NHỮNG ÔNG VUA MÈO Ở HÀ GIANG

NHỮNG ÔNG VUA MÈO Ở HÀ GIANG

Sử Trung hoa ghi nhận cuộc chiến đầu tiên giữa 2 dân tộc Miêu và Hoa là cuộc chiến giữa Hiên Viên (thủ lĩnh Hoa)  và Xi Vưu (thủ lĩnh Miêu), khoảng 2697 năm TCN.

Lần lượt qua các triều Chu, Tần, Hán, Đường, Tống, Thanh, họ luôn bị áp bức, xua đuổi.

Sớm nhất từ thế kỷ 16, 17, họ di cư đến miền núi cao các nước Lào, Thái, Miến, Việt…

Vì thế, họ chủ yếu sống trong miền rừng núi. Ít ăn thịt, khí hậu khắc nghiệt khiến thể hình ngày càng thấp bé.

Nhà Tống muốn chia rẽ họ nên bắt họ mặc nhiều màu quần áo khác nhau, từ đó mà có người Mông hoa, Mông trắng, Mông đen…

Họ biết dùng súng (hoả mai) là do một viên tướng nhà Minh (tên là Hoàng Minh) , nổi loạn chống nhà Thanh, bị truy đuổi, trốn đi, được người Miêu giúp. Vì muốn đền ơn nên viên tướng này giao vũ khí và còn bày họ cách chế tạo súng.

Họ không có chữ viết nên không thể ghi chép lịch sử của chính mình. Những gì ta biết về họ là do ban đầu là các nhà truyền giáo Tây phương (F.M. Savina, nhà truyền giáo người Pháp đã viết cuốn Histoire des Miao, được trích dẫn và tham khảo nhiều nhất)  sau là các nhà sử học. Say mê bản tính kiên cường, thích tự do như mây trời, như gió núi, khiến tây phương tò mò rồi đắm mình trong mớ bòng bong của sử liệu Trung quốc để đi tìm nguồn gốc họ.

Dưới đây là tóm tắt vài nét chính trong tập sách nói trên. Linh mục François Marie Savina là nhà truyền giáo của Hội Thừa sai Paris, Société des Missions étrangères de Paris, ông cũng là nhà ngôn ngữ học, nhân chủng học, sống và làm việc ở miền Thượng du Bắc kỳ, tỉnh Vân Nam và đảo Hải Nam, Trung quốc trong suốt 40 năm, từ 1901-1941.

 

 

Các đặc điểm cơ thể của họ cũng khác với đặc điểm cơ thể thuộc tất cả các chủng tộc khác ở châu Á. Chiều cao trung bình của nam và nữ nhỏ, ngực nở và vai rộng, tay và chân nhỏ với các khớp nối tốt, khuôn mặt rộng, mũi thường tẹt và đôi khi thẳng, gò má hơi nhô ra, má phúng phính ở thanh niên cả hai giới, miệng nhỏ, môi mỏng, mắt hơi xếch, nhỏ và có xu hướng khép lại, cuối cùng, tóc có khi màu đen hoặc màu hạt dẻ, có khi màu nâu hoặc màu râu ngô, da có màu vàng nhạt hoặc trắng và bộ râu thưa đều là những đặc điểm của nam giới. Đó là một chủng tộc đặc biệt đứng giữa chủng da trắng và chủng da vàng.

 

Họ tự xưng là Hmông, chiếm giữ lưu vực sông Hoàng Hà và sông Hoài từ xa xưa trước khi tổ tiên người Trung quốc xuất hiện ở đây.

Sử Trung quốc cho biết người Miêu đã có mặt vào thời Hoàng đế, chính họ là kẻ thù đầu tiên của Trung quốc.

Không thông hiểu ngôn ngữ của họ khiến các nhà dân tộc học không thống nhất được cách phân loại. Vì thế mà Elisee Reclus năm 1880, đã nói: “Người ta sợ rằng những gì còn sót lại của dân tộc Miêu sẽ biến mất trước khi nó có thể được xếp loại trong số các chủng tộc khác của châu Á.”

Ngôn ngữ của họ không có sự tương đồng với bất kỳ ngôn ngữ nào khác của Trung Quốc. Cùng với nước da màu vàng nhạt, gần như trắng, tóc thường có màu hạt dẻ hoặc nâu, đôi khi còn có màu đỏ, đặc biệt là ở phụ nữ, không giống với bất kỳ chủng tộc nào khác ở Trung Quốc, tôi (tức là Savina) tự nhiên thắc mắc rằng những người du mục được gọi là Hmong, người mà người Trung Quốc gọi là người Miêu trong những thế kỷ đầu tiên trong lịch sử của họ, có thể đến từ đâu, khi họ đã lần lượt đặt chân đến tất cả các đỉnh cao của châu Á, từ Hoàng hà đến Mekong trong năm nghìn năm.

Họ nói rằng tên của chúng tôi là HMLAO, và người Trung Quốc không thể phát âm từ này, đã gọi chúng tôi là Miao.

Ngày nay người Miêu trên toàn thế giới đều tự gọi là Hmông.

Nhưng người Miêu đã đi theo con đường nào để đi từ phía bắc Siberia đến phía đông Trung Quốc, từ bờ biển băng giá đến bờ biển Hoàng Hải? Ở đây, một lần nữa, truyền thống của người Miêu lại im lặng, và chúng ta thấy mình đang đứng trước một ẩn số lịch sử mà có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có thể xác định được.

Như cách vẽ một đoạn thẳng nối hai điểm mà chỉ biết một điểm! Chúng ta không biết xuất phát điểm của người Miêu, chỉ biết điểm đến của họ là Hồ Nam, Trung quốc.

thể, từ Miến Điện ngày nay, họ vào Trung Quốc từ phía tây nam.

Miêu. Cái tên này chỉ các bộ lạc thổ dân, là những kẻ thù đầu tiên mà người Trung Quốc gặp phải khi họ đến lưu vực sông Hoàng Hà và sông Hoài.

Rất có thể người Miêu đã chiếm đóng các khu vực này trước thời điểm Trung Quốc tiến vào. Cho nên, nếu muốn tìm người Miêu trong Biên niên sử Trung Quốc, phải tìm họ trong các đoạn nói về các cuộc khởi nghĩa, nổi loạn.

Số phận của dân tộc này, chỉ xuất hiện trong lịch sử vào những thời điểm khó khăn. Một tù trưởng người Miêu, trong cuộc nổi dậy cuối cùng của người Miêu ở Lào đã trao nó cho chúng tôi. Ông ấy nói với chúng tôi rằng nếu bạn muốn biết sự thật về con người của chúng tôi, hãy đi hỏi con gấu bị thương tại sao lại tự vệ, con chó bị đánh tại sao lại khóc, con nai bị săn tại sao lại đổi hướng chạy.

Câu trả lời này giải thích tất cả các cuộc nổi dậy của người Miêu, từ đầu lịch sử của họ cho đến ngày nay. Dân tộc này không hung ác, nhưng khi bị tấn công thì tự vệ; nếu họ ở thế thượng phong, họ sẽ không từ bỏ và sẵn sàng trả đũa, nếu ở thế yếu, họ biết điều gì đang chờ đợi mình và sẽ dựng lều ở nơi khác. Độc lập một cách quyết liệt, người Miêu luôn thích cái chết hơn là đày ải làm nô lệ.

Họ đi chân trần, và do chạy trên núi đã khiến họ cứng rắn đến mức họ leo lên những tảng đá dốc nhất, và đi trên mặt đất sỏi đá nhất với tốc độ đáng kinh ngạc mà không hề cảm thấy khó chịu chút nào.

Họ chỉ ăn mỗi ngày hai bữa, thức ăn chính là bột ngô nấu với nước và ít rau xanh. Nên họ chỉ dùng thìa mà không dùng đũa. Ngoài đám cưới, đám tang, lễ mừng năm mới, còn thì họ không bao giờ ăn thịt, nên ta thấy họ quanh năm ốm yếu. Thản hoặc, tảng thịt treo ở gác bếp là dành đãi khách, mà lại là thịt con heo làm từ đầu năm.

Ngựa để cưỡi, băng qua núi, chứ họ không bao giờ bán chúng đi.

Họ không bao giờ tắm. Rửa mặt, chỉ là rửa đầu mũi. Trăng đổi mùa còn nhiều hơn người Miêu thay quần áo. Trẻ con luôn trần trụi vì chúng không phân biệt được nóng với lạnh. Nhà chỉ quét khi có khách. Họ coi thường vệ sinh đến mức khó hiểu và phải trả giá bằng vô số bệnh tật: cám lạnh, thấp khớp, viêm phế quản, sốt, nhọt, ghẻ, vảy…

Cây trồng đầu tiên, theo thứ tự quan trọng, sau ngô và lúa, là kiều mạch. Thỉnh thoảng, bạn bắt gặp một vài gia đình người Miêu lấy cháo kiều mạch làm thức ăn chính của họ.

Việc trồng cây thuốc phiện được thực hiện trên quy mô lớn hơn. Họ trồng cây anh túc ở bất cứ đâu có thể, nghĩa là bất cứ nơi nào nó mọc. Không phải tất cả các loại đất đều phù hợp như nhau cho loại cây mỏng manh này. Địa hình đá, tiếp xúc với mặt trời mọc hoặc mặt trời lặn, là những địa hình phù hợp nhất với họ. Nó không chịu được cái lạnh của miền bắc và cái nóng của miền nam. Người Miêu có khiếu đặc biệt trong việc khám phá những vùng đất phù hợp này, đôi khi họ tìm kiếm nó từ rất xa và họ hiếm khi lựa chọn sai.

Thực đơn của những đám cưới người Miêu rất đơn giản và không bao giờ thay đổi: bột ngô, rượu ngô và thịt lợn tùy ý, chỉ có vậy. Nó không ngon miệng lắm, nhưng bù lại bằng số lượng; những cư dân miền núi dũng cảm này có dạ dày cao su.

Thịt thường để trên lá, đầu tiên là uống rượu trong chén tre, cuối cùng mới đem bột ngô đựng trong thúng, thau nhỏ hoặc máng. Khi đàn ông đã ăn uống no nê, họ đứng dậy nhường chỗ cho phụ nữ. Đàn ông và phụ nữ không bao giờ ngồi chung bàn. Có hai bữa ăn một ngày, một vào buổi sáng từ tám đến mười một giờ, và một vào buổi tối từ bốn đến sáu giờ.

Cái Gùi hẳn có nguồn gốc từ người Miêu. Trẻ khóc thì mẹ nó cho nó cái gùi để dỗ. Người Miêu ra đường luôn mang gùi. Họ mang gùi như tây phương chúng ta chống gậy. Đan gùi là cái nghề đầu tiên họ học.

Họ cũng bị chê bai là mù chữ: nhưng đây không phải là lỗi. Có nhiều dân tộc biết đọc biết viết, mà đạo đức không bằng dân tộc Miêu. Họ học như thế nào đây? Không có trường học ở nhà, và không ai có thể yêu cầu họ rời núi để đi học với những người nước ngoài mà ngôn ngữ của những người này không có gì hứng thú để học tập. Do đó, họ bằng lòng với việc tham dự trường học vĩ đại của tự nhiên, nơi họ học cách tuân theo những giới luật cổ xưa mà tổ tiên họ để lại.

Thực tế cho thấy rằng dân tộc này là một trong những người mù chữ nhất trên thế giới, nhưng không có nghĩa là họ là một trong những người ngu ngốc nhất. Ở Vân Nam hiện nay có những người Miêu Công giáo có học vấn xuất sắc và ngoài tiếng mẹ đẻ, họ còn thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Lolo, tiếng Pháp và thậm chí cả tiếng Latinh, và tôi muốn tin rằng những gì đã được thực hiện giữa người Miêu ở Vân Nam sẽ cũng được thực hiện một ngày nào đó trong số những người Bắc Kỳ.

Nghiện thuốc phiện là một sai lầm dễ thương của người Miêu ( L’abus de l’opium est le péché mignon des Miao). Say rượu là một tật xấu khác của người Miêu, nhưng chỉ là một lỗi không thường xuyên và ít phổ biến hơn nhiều so với lỗi trước (thuốc phiện).

Cuối cùng, người Miêu lười biếng và luôn bất cẩn, vô tư. Do đó, những mảnh giẻ rách bẩn thỉu mà họ che thân, là để che sự hối hả và nhộn nhịp ngự trị trong nơi ở của họ.

Họ nói rằng chúng tôi là những người rất cổ xưa; tổ tiên của chúng tôi đã nhìn thấy tòa tháp vươn lên trời; họ đã chứng kiến ​​sự lẫn lộn của các ngôn ngữ. Vào ngày các dân tộc phân tán, họ đã đến một cao nguyên, nơi có khí hậu rất lạnh, có ngày và đêm dài như sáu tháng. Trước khi đến Hồ Nam, Trung Quốc, tổ tiên của chúng tôi sống ở một vùng hoàn toàn ngược lại, ở đối cực của vùng mà chúng ta đang sống hiện nay.

Cá bơi dưới nước, chim bay trên không, người Miêu ở trên núi (Ngạn ngữ Miêu)

Môi trường sống bình thường, tự nhiên của người Miêu là núi. Chỉ trên những đỉnh cao, họ mới ở trong môi trường của mình; ở những nơi khác họ lạc lõng, không thoải mái.

Suốt quá trình theo dõi họ trong lịch sử, cho đến thời tiền sử, chúng ta thấy họ ở khắp mọi nơi và luôn luôn ở trên những đỉnh cao. Những vị khách du lịch tuyệt vời này đã lần lượt đến thăm hầu hết các ngọn núi của châu Á.

Người Miêu luôn nổi dậy vì họ là một dân tộc không có tài sản, một dân tộc không có quê hương ; ngày nào mà người Miêu có thể nói: cánh đồng này là của tôi, đất nước này là của tôi, thủ lĩnh này là thủ lĩnh của tôi, họ sẽ không nổi loạn nữa.

Người Miêu có năm mươi thế kỷ lịch sử ; họ đã ở Trung Quốc trước người Trung Quốc, họ già hơn người Trung Quốc về mặt lịch sử, và thật hữu ích khi chúng ta biết lý do của quá khứ lâu đời này trước khi nói về tương lai của họ.

Một người Miêu sẽ không bao giờ kết hôn với người nước ngoài, bởi vì họ sẽ coi đó là một sự sỉ nhục, một sự xúc phạm nặng nề đối với tổ tiên. Người Miêu là “thuần chủng”, họ cũng không biết ly hôn, bệnh dịch của các chủng tộc hiện đại và suy đồi.

Người Miêu luôn coi tự do và độc lập là tài sản lớn nhất trong tất cả những tài sản mà con người được trao cho để sở hữu ở đây, dưới thế giới này. Chưa từng có người nào có thể khuất phục được họ. Bị đánh bại, người Miêu kiêu hãnh luôn thích sống lưu vong hơn làm nô lệ, và đây vẫn là sự đảm bảo cho cuộc sống lâu dài của người dân Miêu.

Les Miao ont toujours regardé la liberté et l’indépendance comme les plus grands de tous les biens qu’il est donné à l’homme de posséder ici-bas. Aussi, aucun peuple n’a jamais pu les subjuguer. Vaincus, les fiers Miao ont toujours préféré l’exil à la servitude, et cela est encore un gage de longue vie pour les peuples.

 

(Histoire des Miao, François Marie Savina, Hongkong, 1930)

Cái nhìn của LM Savina là cái nhìn trìu mến, của một người cha nhân hậu nhìn lũ con ngoan. Dân Do Thái có một quê hương để trở về. Người Miêu không biết quê hương của họ ở đâu. Họ chỉ biết đó là nơi có toà tháp vươn lên trời, nơi mà ngôn ngữ loài người còn lẫn lộn, nơi mà ngày và đêm dài như sáu tháng. Là đâu?

Lm Savina không phải là nhà chuyên môn. Nhưng những vấn đề ông nêu ra chỉ có nghiên cứu chuyên môn mới giải quyết được. Ông nhận xét rằng người Miêu là một sắc tộc nằm giữa hai chủng Âu và Á. Những nét riêng của họ không giống với bất kỳ ai. Ngôn ngữ cũng khác lạ. Họ là ai ?

Họ không có tài sản, không có quê hương. Nhưng có đến năm mươi thế kỷ lịch sử. Không chịu kết hôn với người nước ngoài, vì muốn giữ dòng máu thuần khiết. Cũng không thích học ngôn ngữ khác, chỉ thích học ở bà mẹ thiên nhiên. Họ mù chữ nhưng không ngu dốt. Họ thiếu hiểu biết nhưng không thiếu đạo đức.

Tài sản lớn nhất của họ là độc lập và tự do.

 

Ưa thích độc lập, tự do nên khi di cư sang Việt Nam, họ vẫn chọn sống trên miền núi cao, từ 900m-1.000m trở lên trên mực nước biển. Họ ở nhiều tỉnh khác nhau, nhưng chỉ ở Hà giang mới sản sinh ra lắm giai thoại, nhiều anh hùng và không thiếu thảo khấu.

Cho nên, vua cũng chẳng thiếu.

