Những bức ảnh gợi nhớ - Phần 1

Gợi ý từ chuyên mục Flashback trên tạp chí National Geographic, mục này thường đăng những tấm ảnh cũ, có khi là không đăng được trong một số báo vì lý do nào đó. Ảnh có ghi vài lời chú thích của người biên tập.

Kho ảnh về Việt Nam trên Flickr của Tác giả Manhhai có rất nhiều hình ảnh lịch sử của Việt Nam xưa.

manhhai's collections on Flickr

Trích lại đây vài tấm, ghi thêm vài dòng chú thích để cùng nhớ về một thời đã qua.

Anh em có thể vào trang web của tác giả này, chọn vài tấm nào đó, ghi chú vài dòng, bình dăm ba câu gởi lên cho bà con đọc. Cũng đủ lãng quên đời.

Mở đầu là :

Đền thờ Mị Châu (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội)

Phúc Yên 1930 - Cây đa ở cổng đền thờ Mỵ Châu tại làng Cổ Loa

 

 Tình sử Trọng Thủy-Mị Châu là chuyện tình nhiều nước mắt nhất trong lịch sử Việt Nam. Trích ở đây vài câu ca dao và thơ nói về tình sử này:

Ai về thăm huyện Đông Anh

Tích xưa thành Ốc Rùa vàng tiên xây

Xót thương giếng ngọc tràn đầy

Máu pha thành lũy ngàn cây bóng tà

Mênh mông góc bể chân trời

Những người thiên hạ ai người tri âm

Buồn riêng thôi lại tủi thầm

Một duyên hai nợ ba lầm lấy nhau

(Ca dao)

Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu

Trái tim lầm chỗ để lên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu

( Tâm sự – Tố Hữu)

Chùa Khải Tường (Sài Gòn)

Chùa Khải Tường, (bưu thiếp ghi là chùa Barbet).

Pagode Barbet près de Saïgon | Chùa Khải Tường

 

Vị trí ở Bảo tàng chứng tích chiến tranh hiện nay (góc Võ Văn Tần, Lê Quý Đôn, Q.3), đã bị phá hủy khi Pháp chiếm Sài gòn.

Chùa có lịch sử khá ly kỳ. Không rõ xây dựng lúc nào. Vì vua Minh Mạng ra chào đời ở đây nên khi lên ngôi, ông tặng chùa một pho tượng Phật, hiện để ở Bảo tàng lịch sử (trong Thảo cầm viên Sài Gòn). Sau khi Pháp chiếm Sài Gòn (1860), viên đại úy Pháp Barbet (có tài liệu ghi Barbé) đóng quân ở đây. Trong một trận phục kích, nghĩa quân Trương Định đã giết viên đại úy này.

Nhằm lúc ấy, vua Tự Đức sai Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn tấm bia bằng cẩm thạch trắng ghi công ̣đức Quốc công Phạm Đăng Hưng (là cha vợ vua Thiệu Trị), rồi cho chở bằng thuyền từ Huế xuống Gò Công. Đến Vũng Tàu, thuyền bị quân Pháp chận bắt, tịch thu bia đưa về để ở chùa Khài Tường. Vừa lúc Barbet bị giết, lính Pháp khắc đè lên bia dòng chữ để tưởng niệm chỉ huy của mình, sau đó mộ cùng bia viên sĩ quan Pháp này được đưa về nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ( nay là công viên Lê Văn Tám). Năm 1983, Thành phố HCM quyết định giải tỏa nghĩa trang để xây công viên Lê Văn Tám, các công nhân mới phát hiện ra tấm bia này. Ẩn dưới hình cây thánh giá với dòng chữ Pháp là chi chít chữ Hán khắc rất tinh xảo, và các nhà khảo cổ mới biết lai lịch tấm bia. Năm 1998, bia đã được về Gò Công, dựng trước mộ Quốc công Phạm Đăng Hưng.

Phía trên cùng là cây thánh giá, dưới có hàng chữ Pháp:  ‘Cigit – Barbé Capitaine Dinfanterie de Marine tue dans une emeuscade le 7 decembre 1860 …’. (Tạm dịch: Đây là nơi an nghỉ của Barbé – Đại úy Thủy quân Lục chiến tử trận trong cuộc phục kích ngày 7-12-1860).

Ly kỳ tấm bia khắc tên đại úy Barbé trong di tích lăng Hoàng Gia ở Gò Công - Sài Gòn Tiếp Thị (sgtiepthi.vn)

 

Chùa Báo Ân (Hà Nội)

 Chùa Báo Ân, hay chùa Quan Thượng, chùa Khổ Hình ( Pháp gọi là Pagode des Supplices).

 

 Tháp Hòa Phong, di tích cuối cùng còn lại của chùa Báo Ân

 

Xây dựng trên khu đất nay là Bưu điện thành phố Hà Nội khoảng năm 1842, đời Thiệu Trị, chủ trì việc xây cất là Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai, nên chùa còn có tên là chùa Quan Thượng.

Nơi đây xưa là làng Cựu Lâu, có lầu Ngũ Long do Trịnh Doanh ( 1740- 1767) cho dựng để hóng mát ngày hè, bị Lê Chiêu Thống đốt bỏ năm 1787, chùa là công trình Phật giáo quy mô bậc nhất xứ Thăng Long thời ấy với 36 nóc, 180 gian và rất nhiều tượng. Dân gian từng có câu ca tụng chùa như sau:

Phong quang cảnh trí trăm đường

Trong xây chín giếng ngoài tường lục lăng

Rõ mười cửa động tưng bừng

Đền vàng tỏa ngọc chất từng như nêm

 

Chùa đã bị Pháp phá bỏ năm 1886 để xây Bưu điện Hà Nội.

Lối vào chùa khoảng 1885, ngoài cùng là tháp Hòa Phong, nối với tháp Hòa Phong là cổng nhỏ, phía sau là một cổng khác, trong cùng là tháp chuông.

Bộ ảnh quý về chùa Báo Ân của Hà Nội xưa (phatgiao.org.vn)

Tháp Hoà Phong ngày nay

Tháp Hòa Phong nay là di tích duy nhất còn lại của chùa Báo Ân, nằm trên bờ hồ Hoàn Kiếm, đường Đinh Tiên Hoàng, Thành phố Hà Nội. Bên trái là Bưu điện Hà Nội, nền cũ chùa Báo Ân xưa.

 

01.01.2021

NTH

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết