. Một kỵ binh cảnh sát đồng phục đỏ nhanh nhẹn chào khi thủ tướng và vợ xuống xe. James Howden cười tỏ vẻ biết ơn, bắt tay viên cảnh sát và giới thiệu Margaret. Đó là cung cách duyên dáng của Howden và ông làm mà không tỏ ra hạ cố. Cùng lúc ông biết rõ viên sĩ quan cảnh sát này sẽ kể lại chuyện này sau đó và thật ngạc nhiên làm sao một cử chỉ đơn giản như thế lại lan xa đi nhường kia.
Khi họ bước vào dinh Toàn quyền, viên sĩ quan tùy viên- một trung úy trẻ tuổi thuộc Hải quân Hoàng gia Canada lẹ làng bước tới. Bộ đồng phục mạ vàng của anh ta trông chật đến khó chịu; Howden nghĩ có lẽ đó là hậu quả của việc ngồi bàn giấy quá lâu ở Ottawa và quá ít đi biển. Hiện giờ các tay sĩ quan này phải chờ đến lượt đi biển vì Hải quân chỉ mới là lực lượng tượng trưng- một trò đùa về mặt hình thức nhưng lại là một gánh nặng thuế khóa cho người dân.
Qua lối vào với hàng cột cao, họ được đưa vào sảnh đường lên cầu thang bằng đá hoa trải thảm đỏ, qua hành lang rộng lót thảm vào Phòng Họp Lớn nơi những buổi tiếp tân nhỏ chẳng hạn như buổi tối nay thường được tổ chức. Một gian phòng rộng lớn và dài, giống như hộp đựng giày, trần cao, các thanh đà ngang trát thạch cao, nó có vẻ thân mật như một tiền sảnh ở khách sạn, nhưng có phần tiện nghi hơn. Hơn, tất nhiên, với những chiếc ghế và trường kỷ bọc nệm bày thành nhóm trông mời mọc trong ánh sáng dịu màu lam ngọc và vàng thủy tiên. Chưa có ai ngồi, khoảng sáu mươi vị khách còn đứng tụ tập trò chuyện. Trên đầu họ là bức chân dung Nữ hoàng nghiêm trang nhìn ra cửa sổ có rèm thêu chỉ vàng đã vén lên. Ở tận cuối phòng, một cây thông Giáng sinh trang trí dây hoa nhấp nháy ánh đèn. Tiếng rì rào lặng tắt khi Thủ tướng và phu nhân bước vào, Margaret Howden trong trang phục dạ hội viền đăng ten màu tím nhạt, vai để trần.
Viên trung úy hải quân vẫn đi trước mở đường thẳng đến gần lò sưởi sáng bừng nơi viên Toàn quyền đang chờ đón, tuyên bố, ‘ Thủ tướng và Bà Howden.’
Ngài Toàn quyền, Thống chế không quân Sheldon Griffiths, Huân chương Thập tự Victoria, Không quân bội tinh, Không quân Hoàng gia Canada (đã hồi hưu), đại diện toàn quyền của Nữ hoàng ở Canada, đưa tay ra , ‘ Kính chào Thủ tướng”. Rồi lịch sự nghiêng mình, ‘ Margaret’.
Margaret Howden duyên dáng nhún người, nụ cười của bà chào luôn cả Natalie Griffiths đứng cạnh chồng.
James Howden nói, ‘ Kính chào Ngài. Trông Ngài thật khỏe.’
Viên Toàn quyền, tóc ngã bạc, mặt mũi hồng hào, dáng đứng thẳng của một quân nhân bất chấp tuổi tác, mặc dạ phục nếp thẳng tắp với những cuống huy chương và huân chương nổi bật. Ông nghiêng người thân tình,
‘ Tôi cảm thấy cái đuôi máy bay chó chết của tôi đang bốc cháy.’ Chỉ về hướng lò sưởi, ‘ Quý vị đã đến đây, giờ ta đi tránh cái hỏa ngục này thôi.’
Cả bốn người cùng bước qua phòng, Viên Toàn quyền tỏ ra là vị chủ tiệc lịch thiệp và thân mật.
Ông nói với Melissa Tayne, bà vợ xinh đẹp và trang nghiêm của bác sĩ Borden Tayne, Bộ trưởng Y tế và Xã hội, ‘ Tôi thấy bức chân dung Karsh mới thực hiện của bà rồi. Thật đẹp và xứng đáng với bà.’ Chồng bà, đang đứng trong hàng, đỏ mặt hài lòng.
Bên cạnh họ là Daisy Cawston, phục phịch ra dáng từ mẫu và lơ đễnh, lúng búng, ‘ Thưa Ngài, tôi đã cố thuyết phục chồng tôi ngồi làm mẫu cho Karsh, ít nhất là khi Stuart còn được vài sợi tóc trên đầu.’ Cạnh bà, Stuart Cawtons, Bộ trưởng Tài chánh, được bạn bè và đối thủ gọi là ‘Stu cợt’ , cười vẻ phúc hậu.
Viên Toàn quyền buồn rầu liếc nhanh cái đầu hói của Cawston. ‘ Tốt hơn nên nghe lời khuyên của vợ ông đi, ông bạn già. Chẳng còn mấy nả đâu.’ Giọng ông nói tước đi hết những lời chống đối và một tràng cười rộ lên có cả viên Bộ trưởng phụ họa.
Khi viên Toàn quyền và nhóm tùy tòng tiến về phía trước thì James Howden rớt lại phía sau. Ông bắt gặp ánh mắt của Arthur Lexington, Bộ trưởng Ngoại giao, đứng cách vài nhóm cùng với vợ, Susan, và khẽ gật đầu. Bất chợt, Lexington xin lỗi và bước vòng qua – một con người thấp bé ngộ nghĩnh quá tuổi năm mươi mà lối xử sự thong dong như bậc trưởng thượng của ông che dấu một trong những bộ óc sắc bén nhất trong nền chính trị quốc tế.
Arthur Lexington nói, ‘ Kính chào Thủ tướng.’ Và không thay đổi thái độ, ông hạ giọng, ‘ Guồng máy đã khởi động.’
Howden khô khan hỏi, ‘ Ông đã nói chuyện với Angry?’ Ngài Phillip B. Angrove, mà các bạn ông gọi là ‘ Angry’, là Đại sứ Mỹ ở Canada. Lexington gật đầu. Ônh khẽ khàng nói, ‘ Cuộc họp của ngài và Tổng thống được thu xếp vào mồng hai tháng giêng. Dĩ nhiên là ở Washington. Chúng ta có mười ngày.’
‘ Chúng ta cần có tất cả.’
‘ Tôi biết.’
‘ Ông đã trù liệu biện pháp chưa?’
‘ Về chi tiết thì chưa. Sẽ có một buổi tiệc chính thức dành cho ngài trong ngày mồng một – vô tích sự như thường lệ- rồi sẽ có buổi họp riêng, chỉ bốn người chúng ta, vào ngày hôm sau. Tôi nghĩ đó là lúc ta bàn công việc.’
‘ Còn về lời tuyên bố?’
Lexing ton gật đầu báo hiệu, Thủ tướng nhìn theo mắt ông. Một người bồi mang khay thức uống đến gần. Trong đó có một ly nước nho, món uống mà James Howden – kiêng rượu – rất thích. Ông nhận ly nước và do dự.
Khi người bồi đi rồi và khi Lexington đang nhấm nháp ly rượu pha nước, Aaron Gold, Bộ trưởng Bưu chính, thành viên Do thái duy nhất trong Nội các, đến chỗ họ. Ông tuyên bố, ‘ Cái chân đang hành hạ tôi. Ông không rỉ được một lời nào với Ngài Thủ tướng sao – ví dụ như mời Ngài ngồi, để chúng ta cất được gánh nặng.’ Arthur Lexington nhăn nhở cười, ‘ Aaron này, chưa bao giờ thấy ông vội cất cặp giò ông đi như vậy.’
‘Đừng có nhận định chỉ bằng lời .’
Stuart Cawston, ở kề bên, mghe lõm được. Ông nói với qua, ‘ Sao lại mỏi chân thế, Aaron? Đang đi bỏ thư Giáng sinh hả?’
Ông Bộ trưởng Bưu chính buồn rầu nói, ‘ Tôi chấp nhận khôi hài. Khi những gì tôi cần là sự dịu dàng.’
Howden vui vẻ nói, ‘ Theo tôi hiểu thì ông có rồi đấy.’ Ông nghĩ : Đối trọng ngốc nghếch. Đoạn đối thoại hài trên sân khấu trong vở Macbeth. Có lẽ là cần đấy. Tin tức bỗng lồ lộ trước mặt. Đụng chạm đến từng con người ở Canada, quả thật khủng khiếp. Trong gian phòng này trừ Lexington và ông ra, còn bao nhiêu người có ý kiến gì… Bây giờ những người khác đã đi khỏi.
Arthur Lexington khẽ khàng nói, ‘ Tôi đã nói chuyện với Angry về lời tuyên bố trong buổi họp này, ông ấy cũng đã trở lại Bộ quốc phòng. Họ nói Tổng thống yêu cầu hiện thời không tuyên bố gì. Hình như họ nghĩ là sẽ tuyên bố sau khi người Nga lên tiếng, có lẽ có những ám chỉ hiển nhiên nào đó.’
Howden nói, ‘ Không thể để có nhiều thiệt hại.’ Bộ mặt diều hâu của ông lộ vẻ trầm tư. ‘ Phải tuyên bố sớm. Nhưng nếu đó là điều ông ta muốn…’
Tiếng trò chuyện quanh họ trở nên sôi nổi theo tiếng ly cốc lanh canh. ‘… Tôi bỏ ra mười bốn bảng, rồi phát hiện thấy cái lò bánh trời đất này. Giờ mọi cái lại trở lại…’ ‘… đã giải thích là tôi không thấy đèn đỏ vì tôi đang vội đi gặp chồng tôi, ông ấy là Bộ trưởng trong Nội các…’ ‘… Tôi nói đây là tờ Time; cả chuyện bóp méo cũng hay nữa…’ ‘… Nói thật chứ, dân Toronto hiện nay không sao chịu nổi; bọn nó có thứ văn hóa xài không vô…’ ‘… Thế tôi mới bảo hắn, nếu ta muốn có mấy đạo luật ngu ngốc về rượu, thì đó là việc của chúng ta; dù sao cũng phải cố xài điện thoại ở Luân đôn…’ ‘…Tôi nghĩ dân Tây Tạng thật đáng yêu, họ có bản chất của dân ở hang động…’ ‘… Ông không để ý sao, các cửa hiệu chi nhánh đang làm hóa đơn nhanh hơn đấy. Có thời ông phải cộng thêm hai tuần nữa kìa…’ ‘… Chúng ta phải chận đứng Hitler ở sông Rhine và Khrushchev ở Budapest…’ ‘ Không sai lầm. Nếu đàn ông mà phải mang thai, hẳn sẽ có nhiều cái tệ hơn – cám ơn, một ly rượu đỗ tùng pha thuốc bổ.’
Lexingnton vẫn hạ giọng, ‘ Khi phải tuyên bố, thì ta sẽ nói trong buổi họp là cuộc đàm phán về thương mại.’
Howden đồng ý, ‘ Phải, tôi cho đó là cách tốt nhất.’
‘ Khi nào Ngài báo với Nội các?’
‘ Tôi chưa quyết định. Tôi nghĩ có lẽ nên báo Hội đồng Quốc phòng trước. Tôi muốn biết một vài phản ứng.’
Howden cười vẻ khắc khổ,’ Arthur, không phải ai cũng có tầm nhãn quan về các vấn đề thế giới như ông đâu.’
‘ Vậy chắc tôi cũng có vài lợi điểm.’ Leximgton mgừng lời, gương mặt giản dị đăm chiêu, ánh mắt dọ hỏi. ‘ Dầu vậy, ý kiến này phải mất nhiều thời gian để quen với nó.’
James Howden nói, ‘ Phải. Tôi hi vọng như thế.’
Hai người rời nhau ra và Thủ tướng trở lại nhóm của Viên Toàn quyền. Ông này đang nhỏ nhẹ an ủi một thành viên Nội các có cha vừa qua đời tuần trước. Và vừa tiếp tục đi ông vừa chúc mừng một người khác có con gái đoạt giải thưởng hàn lâm. Howden nghĩ, ông già này hay thật – vừa hòa nhã vừa cao quý, không quá nặng bên này hay nhẹ bên kia.
James Howden đang tự hỏi sự tôn trọng các ông vua, bà chúa cùng vị đại diện hoàng gia còn kéo dài bao lâu nữa ở Canada. Đã hẳn là rất ngẫu nhiên, xứ sở này sẽ tự tách rời ra khỏi chế độ quân chủ Anh cũng như nhiều năm trước đó, nó đã thoát khỏi ách thống trị của nghị viện Anh. Những nguyên cớ thuộc về vương triều – những nghi thức kỳ quặc, những xe ngựa bọc vàng, những nô bộc triều đình và những bữa ăn với mâm đĩa nạm vàng chuốt bạc – đã lỗi nhịp với thời đại, nhất là ở Bắc Mỹ. Rất nhiều nghi lễ tổ chức cho vương triều giống như trò đùa nhã, như câu đố vui. Khi ngày ấy đến, vì nó phải đến, khi người ta bắt đầu cười to tiếng thì sự suy vong sẽ bắt đầu một cách hào hứng nhất. Hay có lẽ, trước đó nữa, vài chuyện bí mật động trời trong hoàng tộc sẽ phun ra và sự sụp đổ càng nhanh chóng, ở Anh quốc cũng như ở Canada.
Ý nghĩ về vương triều làm ông nhớ lại vấn đề mà đêm nay ông phải đưa ra. Nhóm người đã giải tán và giải thoát cho viên Toàn quyền khỏi những người khác. Howden hỏi, ‘ Thưa Ngài, tôi tưởng là vào tháng sau Ngài sẽ về Anh quốc.’
Tiếng ‘ Ngài’ có hậu quả thật nghiêm trọng. Trong chốn riêng tư, hai người vẫn gọi nhau bằng tên suốt nhiều năm.
Viên Toàn quyền nói, ‘ Mồng tám. Natalie buộc tôi phải đi đường biển từ New York. Thật tồi tệ đối với một cựu tham mưu trưởng không quân, phải không?’
Thủ tướng nói, ‘ Dĩ nhiên ông sẽ diện kiến Nữ hoàng ở Luân đôn. Lúc ấy, tôi sẽ tự hỏi Ngài có đưa vấn đề viếng thăm chính thức tại đây mà chúng tôi đã đề nghị vào tháng ba không? Tôi nghĩ một vài lời của Ngài sẽ giúp có một quyết định thích hợp.’
Lời mời Nữ hoàng đã được đệ đạt vài tuần trước qua phủ Cao ủy ở Luân đôn. Nó đã được tính toán – ít ra là do James Howden và các thành viên cao cấp trong đảng – như một biện pháp khôn ngoan trước cuộc bầu cử vào cuối xuân hay đầu hè, vì cuộc viếng thăm của Hoàng gia là một lá phiếu chắc chắn cho đảng đương quyền. Hiện nay, với sự tiến triển của tình hình mấy ngày qua và những tin tức mật thiết mà sớm muộn gì dân chúng cũng sẽ biết, nó càng có tầm quan trọng gấp bội.
‘ Phải, tôi có nghe lời mời đã được chuyển đi.’ Giọng viên Toàn quyền có một chút dè dặt. ‘ Một sự lưu ý khá ngắn ngủi, chắc thế’. Nó giống như là lời báo trước chí ít cũng một năm ở điện Buckingham.
Howden bỗng cảm thấy lo lắng rằng Griffiths sẽ tự tiện báo cho ông một việc mà ông đã quá quen thuộc. ‘ Tôi có biết việc ấy. Nhưng đôi khi những chuyện này có thể dàn xếp được. Thưa Ngài, tôi nghĩ đó là một việc tốt cho đất nước này.’
James Howden nhấn mạnh tiếng Ngài như thể ông đang đưa ra một mệnh lệnh.
‘ Thủ tướng, tôi sẽ chuyển những tình cảm của ông.’
‘ Cám ơn.’ Cuộc trao đổi làm Howden nhớ rằng ông phải bắt đầu nghĩ đến người kế nhiệm cho Sheldon Griffiths, người mà nhiệm kỳ kéo dài đến hai lần sẽ hết hạn vào năm tới.
Ngang sảnh đường từ phòng họp dài, một hàng người đã thành hình ở cửa phòng ăn. Cũng không ngạc nhiên mấy; viên quản đốc dinh Toàn quyền, Alphonse Goubaux, đã nổi danh về tài nấu bếp của ông. Đã có lần, người ta đồn ầm lên là phu nhân Tổng thống Mỹ tìm cách mời xếp Goubaux về Washington. Khi tiếng đồn bị đánh tan thì người ta coi đó như một biến cố quốc tế.
Howden cảm thấy như Margaret chạm tay ông, và họ cùng đi theo những người khác. ‘ Natalie khoe có món tôm hùm tẩm cam tùng hương; bà ấy nhất định là phải thưởng thức để nhớ đời.’
Ông vừa nói vừa cười, ‘ Vậy nhớ báo anh biết lúc anh xơi món ấy.’ Đó là trò cười xa xưa của họ. James Howden ít quan tâm đến chuyện ăn uống và nhiều khi nếu không nhắc ông quên cả bữa ăn. Có những lúc ông ăn mà đầu óc ở mãi những đâu; đã có lần khi Margaret nấu những món thật đặc sắc, ông ăn mà sau đó không hề biết mình ăn gì. Giai đoạn đầu trong cuộc hôn nhân, Margaret đã tức đến phát khóc vì sự hờ hững của chồng trong chuyện nấu nướng, điều mà bà rất thích, nhưng rồi đã từ lâu, bà cũng mặc kệ.
Liếc qua tủ thức ăn được bày biện gọn ghẽ, một người bồi đứng đó cầm hai cái dĩa đã dọn xong,
Howden chăm chú nhìn, ‘ Trông ngon nhỉ. Những món gì thế?’
Vui sướng vì được chỉ định dọn bữa cho Thủ tướng, người bồi đọc vanh vách tên từng món: trứng cá hồi trắng Malossal, patê nhà làm lấy, tôm hùm tẩm cam tùng hương, cá mắt vàng Winnipeg xông khói, gan béo Mignonette, sườn non ướp lạnh nướng, thịt bằm nhồi gà thiến rút xương, gà tây xông khói hồ đào, thịt lợn muối Virginia.
Howden nói, ‘ Cho tôi miếng thịt bò nhỏ thôi. Làm ngon ngon ấy , với ít xà lách.’
Mặt anh bồi xịu xuống, Margaret thì thào, ‘ Jamie!’ Và ngài Thủ tướng vội vàng thêm, ‘ thêm tất cả món gì vợ tôi kêu nữa nhé.’
Khi họ quay đi, viên tùy viên hải quân lại xuất hiện. ‘ Xin ngài thứ lỗi. Ngài Toàn quyền có lời mời và cô Freedeman điện thoại cho ngài.’
Howden đặt cái đĩa còn nguyên xuống. ‘ Hay lắm.’
Giọng Margaret có vẻ lo âu. ‘ Jamie, anh phải đi ngay sao?’
Ông gật đầu. ‘ Milly không gọi nếu cô ấy còn chờ được.’
‘ Thưa Ngài, điện thoại được nối qua thư viện.’ Cúi chào Margaret, viên tùy viên dẫn đường cho ông.
Vài phút sau ông nói trong máy, ‘ Milly, tôi thề rằng việc này rất quan trọng.’ Giọng nữ trầm êm ái của cô thư ký riêng trả lời, ‘ Tôi nghĩ vậy.’
Đôi khi ông thích nói chỉ vì muốn nghe tiếng Milly. Ông hỏi, ‘ Cô đang ở đâu?’
‘ Ở văn phòng; tôi đã trở lại. Brian ở đây với tôi. Vì lý do đó mà tôi gọi.’
Ông cảm thấy một cơn ghen vô lý khi nghĩ đến Milly Freedeman có một mình với người khác… Nhiều năm trước, Milly là người đã chia xẻ cuộc sống với ông, mối liên hệ mà đêm nay ông nhớ lại với mặc cảm tội lỗi. Lúc ấy mối tình của họ thật đam mê và quá đỗi nồng nàn, nhưng khi kết thúc, vì ông đã biết ngay từ đầu là nó phải kết thúc, cả hai trở lại cuộc đời riêng tư như thể đã khép, đã khóa lại cánh cửa của hai căn phòng vẫn ở kề nhau. Không ai còn nói gì về thời kỳ đặc biệt và lạ lùng ấy nữa. Nhưng thỉnh thoảng, như lúc này chẳng hạn, hình ảnh, tiếng nói của Milly vẫn làm ông rùng mình, như có lần ông đã trẻ lại và háo hức, nhưng năm tháng đang trôi xa… Còn sau đó, sự căng thẳng vẫn luôn ngự trị : sự căng thẳng của một con người mà – cuộc sống thuộc về đám đông –không còn đủ khả năng bít được đường nứt trong bộ áo giáp đã thủng của mình.
Thủ tướng bảo, ‘ Được rồi, Milly. Để tôi nói chuyện với Brian.’
Ngừng một lát, âm thanh trong điện thoại đổi tay cầm. Rồi giọng đàn ông mạnh mẽ, khô khan, ‘ Thưa xếp, tin tức bị lọt qua báo chí ở Washington. Một phóng viên Canada ở đó đã moi được là người ta đang chờ ông gặp Ông lớn. Chúng ta cần có lời tuyên bố của Ottawa. Ngược lại, nếu tin này phát đi từ Washington, có vẻ như ông bị buộc phải tới đó.’
Brian Richardson, viên giám đốc bốn mươi tuổi đầy năng lực và là trưởng ban tổ chức của đảng, ít khi phí lời. Những thông tin của ông, dù là nói hay viết, vẫn đượm hơi hướm của một bản báo cáo mạch lạc, khô khan mà ông vẫn quen sử dụng, trước hết như một nhân viên thảo báo cáo đầy tài năng, thứ nữa là một nhân viên thừa hành cực kỳ nhạy bén. Nhưng hiện nay, ông đã ủy nhiệm việc thảo báo cáo cho người khác, còn nhiệm vụ chính của ông là cố vấn cho James McCullum Howden trong việc ghi nhận nhũng khuynh hướng của công luận, từng ngày một cho chính phủ.
Howden lo lắng hỏi, ‘ Không bị rò rỉ về vấn đề chính chứ?’
Richardson nói, ‘ Không. Thiên hạ chỉ bàn chuyện đó thôi. Chuyện buổi họp.’
Được giao nhiệm vụ ngay sau khi Howden lên nắm chức lãnh tụ đảng, Brian Richardson đã điều hành rất xuất sắc hai chiến dịch vận động tranh cử và vô số thành công khác nữa. Sáng suốt, nhiều thủ đoạn, một bộ óc bách khoa và một thiên tài tổ chức, ông là một trong số chừng ba, bốn người ở đất nước này mà một cú điện thoại của ông ngay lập tức đến văn phòng riêng của Thủ tướng vào bất cứ giờ nào. Ông cũng là người có tầm ảnh hưởng lớn lao nhất, không một quyết định nào của chính phủ về một vấn đề quan yếu nào mà không tham khảo ý kiến ông hay ông không biết. Không như hầu hết các bộ trưởng của Howden, những người cho đến giờ phút này vẫn không hay biết gì về cuộc họp với Washington và mục đích của nó, Richardson đã được báo cho biết ngay tức khắc. Song le, ngoài phạm vi giới hạn ra, tên tuổi Brian Richardson gần như vô danh, rất hiếm khi hình ảnh ông xuất hiện trên mặt báo, nó luôn luôn là điều bí mật – ông chỉ là khuôn mặt chính trị hạng hai.
Howden nói, ‘ Chúng ta đã sắp xếp với Bạch ốc là không tuyên bố trong vài ngày nữa. Chỉ công bố dè dặt là cuộc hội đàm này bàn về thương mại và chính trị thuần túy.’
Richardson nói, ‘ Quỷ thật, thưa xếp, xếp vẫn cứ muốn làm vậy. Việc tuyên bố sẽ sớm hơn một chút, vậy thôi , sáng ngày mai, chẳng hạn.’
‘ Sao lại phải thay đổi?’
‘ Đã tính hết mọi đường, gồm luôn những vấn đề ta muốn né tránh. Cái gì đã có người tìm ra hôm nay thì ngày mai những người khác sẽ biết.’ Viên giám đốc nhân sự của đảng khô khan nói tiếp, ‘ Hiện thời chỉ mới có một phóng viên biết chuyện ông đang hoạch định một chuyến đi – Newton ở tờ Toronto Express. Y rất láu, gọi cho tay chủ báo của y trước, tay này mới gọi cho tôi.’
James Howden gật đầu. Tờ Express ủng hộ chính phủ rất mạnh, có lúc gần như một cơ quan của đảng.
Đã có sự thay đổi khuynh hướng từ trước.
Richardson tiếp, ‘ Tôi chỉ có thể giữ kín việc này trong chừng mười hai hay mười bốn giờ. Còn sau đó là cả một sự liều lĩnh. Bộ Ngoại giao không thể dập tắt vụ này bằng một lời tuyên bố từ nay đến đó sao?’
Bằng bàn tay còn lại, ngài Thủ tướng chà lên cái mũi dài như mỏ chim. Rồi ông nói một cách cương quyết, ‘Tôi sẽ bảo họ làm.’ Những lời này báo trước một đêm bận rộn cho Arthur Lexington và các nhân viên cao cấp của ông. Họ sẽ phải làm việc với tòa đại sứ Mỹ và tất nhiên với Washington, nhưng Bạch ốc phải dự phần; một khi người ta đã hay rằng báo chí có biết một vài việc; phải đặt điều kiện cho họ đối với tình thế đang diễn ra. Ngoài ra, một lời tuyên bố thích đáng là điều cần thiết đối với Tổng thống cũng như với chính ông. Kết quả đích thực sau cuộc họp kéo dài mười ngày của họ là điều hết sức tế nhị đối với công luận vào giây phút ấy.
Richardson nói, ‘ Khi ta đang nói chuyện đây, có gì mới về cuộc viếng thăm của Nữ hoàng không?’
‘ Không. Nhưng mấy phút trước tôi có nói chuyện với Sheldon Griffiths. Ông ấy sẽ xem xem có thể làm được gì ở Luân đôn.’
Ông trưởng ban tổ chức đảng nói có vẻ nghi ngờ, ‘ Tôi hi vọng sẽ được việc. Ông già này lúc nào cũng nguyên tắc phát sợ. Ông có bảo ông ấy đẩy cho bà hoàng một cái mạnh mạnh tay vào không?’
Howden mỉm cười, ‘ Tôi không có nói y như vậy đâu. Nhưng cũng đề nghị đại khái thế.’
Có tiếng cười thầm trong máy, ‘ Trước sau gì bà cũng đến. Năm tới cái đó sẽ giúp ta được nhiều việc với vô số chuyện khác nữa.’
Howden chuẩn bị cúp máy thì một ý nghĩ chợt nẩy ra. ‘ Brian này,’
‘ Có đây.’
‘ Ngày lễ cố ghé tôi.’
‘ Cám ơn. Sẽ ghé.’
‘ Vợ ông thế nào?’
Richardson vui vẻ đáp, ‘ Tôi đoán chừng ông thu xếp để đón mình tôi thôi.’
James Howden lưỡng lự, biết rằng Milly cũng có nghe loáng thoáng, ‘ Tôi không tò mò đâu. Mọi việc không hay sao?’
Richardson trả lời rất tự nhiên, ‘ Eloise và tôi đang trong tình trạng ngưng chiến. Cũng có cái lợi.’
Howden cũng đoán được cái lợi nào mà Richardson muốn nói, và một lần nữa ông lại cảm thấy ghen tức một cách vô lý khi nghĩ tay trưởng ban nhân sự và Milly đang ở có một mình. Ông nói, to tiếng, ‘ Tôi xin lỗi.’
Richardson nói, ‘ Ông vẫn quen nghĩ vậy thì thật là lạ. Ít ra Eloise và tôi cũng biết chúng tôi đang ở đâu và đó là chuyện riêng tư. Còn gì nữa không, xếp?’
Howden nói, ‘ Không. Không có gì nữa. Tôi sẽ đi nói chuyện với Arthur ngay bây giờ.’
Từ thư viện, ông quay về Phòng Họp Lớn, tiếng rì rào trò chuyện lan đến chỗ ông. Không khí có vẻ tự do hơn; rượu và thức ăn la liệt mọi nơi góp thêm vào vẻ thoải mái. Ông tránh từng nhóm người ngong ngóng chờ ông đi qua, nhưng ông cứ mỉm cười và tiếp tục đi.
Arthur Lexington đứng ở vòng ngoài một đám đông vừa cười vừa ngắm ông Bộ trưởng Tài chánh, Stuart Cawston, đang làm trò hề, một cách giải trí mà thỉnh thoảng trong những lúc nghỉ giải lao giữa các buổi họp Nội các ông vẫn ưa làm. Cawston đang nói, ‘ Nhìn đồng đô la này đây, tôi sẽ làm nó biến mất.’
Có ai đó lên tiếng, ‘Quỉ thần ơi, không phải trò đùa, lúc nào ông cũng làm thế được.’ Viên Toàn quyền, đứng trong đám khán giả, góp vào một tiếng cười nhỏ.
Ngài Thủ tướng chạm vào tay Lexington và lần thứ hai, lôi ông Bộ trưởng Ngoại giao sang bên. Ông giải thích ý đồ của ông trưởng ban nhân sự và về yêu cầu phải có thông cáo báo chí trước buổi sáng. Rất nguyên tắc, Lexington không hỏi thêm câu nào thừa. Ông gật đầu đồng ý, và nói ‘ Tôi sẽ ghé tòa Đại sứ và trao đổi với Angry, rồi cho người của tôi bắt đầu hoạt động.’ Ông nén cười và thêm, ‘ Phải cho tôi biết tầm mức quan trọng để lôi họ ra khỏi giường.’
‘ Lại hai ông này nữa! Tối nay không nói chuyện quốc gia đại sự!’ Đó là Natalie Griffiths. Bà chạm nhẹ vào vai họ.
Arthur Lexington quay lại, hớn hở, ‘ Ngay cả khủng hoảng thế giới cũng không à?’
‘ Cũng không hết. Tôi còn bị khủng hoảng trong bếp đây. Cái đó mới quan trọng hơn nhiều.’ Bà vợ viên Toàn quyền đi về phía chồng. Bà thì thào giọng buồn phiền, ra vẻ không muốn ai nghe nhưng những người đứng cạnh lại nghe rõ mồn một, ‘Sheldon này, cái gì ta cũng có mà lại không có Cognac.’
‘Không thể được!’
‘Xuỵt! Tôi không biết sao lại thế nhưng vậy đấy.’
‘Phải báo cho đem gấp tới ngay.’
‘Charles đã điện thoại cho câu lạc bộ không quân rồi. Họ đang đi lùng.’
Ngài Toàn quyền phàn nàn, ‘ Lạy Chúa! Chúng ta không thể nào giải trí mà lại không sơ suất sao?’
Arthur Lexington lẩm bẩm, ‘Chắc tôi phải uống cà phê rồi? Ông liếc nhìn ly nước nho mới được mang đến cho James Howden mấy phút trước. ‘ Ông thì không có gì phải lo. Họ phải có hàng lít thứ này.’
Viên Toàn quyền càu nhàu giận giữ, ‘ Tôi phải lấy đầu đứa nào lo vụ này?’
‘ Nào, Sheldon.’ – Vẫn là tiếng thì thào, ông và bà chủ nhà đã quên mất người khách ưa khôi hài của mình – ‘ Chỉ mới thiếu có một thứ thôi, ông biết người ta đã phải chăm chút khi dọn đồ ăn uống mà.’
‘Mặc xác chuyện dọn dẹp đó đi.’
Natalie Griffiths kiên nhẫn nói, ‘ Tôi tưởng ông phải biết. Thôi ông để tôi lo.’
Ngài Thủ tướng mỉm cười, ‘ Ồ, hay lắm.’ – Thái độ ông nửa mặc kệ nửa cảm động – và họ cùng trở lại chỗ ngồi bên lò sưởi.
‘Nào đi tới vinh quang (Sic transit Gloria). Âm thanh cả ngàn chiếc máy bay đáp xuống thì không thể nào lại đi trách người rửa bát.’ Câu nói mang vẻ châm chọc vang đi rất lớn. Ngài Thủ tướng nhíu mày.
Người nói là Harvey Warrender, Bộ trưởng Dân quyền và Nhập cư. Ông ta đã dứng bên cạnh họ, một thân hình to lớn, bệ vệ, tóc thưa và giọng nói rổn rảng. Ông có tật hay mô phạm – có lẽ là hậu quả của những năm dạy Đại học trước khi làm chính trị.
Arthur Lexington nói, ‘Harvey, nhỏ thôi. Ông đang dẫm chân trong triều đình đấy.’
Warrender hạ giọng đáp, ‘ Nhiều khi tôi bực ai nhắc tôi nhớ là đám sĩ quan tham mưu vẫn cứ sờ sờ ra đó.’
Một sự yên lặng khó chịu. Sự ám chỉ đã rõ ràng, con trai duy nhất của Warrender, một sĩ quan không quân trẻ tuổi đã anh dũng hi sinh trong Thế chiến thứ hai. Niềm hãnh diện của người cha về đứa con mình vẫn còn mãi như nỗi phiền muộn của ông.
Người ta có thể dễ dàng liên hệ sự nhắc nhở của ông về các sĩ quan tham mưu. Viên Toàn quyền đã chiến đấu can đảm trong hai cuộc chiến tranh, và Huân chương thập tự Victoria đã không bị trao tặng lầm chỗ…Những chết chóc và hi sinh trong chiến tranh không giới hạn ở cấp bậc hay tuổi tác… Tốt nhất là đừng nói gì.
Arthur Lexington sốt sắng, ‘ Được, cứ việc nói lung tung đi. Xin lỗi, Thủ tướng; chào Harvey.’ Ông gật đầu chào, rồi băng ngang phòng đến chỗ vợ.
Warrender nói, ‘Sao có người hay sợ chuyện này kia vậy nhỉ? Hay là nhớ tới chuyện về hưu non?’
‘ Tôi nghĩ chính ra đó là vấn đề thời gian và địa điểm.’ James Howden không muốn tiếp tục đề tài này. Đôi khi ông ước gì có thể loại được Harvey Warrender ra khỏi Nội các nhưng có những lý do bắt buộc khiến ông không thể.
Tìm cách thay đổi đề tài, Thủ tướng nói, ‘ Harvey này, tôi vẫn muốn trao đổi về bộ ông phụ trách.’ Ông nghĩ ông ta đã sơ hốt khi sử dụng một bộ phận lo về xã hội như một công việc chính thức. Nhưng sớm muộn gì có những vấn đề phải dẹp sang một bên dành chỗ cho những công việc khẩn cấp hơn. Nhập cư là một.
‘ Ông muốn chộp tôi để ca ngợi hay để khiển trách đây?’ Câu hỏi của Harvey Warrenden là một sự khiêu khích. Rõ ràng ly rượu ông ta đang cầm không phải là ly thứ nhất.
Howden nhớ lại cuộc nói chuyện mấy ngày trước khi ông và viên giám đốc nhân sự bàn về các vấn đề chính trị đương thời. Brian Richardson có nói: ‘Bộ Nhập cư gây cho chúng ta một áp lực rất xấu và không may đó lại là một trong một vài điểm mà cử tri hiểu rất rõ. Ông có thể mị dân bằng thuế suất, bằng tỉ lệ lãi ngân hàng theo như ông muốn, nó chẳng ảnh hưởng mấy tới lá phiếu. Nhưng còn để cho báo chí chộp được một bức ảnh bà mẹ với đứa con bị trục xuất – như trường hợp trong tháng trước – thì đó là lúc Đảng phải lo lắng đấy.’
Howden chợt thấy tức giận vì cứ phải cứu xét những chuyện không đâu khi mà – nhất là hiện giờ - ông phải để tâm đến những chuyện quan trọng hơn. Rồi nghĩ lại ông thấy lẫn lộn giữa việc trong nhà với chuyện trọng đại là số phận của một chính trị gia. Thông thường đó là chìa khóa của quyền lực – không bao giờ bỏ sót chuyện nhỏ giữa những chuyện lớn. Và nhập cư luôn luôn là vấn đề làm ông bối rối. Nó có quá nhiều mặt với những lợi thế và cả những bẫy rập của chính trị. Điều khó khăn là phải xác định đúng mặt nào.
Canada vẫn là miền đất hứa đối với nhiều ngừơi và rất có thể cứ là như thế; do đó bất kỳ chính phủ nào cũng phải kiểm soát cho được luồng dân số nhập vào. Quá nhiều dân nhập cư từ một nguồn nào đó và quá ít từ một nguồn khác, cũng đủ để thay đổi quyền lực trong một thế hệ. Ngài Thủ tướng nghĩ, dưới hình thức nào đó chúng ta cũng có chính sách phân biệt chủng tộc đấy thôi, chỉ may mắn hơn là các hàng rào sắc tộc và màu da được thiết lập bí mật và có hiệu quả ở ngoài biên giới thông qua các tòa Đại sứ và Lãnh sự Canada trên thế giới. Và bất chấp thực tế đó, chúng ta cứ giả vờ như chúng không tồn tại trên đất nước.
Ông biết rằng xứ xở này có người mong có nhiều dân nhập cư hơn, có người lại muốn ít đi. Số muốn nhiều hơn gồm những người lý tưởng muốn mở rộng cửa cho tất cả mọi người và những chủ nhân ông muốn có nguồn lao động lớn hơn. Phe phản đối nhập cư là các nghiệp đoàn lao động, luôn mồm kêu gào tình trạng thất nghiệp mỗi khi vấn đề nhập cư được đem ra thảo luận, mà không chịu nhìn nhận rằng thất nghiệp ở mức độ nào đó, còn là một yếu tố kinh tế cần thiết trong đời sống. Về mặt này còn cả những thành phần Anglo – Saxon và Tin lành – với số lượng đáng kể - những người phản đối có quá nhiều người ngoại quốc, nhất là nếu dân nhập cư lại là dân Thiên Chúa. Và thế là Chính phủ phải giữ thái độ trung lập để tránh bắt tay với bên này hay bên kia.
Ông quyết định đây là lúc đánh phủ đầu, ‘ Harvey, bộ của ông đang gây tai tiếng, và tôi nghĩ phần lớn là lỗi của cá nhân ông. Tôi muốn ông kiểm soát tình hình chặt chẽ hơn và chấm dứt chuyện ông để cho nhân viên hành động theo ý họ. Thay thế một vài người nếu cần phải thay, cả các chức vụ cao cấp; ta không thể thiếu hết đám công chức nhưng ta có đủ ngăn kéo để nhét họ vào. Và xin ông làm ơn để số dân nhập cư còn chờ phép đó ở ngoài hồ sơ! Chẳng hạn như trường hợp trong tháng trước – người đàn bà và đứa con.’
Harvey Warrender nói, ‘ Người đàn bà này đang quản lý một nhà chứa ở Hồng Kông. Bà ta bị bệnh hoa liễu.’
‘ Có lẽ đó không phải là một điển hình hay ho gì. Nhưng còn nhiều trường hợp khác và khi mà có những trường hợp cần phải cứu xét này, ông sẽ làm chính phủ giống như con quái vật vô nhân đạo, cái đó mới là hại cho tất cả chúng ta.’
Ngài Thủ tướng nói nhỏ nhẹ nhưng cương quyết, đối mắt ông nhìn như muốn chọc thủng người đối diện.’
Warrender nói,’ Rõ là câu hỏi của tôi đã được trả lời. Ca ngợi không phải là phép tắc của ngày hôm nay’.
James Howden gay gắt, ‘ Đây không phải là chuyện ca ngợi hay khiển trách. Đây là vần đề hành xử về mặt chính trị.’
Warrender liếc nhìn lên . ‘ Và cách thực thi chính trị của ông luôn luôn tốt hơn của tôi, phải vậy không, Jim? Nếu không, tôi đã là lãnh tụ đảng thay vì ông.’
Howden không trả lời. Men rượu trong con người này rõ ràng đã có tác dụng. Warrender lên tiếng. ‘ Những gì nhân viên của tôi đang làm là thi hành pháp luật như nó đã đặt ra. Tôi bỗng nghĩ rằng họ đang làm một việc tốt. Nếu ông không thích thế, tại sao ta không cùng ngồi với nhau sửa lại luật Nhập cư?’
Thủ tướng nhận ra ông đã lầm khi chọn thời gian này và địa điểm này để nói chuyện. Muốn kết thúc cho xong, ông nói, ‘ Ta không làm thế được. Còn quá nhiều việc trong chương trình lập pháp.’
‘ Cũng như không!’
Như có tiếng roi quất trong không khí. Nhiếu cái đầu quay lại. Thủ tướng thấy viên Toàn quyền liếc về phía họ. Cuộc nói chuyện lại tiếp tục. Nhưng Howden cảm thấy những người khác đang lắng nghe.
Warrender nói, ‘ Ông sợ chuyện nhập cư. Tất cả chúng ta đều sợ - như mỗi chính phủ đều đã sợ. Đó là lý do có những việc chúng ta không thừa nhận một cách thành thật, dù là giữa chúng ta với nhau.’
Stuart Cawston, đã ngưng làm trò ảo thuật trước đó, làm như vô tình bước lại chỗ họ. Ông Bộ trưởng Tài chánh vui vẻ nói, ‘ Harvey, ông đang làm con lừa đấy.’
Thủ tướng nói, ‘ Stu, xem chừng ông ta đi.’ Ông cảm thấy cơn giận đang bốc lên, nếu cứ tiếp tục như thế này, xem ra ông sẽ mất bình tĩnh, mà vốn tính ông vui vẻ, như thế chỉ làm tình hình thêm tồi tệ. Ông quay về chỗ Margaret và những người khác.
Nhưng ông còn nghe tiếng Warrender, lần này là với Cawston.
‘Khi nói đến chuyện nhập cư, tôi thấy dân Canada chúng ta là một lũ đạo đức giả. Chính sách nhập cư của chúng ta – cái chính sách mà tôi điều hành đấy, ông bạn, là nói thế này nhưng làm thế khác.’
Stuart Cawston nói, ‘ Thôi, để nói với tôi sau.’ Ông cố cười mà không cười nổi.
Harvey Warrender nắm chặt lấy tay ông Bộ trưởng Tài chánh, ‘ Tôi nói với ông bây giờ kia! Xứ này cần có hai điều nếu nuốn tiếp tục phát triển mà mọi người trong phòng này đều biết.Một là kỹ nghệ còn thiếu cả một biển người và hai là đa số dân Anglo- Saxon vẫn cứ tăng. Nhưng ta có bao giờ công khai thừa nhận việc đó không? Không!’
Ông Bộ trưởng Dân quyền và Nhập cư ngừng lời, nhìn quanh rồi sôi nổi tiếp. ‘Cả hai điều này đều cần một lượng dân nhập cư có tính toán cho quân bình. Chúng ta phải để cho dân nhập cư vào, vì khi kỹ nghệ phát triển, nguồn nhân lực phải chuẩn bị sẵn – không phải tuần tới, tháng tới, năm tới, mà vào lúc các cơ xưởng cần đến. Nhưng mở cánh cửa nhập cư quá rộng hay quá thường xuyên, hay cả hai thì chuyện gì xảy ra? Dân số sẽ mất quân bình. Và sẽ chẳng mất đến mấy thế hệ đâu để lãnh đủ những sai lầm kiểu này, ông sẽ có một Hạ nghị viện tranh luận bằng tiếng Ý và một người Trung quốc điều hành chính phủ.’
Lần này thì có nhiều tiếng xì xào của những vị khách do tiếng nói của Warrender càng lúc càng lớn đã lọt vào tai họ. Hơn nữa viên Toàn quyền đã nghe rõ ý kiến sau cùng và Thủ tướng thấy ông ra dấu cần có một tùy viên. Vợ Harvey Warrender, một thiếu phụ xanh xao, gầy gò, lưỡng lự bước về phía chồng và nắm lấy tay ông, Nhưng ông như không biết có bà.
Bác sĩ Borden Tayne, Bộ trưởng An Sinh và Y tế, một cựu vô địch quyền anh ở đại học, đứng cao hơn tất cả một cái đầu, thì thào rất kịch, ‘ Chúa ơi, nốc ao đi chứ!’ Ông đến chỗ Cawston đang đứng bên cạnh Warrender. Có tiếng xì xầm hối thúc, ‘ Lôi ông ta ra khỏi đây!’
Một tiếng khác đáp, ‘ Ông ta không đi được. Không ai được đi nếu Ngài Toàn quyền chưa đi.’
Không hề luống cuống, Harvey Warrender lại tiếp tục lớn tiếng, ‘ Khi ông nói về chuyện nhập cư, tôi nói cho ông biết, công chúng cần đến tình cảm, chứ không cần sự kiện. Mà sự kiện lại không dễ chịu. Người dân thích nghĩ đến đất nước họ khi mở rộng cửa cho người nghèo khổ. Nó làm họ cảm thấy cao thượng. Có điều là họ chỉ muốn người nghèo, người khổ ở đâu khuất mắt họ, không muốn có chấy rận ở ngoại ô, không muốn bùn lầy trên các tòa giáo đường lộng lẫy. Không có Nữ vương, dân ở đất nước này không muốn có tình trạng nhập cư rộng rãi. Nếu thêm nữa, thì phải biết chính phủ sẽ không bao giờ chấp nhận, bởi vì không có nguy cơ nào cả khi cứ phải gào lên vì chuyện ấy. Bằng cách đó, ai cũng cảm thấy vừa an toàn vừa tỏ ra công chính.’
Tận đáy lòng, Thủ tướng thừa nhận những điều Harvey vừa nói là hợp lý nhưng đó là một thứ chính trị không thực tế.
Một bà cất tiếng hỏi, ‘ Làm sao mà sinh chuyện vậy?’
Harvey Warrender nghe được và trả lời, ‘ Nó nảy sinh vì tôi được lệnh phải thay đổi đường lối điều hành bộ của tôi. Nhưng tôi nhắc cho quý vị nhớ tôi đang thi hành đạo luật nhập cư- nghĩa là thi hành luật pháp.’ Ông nhìn đám đàn ông vây quanh. ‘ Và tôi cứ thi hành luật pháp tới khi nào bọn chó đẻ các người đồng ý thay đổi nó.’
Có ai đó nói, ‘Ông bạn. Chắc mai là ông bạn không còn ở Bộ nữa đâu.’
Một trong các tùy viên – lần này là một Trung úy Không quân, xuất hiện bên cạnh Thủ tướng . Anh ta nói khẽ, ‘ Thưa Ngài. Ngài Toàn quyền yêu cầu tôi trình với Ngài, ông ấy đang rút lui.’
James Howden nhìn ra cửa ngoài. Viên Toàn quyền đang vẫy tay và mỉm cười với vài vị khách. Thủ tướng và Margaret di ngang qua phòng. Những người khác cũng giải tán.
Ngài Toàn quyền nói, ‘ Hy vọng ông không phiền việc chúng tôi về sớm. Natalie và tôi hơi mệt.’
Howden trả lời, ‘ Tôi xin lỗi.
Viên Toàn quyền cười thân mật, ‘ Đừng. Ông bạn ơi. Tốt nhất là tôi không thấy gì cả. Chúc Thủ tướng một Giáng sinh hạnh phúc. Và cả bà nữa, Margaret thân mến.’
Vẻ trang trọng và ung dung, cùng một tùy viên mở đường, viên Toàn quyền rút lui trong khi các bà khuỵu gối và các ông cúi chào.
2
Trên đường từ dinh Toàn quyền về, Margaret hỏi, ‘ Sau những chuyện đêm nay, Warrender hẳn phải từ chức.
James Howden suy nghĩ, ‘ Anh không biết nữa. Có lẽ ông ta không muốn.’
‘Anh không thể bắt buộc được sao?’
Ông tự hỏi Margaret sẽ nói gì nếu ông thành thật trả lời:
Không, anh không thể buộc Harvey Warrender phải từ chức. Lý do là ở đâu đó trong thành phố này – có lẽ là trong một cái ngăn ký thác an toàn nào đó – có một mảnh giấy viết tay – của chính anh. Nếu người ta phát giác và đưa nó ra trước công luận, thì nó sẽ là cái cáo phó, là bức thư vĩnh biệt của James McCullum Howden.
Thay vì thế ông chỉ trả lời, ‘ Em biết đó, Harvey có hậu thuẫn lớn trong đảng.’
‘ Nhưng chắc chắn hậu thuẫn cũng không thể nào tha thứ cho việc xảy ra dêm nay.’
Ông không trả lời.
Ông chưa bao giờ cho Margaret biết về hiệp ước, về sự thỏa thuận giữa ông và Harvey chín năm trước về quyền lãnh đạo đảng; sự thỏa thuận khó khăn giữa chỉ hai người trong phòng hóa trang của một nhà hát nhỏ trong khi ở phía ngoài trong sảnh đường Toronto rộng lớn, các phe phái đối thủ của họ đang hoan hô, chờ đợi kết quả cuộc bỏ phiếu đã bị trì hoãn một cách khó hiểu, nghĩa là, chỉ trừ hai lãnh tụ đối lập đang ngửa bài sau hậu trường .
Chín năm, ý nghĩ của James Howden đi ngược về…
… Họ sẽ thắng trong kỳ bầu cử tới. Mọi người trong đảng đều biết chuyện đó. Không khí đã nồng nhiệt, mùi vị của chiến thắng lơ lửng, cảm giác về những gì sẽ đến ở đâu đây.
Đảng được triệu tập để bầu chọn một lãnh tụ mới. Người ta đã đoan chắc bất kỳ ai được chọn sẽ là Thủ tướng trong vòng một năm. Đó là một phần thưởng và là cơ hội mà James McCullum Howden đã mơ đến trong suốt cuộc đời chính trị của ông.
Sự lựa chọn nằm giữa ông và Harvey Warrender. Warrender lãnh đạo thành phần trí thức trong đảng. Ông ta có ảnh hưởng mạnh nhờ có chức tước và lý lịch trong sáng. James Howden chỉ là một người tầm tầm bậc trung. Trí lực của họ gần như ngang nhau.
Ở ngoài, trong phòng họp có tiếng xì xào và tiếng hò reo. Harvey nói, ‘ Tôi muốn rút lui, với vài điều kiện.’
James Howden hỏi, ‘ Điều kiện gì?’
‘ Trước hết- một chức vụ trong Nội các tùy tôi chọn lựa, chừng nào chúng ta còn nắm quyền.’
‘ Ông muốn bộ nào cũng được trừ bộ Ngoại giao hay Y tế.’ Howden không hề có ý định tạo ra một con ngoáo ộp để tự dọa mình.
Bộ Ngoại giao hay được đưa lên mặt báo. Bộ Y tế chi ra các khoản phụ cấp cho người dân và vị Bộ trưởng bộ này thường được công chúng ngưỡng mộ.
Harvey Warrender nói, ‘ Tôi chấp nhận, miễn là ông đồng ý các chức khác.’
Các đại biểu ở ngoài đang hồi hộp. Qua cánh cửa đóng kín, họ cũng nghe được tiếng chân dẫm thình thịch, tiếng hò hét nóng ruột.
Howden nói, ‘ Cho tôi biết điều kiện thứ hai.’
Harvey chậm rãi nói, ‘ Khi chúng ta nắm quyền rồi, sẽ có nhiều thay đổi. Phải nắm được bộ phận truyền hình. Đất nước này đang lớn mạnh và phải có nhiều đài phát hơn. Chúng ta đã nói chúng ta sẽ tổ chức ủy ban các chủ nhân đài phát thanh. Người của chúng ta sẽ làm nó nặng nề thêm và sẽ có vài người theo đuôi.’ Ong ngừng lại.
Howden nói, ‘ Tiếp đi.’
‘Tôi muốn có độc quyền truyền hình cho’ – Ông nêu tên một thành phố - là trung tâm kỹ nghệ sầm uất nhất. ‘ Và đặt tên của cháu tôi.’
James Howden khẽ huýt sáo. Nếu làm thế, nghĩa là phải bảo trợ trên một bình diện rộng. Độc quyền truyền hình là một dịch vụ hái ra tiền. Đã có rất nhiều người mong tìm đặc ân này – trong đó có nhiều tay cá mập – phải xếp hàng chờ thôi.
Howden nói, ‘ Nó đáng giá hai triệu đô la.’
Harvey Warrender hình như hơi đỏ mặt. ‘ Tôi biết. Nhưng tôi phải nghĩ đến tuổi già. Lương giáo sư đại học chẳng là bao, mà trong nghề chính trị tôi chưa bao giờ để dành được đồng nào.’
‘ Nếu người ta dò ra được…’
Harvey nói, ‘ Không thể nào dò được. Tôi sẽ để mắt tới chuyện đó. Tên tôi sẽ không xuất hiện ở đâu cả. Người ta có thể nghi ngờ tất cả nếu họ muốn, nhưng không thể dò ra được.’
Howden lắc đầu ngờ vực. Lại có tiếng la hét ở ngoài – lần này là tiếng mèo gào, xen lẫn tiếng hát chua như dấm. Harvey Warrender nói, ‘ Jim, tôi hứa với ông mà. Nếu tôi bị hạ - vì chuyện này hay bất cứ chuyện gì khác – tôi sẽ chịu trách nhiệm một mình chứ không dính tới ông. Nhưng nếu ông đốt tôi, hay không giúp tôi lối thoát hợp pháp, tôi sẽ lôi ông vào đấy.’
‘ Ông không thể chứng minh được…’
Harvey nói, ‘ Tôi muốn ông viết ra.’ Ông phác một cử chỉ về phía sảnh đường. ‘ Trước khi chúng ta ra ngoài đó. Còn nếu không, ta hãy để chúng nó bầu chọn vậy.’
Đây phải là một bí mật. Cả hai đều biết vậy. James Howden ngắm nghía chiếc ghế ông ao ước đang trượt ra khỏi tầm tay.
Ông nói, ‘ Tôi sẽ làm. Đưa tôi cái gì để viết.’
Harvey đưa cho ông tờ chương trình nghị sự và ông nguệch ngoạc mấy chữ lên mặt sau – những chữ sẽ tiêu diệt ông hoàn toàn nếu chúng được sử dụng.
Harvey vừa nói vừa bỏ tờ giấy vào túi, ‘ Đừng lo. Nó sẽ an toàn thôi. Khi chúng ta không còn hoạt động chính trị, tôi sẽ trả lại ông.’
Rồi họ ra ngoài – Harvey Warrender đọc một bài diễn văn từ bỏ quyền lãnh đạo đảng – một trong những bài diễn văn hay nhất trong cuộc đời chính trị của ông – và James Howden đã được bầu, được hoan nghênh, được công kênh đi khắp sảnh đường.
Cuộc mặc cả được hai bên giữ kín qua nhiều năm tháng, cho dù uy tín của James Howden càng lúc càng tăng và của Harvey Warrender càng ngày càng xuống. Ngày nay khó mà nhớ rằng Warrender có thời từng là một ứng viên quan trọng cho chức lãnh tụ đảng; chắc chắn hiện thời ông không còn nằm trong danh sách này nữa; con người của một thời đã bị lu mờ trong cuộc tranh dành quyền lực và dáng dấp càng ngày càng héo mòn đi theo với thời gian trôi.
Chiếc xe đã ra khỏi dinh Toàn quyền , quay về phía tây theo hướng dinh Thủ tướng ở số 24 đường Sussex Drive.
Margaret nói nửa như với mình,’ Đôi khi em nghĩ Harvey Warrender có hơi điên.’
Howden nghĩ, đó là chuyện đáng lo; Harvey có hơi điên. Đó là lý do tại sao ông ta không có sự bảo đảm nào là ông ta không thể đưa ra cái thỏa thuận viết tay đáng sợ của chín năm trước đó, cho dù là nếu làm thế, ông ta cũng tự hủy diệt chính mình.
Howden tự hỏi, ý nghĩ riêng của Harvey là gì về cái thỏa ước đã lâu đó. Theo như ông biết, cho tới lúc ấy, Harvey Warrender luôn luôn chân thật về mặt chính trị. Từ bấy tới nay, cháu Harvey đã có được độc quyền truyền hình và nếu như tin đồn có thật, đã kiếm được cả một gia tài. Có lẽ Harvey cũng vậy; mức sống của ông hiện nay vượt xa tiêu chuẩn của một Bộ trưởng, cho dù là, thật may mắn, ông ta đã rất khôn khéo, không để xảy ra những thay đổi đột ngột.
Vào lúc tình trạng độc quyền được cấp phát, đã có nhiều lời chỉ trích và tiếng xì xào to nhỏ. Nhưng không ai chứng minh được điều gì và chính phủ của Howden, vừa mới được bầu với đa số tuyệt đối trong Hạ nghị viện, đã làm bốc hơi hết mọi điều phê phán và đột nhiên – như ông đã biết ngay từ lúc mới xảy ra – người ta đã mệt mỏi về vấn đề này, thế là nó rơi đâu mất.
Nhưng có phải Harvey đang nhớ lại? Và đang phải chịu đựng một chút lương tâm không yên ổn? Và biết đâu, đang cố vùng vẫy để sửa chữa lỗi lầm?
Thật là một chuyện lạ lùng đối với Harvey – nỗi ám ảnh muộn màng việc làm điều ‘ phải’ và đang thu dọn con đường đi của luật pháp, bằng cả tiểu xảo. Mới đây, trong nhiều cuộc tranh luận ở nội các – Harvey phản đối vì vài đạo luật được đề nghị vượt quá sự thích đáng về chính trị. Harvey lập luận rằng mỗi câu chữ in ấn trau chuốt trong từng đạo luật phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Khi chuyện ấy xảy ra, James Howden có nghĩ đến, nhưng rồi bỏ lửng đi xem như chuyện vặt. Còn bây giờ, nhớ lại thái độ cố chấp đẫm hơi men của Harvey đêm nay, nhất quyết cho rằng luật nhập cư phải được thi hành như đã soạn thảo, thì ông bắt đầu giật mình tự hỏi.
Margaret nói, ‘ Anh Jamie, Harvey Warrender không nắm được anh cái gì, phải không?’
‘ Dĩ nhiên là không!’ Rồi tự hỏi rằng mình có là một cái bóng hết sức cương quyết không. ‘ Đúng là anh không muốn bị đẩy vào tình thế phải quyết định vội vã. Chúng ta chờ xem phản ứng ngày mai thế nào. Vả chăng, chỉ có người của chúng ta ở đó thôi mà.’
Ông cảm thấy đôi mắt Margaret đang dán chặt vào người ông và tự hỏi bà có biết ông nói dối không.
3
Họ đi vào tòa nhà bằng đá khổng lồ - dinh thự của Thủ tướng đương nhiệm – theo lối cửa chính ở phía trước được che kín. Bên trong, Yarrow, viên quản gia, đã đón sẵn và đỡ lấy áo choàng. Ông ta nói, ‘ Thưa Ngài, Đại sứ Mỹ đã cố liên lạc với chỗ Ngài, Đại sứ đã gọi hai lần và nhấn mạnh có vấn đề khẩn cấp.’
James Howden gật đầu. Có lẽ Washington cũng đã biết chuyện tin tức bị lọt ra báo chí. Nếu thế, phải rút ngắn hơn nữa hạn định của Arthur Lexington. Ông ra lệnh. ‘ Chờ năm phút, rồi báo cho tổng đài tôi đã về nhà.’
Margaret noi, ‘ Ông Yarrow, cho dọn cà phê trong phòng họp. và xin ông cho vài cái sandwich cho ông Howden; ông ấy quên ăn rồi’. Bà dừng lại phòng trang điểm ở sảnh chính để sửa soạn tóc tai.
James Howden đã đi trước, qua một loạt hành lang đến sảnh thứ ba, có các cửa uốn kiểu Pháp nhìn xuống sông và đồi Gatineau ngoài xa. Đó là một quang cảnh luôn luôn làm ông mê mẩn và dù đã vào đêm, nhìn theo các đốm sáng ở xa, ông cũng nhận ra nó: dòng sông Ottawa rộng lồng lộng gió; dòng sông mà nhà thám hiểm Etienne Brule đã đi qua ba thế kỷ rưỡi trước và sau đó là Champlain; sau đó nữa là các nhà truyền giáo và thương nhân, tạo nên con đừong huyền thoại đi về phía tây đến vùng Đại hồ và phương bắc phong phú lông thú. Và, ngoài con sông ấy là bờ biển Quebec xa xôi, đã đi vào truyền kỳ và lịch sử, nhân chứng cho bao nhiêu dâu bể: những ruộng dâu đã qua và những biển xanh sẽ kết thúc.
Ở Ottawa, James Howden luôn nghĩ, không có ý thức về lịch sử thực khó biết bao, nhất là bây giờ thành phố ấy – một thời đẹp đẽ và đã bị suy tàn về thương mại – lại trở nên xanh tươi nhanh chóng: những công viên rợp bóng cây với những lối đi được chăm sóc kỹ lưỡng, nhờ vào Hội dồng thủ đô. Sự thực các công thự đều thiếu đặc điểm riêng, mang dấu ấn của cái mà một nhà phê bình đã gọi là ‘ bàn tay què quặt của nghệ thuật hành chánh.’ Dẫu sao chúng cũng còn được vẻ cứng cáp tự nhiên và trong thời gian hạn định, với vẻ đẹp thiên nhiên được bảo tồn, có lẽ một ngày nào đó Ottawa sẽ là một thủ đô ngang hàng với Washington và biết đâu lại qua mặt nó.
Đằng sau ông, dưới cầu thang rộng uốn cong, một trong hai chiếc điện thoại mạ vàng đặt trên bàn kiểu Adam khẽ rung chuông hai lần. Đó là Đại sứ Mỹ.
James Howden nói, ‘ Chào Angry. Tôi nghe người của ông để mèo xổng rồi.’
Giọng Boston nhừa nhựa của ngài Phillip Angrove đáp , ‘ Thưa Thủ tướng, tôi biết nhưng tôi không bao giờ xin lỗi. May thay, đó mới là đầu mèo và chúng tôi đã túm chặt được thân.’
Howden nói, ‘ Nghe vậy tôi nhẹ cả người. Nhưng ông biết đấy, chúng ta phải có lời tuyên bố chung. Arthur đang trên đường…’.
Ông đại sứ nối lời, ‘ Ông ấy đang ở đây với tôi. Thưa ngài, sau khi đánh ngã xong một cặp (rượu), chúng tôi sẽ tiếp tục việc đó. Ngài có muốn duyệt lại bản tuyên bố không.’
Howden nói, ‘ Tôi để nó cho ông và Arthur.’
Họ nói chuyện thêm vài phút nữa rồi Thủ tướng cúp điện thoại.
Margaret đi vào gian phòng khách rộng lớn đầy đủ tiện nghi với những trường kỷ bọc vải hoa, những chiếc ghế có tay vịn kiểu đế quốc và những tấm thảm cách âm màu xám. Một lò sưởi đốt bằng củi đang cháy tưng bừng. Bà cho chạy một đĩa nhạc của Tchaikovsky. Đó là thể loại nhạc Howden yêu thích nhất; họ chẳng mấy ưa loại nhạc ồn ào. Vài phút sau, một nữ tì mang vào cà phê và một đĩa sandwich đầy. Theo cử chỉ của Margaret, cô gái đưa đĩa sandwich cho Howden và ông lơ đãng cầm lấy một chiếc.
Người nữ tỳ đi rồi, ông mới cởi chiếc cà vạt trắng, nới cổ áo cứng ngắc ra và đi lại chỗ Margaret bên lò sưởi. Ông ngồi một cách sung sướng vào cái ghế bọc nệm dày, kéo đồ gác chân lại gần và bỏ thõng cả hai chân lên đó. Rồi thở một hơi thật dài, ông nói, ‘ Thế mới là cuộc đời. Em, anh…, không ai khác…’ Ông cúi cằm xuống và ngược với thói quen, vuốt ve chỏm mũi. Margaret cười gượng, ‘ Jamie, ta phải cố để được thường xuyên hơn.’
Ông hào hứng nói, ‘ Phải được chứ, nhất thiết phải được,’ Rồi đổi giọng, ‘ Anh có vài tin tức đây. Ta sẽ đi Washington sớm hơn. Anh nghĩ chắc em thích được biết.’
Vợ ông rót cà phê từ cái bình kiểu Sheffield, nhìn lên: ‘ Hơi đột ngột , phải không?’
Ông đáp, ‘ Phải. Nhưng có vài chuyện rất quan trọng vừa xảy ra. Anh phải nói chuyện với Tổng thống.’
Margaret nói, ‘ Hay lắm. May là em có một bộ đồ mới’. Bà ngừng lời, suy nghĩ, ‘ Giờ em phải mua thêm mấy đôi giày, một cái túi xách đi với nó, cả găng tay nữa.’ Vẻ lo lắng thoáng qua trên mặt bà, ‘ Còn đủ thời gian chứ anh?’
Ông nói, ‘ Vừa đủ. Rồi bật cười trước tình trạng tréo cẳng ngỗng ấy.
Margaret nói dứt khoát, ‘ Sau lễ em phải đi Montreal sắm đồ một ngày. Ở đó dễ mua sắm hơn ở Ottawa. Vậy thì, tiền bạc ta thế nào nhỉ?’
Ông nhíu mày, ‘ Không tốt lắm đâu; ta đã tiêu quá số gửi ngân hàng rồi. Phải đổi ra tiền mặt thêm vài trái phiếu nữa, chắc thế.’
Margaret hình như lo lắng, ‘ Nữa à? Ta không còn nhiều đâu’
Ông âu yếm nhìn vợ, ‘ Không, nhưng em thì ưu tiên. Một chuyến đi mua sắm thì có là bao.’
‘ À phải… Nếu anh cam đoan.’
‘ Anh cam đoan mà.’
Howden nghĩ, nhưng có một điều duy nhất ông đoan chắc là không ai đi kiện Thủ tướng vì chậm trả tiền. Thiếu thốn tiền bạc cho những nhu cầu cá nhân của họ là điều lo lắng thường xuyên. Gia đình Howden không có của cải riêng ngoại trừ khoản tiền tiết kiệm nhỏ nhoi từ thời gian ông còn hành nghề luật, đó là một đặc điểm của Canada – một sự hờ hững của quốc gia ở khắp mọi nơi – đất nước trả cho các nhà lãnh đạo của nó những đồng lương còm cõi.
Howden vẫn thường nghĩ, ‘ Thật là một sự mỉa mai cay đắng, khi Thủ tướng Canada, lèo lái vận mệnh quốc gia lại hưởng lương và phụ cấp ít hơn cả một đại biểu quốc hội Hoa kỳ, Ông không có công xa, xe ông có là từ món tiền phụ cấp không tương xứng, và việc chu cấp căn nhà chỉ là một cái gì tương đối mới mẻ. Mãi mới gần đây, năm 1950, Thủ tướng thời ấy, Louis St. Laurent buộc phải sống trong một căn nhà hai phòng, nhỏ đến nỗi bà St. Laurent phải chất đồ đạc của gia đình dưới gầm giường. Hơn nữa, sau khi suốt đời cống hiến cho nghị viện, một cựu Thủ tướng lừng lẫy nhất, khi về hưu chỉ mong nhận được 3.000 đôla mỗi năm từ quỹ hưu bỗng đóng góp. Một hậu quả cho dất nước trong quá khứ là các ngài Thủ tướng có khuynh hướng bám lấy chức vụ khi tuổi già. Những người khác về hưu trong tình trạng túng bấn và cũng sống nhờ lòng tốt của bạn bè. Lương của các Bộ trưởng và đại diện Quốc hội còn tồi tệ hơn nữa. Howden nghĩ, thật là một điều lạ thường, khi rất nhiều người trong chúng ta vẫn sống lương thiện. Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần, ông cũng thấy đôi chút thông cảm cho Harvey Warrender về những gì ông ta đã làm.
Ông bảo Margaret, ‘ Lẽ ra em nên lấy một doanh nhân thì hay hơn. Các vị phó chủ tịch thứ hai cũng còn dư dả tiền bạc để tiêu pha.’Margaret mỉm cười, ‘ Nhưng cũng có những thứ khác thế vào.’
Ông nghĩ , tạ ơn chúa, chúng con đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Đời chính trị phải hi sinh nhiều thứ để đánh đổi lấy quyền lực – tình cảm, ảo tưởng, cả thanh liêm nữa – không có người đàn bà nồng ấm bên cạnh người ta dễ biến thành một con ốc không hồn. Ông đẩy sang bên hình ảnh của Milly Freedeman, dẫu có hơi căng thẳng.
Ông nói, ‘ Anh đang nghĩ đến ngày nọ, lúc mà ông già trông thấy chúng ta. Em còn nhớ không?’
Bốn mươi hai năm trước trên thành phố Medicine Hat ở chân đồi phía tây, anh hai mươi hai tuổi , xuất thân từ một cô nhi viện và bấy giờ là một luật sư mới ra lò không khách hàng, không cả tương lai trước mặt. Còn Margaret, mười tám tuổi, lớn nhất trong bảy chị em gái, con một người bán đấu giá gia súc, tính nết khó chịu và khắc khổ. Theo tiêu chuẩn của thời ấy, gia đình Margaret thuộc hạng có của ăn của để, so với tình cảnh thắt ngặt của James Howden lúc kết thúc thời đi học.
Một chiều chủ nhật trước giờ lễ, hai người trốn vào phòng khách. Họ đang âu yếm nhau và Margaret y phục xốc xếch khi cha nàng bước vào tìm cuốn kinh. Ông không nói gì mà chỉ lẩm bẩm, ‘ Xin lỗi’. Nhưng sau đó trong bữa cơm tối của gia đình, ông ngồi ở đầu bàn nhìn chòng chọc vào James Howden.
Trong khi bà vợ to lớn và điềm tĩnh cùng lũ con cũng chăm chú nhìn, ông bảo, ‘ Anh này, khi tôi đi làm việc, tôi thấy hễ anh nào mà xòe tay nắm lấy vú bò, thì nó có nghĩa khác hơn là chỉ quan tâm phù phiếm đến con bò.’
James Howden nói, với vẻ bình tĩnh đã giúp cho anh nhiều trong những năm sau này, ‘ Thưa bác, cháu muốn kết hôn với cô con gái lớn của bác.’
Viên hỗ giá đập mạnh tay xuống bàn, ‘ Xong!’ Rồi hoạt bát trái lệ thường, ông nhìn cả bàn, ‘ Cho một con xuống, đức ông Harry đây được, còn sáu cho lên ( cách nói của người phụ trách đấu giá).
Mấy tuần sau đó họ cưới nhau. Về sau, chính viên hỗ giá, hiện giờ đã mất, giúp con rể ông lập một văn phòng hành nghề luật rồi tiếp đó đi vào chính trị.
Và những đứa trẻ ra đời, nhưng bây giờ ông và Margaret hiếm khi gặp chúng, hai gái đã lập gia đình và ở Anh quốc, đứa bé nhất James McCullum Howden, Jr.cầm đầu một đội khoan dầu ở vùng Viễn đông.
Ngon lửa đã gần tàn, ông ném thêm vào một khúc gỗ phong nữa. Vỏ cây khô kêu lốp bốp và bùng cháy.
Ngồi bên Margaret, ông ngắm ngọn lửa nuốt lấy khúc gỗ.
Margaret khe khẽ hỏi, ‘ Anh và Tổng thống sẽ bàn những việc gì?’
‘Sẽ có lời tuyên bố vào buổi sáng. Thông báo cuộc hội đàm về thương mại và chính trị thuần túy.’
‘ Nhưng thực ra là chuyện gì?’
Ông nói, ‘ Không. Có gì đâu.’
‘ Là cái gì , hả?’
Trước nay ông vẫn ký thác với Margaret những tin tức về nội tình chính phủ. Một người nào đó – bất kỳ là ai – cũng phải có lấy một kẻ nào để mà tin cậy.
‘ Phần chính là vấn đề phòng thủ. Sắp có một cuộc khủng hoảng trên thế giới và trước khi nó xảy ra, Hoa kỳ muốn nắm lấy nhiều việc cho tới bây giờ chúng ta vẫn tự thực hiện lấy.’
‘ Vấn đề quân sự?’ Ông gật đầu.
Margaret nói chậm rãi, ‘ Thế nghĩa là họ nắm quyền kiểm soát quân đội chúng ta… cả những cái khác?’
Ông nói, ‘ Phải rồi, em. Cũng gần gần như vậy.’
Vợ ông nhăn trán lại vẻ tập trung. ‘ Nếu chuyện đó xảy ra, Canada không còn có chính sách đối ngoại riêng nữa , phải không?’
Ông thở dài, ‘ Anh sợ là không còn mấy hiệu lực. Chúng ta đang tiến dần đến chỗ đó – trong một thời gian dài.’
Yên lặng một thoáng rồi Margaret hỏi, ‘ Jamie, có nghĩa là sẽ kết thúc số phận chúng ta – với tư cách một quốc gia độc lập?’
Ông trả lời vẻ cương quyết, ‘ Không, khi nào anh còn làm Thủ tướng. Cũng không, nếu anh hoạch định được kế hoạch theo ý anh.’ Giọng ông cũng sắc bén như quan niệm của ông. ‘ Nếu chúng ta thỏa hiệp một cách thích đáng với Washington; nếu có những quyết đinh đứng đắn trong một hay hai năm tới; nếu chúng ta vững mạnh, nhưng than ôi; nếu cả hai phía đều có tầm nhìn xa và thẳng thắn với nhau; nếu có tất cả những cái ấy thì có thể bắt đầu trở lại. Cuối cùng chúng ta có thể mạnh hơn chứ không yếu đi. Chúng ta có thể đạt được tầm vóc cao hơn trên thế giới, chứ không kém hơn.’ Ông cảm thấy có bàn tay Margaret trong tay ông và phá ra cười. ‘ Anh xin lỗi, anh đang đọc diễn văn phải không?’
‘ Anh mới bắt đầu. Jamie, thêm cái sandwich đi. Cà phê nữa không?’
Ông gật đầu.
Vừa rót cà phê Margaret vừa nói giản dị, ‘ Anh có thật tình nghĩ là có chiến tranh không?’
Trước khi trả lời, ông duỗi thân hình lêu khêu, thư giãn một cách dễ chịu trên ghế, rồi bắt chéo chân trên đồ gác và thân mật trả lời, ‘ Anh chắc sẽ có. Nhưng anh nghĩ còn một cơ may có thể trì hoãn lâu hơn chút nữa – một, hai năm nữa hay ba năm, biết đâu chừng.’
Lần đầu tiên trong giọng nói của vợ ông có âm thanh xúc động. ‘ Tai sao phải là như thế. Nhất là bây giờ, mọi người đều biết nó có nghĩa là hủy diệt toàn thế giới.’
James Howden nói một cách chậm rãi, ‘ Không. Không có nghĩa là hủy diệt. Chỉ đơn thuần là ngụy biện thôi.’
Giữa hai người là sự yên lặng, rồi ông tiếp tục, chọn cẩn thận từng lời, ‘ Em hiểu chứ, em, khi ngoài văn phòng này, nếu người ta có hỏi anh chính xác câu em vừa đặt ra đó, câu trả lời của anh có phải là KHÔNG ? Anh phải nói rằng chiến tranh là điều không tránh khỏi, vì cứ mỗi lần em chấp nhận tình thế không tránh được ấy, nó giống như là ta xiết cò hơi quá tay một khẩu súng đã lên đạn.’
Margaret đặt tách cà phê trước mặt ông. ‘ Thế thì tốt hơn là đừng chấp nhận nó – cả anh cũng vậy. Chẳng lẽ hay hơn hết là đừng có hi vọng hay sao?’
Chồng bà đáp, ‘ Nếu anh chỉ là một công dân bình thường, anh nghĩ anh cũng đánh lừa mình bằng cách đó. Làm thế có khó gì đâu – chẳng cần biết đến cái gì đang xảy ra ở trọng tâm của vấn đề. Nhưng một người đứng đầu nhà nước không có quyền có ảo tưởng; tức là cũng không nốt bởi vì ông ta phải phục vụ cho dân chúng, những ngươi đã tín nhiệm ông – như bổn phận buộc ông phải thế.’
Ông khuấy tách cà phê, nhấp một hơi mà không nếm rồi đặt xuống.
James Howden nói chậm rãi, ‘ Sớm muộn gì chiến tranh cũng không tránh khỏi bởi vì nó luôn luôn không tránh được. Nó vẫn luôn luôn là vậy, chừng nào con người còn khả năng tranh chấp, giận dữ, bất chấp là vì cái gì. Em thấy đó, bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng chỉ là một cuộc cải vã cỏn con phóng đại lên một triệu lần. Để chấm dứt chiến tranh, em cần phải tiêu diệt đến tận gốc rễ những thói phù phiếm, ganh tị và bất hảo của con người. Mà như vậy lại không thể được.
Maegaret phản đối, ‘ Nhưng nếu tất cả đều là sự thật thì không còn gì có giá trị cả, không còn gì cả.’
Chồng bà lắc đầu, ‘ Không phải thế. Tồn tại là giá trị, vì tồn tại nghĩa là sống và sống là một cuộc phiêu lưu.’ Ông quay người, đưa mắt dò xét gương mặt vợ, ‘ Nó đã là một cuộc phiêu lưu đối với chúng ta. Em không muốn thay đổi nó sao?’
Margaret Howden nói, ‘ Không. Em chẳng thiết.’
Giọng ông giờ trở nên mạnh mẽ, ‘ Ôi. Anh đã biết thế nào là một cuộc chiến tranh nguyên tử - nó xóa sạch mọi thứ, tận diệt mọi sự sống. Nhưng khi em nghĩ đến nó, là nghĩ đến phân số từng loại vũ khí từ khẩu đại pháo nặng nề đến trái bom trên phi cơ. Em biết không, khi phát minh ra súng máy, có người đã tính là hai trăm khẩu súng máy khạc đạn trong suốt một ngàn ngày sẽ giết hết toàn thể nhân loại?’
Margaret lắc đầu. Howden lại nói tiếp không hề ngưng nghĩ.
‘ Loài người đã sống sót qua những biến cố hiểm nguy mà xét theo luận lý thì không thể tồn tại: thời kỳ băng hà và trận đại hồng thủy là hai biến cố mà ta biết đến. Một trận chiến tranh nguyên tử là một đại biến cố mà nếu có thể anh dám hi sinh mạng sống của mình để ngăn chận nó. Nhưng mỗi cuộc chiến tranh là một phương cách dễ thực hiện hơn là những phương cách cổ lổ khác – chẳng hạn mũi tên xuyên qua mắt hay bị đóng đinh trên thập giá.’
‘ Như thế là kéo dài nền văn minh trở lại. Không ai lập luận như thế, và chắc là chúng ta lại trở về thời kỳ hồng hoang, nếu như không có một thời kỳ nào tối tăm hơn thế. Anh cho là chúng ta sẽ đánh mất nhiều con người tài ba, cả những con người biết cách làm nổ nguyên tử, mà nó lẽ đâu là điều tệ hại trong một thời khắc nào đó.
Nhưng tận diệt ư, không ! Anh không tin điều đó. Có một cái gì sẽ tồn tại, sẽ hồi sinh từ đống tro tàn, và cố gắng trở lại. Và Margaret ơi, đó là điều tệ hại nhất có thể có đấy. Anh tin rằng bên phía chúng ta sẽ làm tốt hơn, nếu như bây giờ chúng ta thực hiện những điều phải lẽ và tận dụng thời gian chúng ta có.’
Trong lúc nói những lời sau rốt, James Howden đứng dậy, băng qua phòng và quay đi.
Vừa nhìn ông, Margaret vừa nhẹ nhàng nói, ‘ Anh sắp sử dụng đến nó, có phải không anh – thời gian ta còn lại ấy?’
Ông nói, ‘ Phải. Anh đang.’ Thái độ ông dịu đi. ‘ Lẽ ra anh không nên nói với em những chuyện này. Nó làm em lo lắng nhiều phải không?’
‘ Nó làm em buồn. Thế giới, nhân loại – bất cứ tên nào anh gán cho nó – Ta có quá nhiều và ta đang phung phí hết’. Ngừng lại, rồi nhẹ nhàng thêm, ‘ Nhưng vì anh muốn kể.’
Ông gật đầu. ‘ Chẳng có mấy ai để anh nói hết .’
‘ Thì em vui sướng được nghe anh nói.’ Trái với thói quen, Margaret gom ly tách uống cà phê lại. ‘ Trễ rồi. Anh không nghĩ đến chuyện đi nghỉ sao?’
Ông lắc đầu. ‘ Chưa đâu. Em cứ đi đi. Anh sẽ lên sau.’
Vừa quay ra cửa, Margaret ngừng lại. Trên bàn đánh bài kiểu Sheraton là một chồng giấy tờ và những mẫu báo ở văn phòng nghị viện của Howden gởi đến từ sớm. Bà cầm lên một tập sách mỏng, mở ra xem.
‘Jamie, có thật anh không đọc thứ này sao?’
Tựa trên bìa – Chiêm tinh học, chung quanh là vòng hoàng đạo để xem bói.
Chồng bà hơi đỏ mặt, ‘ Lạy chúa, không! À, mà đôi khi anh có liếc qua – để giải trí thôi.’
‘ Nhưng bà cụ vẫn hay gởi những thứ này cho anh – bà ấy chết rồi mà, phải không?’
Giọng Howden có hơi hướm bất bình, ‘ Anh mong có ai đó tiếp tục gởi. Khó loại bỏ được danh mục bưu điện một khi em đã ký.’
Margaret cãi, ‘ Nhưng đây là bản cho người ta chọn để đặt mà. Nhìn xem, nó vừa được làm mới lại, anh đọc hạn sử dụng trên nhãn thử coi.’
‘ Margaret, thật ra, làm sao anh biết nó được làm mới khi nào, ở đâu và như thế nào? Em nghĩ thế nào khi trong một ngày có biết bao thư từ gởi đến cho anh. Anh không kiểm soát hết được. Xem còn không hết nữa là. Chắc đây là có ai ở văn phòng làm mà không báo cho anh biết. Nếu em không ưng, mai anh sẽ cho ngưng lại.’
Margaret bình tĩnh, ‘ Không cân phải kiểm tra, nó chẳng làm phiền gì em. Em chỉ tò mò thôi. Cho là anh có đọc đi nữa, việc gì phải om xòm lên thế. Có lẽ nó báo cho anh biết cách đối phó với vụ Harvey Warrender.’ Bà bỏ cuốn sách xuống. ‘ Chắc chắn anh chưa đi ngủ bây giờ chứ?’
‘ Chắc mà. Anh phải dự tính nhiều kế hoạch và không có nhiều thời giờ.’
Đó là một kinh nghiệm. Rồi bà nói, ‘ Chào anh.’
Vừa leo lên cầu thang rộng và uốn cong, Margaret vừa tự hỏi, đã bao nhêu lần từ khi lấy chồng, bà đã trải qua những buổi chiều cô độc hay đi ngủ như thế này, chỉ một mình. Thôi thế cũng tốt, bà chưa bao giờ đếm. Nhất là trong những năm qua, James Howden đã có thói quen thức rất khuya, nghiền ngẫm về chính trị hay những vấn đề của quốc gia và thường khi ông đi ngủ, Margaret đã ngủ rồi và ít khi thức giấc. Không phải là thiếu thốn tình thân mật chồng vợ; bà tự nhủ với sự thành thật của đàn bà như thế, dẫu sao năm tháng rồi cũng thành nề nếp. Nhưng sự cộng hợp ở thời điểm cuối ngày vẫn là niềm ấm áp mà người đàn bà ao ước. Margaret nghĩ, đã có những điều tốt đẹp trong cuộc hôn nhân của chúng ta, nhưng cũng có cả nỗi cô đơn.
Cây chuyện chiến tranh đọng lại trong lòng bà một cảm giác buồn khác lạ. Bà cho rằng, việc không tránh được chiến tranh là cái gì mà đàn ông chấp nhận, nhưng đàn bà thì không. Đàn ông gây ra chiến tranh, chứ không phải đàn bà, trừ vài biệt lệ rất hiếm. Tại sao? Có phải đàn bà sinh ra để chịu đau khổ, nhưng còn đàn ông gây ra đau khổ thì sao? Bỗng nhiên bà tha thiết nhớ con, chẳng phải để an ủi chúng, mà để được chúng an ủi. Những giọt lệ đẫm trên mắt bà và bà chỉ muốn quay trở lại cầu thang; để cầu xin chỉ một đêm thôi, vào giờ đi ngủ, bà chẳng muốn có một mình.
Rồi bà lại tự nhủ, ‘ Ta ngốc quá. Jamie thật tử tế nhưng ông ấy không bao giờ hiểu.’
4
Chốc lát sau khi vợ ông đi rồi, James Howden còn ngồi lại bên lò sưởi – ánh sáng đỏ bừng, những ngọn lửa ban đầu đã tắt, để cho dòng tư tưởng của ông trôi nổi. Điều Margaret nói là sự thực; câu chuyện đã là một sự giải tỏa, vài điều nói ra trong đêm nay đã được nói lớn tiếng lần thứ nhất. Nhưng giờ đây ông phải dự tính những kế hoạch đặc biệt, không chỉ cho cuộc hội đàm với Washington, mà còn là tương lai của ông đối với quốc gia về sau nữa.
Hẳn nhiên, điều cần thiết đầu tiên là duy trì quyền lực cho chính ông, như thế định mệnh đã vẫy gọi ông. Nhưng có phải những kẻ khác cũng cùng nhìn sự việc như thế? Ông hy vọng vậy, nhưng tốt nhất là phải bảo đảm. Đó là lý do tại sao, ở ngay thời điểm này, ông vạch một kế hoạch an toàn, chắc chắn trong chính sách đối nội. Vì an ninh quốc gia, và chiến thắng trong cuộc bầu cử Đảng diễn ra vài tháng tới là điều quan trọng.
Để bắt đầu từ một giải pháp kém quan trọng hơn, đầu óc ông quay về vụ xảy ra đêm nay liên quan tới Harvey Warrender. Đó là một vụ không nên để xảy ra nữa. Ông quyết định phải dứt điểm Harvey, có lẽ vào ngày mai. Một điều ông đã giải quyết xong – và để chính phủ không phải lúng túng về Bộ Dân quyền và Nhập cư nữa.
Nhạc đã ngừng, ông đi lại giàn máy để thay một đĩa mới. Ông chọn trong bộ sưu tập Mantovani đĩa ‘ Gems Forever’. Khi quay lại ông cầm tờ tạp chí Margaret đã nhắc tới. Điều ông đã nói với Margaret là sự thực hoàn toàn. Có cả một đống thư từ bưu điện trong văn phòng và đây chỉ là một mẫu vụn vặt, tất nhiên có nhiều tờ báo và tạp chí không bao giờ lọt vào tay ông trừ khi có tin hay hình ảnh gì liên quan gì tới ông. Nhưng trong nhiều năm Milly đã đặt tờ báo đặc biệt này trong một số quyển tập nhỏ. Ông cũng không biết là ông có bao giờ yêu cầu cô làm chưa, nhưng ông cũng không phản đối. Ông cũng nghĩ có lẽ Milly đã tự động làm phiếu đặt hàng mới khi nó hết hạn.
Dĩ nhiên tất cả những chuyện này đều vô nghĩa –chiêm tinh, dị đoan, bịp bợm – nhưng cũng thích khi thấy người khác bị lừa gạt. Ông chỉ thích mỗi chỗ đó thôi, dù là khó giải thích cho xuôi với Margaret.
Chuyện đã bắt đầu nhiều năm trước ở Medicine Hat khi ông khởi đầu hành nghề luật và vừa tập tễnh vào nghề chính trị. Ông có nhận một vụ cố vấn về pháp luật miễn phí, một trong rất nhiều trường hợp ông đã làm vào thời ấy, bị cáo là một thiếu phụ đã bạc đầu, ra vẻ hiền từ như một bà mẹ bị buộc tội ăn cắp trong cửa hàng. Bà ta đương nhiên là có tội, có cả một tiền sử dài về những tội tương tự, không còn cách nào khác ngoại trừ chấp nhận bằng chứng và xin khoan hồng. Nhưng người thiếu phụ ấy, một bà Ada Zeeder nào đó, đã cãi ngược lại, lý lẽ chính là phán quyết của tòa phải được hoãn trong một tuần. Ông hỏi tại sao.
Bà ta bảo với ông, ‘ Vì khi ấy quan tòa sẽ không kết án tôi chứ sao, ngốc ơi?’ Bị hỏi thêm, bà ta giải thích, ‘ Vì tôi sinh dưới cung Nhân mã, cưng ạ. Tuần sau cung Nhân mã sẽ có ảnh hưởng rất mạnh. Anh sẽ thấy.’
Để chế giễu thiếu phụ, ông đã nhận cãi vụ này và đưa ra một kháng biện vô tội. Trước sự ngạc nhiên của ông và dựa theo các cáo trạng đầy sơ suất, một thẩm phán tương đối có kinh nghiệm đã tuyên bố tha bổng.
Sau ngày ấy ông không bao giờ gặp lại bà cụ Zeeder ở pháp đình nữa, nhưng trong nhiều năm trước khi qua đời, bà vẫn thường xuyên viết cho ông chỉ bảo về nghề nghiệp, vì bà khám phá ra, ông cũng cầm tinh cung Nhân mã. Ông có đọc những thư này nhưng chẳng mấy lưu tâm, trừ khi muốn bỡn, dù đôi ba lần ông ngạc nhiên vì những lời tiên đoán này hình như cũng đúng. Song về sau, bà cụ có đưa ông vào mục tử vi trên báo và sau cùng thì thư từ của bà chấm dứt, các bản sao còn tiếp tục gửi đến.
Tình cờ, ông mở đến trang ‘ Vận mạng của bạn- từ 15 đến 30 tháng 12. Cứ mỗi ngày trong hai tuần đó, có một đoạn tiên đoán về tuổi có liên quan. Đến phần nói về tuổi Nhân mã trong ngày mai, ngày 24, ông đọc:
Một ngày quan trọng cho các quyết định số một, cơ hội tốt để xoay chiều các biến cố một cách thích hợp nhất cho bạn. Khả năng thuyết phục người khác của bạn sẽ nổi rõ nhất vá do vậy quá trình có thể hoàn tất ngay mà không cần để muộn hơn. Thời điểm để hội họp. Nhưng coi chừng một đám mây nhỏ chỉ bằng bàn tay.
Ông tự nhủ, một sự trùng hợp phi lý. Hơn nữa, hãy đọc rõ mà xem, những từ này đều mơ hồ và áp dụng cho trường hợp nào cũng được. Nhưng ông phải có quyết định, và ông đã dự định một cuộc họp Hội đồng Quốc phòng vào ngày mai và ông hẳn phải thuyết phục người khác. Ông suy nghĩ xem đám mây không lớn hơn bàn tay có nghĩa gì. Chắc là một điều gì đó về Harvey Warrender. Rồi ông ngừng lại. Thật khôi hài. Ông bỏ cuốn sách xuống, quên nó đi.
Nhưng ông vẫn nhớ một điều : Hội đồng Quốc phòng. Có lẽ, suy đi tính lại, cuộc họp sẽ phải tổ chức vào ngày mai, ngày áp lễ Giáng sinh. Lời tuyên bố của Wastington sẽ được đưa ra và ông phải tìm sự ủng hộ ở Nội các bằng cách thuyết phục mọi người nghe theo ý ông. Ông bắt đầu phác họa những gì ông sẽ tuyên bố với Hội đồng. Trí óc ông hoạt động dữ dội.
Đã hai giờ.
Khi ông đi ngủ. Margaret đã ngủ say và ông thay quần áo mà không đánh thức bà, để đồng hồ báo thức lúc 6 giờ sáng.
Thoạt đầu, ông ngủ say, nhưng gần về sáng, giấc ngủ của ông bị gián đoạn vì một giấc mơ trở đi trở lại – một loạt những đám mây bay lên từ những bàn tay nhỏ hình thành một đám mây bão âm u.
-
TRÊN ĐỈNH CAO QUYỀN LỰC, KỲ 2< Trang trước
-
ĐỘI TUẦN CẢNH THỜI GIANTrang sau >