Do họ không có chữ viết nên không thể ghi chép gì về lịch sử của mình. Thế nên không ai biết là từ lúc di dân sang Việt Nam, người Miêu hay Mèo (tên này nay không dùng nữa) hay Mông hay Hmông, sinh ra bao nhiêu ông vua. Chỉ từ lúc Pháp sang, mới có mấy ông quan binh, ngoài thời gian cầm súng, rảnh thì cầm bút vẽ voi nên nay ta mới biết được ít ra ở Hà Giang có 3 ông vua (trong khi cả thế giới bóng đá chỉ có 2 ông, ông vua bóng đá Pélé và ông vua sân cỏ Maradona). Từ những gì các ông ấy viết, giới nghiên cứu mới tìm hiểu thêm truyền thuyết, chuyện kể của người Mông, lập ra được hẳn tiểu sử, gia phả của mhững ông vua ấy.

Đó là Sùng Chứ Đà, Sùng Mí Chảng và Vàng Dúng Lùng (tức Vương Chính Đức)

 

SÙNG CHỨ ĐÀ

Sùng Chứ Đà là ai ?

Vài thông tin sơ sài của Pháp cho biết, khoảng giữa thế kỷ 19  Sùng Chứ Đà (tài liệu của Pháp, Histoire militaire l’Indochine Française, ghi là Sioung Ta), tự xưng làm vua  ở vùng Đường Thượng, Yên Minh, Hà Giang. Ông này, vốn là tay cướp, sống bằng cách bóc lột dân trong vùng, có 2 con nuôi, nhưng một bị quân Trung quốc giết, một không tài cán gì, bị lãng quên.

Au cours de son voyage de Ha-Giang à Dong-Van, le colonel MORTREUIL obtint quelques renseignements complémentaires sur les causes secondaires du mouvement. Les pauvres et les gens sans aveu auraient voulu voir rétablir le pouvoir qu'avait une cinquantaine d'années auparavant, dans la région de Duong-Thuong, un Méo du nom de SIOUNG-TA, qui, voleur et bandit, s'était fait roi et vivait de rapines avec ses sujets. A sa mort, ses deux fils adoptifs lui avaient succédé, mais sans avoir la même autorité. L'un d'eux fut tué par les Chinois, l'autre perdit rapidement son prestige et vécut ignoré près de Méo-Vac jusqu'à ce que le mouvement de rébellion rappelât son existence. Il reçut à Méo-Vac, et appuya de son autorité renaissante, un jeune sorcier méo qui se proclama roi sous le nom de CHIONG-NUITCHANG. Le nouveau roi, immédiatement entouré de pillards et de gens sans aveu, accéléra le mouvement d'effervescence, excita la population et la poussa à attaquer et incendier des villages et marchés sur le territoire tonkinois: Vinh-Thon, Mo-Rué et Loung-Can le 26 fé vrier, Muong-Cha le 28 et Loung-Phin le 1' mars. Les bandes insurgées avaient même menacé l'important marché de Tong-Ba, à 12 kilomètres au N.-E. de HaGiang. En même temps, les postes chinois de Ma-Lin et Heu-Tong (14 et 16 kilomètres au N. -O. de DongVan) étaient pris par les Méos révoltés le 27 février. Un petit poste chinois voisin de Tien-Phong, poste conjugué du poste français de Chang-Poung, était également enlevé par surprise le 3 mars.

(Histoire Militaire l’Indochine Francaise, Tome II, p. 216)

 

Tài liệu của UBND huyện Yên Minh cho biết thêm, tài liệu của Pháp lưu trữ ở Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 , khoảng 1863, ở vùng Đường Thượng, huyện Yên Minh, có một chúa đất tên Sung Lao Luc, tức Sùng Chứ Đà nổi lên, ông ta biết vài trò ảo thuật, khiến nhân dân trong vùng tin tưởng, tôn lên làm vua. Ông ta cho xây đồn gác trên đỉnh và sườn núi Trống Chứ Đà (tiếng Mông nghĩa là núi Chứ Đà), dựng nhà cửa, xây tường thành bao lấy thung lũng. Lại cho dựng một cây cột đá cao hơn đầu người, đục 2 lỗ tròn hai bên thân cột. Hai lỗ tròn là nơi đút và nêm chặt tay vào cây cột đá ấy đối với những người vi phạm luật lệ do Sùng Chứ Đà đặt ra, những người này bị bỏ đói, khát khô kiệt sức mà chết. Đã có nhiều người trở thành nạn nhân trên cây cột đá này. Sau này cột đá bị nhân dân địa phương đập và xô ngã nằm chỏng chơ giữa nương ngô suốt gần hai trăm năm, hiện nay cột đá đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
Thời gian trôi qua, thành luỹ, vọng gác của Sùng Chứ Đà vẫn còn đó minh chứng cho một thời kỳ hành hoành của Chúa đất người Mông khét tiếng tại vùng đất Đường Thượng. 

Ông vua này, Sùng Chứ Đà, thời của ông đã quá lâu, mơ hồ đâu đó khoảng giữa thế kỷ 19, những gì kể lại chỉ là truyền thuyết, mà nếu đúng, tính cách của ông ta không phải là một người Hmong tiêu biểu. Hung ác và dữ dội, với chính dân của mình, chứ không với kẻ thù, có vẻ như, giống một lãnh chúa thời Trung cổ, hơn là một người Miêu.

Hay, ông ta không phải là người Miêu ?

Khu di tích Sùng Chứ Đà, ở xã Đường Thượng, huyện Yên Minh (dấu vết nền đồn canh trên đỉnh núi)

Cột đá tra tấn, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang

(KHU DI TÍCH SÙNG CHỨ ĐÀ - UBNDYenMinh - HaGiang)

 

SÙNG MÍ CHẢNG

Tài liệu của UBND huyện Đồng Văn, tỉnh Hà giang cho biết về Sùng Mí Chảng:

Trong những năm 1909 - 1913 đã có nhiều cuộc đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp ở Đồng Văn. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh vũ trang của thủ lĩnh người Mông Sùng Mí Chảng, nghĩa quân đã lấy núi Tù Sán làm căn cứ để chống thực dân Pháp. Chỉ trong thời gian ngắn từ đầu năm 1911 đến tháng 3/1911 đã tập hợp được hàng ngàn người, trong đó có gần 200 tay súng. Cuộc khởi nghĩa đã làm cho quan binh thực dân Pháp đã nhiều lần phải điêu đứng bởi liên tục bị các toán quân khởi nghĩa do thủ lĩnh người Mông Sùng Mí Chảng chỉ huy tập kích. Đáng tiếc, khởi nghĩa Sùng Mí Chảng không có điều kiện liên kết rộng rãi với thủ lĩnh dân tộc của các nơi khác trong vùng, lại thiếu chặt chẽ trong tổ chức nên đã bị thực dân Pháp cài người, mua chuộc, phá hoại làm tan rã.

(Huyện Đồng Văn 115 năm phát triển và trưởng thành (01/01/1906 – 01/01/2021) - UBNDDongVan - HaGiang)

 

Tài liệu của Pháp cho biết về Sùng Mí Chảng:

Ở riêng vùng Hà giang có 6 nhóm người Mèo nổi loạn, nhóm Sùng Mí Chảng (Pháp viết là Sioung Nui Tchang) hoạt động ở Mèo Vạc, từ khoảng 1911. Sùng Mí Chảng chính là người kế vị quyền hành từ người con nuôi thứ hai của Sùng Chứ Đà. Rất có uy tín nên được dân trong vùng Mèo Vạc tôn xưng là ông vua mới của người Mèo (le nouveau roi des Méos).

Ngày 29 tháng 1 năm 1912, Sùng Mí Chảng bị tấn công tại Ma La (nay là xã Ma Lé hay Má Lé, huyện Đồng Văn). Đồ đảng của ông ta, kinh hoàng trước cuộc tấn công bất ngờ, đã trốn sang Trung Quốc.  Xác hai người vợ và đứa con trai nhỏ của vua Mèo Sùng Mí Chảng nằm trong số các thi thể còn lại trên mặt đất.

Nội bộ nhóm nổi loạn tranh chấp với nhau. Sùng Mí Chảng thấy mình bị đồng đảng bỏ rơi và ngày 22 tháng 4 năm 1912, chỉ huy đạo quan binh thứ 3 tuyên bố đã bắt giữ các thành viên nhóm phản loạn.

Phong trào Mèo đã bị khuất phục hoàn toàn trên đạo quan binh thứ 3.

Tài liệu này, Histoire miltaire  de l’Indochine Française, chỉ đề cập đến Sùng Chứ Đà và Sùng Mí Chảng. Không nhắc gì đến Vàng Dúng Lùng, tức Vương Chính Đức. Và nhấn mạnh, sau 1912, Hà Giang hoàn toàn yên tĩnh.

Những gì đọc được ở trên cho thấy Pháp hình như lẫn lộn giữa Sùng Mí Chảng và Vàng Dúng Lùng. Và, ta thấy, qua vài ghi chép sơ sài trong tài liệu trên, tính cách của dân tộc Miêu, như tác giả F.M. Savina đã nhận xét, thể hiện rất rõ. Đó là, chỉ chấp nhận quyền lãnh đạo của người Miêu, và luôn muốn tự do, độc lập.

 

 

VUA MÈO VƯƠNG CHÍNH ĐỨC (VÀNG DÚNG LÙNG)

Nổi tiếng khi dinh thự do ông xây cất giờ là di sản quốc gia trên vùng cao nguyên nơi mà tất cả các thắng tích đều là của thiên nhiên tạo dựng.

Giàu có nhờ buôn bán một mặt hàng nhiều quốc gia lúc ấy tranh dành là thuốc phiện. Ban đầu nó nằm trong tay các nước phương tây, Anh, Pháp, Bồ đào nha v.v… và vùng sản xuất chính là miền nam Trung hoa. Trớ trêu thay, nhà cung cấp chính lại là các dân tộc thiểu số: Tày, Hmông, Lôlô… Bị triều đình nhà Thanh giành giật, và bị xua đuổi, họ chạy sang các nước láng giềng miền nam, thượng du Bắc Việt Nam, Lào, Thái lan, Miến điện.

Sau khi Pháp-Thanh ký hoà ước Thiên tân, 1885, hầu hết quân Cờ đen rút về nước. Một số ở lại, sẵn vũ khí, lập ra nhiều đảng cướp, hoành hành ở miền thượng du Bắc kỳ. Cùng với đó là nhiều tổ chức kháng chiến của giới văn thân, nghĩa quân (Cai Vàng, Cai Kinh ở Bắc Giang, Đề Thám ở Yên Bái…), tình hình Bắc kỳ cuối thế kỷ 19 hết sức hỗn loạn.

Dù chiếm được Bắc kỳ, nhưng ở nhiều địa phương, tình hình an ninh không kiểm soát được nên Pháp thành lập 4 đạo quan binh làm luôn công việc hành chánh.

Hà giang lúc đầu, từ năm 1891-93, thuộc đạo quan binh số 2 gồm Lạng sơn, Cao bằng, Hà giang. Từ sau 1893, lại trực thuộc đạo quan binh số 3 gồm, Tuyên quang, Hà giang.

Từ 1891 trở đi, đảng cướp Cờ đen do Hà quốc Trường cầm đầu (tài liệu của Pháp ghi là A Coc Truong) hầu như nắm quyền kiểm soát Hà giang. Pháp phải thừa nhận  không làm được gì ở đây. Và cả tri huyện Vị xuyên (tức người của triều đình Huế) cũng phải hợp tác với giặc cướp để yên thân.

Dân chúng khổ sở vì sưu thuế phải đóng cho bọn cướp. Chúng còn bắt dân phải nộp tiền, gạo. Có lần dân phải liên lạc với người Pháp đề nghị giúp đở vũ khí để họ tự vệ. Pháp đã không thể đáp ứng yêu cầu chính đáng này. Sự kiện khiến ta nhớ bộ phim, Bảy chàng Võ sĩ đạo cuả Nhật, (đạo diễn Akira Kurusawa, vai chính do Toshiro Mifune, 1954) và Mỹ làm lại với tựa Bảy tay súng oai hùng (1960, với các tài tử lừng danh nhất của Mỹ đóng, Yul Bryner, Charles Bronson, Steve McQueen, James Coburn…)

Và người hùng, tức hiệp sĩ xuất hiện. Ảnh tới. Đó là tiếng hô của khán giả khi chàng cao bồi cưỡi ngựa hiện ra trên phim. Ấy là giai đoạn mà khán giả hoà vào diễn biến của phim ảnh.

Ảnh, ở đây, không phải là cao bồi Pháp cưỡi ngựa bắn súng, trăm phát trăm trúng, cũng không phải anh Lucky Luke, người bắn nhanh hơn cái bóng của chính mình. Ảnh là Vàng Dúng Lùng (sau là Vương Chính Đức) theo cách người dân Mèo gọi ông.

Dư đảng Cờ đen, Hà quốc Trường, làm mưa làm gió ở Hà giang trong khoảng 3 năm. Đến cuối 1896, Nhóm này rút về Trung quốc, gia nhập đạo binh Quảng tây. Và Hà giang yên ổn được vài năm.

Đầu năm 1911, tư lệnh quân khu 3 báo cáo người Mèo nổi loạn ở vùng Đông Quang, phía bắc Hà giang. Nguyên nhân ban đầu do người Tày áp bức họ. Dân cư vùng này có người Thổ (tức là Tày), Mèo, Lôlô, Nùng, Mán. Còn có một số thương nhân Việt, Hoa.

Người Tày đã định cư ở thượng du Bắc kỳ từ rất lâu, ít nhất là từ thế kỷ 16, từ các tỉnh nam Trung quốc như Vân Nam, Quý châu, Tứ xuyên dư cư sang. Họ chiếm lĩnh những mảnh đất phì nhiêu, nhiều cánh đồng anh túc và ngô màu mỡ. Người Mèo đến sau, phải chấp nhận ở trên núi cao, đất và nước đều hiếm hoi, sống rất khổ cực. Người Tày lại chấp nhận chế độ hành chánh của quan lại Việt, trong khi người Mèo có khuynh hướng chống đối. Người Pháp cho là người Tày văn minh hơn, còn người Mèo mê tín, kém hiểu biết, nhưng độc lập hơn.

Ngày 11.2.1911, 400 người Mèo tụ họp ở Ngai Ban Sui (?) nêu yêu cầu với đại diện Pháp, Trung úy Leonard, rằng họ chỉ phục tùng lãnh tụ là người Mèo, không chấp nhận một lãnh đạo nào khác. Trung úy Leonard kêu gọi họ bình tĩnh và chuyển yêu cầu cho Đại tá Montreuil, chỉ huy trưởng Hà giang, đến vào ngày 27.2.

Đại tá Montreuil đã nắm được thông tin là người Mèo muốn phục hồi sức mạnh mà 50 năm trước, một lãnh tụ Mèo đã tạo dựng. Đó là Sioung Ta (Sùng Chứ Đà. Chúa Mèo nổi lên vào năm 1863, ở nơi nay là xã Đường Thượng, huyện Yên Minh, Hà Giang, do ghen tuông giết vợ, bị chính gia đình vợ là người Hoa đánh thuốc độc giết chết để trả thù). Ông này có 2 người con, một đã bị Trung quốc giết, người còn lại không có uy tín, bị bỏ quên. Vì một ông vua mới, trẻ tuổi, nhưng rất có uy quyền, là Siong Nui Tchang (Sùng Mí Chảng ), đã nổi lên.

Niên sử về chiến tranh Đông Dương của quân đội Pháp, Histoire militaire l’Indochine, giai đoạn 1891-1912, ghi nhận nhiều cuộc nổi loạn của người Mèo vùng Hà Giang, nhưng không có một dòng nào về Vàng Dúng Lúng sau là Vương Chính Đức, thủ lĩnh người Mèo ở Đồng Văn.

Ngoài tài liệu chính thức nói trên của UBND Đồng Văn, các chuyện kể khác về ông vua Mèo này là thuật theo lời kể của người trong gia đình ông vua Mèo.

Chiến dịch Dong-Quang năm 1911 của quân Pháp

(Theo Histoire Militaire l’Indochien Francaise des débuts à nos jours, Juillet 1930, Tome II, 1931, p. 215-220. Do Aubaret, văn phòng bộ tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp biên soạn, chủ biên là Pierre Pasquier, toàn quyền Đông Dương 1927-1933)

Bảng tóm tắt Lịch sử họ Vương ở dinh vua Mèo

Sơ đồ dinh

 

Cuốn niên sử nói trên của Toàn quyền Pháp không hề nhắc một dòng nào về Vương Chính Đức.

Nhưng lịch sử dinh họ Vương ghi trong bảng trên treo ở dinh vua Mèo, cùng ngôi dinh cơ kiên cố, vững chắc, xây dựng từ đầu thế kỷ 20, đã cho thấy một vương quốc Mèo hùng mạnh.

Ngoài ra bản hoà ước ký giữa Vương Chính Đức và Pháp năm 1913, trong đó Pháp thừa nhận một vương quốc Mèo tự trị, cũng công nhận quyền tự do buôn bán thuốc phiện của vua Mèo, mặt hàng chính làm nên tiềm lực tài chính dồi dào, mà nhờ đó mới có một ngôi dinh thự lộng lẫy, bộ mặt của người Mèo trên cao nguyên đá.

(xem: Vua Mèo Vương Chính Đức và bản hòa ước với Pháp – VnExpress, tienphong.vn; Huyền thoại trên cao nguyên đá: Sống chết với Đồng Văn - Báo Công an Nhân dân điện tử (cand.com.vn); Vương Chính Đức, ông 'vua Mèo' giàu có trên cao nguyên đá Đồng Văn (nongnghiep.vn)

Những thông tin thiếu sót và mơ hồ của Pháp cho thấy Pháp không muốn thừa nhận sự yếu kém của họ với các sắc tộc trên miền thượng du Bắc kỳ, phủ nhận hoàn toàn một vương quốc Mèo với ông vua không ngai Vương Chính Đức.

Một minh chứng khác cho thấy thực tế hiển nhiên về sự hiện diện của ông vua Mèo là sắc phong của vua Khải Định (năm 1923);

Biển treo ngay tiền dinh: BIÊN CHÍNH KHẢ PHONG (cách cai trị ở biên cương đáng được phong sắc).

Nhà báo Xuân Ba, trong bài Giải mã bức hoành trong dinh vua Mèo, cho biết thêm:

Phải bắc ghế lên thì mới đọc được hai dòng lạc khoản phía bên trái và phải của bức hoành, tác giả đọc được vào năm 1999 (2 dòng này nay đã mờ nên rất khó đọc).

Cung tụng

Bang tá Vương Công Chính Đức Đức Chính

Khải Định Bát Niên Mạnh Đông Sướng Nguyệt Phúc Đán công lập

Tạm hiểu:

Việc trị vì bằng Đức của vị Bang tá tên Chính Đức

Hoành phi được lập vào tháng 10, tháng 11 năm Khải Định thứ 8 (1923)

(Năm Khải Định thứ 8 là năm 1923. Nhiều tài liệu trên mạng hiện nay ghi là năm sắc phong là Khải Định 1928 là sai. Vì vua Khải Định đã mất từ 1925, làm sao mà sống dậy để ban sắc. Mạnh Đông là tháng 10, Sướng Nguyệt là tháng 11)

Vua Khải Định phong cho vua Mèo hàm (tượng trưng) là Bang tá phụ trợ triều đình trong việc đặc trách điều hành xứ miền cao này, mặc dù trong thực tế, vua Mèo là vị vua toàn quyền toàn xứ.

(Giải mã bức hoành trong Dinh thự Vua Mèo Vương Chí Sình (tienphong.vn)

 

Phía dưới bức hoành Biên chính khả phong có một liễn đối nay đã mờ nhòe. Nhớ năm 1999, được hầu ông Vương Quỳnh Sơn lên Đồng Văn ghé Nhà Vương, liễn đối này còn khá rõ. Vậy mà mới 18 năm nay đã lòe nhòe rêu phong. Nếu chưa biết, giờ khó mà luận ra! May mà hồi ấy tôi (là nhà báo Xuân Ba) còn chép lại được.

Môn củng tử thần, gia tăng phước thọ

Đại khai hoàng đạo, đường hiện trinh tường

 (Tạm hiểu : Cửa được trổ đất sinh thiên tử, gia đình được tăng phước thọ

Hoàng đạo khai thông rộng mở, chốn quan hiển hiện điềm lành)

Cặp câu đối này có ý khen tặng cái thế đất mà ông thầy địa lý, phong thủy nào đó đã chọn cho cụ Vua Mèo Vương Chính Đức xây dinh thự.

(Giải mã bức hoành trong Dinh thự Vua Mèo Vương Chí Sình (tienphong.vn)

 

Ngoài ra, hai câu đối treo ở cổng vảo phần nào cho thấy tính cách con người Vương Chính Đức:

Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập/ Môn phong lưu quý khách vãng lai.

(Tạm hiểu: Nhà tích thiện người hiền vào ra/ Cửa (nhà) phong lưu khách quý lui tới)

Cũng theo nhà báo Xuân Ba, liễn đối này có số phận lận đận. Như ông Vương Quỳnh Sơn (là hậu duệ của Vương Chính Đức) từng bộc bạch năm 1999 rằng, vế thứ 2 đã bị thay đi hai chữ. Hai chữ ấy là hào kiệt. Nguyên tác từ khi dựng nhà Vương giữa những năm 20 của thế kỷ trước là Môn phong lưu hào kiệt vãng lai.

Cứ như lời cụ Vương Quỳnh Sơn, quãng cuối những năm 30 ấy, Pháp bãi bỏ chế độ người Mông tự quản. Mấy lần viên công sứ ghé nhà Vương ở Sà Phìn. Vốn thông thạo tiếng ta và cả chữ Hán nên viên công sứ nọ mỗi khi ngà ngà rượu lẫn vài bi thuốc phiện được khoản đãi, ông ta khẩn khoản gần xa với cụ Vương Chính Đức rằng hai chữ hào kiệt trong vế đối kia bị hơi chuế? Cụ nghĩ sao?

Chủ nhà khi ấy thừa biết viên công sứ có ý răn, ngăn cái chí của cụ Vương luôn hào phóng thịnh tình chiêu hiền đãi sĩ, tụ tập môn khách của vị vua Mèo có tiếng là bất trị này!  Môn khách mà cụ Vương chiêu hiền đãi sĩ là những dạng hào kiệt. Hào kiệt thì mới có thể làm loạn, làm cộng sản được. Rằng, viên bang tá muốn cảnh báo, làm gì thì làm nhưng đừng có mà làm loạn! Huống hồ chế độ tự trị đã được bãi bỏ…

Để tránh rắc rối, cụ Vương cho bỏ hai chữ hào kiệt thay bằng quý khách. Thì hào kiệt cũng là dạng quý khách vậy!

(Giải mã bức hoành trong Dinh thự Vua Mèo Vương Chí Sình (tienphong.vn)

 

 

Hai câu đối ở cổng vào, mái cổng chính uốn cong hình cánh dơi, biểu tượng chữ “Phúc”. Biểu tượng trong 2 vòng tròn là Rồng, Phượng

Vương Chính Đức muốn là một Mạnh Thường quân, Bình Nguyên quân, khi đề bảng chiêu hiền đãi sĩ ngay ở cổng dinh. Ông chẳng kém gì Từ Hải:

Nghênh ngang một cõi biên thùy…

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.

