TRÀ KIỆU, NỀN CŨ LÂU ĐÀI BÓNG TỊCH DƯƠNG
Lâm Ấp và Chiêm Thành là 2 vùng đất rất phức tạp. Trước đây người ta biết đến Lâm Ấp chỉ qua nguồn sử liệu Trung quốc, đến khi người Pháp khám phá ra các bia đá khắc bằng tiếng Phạn và tiếng Chăm cổ trong các tỉnh miền trung Việt Nam thì nhiều chữ không còn đọc được nữa, số còn lại thì rời rạc nên hiểu được trọn vẹn ý nghĩa là gần như không thể, chưa nói đến chắc rằng rất nhiều bia khác đã bị hủy hoại do con người hay hư hỏng do thiên nhiên hay còn nằm lẩn khuất đâu đó dưới lòng đất. Một số bia có ghi niên đại, một số thì không. Nên niên đại của bia được ước đoán có thể sai số đến 2, 3 thế kỷ. Số bia ở Bảo tàng Chăm, Đà Nẵng khá ít ỏi. Và trong số 206 bia còn lưu trữ bên Pháp, có đến 86 bia tiếng Chăm cổ và 15 bia tiếng Phạn chưa được dịch và nghiên cứu. Sử liệu Champa vẫn mờ mịt như mây khói. Các học giả Pháp đầu thế kỷ 20 cho Lâm Ấp là tiền thân của Chiêm Thành. Theo quan điểm mới hiện nay, nhiều học giả cho đây là 2 vương quốc tách biệt nhau. Nhưng vẫn có ý kiến phản bác rằng đây là 2 cái tên khác nhau chỉ cùng một vương quốc. Lâm Ấp và Champa là những đợt sóng ngược xuôi hay những trang dang dở của lịch sử. Tranh luận về hai miền đất này vẫn chưa có hồi kết cho đến khi nào trên xứ Amaravati xưa hay Quảng Nam nay xuất hiện một chứng tích rõ ràng nào đó…
Kinh thành Sinhapura xưa, tranh màu nước của Claeys thực hiện cho Triển lãm Thuộc địa tại Lâu đài Vincennes 1931
(The Excavations of J.-Y. Claeys at Tra Kieu, 1927-28: from the unpublished archives of the EFEO, Paris and the records in the possession of the Claeys family
Ian C. Glover, Journal of The Siam Society Vol 85, Parts 1 & 2, 1997)
Ngày xưa thường nghe người thân nhắc đến một số địa danh ở Quảng Nam, như Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Câu Lâu. Chỉ một, hai lần nhắc đến Trà Kiệu. Vậy mà Trà Kiệu lại là nơi các nhà khảo cổ, sử gia phỏng chừng có thể là Lâm Ấp, mà sử Trung quốc đề cập tới. Hay gần đây, có thể là Kinh thành Sư tử, hay Sinhapura, tên được ghi trong vài văn bia Champa tìm thấy ở Mỹ Sơn, Đồng Dương cũng trong tỉnh Quảng Nam.
Nhà khảo cổ Louis Finot (1864-1936, sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Viện Viễn đông bác cổ, École Française d'Extrême- Orient), lần đầu nói đến nó là trong các bài khảo cứu về văn bia tìm thấy ở Mỹ Sơn, đăng trên BEFEO, Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient, năm 1904:
Miền này nằm trong vùng lân cận của một thành phố tên là Siňhapura hay Sinhàpura, nằm bên Sông Thu-Bồn, mà người ta nghi ngờ nó là "con sông Sinhàpura", và vị trí của nó có lẽ nên được tìm kiếm tại phế tích Trà-kiệu. Xa hơn về phía đông nam là thành phố Indrapura (Đồng Dương). Chúng tôi tin rằng những thành phố này là một phần của đất nước Amaravati, một trong ba hoặc bốn tỉnh lớn ở miền nam Champa.
(Les Incriptions de Mi-son, Louis Finot, BEFEO, 1904, trang 915)
Louis Finot ghi nhận từ Sinhapura xuất hiện trên 3 văn bia ở Mỹ Sơn, có 3 niên đại khác nhau:
_ Sớm nhất là bia có niên đại 867 CN: …thần (ở) đền Mỹ Sơn đến tận Sinhapura, và có…thần đền Mỹ Sơn (Inscriptions de Mi son, BEFEO, 1904, trang 946)
_ Bia niên đại 1080: (Ngôi đền của) Içanabhadreçvara đã bị tàn phá và bị ... yuvarâja(?) ra lệnh cho người dân Sinhâpura làm… (Inscriptions de Mi son, BEFEO, 1904, trang 938)
_ Bia niên đại 1157 CN : Cánh đồng Salamvan từ sông Sinhapura đến rừng Lak (Inscriptions de Mi son, BEFEO, 1904, trang 962)
Nên J.-Y Claeys trong khi đi tìm kinh đô Lâm Ấp ở Trà Kiệu vì nó nằm bên sông Thu Bồn thì lại phát hiện ra vết tích một ngôi đền cùng dấu vết quần cư mà sau này người ta nghĩ rằng đó là Sinhapura.
Jean-Yves Claeys (1896-1978) là kiến trúc sư đam mê khảo cổ làm việc cho Viện Viễn đông bác cổ ở Đông Dương từ 1923-1953.
Nhiều học giả của Viện và đặc biệt là Léonard Aurousseau (1988-1929, thành viên của Viện và là giám đốc từ 1926-29) tin rằng Trà Kiệu là kinh đô của Lâm Ấp đã bị Trung quốc tàn phá vào thế kỷ V. Nhiệm vụ của Claeys trong các năm 1927-28 dưới sự hướng dẫn của Aurousseau là chứng minh giả thuyết này.
DI CHỈ TRÀ KIỆU
Những nghiên cứu đầu tiên của nhiều học giả Pháp về bi ký Chăm từ cuối thế kỷ 19 (sớm nhất là Abel Bergaigne, 1893: Inscriptions Sanscrites de Campa et du Cambodge) đã thúc đẩy Claeys lên đường. Những gì còn lại của một đô thành Chăm cổ với chân đế tháp, tường bao quanh ở Trà Kiệu trong thung lũng sông Thu Bồn, quận Duy Xuyên, Quảng Nam đã được biết đến từ lâu. Nhưng dù có tìm thấy quanh Trà Kiệu một số tác phẩm điêu khắc và bi ký thuộc thế kỷ 5, 6 thì những tượng, những cấu trúc xây dựng lại thuộc về thế kỷ 9, 10. Còn hầu hết đồng tiền Claeys tìm thấy ở đó lại thuộc về thế kỷ 11. Trong khi từ thế kỷ VIII về sau, sử Trung quốc không còn nhắc đến tên Lâm Ấp nữa.
Quan điểm của hầu hết các học giả hiện đại (từ 1947 về sau) cho là Aurousseau đã sai. Lâm Ấp ở phía bắc đèo Hải Vân kia. Nhưng điều này chỉ được nêu ra sau cuộc khai quật Trà Kiệu.
Dấu tích Claeys tìm được cho thấy có ít nhất 3 giai đoạn xây dựng một phức hợp ngôi đền chính ở Trà Kiệu và đã có một địa điểm quần tụ dân cư lớn ở Trà Kiệu vào thế kỷ 5, 6. Đó là ngói mặt hề, gạch đóng khuôn, đài thờ lớn (chính là đài thờ Trà Kiệu), tượng voi, sư tử và cả bệ thờ Trà Kiệu (có tượng nữ thần Apsara hay còn gọi là vũ nữ Trà Kiệu). Địa điểm còn tồn tại đến thế kỷ 11 như các công trình xây dựng và tác phẩm điêu khắc cho thấy.
Sơ đồ chân toà tháp tại 2 điểm A, B, trong cuộc khai quật của Claeys, 1927 (The Excavations at Tra Kieu)
Chân toà tháp tại điểm A. Không ảnh của Claeys, 1927. Đây là nơi tìm thấy Đài thờ Trà Kiệu. (The Excavations at Tra Kieu)
Dấu vết thành cũ ở Trà Kiệu có phải là Kinh thành Sinhapura không thì chưa biết. Nhưng dù sao, toà thành xây từ thế kỷ IV, cho thấy đây đã là một xã hội có tổ chức, biết sử dụng văn tự Chăm cổ (xem bi ký Đông Yên Châu). Toà tháp, như trong bức tranh của Claeys, có tài liệu cho là có thể cao đến 40m (trong khi tháp Mỹ Sơn A1 chỉ cao đến 28m): vương quốc hùng cường nào xây được tòa tháp uy nghi, diễm lệ đến thế ?
Vì kinh thành Sinhapura đã không còn nữa, hãy hình dung nó qua tháp Mỹ Sơn A1 qua ảnh của Parmentier vậy:
Mỹ Sơn A1: Parmentier 1909, Wiki
CHIÊM THÀNH VÀ VĂN TỰ CHĂM CỔ
Champa là tên tự xưng của người Chăm, xuất hiện trên bi ký Mỹ Sơn E6, do Louis Finot công bố lần đầu năm 1904 trên BEFEO. Bi ký ghi niên đại 658 CN. Bi ký này khắc tên Champa nhiều lần:
Campâpuryyâm : thành phố Champa
Campâpuraparameçvaro: chúa tể vĩ đại của thành phố Champa
Campânagaryyà : vương quốc Champa
(Inscriptions de Mi son, BEFEO, 1904, tr. 918, 921)
Từ sau 877, sử Trung quốc gọi là Chiêm Thành là gọi theo tên người Chăm tự xưng. (Chiêm Thành-Campapura: Campa>Chiêm; Pura>Thành _ Thành của người Chiêm).
(G. Maspéro, Le Royaume de Champa, dẫn sử liệu Trung quốc cho biết vào năm 877, năm thứ tư hiệu Càn Phù, đời vua Đường Hi Tông, Chiêm Thành (Tch’eng-cheng) cống nạp 3 con voi. Đây là lần đầu tiên tên Chiêm Thành xuất hiện trong sử Trung quốc. Trước đó, từ đời Đường Túc Tông trở đi, 756-757, không dùng tên Lâm Ấp nữa mà thay bằng tên Hoàn Vương.
GS Nguyễn Văn Huy, trong bài Tìm hiểu cộng đồng người Chăm ở Việt Nam giải thích là, vào năm 757 một tiểu vương xưng là Prithi Indravarman ở phía nam, tức tiểu quốc Panduranga nay là Ninh Thuận, nổi lên hạ bệ vương triều cũ phía bắc đô ở Trà Kiệu, tức tiểu quốc Amaravati, thống nhất các tiểu quốc và dời đô từ Sinhapura, thành phố Sư tử (Trà Kiệu) về Virapura, thành phố Hùng Tráng (Ninh Thuận). Khi sang triều cống Trung quốc, không biết sứ giả giải thích ra sao mà sử Trung quốc lại đặt tên cho lãnh thổ mới của người Chăm này là Hoàn Vương quốc, “vương quyền trở về quê cũ” . Vương triều Hoàn vương này chỉ tồn tại từ 758 đến 854, nhưng rất hùng cường và phồn vinh nên các lân bang như Java, Malay, Khmer thường vào để buôn bán và cướp phá .
GS Nguyễn Văn Huy cho biết thêm, Campa cũng là tên cây có hoa trắng nhụy vàng, hương rất thơm người Việt gọi là hoa đại hay bông sứ; Campa cũng là tên một địa danh miền bắc Ấn Độ, trên con sông Hasdo, tỉnh Madhya Pradesh, gần thành phố Bhagalpur (Bilaspur). Thời đó, vì mến mộ văn minh và văn hóa Ấn Độ, các vị lãnh đạo Champa thường đặt tên triều vương, lãnh thổ và thành phố của mình theo tên các địa danh đã có tại Ấn Độ.
Ta hiểu là quốc hiệu Campa hay Champa đặt theo tên địa danh ở Ấn Độ, rồi tên này được đặt cho tên loài hoa người Chăm dùng dâng cúng hay trồng quanh nhà.)
Như vậy tên Champa đã có ít nhất từ 658 như bi ký Mỹ Sơn ghi chép, nhưng sử Trung quốc không ghi nhận được. Có thể sự tranh chấp quyền lực giữa các tiểu quốc nên không có sự thống nhất về danh xưng.
Nhờ bia đá tìm thấy ở Trà Kiệu do G.Coedès công bố năm 1939, người ta biết rằng vào thế kỷ thứ 4, dân tộc sống trong vùng (ít nhất là quanh Trà Kiệu, Mỹ Sơn) đã nói một thứ tiếng, đó là tiếng Chăm.
Đó là bi ký Đông Yên Châu. Bi ký Đông Yên Châu là một bản khắc chữ Chăm cổ được tìm thấy vào năm 1936 tại Đông Yên Châu, phía tây bắc Trà Kiệu, gần kinh đô Indrapura cũ của Champa, Việt Nam. Niên đại khoảng 350 CN. Dựa vào dạng cổ tự khắc trên bia, người ta cho là thuộc thời kỳ Bhadravarman I, vương triều thứ hai, cai trị Champa vào thế kỷ IV. Đây là bia khắc ngôn ngữ Chàm cổ nhất tìm thấy ở Việt Nam. Ngôn ngữ bản địa này chứng minh rằng vào thế kỷ IV, tại đây đã có dân tộc nói tiếng Chăm sinh sống.
Bhadravarman là người xây dựng những kiến trúc tôn giáo quanh Mỹ Sơn, dâng cho thần Siva Bharesvara, ngôi đền này bị lửa thiêu rụi hai thế kỷ rưỡi sau đó.
Kinh đô của Bhadravarman ở phía đông Mỹ Sơn, nay là Trà Kiệu, chu vi vùng đất này được nói đến trong các bia đá ở Quảng Nam và Phú Yên (niên đại của bia theo Abel Bergaigne và Louis Finot khoảng năm 400 hoặc xưa hơn). Bia thứ ba (là bia Đông Yên Châu) khắc bằng tiếng Chăm hoặc một loại thổ ngữ Indonosia (the Cham language or in any Indonesian dialect), nội dung là một dạng thức báng bổ kinh điển về xà thần của vua (an imprecatory formula ordering respect for the "näga of the king”). Văn khắc sử dụng ngôn ngữ địa phương cho thấy vào thế kỷ IV, vùng này đã có dân tộc nói tiếng Chăm sinh sống).
(George Coedes_The Indianized States of Southeast Asia, Australian National University Press, 1968, p. 48)
Nội dung:
Thời vận! Đây là xà thần của người.
Ai tôn trọng người, với ngươi vàng bạc rơi từ thiên đường.
Ai sỉ nhục người, kẻ đó sẽ ở địa ngục nghìn năm, với bảy đời gia đình hắn.
(Không biết tấm bia cổ tán tụng công đức của vua Phạm Hồ Đạt mà Thủy kinh chú nhắc đến có phải là tấm bia Đông Yên Châu này không ?)
(Hiện nay, người ta cho văn tự trên bia Đông Yên Châu là tiếng Chăm cổ, Old Cham hoặc tiếng Bà la môn phương Nam cổ (Old Southern Brahmic)
Vậy theo G. Coedes, Bhadravarman là người xây dựng kinh thành Trà Kiệu vào năm 400 và cũng trong khoảng thời gian đó, Trà Kiệu hay kinh thành Sư tử đã có văn tự riêng, tiếng Chăm cổ.
Nếu người Chăm biết tiếng Phạn là do tiếp xúc với văn minh Ấn Độ, thì họ biết tiếng Chăm là do đâu. Tiếng Chăm được xếp vào nhóm ngữ Malay-Polynesia, ngữ hệ Nam Đảo Austronesia. Do họ tự sáng tạo, do cư dân Nam Đảo đưa vào hay họ là người Nam Đảo di cư vào ?
KẾT QUẢ NHỮNG CUỘC KHAI QUẬT TỪ 1990-2012
Từ 2009-2012, nhóm khảo cổ Việt Nhật thực hiện một đợt khai quật nữa ở Trà Kiệu.
Khu vực Trà Kiệu trải dài theo bờ phía nam của một nhánh sông nhỏ của Sông Thu Bồn, thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nó được bao bọc bởi các thành luỹ rất vuông vức. Dãy thành phía nam trải dài liên tục khoảng 1.500 m từ tây sang đông; chiều rộng của thành khoảng chừng 550m từ nam ra bắc. Thành luỹ phía đông và phía bắc còn lại khá rõ, khoảng 2-3 m cao hơn cánh đồng lúa hiện nay, với chiều rộng ở chân thành khoảng 33 m. Thành xây gạch, đổ đất ở giữa. Được xây từ nửa đầu thế kỷ IV và các tác giả kết luận rất dè dặt là dựa vào cách xây dựng, hình dạng của gạch ngói, thì thành chịu ảnh hưởng từ phương bắc.
Chuyên luận còn nhắc lại sử Trung quốc:
“Công trình xây dựng các thành luỹ của thủ đô Lâm ấp (Linyi) có thể được đề cập đến trong quyển 97 sách Tấn thư và quyển 36 sách Thuỷ kinh chú. Vua của nước Lâm ấp, Phạm Dật mất năm 336 sau Công Nguyên và ngai vàng của ông bị cướp đoạt bởi 1 gia nô cũ gốc Trung Quốc có tên Phạm Văn (trị vì 336-349). Ông này được cho là sinh ra ở hạ lưu Sông Dương Tử và cuối cùng tham gia phục vụ cho vua Lâm ấp. Phạm Văn đã xây dựng một cung điện cho Phạm Dật, và có mưu đồ cũng còn xây dựng cả thành ấp, có thể là những chiến luỹ . Nếu Phạm Văn đã xây dựng các thành luỹ của kinh đô, công trình đó ắt phải có niên đại vào thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên. Quyển 36 của sách Thuỷ kinh chú cũng còn thuật lại rằng “tường thành của Lâm ấp có 4 cửa. Cửa chính hướng ở phía đông, ở chỗ đường quanh có tấm bia cổ tán tụng công đức của đức vua Phạm Hồ Đạt”. Phạm Hồ Đạt trị vì từ năm 380 đến năm 413 sau Công Nguyên”.
Hình như các tác giả muốn kết nối Lâm Ấp với thành Trà Kiệu.
Khai quật thành đông Trà Kiệu, ảnh Nguyễn Hoàng Bách Linh
(Đỗ Trường Giang, Suzuki Tomomi, Nguyễn Văn Quảng, Yamagata Mariko_ Asian Review of World Histories, 2017)
Ngoài ra còn nhiều đợt khai quật khác như:
Các đợt khai quật 1996, 1997,1999 cho đến 2000 trên đất Trà Kiệu đã được thực hiện nhiều lần bởi nhóm nghiên cứu, bao gồm GS Ian Glover, TS Yamagata Mariko, TS Ruth Prior, TS William Southworth, TS Nguyễn Kim Dung, có thêm các nhà nghiên cứu khác tùy các năm thực hiện.
Kết quả cũng gần giống như trên.
Bờ thành nam của thành Trà Kiệu, khai quật năm 2003
Hố khai quật bờ thành Nam của thành Trà Kiệu năm 2003
(Lâm Thị Mỹ Dung_Lâm Ấp qua những tài liệu khảo cổ học – 3. Lâm Ấp qua những nghiên cứu ở Duy Xuyên II. Trà Kiệu (cư trú) và Trà Kiệu (thành) (baotanglichsu.vn)
Trà Kiệu, có thể là Kinh thành Sư tử xưa, Sinhapura. Cũng có thể từ đây, nhà sư Phật Triết đã sang Nhật bản để truyền lại nhã nhạc cung đình cho người Nhật. Như người Nhật đã ghi chép rằng có một nhà sư tên là Phật Triết, ở xứ Lâm Ấp, sang Nhật vào thế kỷ thứ bảy.
(Sự tích về Phật triết của Lâm Ấp trong tiến trình giao lưu văn hóa Việt – Nhật _ Onishi Kazuhiko)
Tên Sinha này cũng là tên vị vua, Jaya Sinhavarman I, vương triều thứ sáu, 875-991. Nổi tiếng nhất trong dòng họ này là ông vua Jaya Sinhavarman III, ( ? – 1307), mà sử Việt gọi là Chế Mân, người đã cưới công chúa Huyền Trân, em gái vua Trần Anh Tôn.
Theo bi ký Đồng Dương, tên kinh thành Indrapura (nghĩa là kinh thành Sấm Sét) được đặt theo tên vua trị vì, Indravarman. Vậy có phải tên kinh thành sư tử Sinhapura được đặt theo tên vua, Sinhavarman ?
Lịch sử Champa còn nằm trong bi ký, viết bằng Phạn ngữ và Chăm ngữ cổ, kỳ bí, huyền hoặc còn hơn Cửu Dương và Cửu Âm chân kinh mặc cho thiên hạ tranh cãi nhau về nguồn gốc của họ. Đền tháp, tượng điêu khắc, phù điêu Apsara thì mơ màng quyến rũ như thần tiên nương tử, thế nên biết bao thế hệ sử gia, khảo cổ gia…vẫn mê say đắm chìm trong vũ trụ, không phải vũ trụ của tạo hóa mà là vũ trụ… Champa.
Ví dụ như bia Võ Cạnh này (Bảo tàng quốc gia) , tìm thấy ở Khánh Hòa (có lẽ khoảng 1885, vì được E. Aymonier làm bản rập văn bia vào năm ấy), cho tới năm 1901 vẫn dựng bên ngôi tháp gạch ở làng Võ Cạnh, tổng Vĩnh Trung. Nửa phần trên không đọc được nữa, chỉ còn dăm hàng ở dưới mà chữ còn chữ mất. Cho tới nay nó vẫn là đề tài gây tranh luận không ngớt về nguồn gốc, chủ nhân, niên đại…Người ta tạm ước đoán niên đại của nó là từ thế kỷ I-IV hay II-III. Thuộc một tiểu quốc nào đó chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ. Là bia khắc bằng Phạn ngữ cổ nhất ở Việt Nam.
Từ một ghi chép mơ hồ của Louis Finot năm 1904, qua cuộc khai quật của J-Y Claeys năm 1927, và nhiều khai quật sau đó vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, kinh thành Sư tử Sinhapura đã dần hiện hình. Chỉ tiếc là ngôi đền chính, ngôi đền vĩ đại, uy nghi, soi bóng bên dòng sông Hoài thủy (dòng sông được lưu danh trong Thủy kinh chú mà sau này đổi tên thành Thu Bồn, cho nên đoạn chảy qua phố Hội có tên Hoài Phố, người Pháp đọc thành Faifo), nơi vua Bhadravarman, cùng dàn nhạc cung đình _ có phải nhà sư Phật Triết là nhạc trưởng của dàn nhạc cung đình này không?_ những vũ công Apsara diễm lệ, thưởng thức những điệu nhạc dìu dặt, mê li đã biến mất. Vì đâu? Hỏa hoạn như George Coedes đã viết, Đàn Hoà Chỉ (năm 446) hay Lưu Phương (năm 602) tàn phá để cướp đi bao nhiêu là bạc vàng châu báu. Chiến tranh hay con người đã hủy hoại nó ? Để chúng ta chỉ còn ngậm ngùi hình dung qua bức tranh vẽ theo tưởng tượng của Claeys.
NHỮNG TUYỆT TÁC ĐIÊU KHẮC CỦA TRÀ KIỆU
Thành phố Sư tử, hẳn phải có nhiều tượng sư tử. Thế mà ta chỉ còn nhìn thấy chúng qua vài hình ảnh. Như bức tượng này, chép lại từ sách Le Royaume de Champa của George Maspéro, bản in 1928, mà theo như ghi chép trong sổ tay hiện trường khai quật 1927-28 của J-.Y. Claeys thì đã tặng cho vua Xiêm:
Phác thảo sư tử đá, đã tặng cho vua Xiêm, hiện để ở Bảo tàng quốc gia Thái lan, Bangkok (The Excavations at Tra Kieu)
Hay tượng này, hiện để ở bảo tàng Georges Labit, Pháp:
Tượng sư tử Trà Kiệu ở bảo tàng Georges Labit, Toulouse, Pháp (L’art de Tra Kieu au Musée Georges Labit de Toulouse).
Ta chỉ còn ngắm được chúng qua bốn tượng sư tử ở bốn góc Đài thờ Trà Kiệu, của bảo tàng Chăm Đà Nẵng mà thôi:
Đài thờ Trà Kiệu: Kiệt tác điêu khắc thời Chăm-pa | Báo Dân tộc và Phát triển (baodantoc.vn)
Còn đây là tuyệt tác của nền mỹ thuật điêu khắc Chămpa, tượng nữ thần Apsara, hay thường gọi là vũ nữ Trà Kiệu. Thân hình uốn cong rất duyên dáng, gương mặt tuyệt mỹ, tĩnh lặng, thanh thoát với nụ cười mơ hồ, có kém gì nụ cười bí ẩn thoáng qua môi nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci, (và hãy thử nhìn qua tạo hình gương mặt các tượng Apsara của Ấn đô và ở đền Angkor). Đây là thời hoàng kim của Champa, và phong cách mỹ thuật của thời kỳ này là đỉnh cao nhất, phong cách Trà Kiệu.
(Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Phòng trưng bày Trà Kiệu — Google Arts & Culture)
Sinhapura…
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…
Tháng 9. 2022
NTH
-
TUYÊN QUANG THÀNH CỔ< Trang trước
-
TÁO KHUYẾT VÀ TRĂNG KHUYẾTTrang sau >