TUYÊN QUANG THÀNH CỔ
Là điểm dừng đầu tiên trên hành trình Đông Bắc. Có lẽ chỉ 15 phút. Nhưng Tuyên Quang mang trong nó những dặm dài quá khứ. Khởi hành từ Hà Nội, khoảng 7,30g sáng, gần trưa thì đến thành phố Tuyên Quang. Anh hướng dẫn viên(hdv) của đoàn, tên Tâm, giới thiệu, các bác đang được thấy thành nhà Mạc, ngay giữa thành phố.
Nhà Mạc, chấm dứt cuối thế kỷ 16. Nếu thế, ít nhất đã hơn 500 năm. Nửa thiên niên kỷ. Cảm tưởng đầu tiên là, thành cổ mà mới quá, hay đây là thành mới xây theo kiểu cổ. Một đoạn tường thành cổ, trước khi đến vị trí thành, trông cũng khá mới.
Về nhà, tham khảo tài liệu mới hay đây là thành được phục dựng. Tỉnh Tuyên Quang cho trùng tu thành từ 2007, hoàn thành 2010. Trước đó, chỉ còn cổng thành phía tây, phía bắc (có tài liệu ghi phía nam) và đoạn tường thành dài chưa đến 100m (có tài liệu ghi chừng 140m), nhưng hầu như đã đổ nát.
(http://vietlandmarks.com/upload/5069192472ab7.jpg)
Các cổng thành và đoạn tường cổ trước khi trùng tu
Một tấm ảnh cũ trên trang ảnh Flickr, đoạn tường thành và cổng gần như nguyên vẹn
Các nhà văn hóa, nhà sử học phản ứng việc trùng tu. Họ đều cho rằng việc trùng tu đã phá hỏng di tích.
Xem thông tin ở (Thành cổ Tuyên Quang – Wikipedia tiếng Việt)
Đó là việc trùng tu. Còn thành này có phải thành nhà Mạc không thì nhà báo Phí Văn Chiến phủ nhận khả năng thành nhà Mạc được xây vào thời gian này.
Ông (PVC) khẳng định, rằng nhà Mạc, cũng như thời Mạc trong lịch sử tồn tại từ năm 1527 đến năm 1592. Trong hơn 60 năm tồn tại đó, nhà Mạc chưa bao giờ chiếm được đất Tuyên Quang, do vậy nhà Mạc không thể xây được thành giữa lòng Tuyên Quang.
Ông không nói suông mà tham khảo từ rất nhiều sách sử và điền dã như:
TỪ CHÍNH SỬ VÀ ĐIỀN DÃ
Trên nguyên tắc lấy chính sử làm gốc, kết hợp chặt chẽ với các tư liệu của các nhà nghiên cứu lịch sử và Hán - Nôm viết về nhà Mạc và thời Mạc và các loại sách địa chí, đi điền dã để xác minh tư liệu, từ sau năm 1960, đến năm 1995. Tôi đã sưu tầm được các loại tài liệu lịch sử viết về Tuyên Quang như sau:
Sách lịch sử gồm 19 cuốn như: Đại Việt sử ký toàn thư; Lịch triều tạp kỷ; Đại Việt sử ký tiền biên; Đại Việt sử ký tục biên; Đại Việt Thông sử, Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn; Khâm định Việt sử thông giám cương mục; Lịch triều hiến chương loại chí; Đại Nam thực lục; sử học bị khảo, Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng; Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim; Việt sử Tân Biên...
Các sách Địa chí và tài liệu cổ về Tuyên Quang: như Dư địa chí; Phủ biên tạp lục; Đại Nam nhất thống chí; Đại Nam dư địa chí ước biên; Đồng Khánh dư địa chí; Tuyên Quang tỉnh phú của Đặng Xuân Bảng; Tuyên Quang phong thổ ký của Nguyễn Văn Bân...
Điền dã: Tôi đã nhiều lần lên Cao Bằng, Lạng Sơn, về Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, đến thành Sơn Tây, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và thành Đồng Hới Quảng Bình, đặc biệt cụm di tích Cố đô Huế để kiểm chứng và đối chiếu các thành này với thành Nhà Mạc ở Lạng Sơn và Cao Bằng. Tại các nơi tôi đã đến và nghiên cứu tài liệu, tôi thấy thành Sơn Tây, thành Hưng Hóa, thành Nam Định, thành Bắc Ninh, thành Quảng Bình... đều là những thành xây dựng thời nhà Nguyễn giống như thành Tuyên Quang.
Tại các tỉnh, tôi đã thu thập hàng chục đầu sách về nhà Mạc, của các nhà Sử học, các nhà khoa học họ Mạc, như cuốn “Nhà Mạc và họ Mạc ý chí và mục tiêu chiến lược” của GS. TS Phan Đăng Nhật cuốn “Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia” GS - TS Hán - Nôm Đinh Khắc Thuân, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Hán - Nôm của Viện Hán - Nôm; cuốn “Nhà Mạc và thời đại Nhà Mạc hơn hai mươi năm nghiên cứu và nhận thức” của GS - Trần Thị Vinh. Tuy nhiên điều bất ngờ là tôi không thấy cuốn sách nào đề cập đến việc nhà Mạc xây thành ở Tuyên Quang.
Vậy ai, triều đại nào xây thành.
NHÀ NGUYỄN XÂY THÀNH TRÊN LŨY CỦA NHÀ LÊ
Vậy triều đại nào đã xây thành cổ Tuyên Quang? Những căn cứ nào để khẳng định việc này? Các sách của nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam Dư địa chí ước biên... đều viết: thành Tuyên Quang hiện nay do nhà Nguyễn, bắt đầu từ vua Minh Mệnh chỉ đạo cho xây dựng. Nhưng phải đến đời vua Thiệu Trị năm thứ 4 (1844), thành mới được xây hoàn chỉnh theo kiến trúc Vauban (Pháp), giống như thành Sơn Tây, Bắc Ninh, Nam Định.
Trước những căn cứ khoa học do chính các nhà sử học xưa và nay viết, và kết quả điền dã ở nhiều tỉnh nghiên cứu về thành cổ để đối chiếu với thành Tuyên Quang, có thể khẳng định nhà Mạc không xây thành ở Tuyên Quang. Nhà Nguyễn đã xây thành này trên lũy của nhà Lê. Kiến trúc của thành Tuyên Quang là kiến trúc theo thiết kế thành Vauban của Pháp!
Phí Văn Chiến
Hà Nội 23/8/2020
Thành Tuyên Quang được xây từ khi nào? (baotuyenquang.com.vn)
http://daidoanket.vn/thanh-co-tuyen-quang-khong-phai-thanh-nha-mac-5655127.html)
Vậy thì thành cổ ở Tuyên Quang không phải là thành nhà Mạc.
NÚI ĐỘNG TIÊN
Trên tuyến đường Tuyên Quang-Hà Giang, cách thành phố Tuyên Quang chừng 50km, là Núi Động Tiên, một thắng cảnh nổi tiếng. Được ví là một Phong Nha của tỉnh, hấp dẫn nhiều du khách bốn phương.
Tuy nhiên, không mấy người ngoài tỉnh biết về thắng cảnh này. Có hỏi anh hdv, nhưng anh cũng không biết gì hơn.
CHÈ THÁI GÁI TUYÊN
Trong vài cuộc thi hoa hậu gần đây, có một số cô gái Tuyên Quang đạt thứ hạng cao. Và câu ngạn ngữ “chè Thái gái Tuyên” được nhắc đi nhắc lại. Dư luận cho rằng nhà Mạc từng đóng đô ở đây, cung tần, mỹ nữ sau khi nhà Mạc suy, đã ở lại, kết hôn với người bản xứ, dòng máu hoàng tộc từ ấy sản sinh ra nhiều cô gái xinh đẹp khác thường.
Vậy là kết luận của nhà báo Phí Văn Chiến (nhà Mạc không hề đóng đô ở đây) đã làm lời đồn đoán trên đổ sập.
Hẳn tỉ lệ các cô gái xinh đẹp ở Tuyên Quang nhiều hơn các nơi khác khiến sản sinh ra câu vè trên. Nhưng tại sao ? Xin dành câu hỏi này cho các nhà chuyên môn.
(Ghi lại đây vài yếu tố dân tộc và lịch sử:
Thế kỷ thứ VIII, sắc tộc Thái ở Vân Nam, Trung hoa, thành lập vương quốc Nam Chiếu, rất hùng mạnh, có thời từng đánh chiếm Giao châu trong suốt 3 năm (863-866). Đến 866 mới bị Cao Biền đẩy lui. Đến thế kỷ XIII, Nam chiếu bị Thành cát tư hãn chiếm, nhiều lính Mông cổ ở lại đây lan toả đạo Hồi và lai tạo yếu tố Mông cổ cho dân bản xứ.
Từ sau thế Kỷ XVI, người Thái (cùng người Lôlô, Mán, Mèo) từ miền nam Trung hoa, di dân về phương Nam, xuống đồng bằng sông Hồng, Lào, Thái lan và đến tận lưu vực sông Mêkông.
Họ, người Thái (cả Thái trắng và Thái đen) có khuynh hướng sinh sống ở vùng có cao độ thấp, chân các thung lũng rộng lớn (còn người Mán ở cao hơn, từ 300-900m, và người Mèo ở cao nhất).
Vê nhân dáng, người Thái cao trung bình, trán tròn, môi không dày, mũi khoằm và ít bẹt. Thiếu nữ Thái xinh tươi, thanh lịch và duyên dáng. Họ thích âm nhạc, ca hát, thích múa và lễ hội.
Vùng Tuyên Quang, các thủ lĩnh Thái có thế lực rất mạnh, chiếm đóng vùng núi Bầu nên dân gian gọi họ là chúa Bầu. Họ ủng hộ vua Lê nên nhà Mạc không thể gây ảnh hưởng ở đây. Dòng họ Vũ (người Thái) từng có 5 đời thế tập, xưng vương một cõi (từ 1527-1669).
Nhưng Tuyên Quang còn nhiều lợi thế nữa. Tỉnh ở địa thế trung du, gần sông, gần núi, khí hậu không quá khắc nghiệt như các tỉnh biên giới. Và còn nhiều cơ hội khác.
Như sông Lô, chảy qua Tuyên Quang, con sông đã đi vào văn học sử với bài hát “Trường ca sông Lô” của người nhạc sĩ tài hoa bậc nhất Việt Nam, nhạc sĩ Văn Cao.
Thị xã Đoan Hùng, huyện cực bắc của tỉnh Phú Thọ, nơi giáp ranh 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang. Nhưng ngày xưa, thời vua Lê chúa Trịnh, vẫn là một phủ của trấn Tuyên Quang.
Ngày 24 tháng 10 năm 1947, tại đoạn sông Lô gần ngã ba sông Lô - sông Chảy đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt của bộ đội chủ lực phối hợp với dân quân du kích địa phương đánh đắm tàu chiến của thực dân Pháp lập nên chiến thắng sông Lô.
TUYÊN QUANG TRONG QUÁ KHỨ
Thời Trần, thế kỷ 13-14, gọi là Lộ Tuyên Quang.
Giặc Minh khi chiếm nước ta, gọi là Phủ Tuyên Quang, sau đổi là châu Tuyên Hóa.
Thời Lê sơ, thế kỷ 15-16, gọi là Đạo Thừa tuyên, sau đổi là xứ Tuyên Quang.
Khi Vũ văn Mật có công phò Lê đánh Mạc, được giao giữ đất này. Thời kỳ này, Tuyên Quang hợp với Hưng Hóa (Phú Thọ và Vĩnh Phúc) thành dinh An Tây. Dòng họ Vũ thế tập 5 đời tổng cộng 142 năm kể từ Vũ Văn Mật (1527) đến Vũ Công Đắc (1669). Năm Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714), nhà Lê bỏ quyền thế tập của dòng họ Vũ, chia vùng nay thành 2 trấn: Tuyên Quang và Hưng Hóa, đặt lưu quan cai trị như trước.
Gia Long đặt xứ Tuyên Quang, đến Minh Mạng đặt thành tỉnh.
Từ 1900-1975, Tuyên Quang là tỉnh với nhiều biến động về địa lý. Sau 1975, Tuyên Quang gộp với Hà Giang thành tỉnh Hà Tuyên. Đến 1991, lại tách ra 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
TUYÊN QUANG TRONG UNE CAMPAIGNE AU TONKIN CỦA DR HOCQUARD
BS Hocquard, hình trong sách Une Campaigne au Tonkin
Sông Lô, bắt nguồn từ Vân Nam, Trung quốc, chảy vào Việt Nam ở Vị xuyên, Hà giang, qua Tuyên Quang, Phú Thọ. Ở Tuyên quang, sông Lô có 2 phụ lưu là sông Gâm và sông Chảy. BS Hocquard ghi là La rivière Claire (sông Trong. Còn sông Hồng là Le fleuve Rouge, sông Đà là La rivière Noire, theo Jean Dupuis).
Cửa sông Lô
Người Pháp gọi sông Lô là sông Trong (la rivière Claire) vì nước sông trong nhìn thấy đáy. Nhưng nước sông lại gây đau bụng hay ngộ độc vì đoạn Sông Cả (“Song-ca”, bản tiếng Pháp, là đoạn đầu nguồn của sông Lô. Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn ghi tên sông Lô là sông Cả) chảy qua khu vực rất giàu các mỏ khoáng, nhất là đồng asen(cuivre arsenical).
Sông Lô phía trước Phu-Doan, (phố phủ Đoan Hùng, cách thị xã Tuyên Quang vài chục cây số, nơi diễn ra chiến thắng sông Lô, cảm hứng để nhạc sĩ Văn Cao viết bài Trường ca sông Lô nổi tiếng)
Trên đường từ Tuyên quang đến Hà giang, BS Hocquard đi qua một làng Chăm, ông viết là đi qua Lang-sao, và gần đó là Giom, nay không rõ là ở đâu. Lang-sao là làng lớn nằm dọc bờ sông (Song-ca, tên khác của sông Lô), có chừng năm mươi nóc gia.
Đường vào làng Cham, giữa 2 hàng cau.
Đây là một ngạc nhiên rất lớn. Vì sử cũ chỉ ghi khi nhà Lý đánh Chiêm thành, tù binh bị bắt đưa về làng Phú Gia, Phú Thượng, hình thành một làng Chăm, nay thuộc quận Tây hồ, Hà Nội. Không có tài liệu nào nhắc đến làng Chăm trên vùng núi phía bắc.
TUYÊN QUANG TRONG L’OUVERTURE DU FLEUVE ROUGE AU COMMERCE CỦA JEAN DUPUIS
Jean Dupuis, hình trong sách L’Ouverture du fleuve Rouge…
Năm 1873, Jean Dupuis, mượn cớ đi ngược sông Hồng từ Hà Nội lên Vân Nam, Trung quốc, để tìm đường buôn bán, (nhưng thực ra là để dò xét nội tình và tài nguyên của Bắc kỳ). Khi đến Tuyên Quang, ngày 21. 1.1873, J.Dupuis, có ghi chép vài dòng.
Tạm dịch:
Chúng tôi bước qua mấy miếng ván đến bờ trái, là một ngôi làng tên Ouen-tcheou (?), tại đây, chúng tôi kiếm được 3 chiếc tam bản dấu trong bụi tre. Đi lên cao hơn một chút, chúng tôi đến cửa sông Trong (la rivière Claire, tức sông Lô). Người dân cho biết tên ngôi làng này là Tam Kỳ (Sun-Ki), nằm đối diện với Tuyên Quang (Tuyen-Kouang). Tuyên Quang là tên thành trì, còn Tam Kỳ là phố buôn bán. (Tuyen-Kouang est la citadelle et Sun-Ki la ville marchande) Ngay dưới phố này, mấy người lái đò gọi tên sông là Lô giang (Hô-yang), vì nó chảy từ chốn ấy, nhưng tên đúng của nó trong suốt chiều dài sông là Sông Lô (Tsin-hô) hay sông Trong. Ngay cửa sông là trạm thu thuế của người Việt và một ngôi làng nhỏ tên là Tuyên Lô (Tuyen-hô).
(Jean Dupuis, L’Ouverture du fleuve Rouge au commmerce et les Événements du Tong-kin 1872-1873. Paris 1879_p.45)
Như vậy, theo thông tin do người dân địa phương cung cấp, J.Dupuis cho biết tên thành là thành Tuyên Quang. Không biết sau thời gian này (1873), tại sao lại có tên là thành nhà Mạc ?
TRẬN TUYÊN QUANG
Thành nằm sát bờ sông Lô, có dạng hình vuông, kiểu Vauban, mỗi chiều dài 275m; cao 3,5m; dày 0,8m; gạch xây thành rất to so với gạch hiện nay, làm bằng đất có nhiều quặng sắt nên rất rắn. Có 4 cửa, cửa đông khống chế tuyến đường bộ duy nhất, còn sông Lô là tuyến đường thủy quan trọng.
(Thành cổ Tuyên Quang – Wikipedia tiếng Việt)
Trước tháng 4.1884, thành Tuyên quang do quân triều đình Huế đóng giữ. Tháng 5.1884, quân Thanh do Hoàng phu Tho ( hay Đường Cảnh Tùng (Tang Jingsong), chỉ huy quân Vân Nam, với sự trợ lực của Lưu Vĩnh Phúc, chỉ huy quân Cờ đen, đánh chiếm thành. Quan binh chạy về Hà Nội, nhờ Pháp giúp chiếm lại. Quân Pháp, do Đại tá Duchesne chỉ huy, có cớ để kéo lên và chiếm thành chỉ trong 1 ngày đêm (31.5.1884), rồi rút bớt quân, để lại 1 tiểu đoàn do Dominé chỉ huy, đóng giữ. Nhưng sau đó, quân Thanh cùng Cờ đen, quay lại vây thành (bắt đầu từ 12.10.1884). Có lúc, quân Cờ đen chiếm được vài đoạn thành, nhưng không sao vào được bên trong nên chúng tỏa ra đi cướp bóc các làng chung quanh, khiến dân rất khổ. Chúng bắn vào thành suốt đêm. Tình trạng quanh thành rất tồi tệ, nhiều dân công bỏ trốn lên núi.
Ngày 18.10.1884, Đại Tá Duchesne đem quân ngược sông Lô, đến giải vây cho Tuyên Quang lần thứ nhất, rồi rút đi, để thành cho Dominé giữ.
Quân Thanh cùng Cờ đen, quay lại vây thành.
(theo Histoire militaire de l’Indochine, tome II)
TUYÊN QUANG BỊ QUÂN THANH BAO VÂY
Ngày 24.11.1884, chỉ huy lực lượng Pháp, Đại tá Dominé, đồn trú ở thành Tuyên Quang tuyên bố thành bị vây hãm.
Lực lượng tham chiến khi ấy gồm:
Quân Pháp trong thành Tuyên Quang gồm cả lính Pháp và khố đỏ là 608 người.
Quân Thanh và Cờ đen có gần 15.000 lính.
Quân Thanh tấn công thành nhiều đợt (chừng 7 đợt), và lẻ tẻ nhiều trận đánh nhỏ, nhưng không sao chiếm được thành.
(Theo La Guerre du Tonkin)
Pháp, sau khi không chiếm được Lạng sơn, phải rút bớt 1 lữ đoàn qua chi viện để giải vây cho Tuyên Quang. Tuyên Quang bị quân Thanh và Cờ đen, bao vây suốt từ cuối tháng 11.1884 đến đầu tháng 3.1885, Pháp mới chiếm lại được.
Trận Tuyên Quang, theo đánh giá của Pháp, là trận ác liệt nhất, gây tổn thất nặng nề nhất, trong cuộc chiến Pháp-Thanh.
Về phía Pháp (theo báo cáo chính thức đăng trong La Guerre du Tonkin) có 49 tử thương; 31 bị thương và 188 bị thương nhẹ. Quân Thanh có 1.000 chết, 2.000 bị thương (theo Wiki, Siege of Tuyen Quang)
(Ghi chú thêm: con số thương vong không thống nhất ở nhiều văn bản khác nhau)
(Theo Việt sử tân biên, tập 5, 1963, Phạm Văn Sơn
Siege of Tuyen-Quang, Wiki
Histoire militaire de l’Indochine, Pierre Pasquier, tome II, Hanoi, 1931
La Guerre de Tonkin, Lucien Huard, Vol. II, Paris, 1886)
Tuyên Quang-Khi quân Thanh bao vây thành (thấy rõ tên cổng Đông Môn)_Histoire militaire de l’Indochine, tome II, p. 95
Lính khố đỏ (lính tập)
(Ảnh: Histoire militaire de l’Indochine francaise, tome II, Hanoi, 1931)
Trên, trái
Trên, phải
Toàn cảnh Tuyên Quang và sơ đồ trận chiến
(Lucien Huard-La Guerre du Tonkin-La Guerre Illustrée, Volume II, Paris 1886)
Ta thấy thành Tuyên Quang nằm trên đồi cao, bên phải sông Lô. Bên trái sông là trại lính Thanh. Vị trí thành rất khó bị thất thủ, quân Pháp dễ dàng ngược dòng sông Lô đưa chiến hạm tiếp tế lương thực hoặc hỗ trợ hỏa lực cho quân đồn trú.
1 trang trong tập ảnh của Trung sĩ Bobillot (phụ trách công binh) tham gia trận Tuyên Quang
Quân khố đỏ (lính tập) phục kích, 17.12.1884
Trận tấn công ngày 26.1.1885
Trận đánh ngày 12.2.1885
Trận đánh ở các đoạn tường thành vỡ ngày 24.2.1885
Tấn công ngày 28.2.1885
Thủy quân lục chiến của de la Table lội kênh rạch (de la Table, tức Tây Bàn, nhân vật tiểu thuyết gia Hoàng Ly nhắc đến trong các truyện nổi tiếng của ông: Giặc Cái, Một Thời Ngang Dọc)
Sơ đồ cuộc bao vây thành Tuyên Quang
(Siege of Tuyen Quang, Wiki)
Hai lính Cờ Đen bị quân Pháp bắt được tại Tuyên Quang.
(Siege of Tuyen Quang, Wiki)
TRẬN HOÀ MỘC
(theo Histoire militaire de l’Indochine Francaise, tome II)
Vị trí thành Tuyên Quang và Hoá Mộc
(Histoire militaire de l’Indochine)
Hòa Mộc là một địa điểm bên bờ sông Lô cách thành Tuyên Quang vài dặm đường về phía đông nam. Ngày 13 Tháng Hai năm 1885, sau khi không hạ được thành Lạng Sơn, nhưng đẩy quân Thanh phải rút về Quảng Tây thì tướng Louis Brière de l'Isle phái Đại tá Giovanninelli kéo quân sang giải vây Tuyên Quang, lúc bấy giờ đã bị vây chặt suốt mấy tháng trời (từ tháng 11.1884)
Ngày 2 Tháng Ba, lữ đoàn Pháp đến Hòa Mộc thì gặp tuyến phòng thủ của quân Tàu. Hai bên giao chiến suốt từ sáng đến tối. Đang đêm thì quân Thanh phản công dữ dội. Quân Pháp bị thiệt hại nặng: 76 tử thương trong đó có 6 sĩ quan, 787 bị thương trong đó có 21 sĩ quan; nhưng đến sáng ngày mồng 3 Tháng Ba khi sương mai tan thì quân Tàu đã rút cả đi. Vòng vây Tuyên Quang vỡ và quân Pháp củng cố được vị trí chiến lược ở khu vực sông Lô.
(Số thương vong trong trận Hòa Mộc còn lớn hơn số thương vong trong suốt hơn 3 tháng thành Tuyên Quang bị bao vây. Số liệu trích theo Histoire militaire de l’Indochine Francaise des debuts à nos jours Juillet 1931, Hanoi. Pierre Pasquier chủ biên)
THÀNH TUYÊN QUANG TRONG DU KÝ ALFRED CUNNINGHAM
Afred Cunningham là ký giả người Anh thường trú ở Hồng Kông. Mùa xuân năm 1902, thời kỳ Doumer làm toàn quyền Đông Dương, ông có đến thăm viếng Bắc kỳ, ghi lại các nhận xét trong chuyến đi này trong cuốn sách, xuất bản ở Hồng kông cùng năm ấy. Dưới đây là vài trích đoạn có liên quan đến Tuyên Quang.
Trên bờ sông đối diện, trên đỉnh đồi cao ngất ngưởng, là đồn binh Pháp, vốn là toà thành cổ Tuyên Quang.
(The French in Tonkin and South China, by Alfred Cunngham, Hongkong, 1902, p. 184)
TRẬN ĐÁNH ĐẪM MÁU Ở HOÀ MỤC VÀ VỤ BẮN TỈA VIÊN SĨ QUAN DIAH
(Lược thuật từ du ký của Alfred Cunningham)
Ngay lối vào hẽm núi sâu hiểm trở, như yết hầu chận lối, là toà nhà gỗ một tầng ngoạn mục. Mang tên viên Trung úy Diah, một tên tuổi lẫy lừng, làm khiếp đảm đoàn quân Thanh với Cờ đen, màu cờ của đêm tối, của giết chóc, của nỗi oán hờn, đoàn quân từng làm khắp Bắc kỳ run sợ, vì những vụ cướp bóc, tàn bạo và man rợ.
Thói quen khó bỏ của tay bắn tỉa, thói quen làm nên tên tuổi tay bắn tỉa lừng danh của quân đoàn viễn chinh Pháp thuộc địa, thói quen ngồi đúng một chỗ, nhấp ly rượu mùi thơm ngát, tỉa từng phát vào đúng mục tiêu, là hàng ngàn trong bốn chục ngàn quân đang vây chặt thành Tuyên Quang, ngôi thành xưa của người bản xứ.
Đó là buổi chiều định mệnh, nơi định mệnh an bài, cho một linh hồn tội lỗi. Ai kiên nhẫn hơn, sẽ thắng. Chứ không phải ai bắn giỏi hơn mới là người sống sót. Nấp trong bụi rậm, chờ làn khói tỏa lên, từ đầu súng. Một lần, hai lần, nhiều lần sau nữa, đã là mục tiêu khó trượt cho các tay súng Cờ đen. Cái thói quen đã làm hại chính anh ta, trung úy Diah, tưởng như mình là nhà vô địch. Một tràng súng, nghe dài như vô tận. Không trượt phát nào. Lãnh trọn vẹn loạt súng ấy, trung úy Diah, không người thân, không bạn bè, nằm xuống, một lần và mãi mãi. Tiễn đưa một linh hồn về nơi xa khuất, chỉ có tiếng la hét man rợ của hàng ngàn tay súng ngoài kia.
Ngôi nhà, do bạn bè, đồng đội xây lên, như một nơi tưởng niệm, cho một con người…
TRÍCH ĐOẠN VỀ ĐẠI ÚY DIA
(Dia chứ không phải Diah như A. Cunningham viết), tay súng lừng danh trong La Guerre du Tonkin, của Lucien Huard, vol 2, p. 643, trận Tuyên Quang :
Đại uý Dia là tay súng cực kỳ điêu luyện. Sáng nào cũng vậy, để kích thích tinh thần cho lính khố đỏ, anh ngồi đúng một chỗ trong hào, bắn hạ tất cả lính Tàu đi qua mũi súng của anh. Trong chính con hào này, anh đã bị giết, vì lính Tàu không phải không nhận ra, và tới một lúc, anh trở thành mục tiêu khó trượt cho các tay súng giỏi nhất của họ.
TRÍCH ĐOẠN VỀ ĐẠI ÚY DIA
từ Histoire militaire de l’Indochine, tome II:
Chỉ huy DOMINÉ tăng cường phòng thủ; ông ra lệnh xây một lô cốt cách thành 300 mét về phía nam; trong đó, các chiến hào được đào ngắn gọn để từng tổ tác chiến có thể thông nhau, khuất tầm ngắm của địch.
Tháp canh dựng tựa vào các tảng đá nổi lên từ dòng sông. Điểm này, có tên “Tiểu Gibraltar”, trong thời gian bị bao vây, do Đại đội 8 của Lữ đoàn 1 quân khố đỏ trấn giữ; chính tại đó, Đại úy Dia đã bị một viên đạn vào trán, giết chết. Viên sĩ quan này, một tay thiện xạ rất giỏi, nấp sau lỗ châu mai đã từng bắn hạ, tất cả những lính Thanh xuất hiện trước mũi súng của anh.
Lính lê dương bắn tỉa ở Tuyên Quang (có thể đây là hình ảnh của Đại úy Dia)
(Siege of Tuyen Quang, Wiki)
…Để chuyến đi ngắm cảnh bớt tẻ nhạt, người hướng dẫn chỉ cho chúng tôi thấy những tảng đá lô xô, nơi mà, con tàu hơi nước đã va vào rồi chìm xuống. Khách du, cùng vợ con, chết đắm, với dân bản xứ. Với cả số tiền, nghe nói lên tới tám mươi ngàn đồng quan, chẳng bao giờ thu hồi lại được nữa.
Một bãi cát khác, nơi con tàu vũ trang xô vào và đắm. Không ai sống sót, kể lại câu chuyện buồn của mình. Chỉ có sóng xô bờ, rì rào như lời kinh cầu, bi ai và sầu thảm.
Mà các tay thực dân, luôn bị nỗi hiểm nguy quyến rũ. Còn chúng tôi, thì không bao giờ hỏi về nỗi hiểm nguy, chỉ để cho, sự tưởng tượng lôi mình đi theo chúng.
Trận Hoà Mục, tháng 3.1885
Gần Hoa-Muc (Hoà Mục hay Hòa Mộc hay Hóa Mộc, nay là xã thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Hoà Mộc chỉ cách thành Tuyên Quang vài dặm đường), người ta chỉ cho chúng tôi thấy đài tưởng niệm tám trăm lính Pháp, chết trong cuộc phục kích của quân Thanh, mà con số lên tới ba mươi ngàn quân.
Các trận đánh nổi tiếng như thế, mức độ tàn khốc và đẫm máu, chúng tôi nghe kể vô khối, từ các biên niên sử Bắc kỳ. Nhưng con số dự trận và bị giết, luôn khác nhau rất xa. Vẫn có những số phận, thoát chết thật kỳ lạ, để kể lại nhiều chuyện hoang đường, thần thánh hóa sự kiện và con người.
Và, giờ đây, chỉ còn tòa thành cổ, giữa lòng thành phố, nằm lặng ngắm khách muôn phương qua lại, không buồn kể, câu chuyện xưa, chẳng mấy ai biết tới.
Tháng 4.2023
NTH
-
ĐỀN TRẦN VÀ THÁP PHỔ MINH< Trang trước
-
TRÀ KIỆU NỀN CŨ LÂU ĐÀI BÓNG TỊCH DƯƠNGTrang sau >