Vì thế mà ông có hẳn một hậu duệ đời thứ “n” :

Phong trần mài một lưỡi gươm…

Và hậu duệ đời thứ “x” :

Những phường giá áo túi cơm sá gi

 

 

Phố cổ Đồng Văn chỉ cách Dinh họ Vương chỉ khoảng hơn 14km, khiến ta nghĩ rằng phố do họ Vương xây dựng. Nhưng không phải, phố do người Tày, ông Lương Trung Tú dựng. Còn nơi mà họ Vương buôn bán, trao đổi hàng hoá là Phố Bảng (hay Phó Bảng), cách dinh họ Vương chừng 13km về phía tây. Phố Bảng, xưa là huyện lỵ của Đồng Văn, có cửa khẩu Phố Bảng, thông với Trung Quốc. Vì thế, khi mất (1962), ông Vương chí Sình (Vương Chí Thành, con trai Vương Chính Đức), được chôn cất ở Phố Bảng, mãi đến 2004, mới đưa về dinh họ Vương. Còn mộ Vương Chính Đức, có lẽ do yếu tố phong thủy, nên nằm cách dinh thự chừng 3km.

Vị trí tương đối Phố Bảng, Dinh Vua Mèo, Phố cổ Đồng Văn.

(Google map)

Phía trước dinh, là dãy núi cao bao bọc

Cổng chính với tường thành, cao khoảng 2-3m, dày 0,8m. Các bức tường đá là nét kiến trúc đặc sắc của người Mèo (H’mông)

 

Tiền dinh

Hậu dinh. Nhìn thấy 2 lô cốt trên cao phía sau

Bồn tắm,, làm từ đá nguyên khối, nay thành bồn chứa nước mưa

Lò sưởi. Nét tây phương trong dinh vua Mèo

Tường thành, bao bọc dinh cơ, với các lỗ châu mai. Nhìn từ bên trong. Ngoài xa là dãy núi cao án ngự, như lớp tường bào vệ. Theo lời kể của chị Vương Thị Chở, chắt nội Vương chính Đức, trong chiến tranh biên giới 1979, khi quân Trung quốc, nã pháo vào dinh, để nòng cao thì đạn bay vượt qua dinh, để nòng thấp thì bị núi chắn lại. Nên dinh vẫn y nguyên.

 

Chận kê cột bằng đá, mài bằng bạc Đông dương cho ánh lên màu đồng, tạo hình quả anh túc khô. Chỉ các chân kê cột ở tiền dinh được mài bóng, chân kê ở các khu vực còn lại để nguyên màu đá.

Một chân kê cột khác, trang trí cầu kỳ

Một chân kê cột ở gian nhà phụ, hình lồng đèn

Trang trí tạo hình hoa anh túc ở hiên nhà. Hàng lan can sắt nhập từ Pháp

Đầu ngói ống

Bậc thềm, bằng đá nguyên khối

Góc trên là lô cốt phía sau dinh. Xây bằng đá. Rất kiên cố

Điêu khắc trang trí ở thềm bậc cầu thang

Hàng cột đá đỡ lan can

 

Cửa xếp

Tường đá và cửa tò vò, ngăn giữa kho và nhà bếp

Chuồng bò và tường ở phía sau dinh

Một cổng trời của tạo hóa trong dinh họ Vương

Lỗ châu mai, tường và núi đá. Dinh không chỉ là nơi ăn ở của hàng trăm con người, còn là một thành trì, một đồn binh phòng thủ vững chắc

Chuồng ngựa

Lò nấu rượu

Khung cửa trang trí với hình chạm hoa đào và hoa anh túc

Chi tiết hoa đào và anh túc

Vị trí dinh vua Mèo, cách thành phố Hà giang 180km, cách Đồng Văn 14km

Tiền cảnh là một phần dinh vua Mèo, hậu cảnh là dãy núi cao án ngữ

Khu vực có hàng sa mộc là dinh vua Mèo, nằm trên quả đổi hình mai rùa.

Có lẽ, Vương Chính Đức là một người Miêu thành công nhất.

 

CHỮ MIÊU

Không có tài liệu chính thức nào về văn tự của người Miêu. Một số giả thuyết nói đến suốt năm ngàn năm trên đất Trung quốc, có thể chữ viết của họ đã bị biến mất do quá trình bị xua đuổi. Khoảng cuốt thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nhà truyền giáo có lập ra bộ chữ Miêu dùng mẫu tự Latinh để phục vụ mục đích truyền giáo, nhưng không phổ biến bao nhiêu. Cho đến 1961, chính phủ Việt Nam đã cho lập bộ chữ Miêu dựa theo ngôn ngữ Miêu ngành Sapa, Lào Cai, dùng quốc ngữ là phương tiện chuyển tải, để dễ phổ cập giáo dục. Ở Việt Nam đây là bộ chữ chính thức.

Ở Lào có bộ chữ Miêu Latinh hóa từ 1951 cũng do các nhà truyền giáo. Ở Hoa kỳ có bộ chữ Miêu do Giáo hội Tin lành Hoa kỳ lập vào khoảng 1980.

 

Hiệp khách hành _ Lý Bạch

 

Triệu khách mạn hồ anh,
Ngô câu sương tuyết minh.
Ngân an chiếu bạch mã,
Táp đạp như lưu tinh.
Thập bộ sát nhất nhân,
Thiên lý bất lưu hành.
Sự liễu phất y khứ,
Thâm tàng thân dữ danh…

Khách nước Triệu phất phơ giải mũ
Gươm Ngô câu rực rỡ tuyết sương
Long lanh yên bạc trên đường
Chập chờn như thể muôn ngàn sao bay
Trong mười bước giết người bén nhạy
Nghìn dặm xa vùng vẫy mà chi
Việc xong rũ áo ra đi
Xoá nhòa thân thế, kể gì tiếng tăm…

Trần Trọng San dịch

 

Tháng 9.2023

NTH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết