RƯỢU CÚC
Phương đông đặt ra 24 tiết khí đễ diễn tả tính cách vi tế của bốn mùa trong năm và để báo mua thu đến, tờ lịch ghi chữ Lập thu; giữa thu ghi Thu phân. Không hiểu sao tôi rất yêu chữ Thu phân cũng như tôi đã từng yêu chữ Xuân phân vậy. Có lẽ chữ phân gợi đến sự phân kỳ chăng? Không biết! Nhưng tôi đã chia tay mùa xuân, đã qua lâu cái thời xuân phân rồi và khi thu phân đến, như tôi đang nuối tiếc thời tráng niên không trở lại.
Ngày Trùng cửu, 9/9 âm lịch, quá thu phân, rơi vào khoảng cuối thu, khi mùa thu đang hết, mùa thu đang chết lại là lúc hoa cúc đơm bông, khởi đi một mùa hoa mới. Thạch thảo là một loài cúc, thế nên Bùi Giáng đã viết:
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Mùa thua đã chết em nhớ cho…
Hoa cúc có nhiều màu, bên cạnh cúc trắng tinh khôi, cúc đại đóa vàng anh đầy sức sống có loài kim tiểu cúc đa niên thảo, nụ nhỏ, hoa vàng nghệ to như đồng xu rất lâu tàn. Có khi vì vậy mà được gọi hoa thạch thảo. Bên Trung Hoa, ngày xưa lính gác nơi biên ải gọi là lính thú, ba năm đổi phiên một lần, ngày đổi phiên ấy thường vào cuối thu, mùa hoa cúc nở rộ. Trong mùa chia phôi ấy, nhiều gia đình đã phải ly biệt nhau, người lính phải giã nhà đi vào nơi biên địa hiểm nguy có khi chẳng còn trở lại, trên đường ra quan ải chỉ còn nổi sầu và loài cúc vàng ven đường bầu bạn đưa tiển, thế nên Đoàn nữ sĩ đã viết:
Thử tính lại diễn khơi ngày ấy
Tiền sen này đã nảy là ba
Xót người lần lữa hôm mai
Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài
CPN
Và hình ảnh người lính thú ngày xưa trong Quốc văn giáo khoa thư
…
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngủ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa
Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thời canh điếm tối dồn việc quan
…
Hoa cúc còn gọi là Hoàng hoa và rượu làm từ hoa Cúc được gọi là Hoàng hoa tửu. Từ một loài hoa dân dã, dể sống dễ mọc, bền bỉ với nắng mưa Tiểu cúc đã trở thành nguyên liệu cho loại rượu đẹp sang quí có màu vàng óng ánh và mùi thơm ngát. Không biết Trung hoa học từ ta hay ta học lại từ họ, nhưng cả hai nước đều có Hoàng hoa tửu. Và người Việt cũng có kiểu chế biến riêng của mình. Hoa cúc ngắt sát đài, không phơi nắng mà phải phơi khô trong mát để màu vàng không phai sắc. Nước để chưng cất phải là nước mưa, chỉ hứng vào mùa thu hay mùa hạ mà thôi. Cúc hái mùa thu thì chưng với nước mùa hạ; Cúc mùa xuân lại phải nấu nước mùa thu. Làm vậy để âm dương được cân bằng, rượu mới đẹp, mới ngon và bổ dưỡng cho người thưởng thức. Kể cũng thật công phu! Về cái tinh tế của rượu, các tửu đồ còn phân biệt kỹ càng: Cúc Trắng cho vị cay đắng, Cúc Đại đóa vị ngọt, đắng dịu duy chỉ Kim cúc là hương và vị đều thanh tao, dịu dàng, đáng xếp vào hàng Mỹ tửu vậy.
Ngẫm tạo hóa cũng hay. Mùa thu lá vàng, sang đông rụng hết trơ cành xám nhưng cái màu vương giả ấy không những con người luyến tiếc mà tạo hóa cũng vấn vương, không nỡ cho tuyệt diệt hết hẳn mà lại nhờ loài kim cúc hoàng hoa nhỏ nhắn, mộc mạc cưu mang và trao gởi lại cho mùa xuân năm sau.
Mặc khách thường nói rượu Hoàng Hoa nên uống vào mùa thu
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi
Tôi lại nghĩ khác, mùa thu đã nhiều vàng quá còn cần chi đến sắc vàng của rượu cúc. Mùa xuân trăm hoa đua sắc, tiểu cúc thành bé mọn tầm thường; mùa hạ lại oi ả nóng bức, chẳng phải lúc thưởng rượu ngâm thơ, chi bằng đợi lúc đông sang, tiết trời lạnh buốt, cái vàng óng của hoàng hoa, cái nồng nàn của men rượu sẽ làm vui lên những ngày đông trắng buồn tẻ và giá rét. Được chăng?
Lại nghĩ, có khi cũng chẳng cần cầu kỳ và chờ đợi lâu lắc như vậy, nhất là vào cái buổi canh tàn khắc lậu này. Vài người bạn tri âm, tri kỷ, chỉ cần
một buổi chiều nao lòng thấy bâng khuâng,
hồ rượu cúc nhỏ, vài chén con men trắng muốt, ta, bạn cùng chạm cốc ánh vàng sóng sánh rồi lắng nghe từ cõi sâu lắng của lòng cái giọng buồn vui, vinh nhục, được mất của một thời xuôi ngược đã dần xa, dần xa.
Ôi Hoàng hoa tửu! rượu của sắc tơ vàng vương giả, của phong sương của thu phân và cũng còn của chia phôi nữa.
Hoàng hoa nương chốn dặm ngàn
Tiển người, hương rượu cúc vàng còn vương
TK, Tháng 9.2015
-
TẢN MẠN VỀ RƯỢU< Trang trước