TÀI THẦN XẠ CỦA HOÀNG HOA THÁM

TÀI THẦN XẠ CỦA HOÀNG HOA THÁM VÀ BA NGƯỜI CON TRAI

 

Cả Huỳnh, Cả Trọng, Cả Rinh

Trong ba Cả đó, Tây kinh Cả nào ?

Bắc Giang, Phủ Lạng thì thào

Rằng Tây kinh nhất Cả nào bắn ghê

Đứng trên ngọn núi bắn về

Chính ông Cả Trọng bắn ghê nhất đời…

( Đề từ truyện ngắn Hẹn giờ chết của Hoàng Ly, đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay)

Cuộc kháng chiến chống Pháp của người anh hùng Hoàng Hoa Thám kéo dài suốt gần 30 năm (1884-1913). Thế cùng lực kiệt, nhưng ông chỉ thua vì bị phản bội, chứ quân Pháp không bắt được ông. Và theo nhiều tài liệu, nhân chứng, giai thoại dân gian, người bị giết rồi bêu đầu không phải là ông, chỉ là một người gần giống ông thôi.

Tài thao lược của ông khiến quân Pháp thất điên bát đảo. Rất nhiều lần, không phải Đại lý Nhã Nam, Công sứ Pháp ở Phủ Lạng Thương mà chính Thống sứ Bắc Kỳ phải ký hoà ước với ông.

Biệt tài quân sự của ông thể hiện rõ nhất ở tài bắn súng. Không chỉ ông, mà cả ba người con trai đều bắn nhanh hơn cái bóng của chính mình.

Tạm mượn hình ảnh anh chàng cao bồi Lucky Luke trong bộ truyện tranh cùng tên của Morris Gosciny để thể hiện tài bắn của Hoàng Hoa Thám và các con như mấy câu ca dao ở trên :

“Quân cốt tinh không cốt đông”, câu nói lưu danh của Hưng Đạo Vương được Hoàng Hoa Thám áp dụng triệt để vào đội quân ít ỏi nhưng thiện chiến của ông.

Các trích đoạn sau đây chép lại từ tác phẩm biên khảo công phu với nhiều tài liệu mới của tác giả Khổng Đức Thiêm nhằm khắc họa biệt tài nói trên.

Cả Trọng, Hoàng Đức Trọng, con trai Đề Thám, sinh 1877. Ông kế thừa ở người cha nhiều đức tính quý báu, thông minh, điềm đạm, kiên định, căm thù giặc Pháp đến xương tủy. Cả Trọng chuyên lo việc tổ chức huấn luyện đội ngũ, quân nhu và lo việc giao dịch các nơi. Ông nổi tiếng về tài  chiến trận và tài bắn trăm phát trăm trúng.

Cà Dinh, con trai Đề Sử ở Ngô Xá, thường được gọi là Thân Đình Dinh, bằng tuổi Cả Trọng. Mồ côi cha từ sớm, ông được Đề Thám nhận làm con nuôi và năm 1900, cai quản đồn Am Đông, chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở ở các tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Cả Dinh bắn rất giỏi.

Cả Huỳnh, họ Lê, con trai Chánh Tả ở My Điền ( Việt Yên, Bắc Giang), thường được gọi là Thân Văn Huỳnh, sinh 1876, người cương nghị, mạnh mẽ, can đảm và mưu trí, cũng là con nuôi của Đề Thám.

 

Nghĩa binh

 

Về kỹ thuật tác chiến, nghĩa quân được tập luyện rất cẩn thận, nhất là kỹ thuật bắn. Thường xuyên tổ chức tập bắn bia, có nhiều người nói nghĩa quân chỉ dùng nỏ để bắn bia cho đỡ tốn đạn. Hiện vẫn còn di tích bãi bắn bia của nghĩa quân ở Mỏ Trạng, Am Đông. Nhờ tập bắn chu đáo nghĩa quân bắn rất giỏi. Theo lời các cụ kể lại thì nghĩa quân bắn nỏ cũng rất tài. Gác một cây tre có 28 đốt, đứng xa 100m, dùng nỏ bắn 28 phát, mũi tên nào cũng cắm sâu vào từng đốt tre.

Nhiều làng còn các địa danh như Xó Bia, Đồi Bia… chỉ nơi tập bắn của nghĩa quân xưa. Bia là những con chim bay giữa trời, con sóc nhảy nhót trên đỉnh ngọn cây cao. Vì thế những mẩu chuyện về tài bắn của nghĩa quân có khá nhiều. Cả Trọng có tài bắn xuyên qua 7 chiếc chai xếp hàng dọc. Cả Dinh có tài bắn xuyên qua những chiếc vòng đeo tay tung lên trời. Cả Huỳnh bắn chính xác đến nỗi hai ngón tay của ai đó giơ lên đàng xa chỉ thấy mát lạnh vì viên đạn vèo qua kẽ tay…

Truyện kể rằng bọn giặc vây đồn Hố Chuối, đến lúc đói bụng tên nào bò lên khỏi hố cá nhân, đưa cơm hay lấy cơm, đều bị nghĩa quân bắn chết. Có tên với tay ném cơm sang hố bên cũng bị đạn cụt tay. Sợ quá bọn chúng chỉ dám hất nắm cơm từ hố này sang hố kia để tiếp tế cho nhau, thì những nắm cơm cũng bị bắn tung toé trên không.

Chuyện Lí Nhã trá hàng dẫn bọn lính đồn Nhã Nam vào vườn ổi Lan Giới cũng nói lên tài thiện xạ của nghĩa quân. Dò dẫm giữa vườn ổi, vừa vướng cành ngang cành dọc, vừa trượt chân trên đám ổi xanh lăn lóc đầy mặt đất, bọn địch lọt giữa ổ phục kích, chết khá nhiều. Lũ còn lại chạy bán sống bán chết về đồn. Lí Nhã là người mình, vậy mà để địch khỏi nghi ngờ, nghĩa quân vẫn phải “bắn” Lí Nhã. Những viên đạn tài tình của nghĩa quân chỉ làm rách bụng, cháy sém quần áo bên ngoài, làm xổ tung và thủng lỗ chỗ cái khăn quấn đầu của Lí Nhã. Bọn địch càng tin Lí Nhã và theo Lí Nhã truy lùng nghĩa quân trong những khe rừng, hẻm núi như trò chơi đuổi hình bắt bóng, chỉ thêm thiệt người hại của. Mãi về sau, Lí Nhã bị lộ. Cũng như Đề Tiền, ông chịu bị chặt đầu chứ không đầu hàng giặc. Chuyện Cai Tề chốt trên Mỏ Thổ cũng rất lí thú. Thời gian này, Lãnh Túc đã đầu hàng Pháp và đi theo chúng lên núi Mỏ Thổ, mưu đồ dụ Cai Tề ra hàng. Lãnh Túc leo trước, gọi: “Tề ơi! Ta lên bàn chuyện này, đừng bắn”. Hắn leo gần tới tảng đá lớn, nơi nhóm nghĩa quân ẩn nấp. Chỉ nghe “đóp” một tiếng, cả thân hình hắn đã ngã vật xuống giữa hai mỏm đá. Một lúc, trông thấy đúng cái nón của Lãnh Túc vẫn đội vẫy vẫy, bọn lính Pháp đứng dưới chân núi tưởng Lãnh Túc còn sống và đang gọi chúng, bèn vội bò hàng con kiến kéo nhau lên. Đúng tầm súng, hàng loạt tiếng súng nố từ trên tảng đá, mấy hàng “kiến” đó lăn lông lốc xuống. Bọn Pháp vội nã đại bác quanh sườn núi, bắt bọn hào lí các tổng lân cận đem dõng tới bủa vây thêm. Trong đám quân giặc bắt dầu thì thào những lời run sợ: Thằng Tề nó ẩn hiện như ma. Nó ở trên nhìn xuống rất rõ. Lũ ta nhô đầu ra khỏi mỏm đá, gốc cây là chết mất ngáp, phải cẩn thận, cẩn thận… Mấy hôm sau thấy im im, bọn giặc lại mò lên núi. Chiếu ống nhòm thấy ngôi miếu cổ đỉnh núi đã đổ sập, bọn giặc càng đắc thắng hò nhau leo lên. Lúc ấy Cai Tề mặc áo đỏ, nằm sấp vì bị thương. Thấy giặc, Cai Tê gật đầu như ra hiệu gọi chúng lại gần để xin hàng. Chúng liền xúm lại. Ai dè một luồng đạn từ nách Cai Tề bay ra diệt thêm mấy đứa. Lũ giặc kêu la khủng khiếp trước cái bóng áo đỏ thu mình giữa những tảng đá lô nhô (Nguyễn Đình Bưu. Các mảng truyện kể dân gian về cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám lưu truyền trên đất Yên Thế).

Cả Rinh, Cả Huỳnh

Dưới đây là một trong rất nhiều giai thoại về tài bắn của Cụ Đề Thám cũng trích từ tác phẩm trên:

Nếu trước đây, chính cụ Hoàng bắt Đề Sặt, và cho nghĩa quân nhốt hắn vào củi, đến bữa đổ cơm cho hắn ăn như cho chó, đợi ngày chặt đầu làm lễ tế linh hồn Đề Nắm, thì nay cụ trực tiếp xử tội tên Việt gian Trần Văn Liên. Hắn vốn một thời hoạt động trong phong trào nghĩa quân. Ra hàng Pháp, ra sức làm chó săn cho giặc, hắn được thăng chức Phó đội lệ đồn Nhã Nam. Hắn được tên Bouchet giao nhiệm vụ do thám đồn lũy Phồn Xương (nay thuộc xã Phồn Xương, huyện Yên Thế). Hắn giả tập phi ngựa dọc đường Nhã Nam-Cầu Gồ, có ý dòm ngó hệ thống canh phòng của nghĩa quân. Hắn lấy vợ hai ở Dĩnh Thép, gần đấy, cũng nhằm dã tâm nói trên. Một buổi chiều, tên Liên phi ngựa về nhà vợ hai. Cụ Hoàng và một nghĩa quân đứng trên sườn đồi ven đường. Phó đội Liên đang nằm rạp trên mình ngựa, gò cương. Con ngựa chạy nước kiệu. Cụ Hoàng giơ súng ngắm. Một tiếng nổ gọn. Phó đội Liên bỗng ngồi bật dậy rồi lại nằm rạp xuống. Con ngựa phi như bay. Người nghĩa quân vội giơ súng ngắm theo, nói: Thưa chủ tướng, nó chưa chết, để con bồi thêm phát nữa! Cụ Hoàng giữ tay người nghĩa quân: Nó chết rồi đấy! Quả nhiên, con ngựa theo đường cũ phóng về nhà. Khi lao qua cổng ngõ, cái xà ngang gạt ngã tên Liên xuống đất. Người nhà vợ hắn hốt hoảng thấy con ngựa không chủ đang gõ vó, hí ầm giữa sân. Chúng chạy ra, lật xác tên Liên lên thì thay một vết đạn xuyên qua cổ tự lúc nào” (Nguyễn Đình Bưu. Các mảng truyện kể dân gian về cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám lưu truyền trên đất Yên Thế).

Những chàng cao bồi trong phim cao bồi Mỹ cũng chỉ bắn nhanh và chính xác đến thế là cùng.

Cuối năm 2020

NTH

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết