GÓP NHẶT DƯỚI LỚP BỤI THỜI GIAN
Nói cho văn vẻ vậy thôi, chỉ là những chuyến tạp pín lù, thập cẩm, ba rọi… lượm lặt được trên đủ thứ sách báo, mới cũ đủ loại.
I.
Đầu tiên là chuyện nhà sư Hui Shen, người phát kiến châu Mỹ ?. Đăng trên tạp chí Bách Khoa, số 47, ngày 15.12.1958, tác già Nguyễn cho biết viết theo tài liệu của VG Nair, trong tạp chí The March of India, 16.5.1958
Ảnh trích từ BK, số 47, 12.12.1958.
Những mô tả về chuyến đi của Hui Shen (Tuệ Thâm, Huệ Thần, Hội Thần) tới nơi mà đời sau gán cho là châu Mỹ, ghi chép trong Lương Thư, đời Lương vũ đế (năm 502). Một số nhà Hán học người Tây phương và nhất là Joseph Needham, vào đầu thế kỷ 20, đã bác giả thuyết này (đó chỉ có thể là đảo Sakhalin, bán đảo Kamchatka hoặc đảo Kuril, mà thôi). Nguồn cơn cớ sự là bởi năm 1875, tác giả Charles G. Leland cho xuất bản cuốn Fusang or the Discovery of America by Chinese Buddhist Priests in the Fifth Century, thuật lại tường trình của Hui Shen với Lương vũ đế về chuyến đi này.
Nhưng chẳng phải Tuệ Thâm, chẳng phải Kha Luân Bố, từ đâu chừng 5.000 năm trước, những người mà Kha Luân Bố gọi nhầm là người da đỏ (Indian), mới là người tìm ra châu Mỹ.
Mà chẳng ai tranh công với Kha Luân Bố. Chính nhờ có ông đi lạc mà châu Mỹ mới thành vùng đất tươi đẹp, thịnh vượng như ngày nay.
II.
Kế tiếp là bài đăng trên Tập san Sử Địa số 19, 20 xb năm 1970 của nhà văn Bình Nguyên Lộc: Việc mãi nô dưới vòm trời Đông Phố và chủ đất thật của Đồng Nai.
Ông cho biết theo truyền khẩu trong gia đình và điều tra riêng nơi ông sinh sống (làng Tân Uyên , tỉnh Biên Hoà), thì chủ đất thật sự nơi dân ta sinh sống, không phải là Cao Miên , mà là người ta gọi là “Mọi”. Họ giống hệt người Việt, nói tiếng Việt lơ lớ. Họ sống tự do bằng nghề đi làm thuê cho dân làng. Ông gọi là người Mạ. Họ tự xưng là Chi-au Mạ _ Chi-au, nghĩa là người_ nhưng các sách đời sau viết lầm là Châu Mạ.
Ông lập luận và chứng minh rằng vùng đất Biên Hòa, Long Khánh ngày xưa là đất của người Mạ. Chẳng thuộc Cao Miên, cũng không phải của Chiêm Thành. Mà càng không phải Phù Nam.
Trích thêm một đoạn trong nhật ký của John Crawfurd:
Trong năm 1823, theo John Crawfurd khi ông đến Saigon thì hôm 31/10/1823, sau khi được hội kiến với tổng trấn Gia Định trước khi tổng trấn ra Huế trình với vua về việc đoàn sứ giả Anh do Crawfurd cầm đầu đến Saigon, một buổi trình diễn giải trí sau đó đã được tổ chức trong nguyên ngày với nhiều triển lãm và trình diễn. Trong số khán giả Crawfurd thấy có 8 người ít ăn mặc và diện mạo hoàn toàn khác với những người chung quanh. Vị tổng trấn cho họ mỗi người một bộ quần áo và nói cho Crawfurd biết là những người này mới chính là những thổ dân đích thực của miền Nam trước khi người Việt đến thống trị và dân số họ đông hơn người Việt
(John Crawfurd, Journal of an embassy from the governor of India to the courts of Siam and Cochinchina, 1830)
Những người này là Cao Miên hay Mạ ? Mô tả của Crawfurd: ‘diện mạo họ khác hẳn với người chung quanh’. Còn Bình Nguyên Lộc nói là rất giống người Việt ?
III.
QUÁN CÀ PHÊ ĐẦU TIÊN Ở SÀI GÒN.
Sau khi chiếm được Sài Gòn, việc người Pháp làm trước tiên là cất ngay một quán cà phê !
Toà nhà thương mại đầu tiên, quán cà phê đầu tiên và dinh thống sứ đầu tiên do Pháp xây dựng ở Sài gòn
Để thành lập thuộc địa, người Anh bắt đầu bằng túi tiền, người Tây ban nha bằng nhà thờ, người Pháp bằng quán cà phê _ Anh thực tế, Tây ban nha mộ đạo, Pháp thích ăn ngon_(Lamire, La Cochinchine Francaise en 1878).
Năm 1864 có 2 quán cà phê mở tại Sàigon là Café Lyonnais và Café de Paris. Quán Café Lyonnais theo tờ Illustration ngày 23.4.1864, nằm tại đường Gouvernement gần ụ chiến hạm Primauguet (đường Ngô Văn Năm hiện nay, theo nhà văn Sơn Nam thì là đường Lý Tự Trọng). Còn quán Café de Paris nằm ở bến sông, góc đường số 16 (Là đường Catinat>Tự Do>Đồng Khởi nay) Tờ báo Courier de Saigon, tháng 3.1864 cho biết ngày 19.3.1864, sứ bộ Phan Thanh Giản trên đường từ Pháp về, có ghé qua Saigon, và đến thăm quán này.
(Đỗ Văn Anh, Các quán cà phê đầu tiên ở Sài Gòn,
http://tanmanvanchuongthephong.blogspot.com/2013/01/hai-quan-ca-phe-au-tien-o-saigon-1864.html
Ông Đỗ Văn Anh là công chức, trước 1975 tòng sự tại Nha Khảo cổ, là bạn đồng liêu với nhà khảo cổ lừng danh Vương Hồng Sển.)
Quán Café de Paris còn lưu lại dấu vết tới năm 1905, tại đường Paul de Blanchy (Hai bà Trưng, số 83), chủ nhân là ông Vital.
IV.
BÁT PHỐ SÀI GÒN.
Trước 75, người ta thường rủ nhau đi ‘bát phố Sài Gòn’ hay cụ thể hơn, ‘bát phố Bô Na” (Bô Na: Bonard, tức đường Lê Lợi).
Các nhà báo Hà Nội cho rằng chỉ có ở Hà Nội mới bát phố. Vì phố, phố phường, từ Hà Nội mà ra. Thế kỷ 17, 18, đô thị cổ Phố Hiến đã ghi danh vào lịch sử, là phố thị lớn và sầm uất nhất Việt Nam xưa, chỉ sau kinh thành Thăng Long, hay Kẻ Chợ.
Bộ tự điển xưa nhất , tự điển Việt Bồ La, của Alexander de Rhodes, xb năm 1651, đã ghi nhận từ ‘Phố’. Nhưng từ ‘Đi Bát’ chỉ thấy ghi trong trong hai bộ tự điển xb vào cuối tk 19, bộ Đại Nam Quấc Âm tự vị, của Huình Tịnh Của, và bộ Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, xb năm 1927.
‘Đi Bát’, là từ của nghề đi thuyền: đi bát là chèo bên phải, đi cậy là chèo bên trái.
‘Đi chân chữ bát’, là đi hai hàng.
Tự điển Khai Trí Tiến Đức ghi thêm nghĩa ‘bát sách’, tên một quân bài trong môn tổ tôm. Và ‘Gàn Bát Sách’, nghĩa là gàn dở.
Học giả Vương Hồng Sển, trong Sài Gòn năm xưa, viết…’đi la mát nơi đây’, tức là đi dạo mát, cụ cho biết là theo tiếng Pháp ‘promedade’.
Tự điển làm gì có ‘bát phố’. May thay đọc được trong Tự điển Francais – Anglais: battre le pavé: wander the streets, wander around aimlessly; dạo phố, loanh quanh không mục đích.
Vậy là ‘bát phố’ là từ tiếng Pháp. Battre le pavé: gõ gót giày trên phố, ngày xưa là gõ guốc, nhịp chân.
Bát phố, nửa tây nửa ta. Hay mà gọn. Tiếng Việt… thật tuyệt !
V.
VƯỜN ÔNG THƯỢNG
Cổng chính Lăng Ông (chữ Hán trên cổng: Thượng Công Miếu)
1900
1890
Một nhã thú cho người Sài Gòn mỗi khi xuân về là dạo công viên Tao đàn ngắm kỳ hoa dị thảo.
Nó là dấu vết duy nhất còn lại từ thời Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Gia Định. Có thuyết cho nó là hoa viên của Quan Thượng, tức là Tả quân Lê Văn Duyệt,nơi ông tổ chức đá gà, mở sân khấu hát bội. Thuyết này không lấy gì làm chắc (nói vậy vì Trịnh Hoài Đức khi viết Gia Định thành thông chí (khoảng 1820) và Trương Vĩnh Ký khi viết Ký ức về Saigon và vùng phụ cận (1885) không hề nhắc gì đến nó. Sau khi chiếm Sài Gòn, xây dinh Norodom tức dinh Toàn quyền, Pháp lấy khu rừng giáp với Đồng Mả Ngụy làm vườn cây của dinh (1868), đặt tên cho nó là “Jardin de la ville de Saigon” Và dân gian cứ gọi là Vườn Ông Thượng. Miếu Tả quân xây dựng vào khoảng 1948. Trên miếu có dòng chữ Hán “Thượng Công miếu”, do người dân đường thời xưng tụng ông là “Đức Thượng công”; không rõ là dòng chữ có từ bao giờ ? Có phải vì vậy mà có tên “Vườn Ông Thượng” ? Tương truyền, khi Tả quân - Tổng trấn mất, dân Gia Định đi theo quan tài rồng rắn hàng mấy dặm. Tiễn biệt ông, ngoài người Việt, đông đảo người Hoa còn có giới Phật giáo, tín đồ Thiên Chúa giáo và cả các nhà truyền giáo Việt và Tây dương cũng đưa tiễn ông. Lúc đầu ngôi mộ được xây bằng đá ong. Cạnh cây đa lớn trong khuôn viên, người dân dựng lên một ngôi miếu có tên là “Thượng Công linh miếu”, không ngày nào là không có người đến dâng hoa trái, đốt hương cầu nguyện. Năm 1869, mở con đường nay là đường Huyền Trân công chúa thì tách vườn ra khỏi dinh. Sau thời gian đó, vườn lại có tên là “Vườn Bờ Rô”.
Tại sao vườn không chắc do ông lập mà tên tuổi được gán cho ông và ‘lăng ông Bà Chiểu’ vẫn còn hương khói cho đến nay, thì đọc qua vài ghi nhận của khách ngoại quốc từng tiếp xúc trực tiếp với ông sẽ rõ:
Tả Quân Lê văn Duyệt trong hồi ký của John White và John Crawfurd:
Tổng trấn Lê Văn Duyệt
Ông White đã tỏ ý rất kính phục Tả quân ngay sau lần hội diện đầu tiên. Ông có ghi lại như sau: “ Dáng diệu và phong độ của ông ( Lê Văn Duyệt) có vẻ uy nghi lẫm liệt. Ông có vẻ một đại thần đầy kinh nghiệm nhưng vẫn giữ được đức độ cương trực của con nhà tướng. Tính tò mò muốn hiểu biết và cách thức ông lựa vấn đề đem bàn tỏ ra ông là người có đầu óc phóng khoáng, luôn luôn muốn trau dồi kiến thức. Những lời bàn chính đáng của ông trong nhiều vấn đề tỏ ra ông có một khả năng tự nhiên rất mạnh và tầm kiến thức rất rộng. Chiến sự, chính trị, tôn giáo và những phong tục tập quán của các nước Âu Tây là những vấn đề mà ông bàn cãi đến một cách chăm chú… Khi óc tò mò của ông đã được thỏa về những đặc điểm ấy, thì ông tỏ vẻ khâm phục trí thông minh, tài khéo léo và sức mạnh của “ Olan” ( Hòa Lan) mà nói đến Hòa Lan tức là ông muốn nói đến Âu Tây. Rồi ông xúc động, như thể lòng tự ái bị tổn thương, ông than phiền về tình trạng tương đối còn thô lậu dã man trong đất nước ông” . Xuống dưới nữa, John White viết: “ Sau khi gặp gỡ bậc vĩ nhân đó, ai cũng phải cảm thấy tiếc rằng lịch sử đã không xui khiến để ngôi báu lọt vào tay ông, vì ông mới là người biết dùng quyền lực để bồi đắp sự vinh quang và hạnh phúc của dân tộc, hơn hẳn ông vua độc tài thuở ấy…”.
(John White, A Voyage to Cochinchina, 1824)
Còn John Crawfurd, nhà ngoại giao Anh đã viết như sau về đức Tả quân: “ Ai cũng biết Tả quân xuất thân làm hoạn quan, nhưng nếu không được người khác cho biết thế thì chúng tôi đã không thể nào tự tìm hiểu được điều đó. Đã đành là ông hoàn toàn không có râu, nhưng râu ria người Nam kỳ là điều rất hiếm mặc dầu họ rất ưa để mọc ít nhiều. Giọng nói của ông thì cũng nhỏ nhẹ nhưng không tới độ khiến ta nghi ngờ. Là người đã đóng góp một phần quan trọng trong cuộc chiến và cuộc cách mệnh vừa qua ở Nam kỳ, ông là một nhân vật hoạt bát và thông minh. Ông cũng là một người nhỏ nhắn và mảnh khảnh nhưng trông vẫn khỏe và chẳng hề đau ốm gì trừ bệnh đau răng đã khiến cho ông bị mất gần hết hàm răng. Những vị quan lại khác thì bận những thứ quần áo lụa thêu thùa đủ kiểu, nhưng Tả quân thì trái lại, hình như hoàn toàn không để ý tới cách ăn bận và chỉ mặc một bộ áo dài thâm và vấn quanh đầu một chiếc khăn nhiễu cũng màu đen”.
Phái bộ Anh không ở lại Sài Gòn lâu vì Crawfurd rất nóng lòng muốn ra Huế đề nghị liên lạc thương mại với vua Minh Mạng. Trước khi đi, ông ngạc nhiên thấy rằng Tả quân Lê Văn Duyệt đã từ chối những tặng phẩm mang lên biếu người, nói rằng nếu nhận những tặng phẩm thì người nợ phái đoàn Anh một món nợ và phải thúc giục vua Minh Mạng chấp nhận đề nghị của người Anh. Tả quân chủ trương rằng những đề nghị của phái đoàn Anh phải được cứu xét căn cứ trên chân giá trị của chúng và nhà vua có quyết định gì thì sự quyết định đó phải ở bên ngoài sự tán vào của những ông quan đã nhận quà biếu của phái đoàn Anh. Tả quân cũng cho biết rằng ông sẵn sàng nhận quà của phái đoàn Anh một khi cuộc đàm phán giữa hai nước kết thúc. Thái độ của Tả quân càng đáng kính phục khi ta nhớ rằng khi ấy các viên chức khắp châu Á xem những quà biếu như một quyền hạn và lắm lúc còn đòi khách ngoại quốc phải biếu xén họ….
(John Crawfurd, Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China, 1830)
Xem tâm sự kín đáo của Tả quân Lê Văn Duyệt thổ lộ với các vị khách ngoại quốc, những nhà ngoại giao bất đắc dĩ này, ta biết ông đã có ý muốn canh tân đất nước ngay từ những năm 20 của thế kỷ 19. Nhưng ông không có toàn quyền. Nếu như vua Minh Mạng cũng có đầu óc cởi mở như ̀ông thì…
Những nếu như… những phải chi… đã rơi vào hư không…
Ảnh trích từ sách John White
Thuyền ngự của Tổng trấn Gia Định
Cảnh trên sông Đồng Nai
Thuyền buôn của miền Bắc (trên) và miền Nam (dưới)
Bản đồ sông Đồng Nai, 1820
Thành phố Saigon, trích từ bản đồ trên
Ảnh trích từ sách John Crawfurd
Quan văn (trái), quan võ (phải) mặc triều phục
Phụ nữ Nam kỳ và một quan viên
Nhà tu, tăng sĩ, và tín đồ
Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu (trái). Vua Minh Mạng và phó vương Kamboja (phải)
Phương tiện đi lại của nhà quyền quý ở Nam kỳ
VI.
TỪ CHỢ CÂY DA CÒM ĐẾN THƯ VIỆN TỔNG HỢP
Chợ Cây Da Còm, Khám lớn Sài Gòn, Đại học Văn khoa, Thư viện Tổng hợp
Năm 1886, người Pháp xây dựng tại trung tâm thành phố Sài Gòn một nhà giam tù nhân, gọi là Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon). Công trình tọa lạc trên nền đất mà xưa kia là chợ Cây Da Còm. Theo học giả Trương Vĩnh Ký, sở dĩ chợ có tên là Cây Da Còm, vì nó họp dưới gốc một cây đa nhánh còm, lá gie khòm xuống mặt đất. Ngày xưa, nơi đây chuyên bán trống, bán lọng, yên ngựa, mũ tú tài và có một xưởng đúc tiền.
Đến ngày 8/3/1953, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Tâm (cầm quyền từ 23 tháng 6 năm 1952 đến 7 tháng 12 năm1953), cho phóng thích một số tù nhân ở Khám Lớn Sài Gòn, số còn lại khoảng 1.600 người cùng với chiếc máy chém, được chuyển về khám đường mới, tức Khám Chí Hòa.
Kể từ khi ấy, Khám Lớn Sài Gòn chỉ còn là nơi giam giữ phụ và sau đó đã bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho phá hủy, để xây lên đó Trường Đại học Văn Khoa (thành lập năm 1957, trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn).
Năm 1967 trường đại học văn khoa được dời về số 10 Cường Để (nay là đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1) – nơi từng là trại lính của trung đoàn pháo binh thuộc địa số 11 của quân đội Pháp và sau đó là doanh trại của lữ đoàn liên quân phòng vệ Tổng thống thời Ngô Đình Diệm.
Khám lớn Sài Gòn được khởi công xây dựng thành Thư viện Quốc Gia dựa vào đồ án thiết kế của hai kiến trúc sư Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiện với sự cộng tác của cố vấn kỹ thuật – Kiến trúc sư Lê văn Lắm. Thủ tướng Trần Văn Hương đã đặt viên đá đầu tiên để khởi công và công trình hoàn thành vào cuối năm 1971. Ngày 23-12-1971, Thư viện Quốc Gia được khánh thành và đi vào hoạt động tháng 2-1972.
* Vài sự kiện chung quanh Khám lớn:
Năm 1913, Nam Kỳ xôn xao về vụ chính quyền bảo hộ bắt Phan Xích Long - người kêu gọi dân chúng đánh Tây khôi phục nước Nam - rồi giam ở khám Lớn Sài Gòn. Trùm giang hồ Tư Mắt nổi tiếng trượng nghĩa từng thống lĩnh đàn em ở Sài Gòn - Chợ Lớn đánh Pháp, phá ngục cứu minh chúa.
Tư Mắt (tên thật là Nguyễn Văn Trước) nắm hầu hết địa bàn ở Sài Gòn dù xuất thân là chủ tiệm tóc trên đường Thủy Bình - trước 1975 là đường Đồng Khánh, nay là Trần Hưng Đạo, quận 5. Biệt danh Tư Mắt do một chí sỹ yêu nước đặt cho Trước với ý nghĩa mỗi người chỉ có 2 con mắt nhưng Trước có tới 4. Việc này mong muốn gã giang hồ là người sáng dạ, lẹ tay nhanh chân chạy thoát mọi cuộc bố ráp của lính Tây.
Học giả Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn năm xưa thuật rằng, với đám đàn em không tiền, gã cho tiền. Người nào không có áo, đại ca cho áo; thậm chí khi bị tù thì có người nuôi ăn, cung cấp thuốc, bánh. Nhưng khi Tư Mắt cần dùng tới thì việc gì cũng phải tuân, chết sống không kể thân.
Tư Mắt đi đến tỉnh thành nào thì đám lục lâm thảo khấu rần rần tìm đến ra mắt, phục vụ đại ca. Những hàng quán gã giang hồ bước vào thì người khác hội nên lui chân, đàn em tha hồ gọi bánh, gọi mì vì có Tư đại ca bao toàn bộ.
Lính tráng chính quyền Pháp kiêng dè nể mặt Tư Mắt và đám tay chân. Lệnh trốc nã đàn em của Tư đại ca được ban bố nhưng không ai dám đụng tới bởi không khéo mang thẹo, ăn dao của đám du đãng.
Phan Xích Long - thủ lĩnh khởi nghĩa chống Pháp mà Tư Mắt tôn sùng quyết quá ngục giải cứu.
Tư Mắt xây dựng hội kín trong 3 năm. Ngày 14/2/1916 thành viên hội ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Biên Hòa... bí mật kéo về ẩn mình trong thành phố. Đến đêm, khoảng 300 người đi thuyền đến chợ cầu Ông Lãnh rồi kéo đến cột cờ Thủ Ngữ, giương cờ đề 3 chữ lớn Phan Xích Long.
Tất cả đều đem theo giáo mác, vận quần trắng, áo đen, khăn trắng quấn cổ, hẹn tập trung tại Khám lớn Sài Gòn. Đến nơi, họ hô to "cứu đại ca" Phan Xích Long, "giết Tây" làm náo động cả thành phố. Lính gác trong đồn xả súng bắn liên hồi khiến đoàn người thương vong rất nhiều...
Cuộc tấn công khám Lớn của Tư Mắt thất bại, ông bị bắt. Tòa khép tội "gia nhập hội kín ám trợ Cường Để" nhưng chỉ kêu án vài năm rồi thả nhằm xoa dịu phong trào chống Pháp đang lên cao ở Nam Kỳ.
Tham gia chống Tây, cứu Phan Xích Long là sự kiện khiến Tư Mắt hồi tâm chuyển ý. Ông tỏ ra hối hận, không muốn can dự chuyện giang hồ nữa nên vào chùa Giác Lâm (Chợ Lớn) tụng kinh ăn năn. Sau này Nguyễn Văn Trước có tham gia đạo Cao đài, thụ nhiều chức sắc cao.
Ông qua đời năm 1929 trong một vụ cháy nổ, kết thúc cuộc đời nhiều sóng gió.
(Sơn Hòa, Giang hồ Sài Gòn xưa dẫn đàn em phá khám đánh tây).
** Quán Văn, nơi thành danh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly.
Năm 1967 khi Đại học Văn khoa còn tọa lạc ở nơi mà khi xưa là Khám lớn, một nhóm sinh viên đã thành lập Quán Văn, nơi mở đầu cho phong trào du ca mà sau này rất nổi tiếng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng… các ca sĩ Khánh Ly, Thanh Lan…
Quán Văn, thuở ban đầu
Vậy thì, Chợ Cây Da Còm, nơi bán khăn, áo, mũ, lọng… cho các Cử nhân, nơi mà chắc hẳn, Gia định tam gia với Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định và nhiều bậc danh gia, văn nhân, thi sĩ khác từng lui tới, thử khăn, thử áo chờ ngày vinh quy, thì giờ trở thành nơi cung cấp kiến thức cho đời: một vòng tròn khép kín.
Các vị ấy thi cử đỗ đạt ở đâu ?
Cũng không xa lắm. Đó là Trường Thi, bây giờ là Nhà Văn hóa Thanh niên, nơi mà mỗi khi Tết đến, lại trở thành Phố Ông Đồ. Lại một vòng tròn khép kín khác.
Khu vực Trường Thi ngày xưa, trích bản đồ Trần Văn Học vẽ (1916), học giả Nguyễn Đình Đầu chú thích.
Văn Thánh miếu bị phá khoảng 1859, đã mất dấu tích.
Tháng 12.2021
NTH
-
HÀ TIÊN MẢNH ĐẤT NƠI CUỐI TRỜI< Trang trước
-
MẤY NHẬN XÉT VỀ DU KÝ KHÁCH ĐẾN VIỆT NAMTrang sau >