MẤY NHẬN XÉT VỀ DU KÝ KHÁCH ĐẾN VIỆT NAM

MẤY NHẬN XÉT VỀ DU KÝ CÁC VỊ KHÁCH ĐẾN VIỆT NAM THẾ KỶ 17, 18

Khi thương mại quốc tế bùng nổ sau thời Christophe Colomb khám phá ra châu Mỹ, các nhà buôn, nhà ngoại giao và các giáo sĩ theo thương thuyền đi khắp thế giới. Rời châu Mỹ, họ sang châu Phi, châu Á, buôn bán, truyền đạo, chiếm đất. Nhiều người trong số họ viết lại hồi ký, du ký, tường trình. Và nhiều biên soạn, khảo cứu về đất nước, phong tục, sinh hoạt nơi đường xa, xứ lạ giúp các đời sau hiểu rõ hơn lịch sử, địa lý, xã hội của đời trước.

Chính là nhờ các giáo sĩ mà chúng ta có được bộ tự điển quý giá Dictionaruim Annamaticum Lusitanum et Latinum (in tại Roma năm 1651), ta quen gọi là tự điển Việt-Bồ-La. Bộ tự điển điển chế tiếng Việt để ngôn ngữ viết của người Việt dần trở nên trong sáng, hoàn hảo, dễ học, dễ viết như ngày hôm nay. Hiện nay, khi cần tham khảo tiếng Việt giai đoạn sơ khai, người ta luôn lấy bộ tự điển này làm tài liệu gốc.

Trong giao lộ quốc tế các đội thương thuyền, Việt Nam là một điểm đến quan trọng. Nhiều nhân vật từ thương nhân (Samuel Baron), nhà du hành (William Dampier), chính trị gia (John Barrow), sĩ quan quân đội (John White) theo hải trình định sẵn, còn có cả những du khách bất đắc dĩ, như các thủy thủ Nhật bản chẳng hạn. Họ chỉ đi theo duyên hải trong nước, nhưng gió bão đã cuốn họ đến tận đất nước Annam xa lạ, để khi về xứ, những chuyện họ kể lại trở thành đề tài cho vô số chuyện trà dư tử hậu rồi các nhà làm sách không bỏ qua cơ hội, biên soạn thành sách lưu truyền chuyện kể đi xa.

Đọc lại các du ký này, lượm lặt được một số điều thú vị hay còn thắc mắc, nên viết ra đây kể hầu cùng chư vị.

(Ghi thêm:

* Annam: nghĩa là phương Nam yên bình (Olgar Dror và K.Taylor). Nhưng trong History of Tonquin, Abbé Richard lại ghi là giấc nghỉ trưa. Nó không hề có ý nghĩa gì xấu hay miệt thị.

* Tonquin, Tonqueen, Tunchim:  phiên âm từ Đông Kinh, để phân biệt với Tây Kinh hay Tây Đô, nơi Hồ Quý Ly xây thành nhà Hồ.

* Cochi, Koshi theo âm Nhật, từ tiếng Hán Jiaozhi, Giao Chỉ

* Cochinchine/Cochinchina: chưa thống nhất về tên gọi này. Hợp lý nhất là giả thuyết: Cochin: Giao Chỉ; Chine: Tần > Cochinchine: Giao Chỉ gần Tần, chỉ nước Việt thời xưa chứ không chỉ là Nam kỳ như sau này (Trần Đức Anh Sơn, Về tên gọi Cochinchina)

_Theo O.Dror và K.Taylor (dẫn theo L.Aurousseau), từ thế kỷ 13, trên các bản đồ của Genoa, đã có dạng từ ChinaCochim. Marco Polo ghi nhận từ Caugigu, đọc là Jiaozhigu (Giao Chỉ quốc). Và các nhà địa lý Ả rập đã dùng từ Kawci min Cin (Giao Chỉ of China).

 

Trước tiên là Samuel Baron:

NGƯỜI HÀ LAN

Samuel Baron, con một thương nhân Hà Lan và một phụ nữ Việt, sinh ra ở Kẻ Chợ. Làm việc cho Công ty Đông Ấn Anh. Thường xuyên đến Đàng Ngoài, nên ông hiểu biết tường tận đồng đất xứ này. Vì thế trong tập tường trình, ông viết xen kẽ khá nhiều từ Việt theo cách ghi của riêng ông.

A Description of the Kingdom of Tonqueen.

By S. Baron, A Native Thereof

Là đề từ trên tập tường trình của ông. Có thể hiểu ý ông (A Native Thereof) : Đàng Ngoài (Tonqueen) là quê hương của ông, nơi ông thuộc về.

(Đề từ này chỉ thấy ghi trên bản in trong Tuyển tập A General Collection of Voyages and Travels, 1811).

Vì thế ta sẽ không lạ khi ông không tiếc lời khen ngợi đất nước, con người và cả sản vật nơi ông sinh ra:

_Vải (lechea tức quả lệ chi), thứ quả không để được quá 40 ngày, chín vào tháng 4, là thứ trái cây có hương vị tuyệt hảo.

_Người Đàng Ngoài sản xuất tơ lụa nhiều đến nỗi cà người nghèo và người giàu đều có thể mua để may quần áo. Giá rẻ như hàng vải bông thô vậy.

_Người Đàng Ngoài có đầu óc và trí nhớ tốt. Giọng đọc của họ nghe như hát.

_Người Đàng Ngoài có nước da nâu như người Tàu, người Nhật nhưng đẹp hơn. Phụ nữ nhà quyền quý có làn da đẹp như người Tây ban nha, Bồ đào nha.

_Mặt mũi người Đàng Ngoài không tẹt như người Tàu.

(Ghi thêm: Alexandre de Rhodes trong Tự điển Việt-Bồ-La ghi là Tonquim hoặc Tunchini, Tunkini)

(Một tài liệu tên: History of Tonquin, From the French of Richard, Paris, 1778, [đó là tập Histoire Naturelle, Civil et Politique du Tonquin của Abbé Richard, dựa theo tường trình của một giáo đoàn Pháp đã sống 12 năm ở Tonquin] in lại trong tuyển tập A general of Vogages and Travels, London,1811; gần giống tường trình của S. Baron, nhưng cho biết thêm vài điểm kể lại dưới đây:

Nhà hàng hải Dampier, theo thông tin từ các thương gia Anh là những người sống lâu năm ở Kẻ Chợ, cho biết: “sau thời vua Lê (Đại Hành) và Lý (thái tổ), cung điện có tường bao quanh, chu vi chừng 3 dặm (league) [# 15km], cao 6,7 feet [# 2m]. Cung điện và nhiều dinh thự rất nguy nga, sân lát gạch hoa (marble), đẹp và chắc chắn hơn hiện nay rất nhiều. Tường thành có 3 lớp, rất dày, làm đường quan lộ. Chiến tranh liên miên _‘nguyên tác ghi revolution’_ đã phá hủy các công trình này khiến chúng ta tiếc nuối một toà thành nguy nga và rộng rãi nhất châu Á nay không còn nữa.

Kề cận kinh đô là phố Hiến (Héan), đô thị lớn nhất vương quốc, có hơn 10.000 nóc gia, nhiều dinh thự lớn, cư dân rất giàu có.

Cách cửa sông chừng 5, 6 dặm (league) # 30km, là một đô thị nhỏ hơn tên là Đò Mè (Domea), nhưng rất nổi tiếng với người ngoại quốc, vì nó hình thành do con sông đối diện, nơi họ có thể thả neo, và chỉ ở đó, họ mới được phép lập cơ sở kinh doanh”.

 

Không phải chỉ có điểm tốt, còn vô số điểm xấu. Nhưng như ông bà ta đã bảo, “ tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, nên sẽ không kể cái xấu làm gì !

Dưới đây là một số từ Việt, S.Baron viết xen kẽ trong sách, xin chép lại để tường:

Bua: Vua

Bova-dee-yaw or Can-Ja : Vua đi dạo hoặc Quan gia ( quan gia chỉ nhà vua)

Theckydaw : tế kỳ đạo (theo A.de Rhodes ghi trong từ điển VBL)

Chova: Chúa

Boot: Bụt

Ba-Cote: Bà cốt (trong ông đồng bà cốt)

Sayes:  Sãi (Olga Dror và K.Taylor, trong Views of 17th century Vietnam, cho rằng Sayes là cách viết số nhiều từ ‘sãi’ của S.Baron; ông phân biệt rõ ‘sai’ với ‘thay’

Bode: bồ đề

Thay-Boo: thầy bói

Thay-boo-Twe: thầy phù thủy

Thay-de-Lie: thầy địa lý

Anja Tangh: theo O.Dror và K. Taylor, ‘Anja’ không rõ nghĩa, còn ‘Tangh’ có thể là tang (mourn, death, burial ceremony). Theo nguyên tác, ‘resembling somewhat the mausoleum’, giống lăng tẩm. Vậy, có thể Anja Tangh là ‘Gian nhà táng’.

Hien: (phố) Hiến, đô thị lớn nhất Đàng Ngoài (theo ghi chú của S.Baron)

Duc-ba: đức bà

Duc-ang: đức ông

Batua: bà chúa

Ongshaw: ông xã

Cubang: Cao bằng (tỉnh)

Hoawing: Họ Nguyễn

Hoatrin: Họ Trịnh

Tingiva: Thanh Hóa (tỉnh). A.de Rhodes ghi là “Thinh hŏa”

Gannam: An Nam

Trungiveen: trạng nguyên

Hung-cong: hương cống (hưng cống: A.R.)

Tungcy: tấn sĩ (A.de Rhodes)

Singdo: sinh đồ

Cungtu: Khổng tử

Vecquun: việc quan (nên ngày nay chúng ta hay nói việc làng, việc nước, chính là nói theo ông bà ta xưa, chứ không phải cách viết của các nhà văn, nhà báo thời nay).

Lungung: trứng rồng (long nhãn ?). S.B. chú là dragon’s egg.

Myte, mite: (quả) mít

Na: (quả) na

Lechea, bèjay: lệ chi, (quả) vải

Cocha, Chacha, Cacho: Kẻ Chợ (kinh thành Thăng Long xưa)

Hầu hết các từ trên, A.de Rhodes đã ghi rõ như cách chúng ta viết hiện nay.

Các ảnh dưới đây trích từ A Description of the Kingdom of Tonqueen, Samuel Baron, A Collection of Voyages and Travels, London, Vol. VI, 1745:

Bản đồ vương quốc Đàng Ngoài, (Aynam là đảo Hải Nam)

 

Sông Hồng và kinh đô Kẻ Chợ

Chú tể đón dâu và cảnh đám cưới  

Múa, diễn trò và nhạc cụ

Lễ mừng năm mới và các trò giải trí (Tết nguyên đán, New Year, là lễ hội lớn nhất của người Đàng Ngoài, kéo dài 1 tháng, theo S.B.)

Thi tuyển nhân tài

Vua Lê thiết triều

Chùa

Quân sĩ thao luyện

Phủ Chúa Trịnh

Đám tang xa hoa

 

NGƯỜI ANH

 

William Dampier (1652 – 1715), nhà du hành, nhà thám hiểm người Anh rất nổi tiếng. Ông đã đi gần khắp thế giới (châu Mỹ, Phi, Á, châu Đại dương), và viết lại những chuyến đi trong tập du ký A New Voyage round the World. Ông đến Xứ Đàng Ngoài (Tonquin) năm 1688, lưu lại đây vài tháng. Trong thời gian này, ông để tâm quan sát, học hỏi vài người Anh đã sống lâu ở đây (some English gentlemen, who made a considerable stay in that Kingdom) và viết lại những điều mắt thấy tai nghe trong phần phụ lục tập du ký nói trên. Có một số từ Việt (địa danh) ông ghi lại, ngày nay không còn nữa.

Chép lại một vài từ Việt dưới đây:

 

_The River of Domea: sông Đò Mè (theo nhà sử học Nguyễn Quang Ngọc, nay đã bị bồi lấp và mất dấu tích, nằm trong tỉnh Hải phòng. Đây có thể là một đô thị cổ bên cửa sông, khá sầm uất, nơi nhiều tàu thuyền châu Âu cập bến bốc dỡ hàng, họ cũng đặt nhiều cơ sở kinh doanh và sinh sống. Vậy mà nay không còn dấu tích gì, sử sách Việt Nam không đề cập gì đến nó, chỉ còn lại cái tên Domea trong du ký của người ngoại quốc, W.Dampier và non trăm năm sau trong tường trình của Abbé Richard: History of Tonquin, Paris, 1778.)

_Hean: (phố) Hiến

_River of Rokbo: sông Độc Bộ , (W.Dampier ghi  cùng với sông Domea, là nhánh của sông Lớn.)

_(Province of) Tenan: (tỉnh) Tuyên Quang ?

_Tenehoa: (tỉnh) Thanh hóa?

_Ngeam: (tỉnh) Nghệ An

_Lack: (here are bred a great abundance of Silk-worms for making Silk):  tằm ? (A.R. ghi ‘tàm, sâu tơ’). [có thể sách đã xếp nhầm chữ ‘Lack’ này với chữ ‘Chinam’ bên dưới. ‘Lack’ gần với ‘Lang’ là cau (trong trầu cau). Nếu là tằm, thì tác giả viết nhầm thành ‘Chinam’ # ‘tàm ăn’ ].

_Chinam: bình vôi ? (Họ phết vôi (Chinam or Lime) lên lá, đó là thứ bột nhão đựng trong hộp. Trên lá đã phết Chinam (vôi), họ cuốn một mẩu cau (arek nut) thành miếng dài chừng 2,5phân, to cỡ đầu ngón tay. (Tự điển Annam-Latinh của P.de Béhaine, 1773, có ghi từ ‘Vôi’  và ‘Bình vôi’) [có thể sách đã in nhầm chữ ‘Chinam’  với chữ ‘Lack’. ‘Chinam’ đọc gần giống ‘Tàm ăn’, với nghĩa như tác giả đã viết: con sâu tơ ăn lá để kéo tơ làm ra lụa. Nếu Lack là cau, thì tác giả đã viết nhầm các thức trong tục ăn trầu này.

 

_Kingdom of Bao or Baotan: vương quốc Bồn Man (phía đông nước Lào xưa)

_Cam-chain: cam sành: Cam sành là loại cam lớn có màu vàng, vỏ dày sần sùi, ruột vàng như hổ phách. Mùi thơm ngát, vị tuyệt ngon. Cam ngon nhất thế giới tôi được thưởng thức.)

_Cam-quit: Quít, trái tròn nhỏ, bằng nửa cam sành. Màu đỏ sậm, vỏ mỏng láng. Ruột đỏ, vị kém xa so với cam sành)

_Pone: ? (cây gỗ mềm dùng đóng tủ bàn): dổi ? [dổi là loại gỗ mềm]

_Balachaun: có lẽ W.Dampier ghi như vậy theo một từ Mã Lai về cách làm nước mắm: belacan là phần xác bã cá. Không có từ Việt tương đương.

_Cách sản xuất nước mắm : ngư dân trộn cá và tôm với muối và nước rồi nén trong hũ đậy kín. Sau một thời gian xác tôm cá nhừ nát ra thì người Việt gạn ra phần nước dùng, gọi là nuke-mum. Người nghèo thì ăn phần bã mắm (balachuan) với cơm. Phần nước màu nâu nhạt, ngả màu xám nhưng trong suốt được mọi người ưa chuộng, ăn với thịt gà, thịt vịt rất ngon.

 

(Christofori Borri lại không phân biệt được: ông gọi nước mắm là Balachiam).

 

_Nuke-mum: nước mắm

_Batsha: ? (địa danh)

_Boua: Vua

_Choua: Chúa

_Cachao: Kẻ Chợ

_ General Ungee Comei : ̣tướng quân ông Nghè Chất ? (Ungee: ông Nghè?)

_Gongo: gông (công cụ tra tấn)

_ Ungee Thuan Ding: ông nghè Thuận Đình hay Thượng đẳng? [Thượng đẳng phúc thần, tước phong của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trinh khi mất]
_ Ungee Hane: ông nghè Hàn ?

_Người Đàng Ngoài dùng đũa ăn cơm rất thuần thục. (Trong khi các thủy thủ Nhật lại ghi người Annam (ở Gia Định) không dùng đũa, chỉ ăn bốc)

(Ghi thêm: trong danh sách Tiến sĩ (Trạng nguyên), tức những người được gọi là Ông Nghè, cuối thế kỷ 17, có những vị sau: Nguyễn Quốc Trinh 1624-1674, đi sứ Tàu bị giết, được truy tặng Binh bộ thương thư, Trì quận công, tên thụy là Cường Trung, phong làm Thượng đẳng phúc thần;

Đặng Công Chất 1621-1683 [vị này làm đến Thượng thư Bộ Binh, Bộ Hình hàm Thiếu bào, tước Bá, ‘General Ungee Comei’ là vị này chăng?];

Lưu Danh Công, làm quan đến Hàn lâm học sĩ 1643-?, ông Nghè Hàn phải chăng là vị này ?;

Nguyễn Đăng Đạo, sau đổi là Liên, khi mất được truy tặng Thương thư bộ Lại, Thọ quận công 1650-1718;

Trịnh Tuệ hay Huệ, Quốc tử giám Tế tửu thời Trịnh Doanh 1701-? )

 

NGƯỜI ANH

 

John Barrow (1764 – 1848) là nhà thám hiểm, nhà quản trị và ngoại giao Anh. Khoảng 1792-1794, ông giữ chức thị vệ của George Macartney, sứ thần Anh đầu tiên ở Trung Quốc. Hạm đội chở phái đoàn sứ thần Anh đến Trung Hoa, ngừng lại ở Đà Nẵng từ 14/5 đến 16/6/1793, dưới triều vua Cảnh Thịnh. Tác phẩm viết trong khoảng 1797-1798, tức là 4 năm sau khi Barrow rời Đà Nẵng.

Tác phẩm có tựa rất dài, A Voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793: containing a general view of the valuable productions and the political importance of this flourishing Kingdom; and also of such European settlements as were visited on the voyage; with sketchs of the Manners, Character and Condition of their several inhabitants, to which in annexed an Account of a Journey made in the year1801 and 1802 to the Residence of the Chief of the Booshuana nation… (London, 1806).

Trong tác phẩm có một phần ghi lại bảng đối chiếu một số từ bằng 3 ngôn ngữ Anh, Hán, Việt.

Ông chỉ ở Đà Nẵng khoảng một tháng nên chắc chắn không thể biết rành tiếng Việt để viết. Phần giới thiệu tác phẩm cho biết ông tham khảo từ các nguồn sau để viết về xứ Nam Hà (Cochinchina): bản thảo hồi ký của Đại úy Barissy, một sĩ quan Pháp giúp việc cho vua Gia Long (King of Cochinchina); ghi chép của một thơ lại của Triều đình Trung hoa sống ở Đà nẵng; tường trình của các thừa sai và các sự kiện trên được hai người Anh sống ở Saigon năm 1799-1800 xác nhận.

Ta biết cuốn tự điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes đã được in năm 1651 và hầu hết các từ Barrow ghi chép không giống mấy với A.de Rhodes. J. Barrow cho biết nguồn tài liệu từ các thừa sai, hoặc cũng có thể do ông tự ghi.

(A Voyage to Cochinchina, trang 271)

Tranh của W.Alexander

2 ảnh trên là Vịnh Đà Nẵng (Turon Bay), trích từ An Account of Cochin-China của Christopher Borri, nhà truyền giáo người Ý, trong tập A Collection of Voyages and Travels, 1811, trang 773). 2 ảnh này cũng của William Alexander vẽ nhưng không có trong tập A Voyage to Cochinchina 1792.

Những nhân vật trong ảnh đều cường tráng, khoẻ mạnh, không giống như Samuel Baron tả về con người ở Đàng Ngoài: ‘hai phái nam nữ có tạng người tương xứng, nhỏ và ốm yếu, có lẽ do ăn uống, ngủ nghĩ không điều độ’.

 

Đặc biệt, John Barrow ca ngợi Vua Quang Trung hết lời. Đọc đoạn trích sau đây, ta tưởng như lời sử gia châu Âu nào đó xưng tụng Nã phá Luân:

 

(Trước khi nói về việc thực thi công vụ, tôi nên kể tiếp quá trình chinh phục vương quốc của Vua Quang Trung, những tính cách phi thường của nhân vật ngoại hạng này, người xứng đáng được xếp vào hàng số ít những con người sinh ra để cai trị thế giới, những con người mà rất hiếm khi xuất hiện ở bất kỳ đất nước nào, những con người mà vầng hào quang chói lọi khiến họ trở thành bất tử.)

(A Vogage to Cochinchina, London, 1806, John Barrow, trang 271)

 

 

Sau đây là một số từ Việt J.Barrow ghi nhận:

 

Mat (eyes): mắt

Tai (ears): tai

Too (head): đầu

Blai (heart): tim

Tai (hand): tay

Tchen (foot): chân

Mien (face): mặt

Dan-ou (man): đàn ông

Dan-ba (woman): đàn bà

Chung-tooi (we): chúng tôi

Chung-bai (ye, you): chúng bay, chúng mày

Chung-no (they): chúng nó

Miao (cat); mèo

Koo (dog): chó

Ma (horse): ngựa. (Rất lạ là A.de Rhodes đã ghi nhận từ ‘ngựa’ trong từ điển VBL từ 1651)

Ka (fish): cá

Bo (ox): bò

Hoo (stag): hươu

Bo-kau (pigeon): bồ câu

Ngoo (goose): ngỗng

Wha (flower): hoa

Da (stone): đá

Whang (gold): vàng

Bak (silver): bạc

Tow (copper): đồng

Chee (lead): chì

Tié (iron): sắt

Mat-bloei (sun): mặt trời

Blang (moon): trăng

Sao (stars): sao

Moo (clouds): mây

Jeo (wind): gió

Ngai (day): ngày

Teng (night): đêm

Doo (east): đông

Tai (west): tây

Bak (north): bắc

Nang (south): nam

Gao (rice): gạo

Muoi (salt): muối

Dang (sugar): đường

Looa (silk): lụa

Baou (cotton): bông (vải)

Jing (vinegar): dấm

Te-lung (egg): trứng

Da (house): nhà

Shooa (temple): chùa

Tau (ship): tàu

Tien (money): tiền

Taw (oil): dầu

Tchuang (bed): giường

Pan (door): cửa

Tiau (knife): dao

Kai (plough): cày

Dan (anchor): neo, mỏ neo

 

Ngoại trừ những âm như Bloei (trời), blang (trăng), te-lung (trứng), phát âm hơi khó khăn, nghe như âm đôi, những từ còn lại không khác ngày nay là mấy.

 

Dưới đây là ảnh trích trong A Voyage to Cochinchina 1792, do William Alexander vẽ:

Người lính Đàng Trong

Cảnh diễn tuồng của người Đàng Trong

Người dân Đàng Trong

Thuyền trên sông Faifo

Dâng hoa quả đầu mùa cho Đức Phật (God Fo)

 

 

VÀ NGƯỜI NHẬT

 

VÀI ĐIỂM THẮC MẮC KHI ĐỌC NAMPYOKY CỦA MARUMATSU GASPARDONE

Tháng 9/1794, thuyền trưởng Senzo cùng 15 thủy thủ đi thuyền chở gạo tử Sendai đến Edo (Tokyo ngày nay). Thuyền gặp bão trôi dạt đến biển phương Nam. Họ may mắn được thuyền của người Annam cứu đưa về  nơi họ gọi là vương đô của Annam (Bà Marumatsu Gaspardone chú thích là Gia Định ?)(tháng 11/1794) (La capitale royale de l’ Annam). Có 6 người bị bệnh không qua khỏi được mai táng ở chùa Vĩnh Trường,  (temple d’Eicho, Vĩnh Trường tự, thuộc phái Lâm Tế (Rinsai), ghi chú bản tiếng Pháp, thờ Quan Âm;

 

(Ghi thêm: Gia định thành thông chí, quyển sách xưa nhất viết về vùng đất Gia định, không nhắc gì đến chủa Vĩnh Trường. Nhiều tài liệu về các ngôi chùa ở Gia định khoảng thế kỷ 18, 19 cũng không có tên chùa Vĩnh Trường. Sách Nampyoky có cho biết chùa là nơi chôn cất người trong hoàng tộc.)

 

Đến tháng 4/1975, họ lên thuyền về nước. Đời sống xã hội và phong tục tập quán của người Annam được ghi chép trong tập báo cáo tên là Nampyoky (tựa bản dịch tiếng Pháp là Naufrage dans le Sud, Đắm tàu ở phương Nam). Tập này, năm 1933 được bà Marumatsu Gaspardone dịch sang tiếng Pháp đăng trên tạp chí nghiên cứu Bulletin de l’Ecole francaise d’Extrême-Orient.

Ở phần giới thiệu, Bà Marumatsu Gaspardone (M.G.) cho biết, bản dịch dựa theo báo cáo chính thức của Kondō Morishige, thư ký chính quyền tỉnh Nagashaki, viết vào năm 1795-1796. Dựa vào các báo cáo này, Shihoken Seishi soạn thành sách Nampyoky.

 

Trong sách có phần ghi chép một số từ tiếng Việt mà người soạn cho biết do hoa tiêu của tàu tên Genzaburo ghi:

“Từ ngữ Annam rất nhiều, chúng tôi chỉ ghi lại vài từ thôi. Khi đến xứ này, hoa tiêu của chúng tôi vốn biết chút ít chữ nghĩa, hàng ngày ghi lại tên nhiều vật dụng do anh hỏi được bằng cách ra dấu. Anh cũng có biết vài từ nước ngoài, nên khi gặp rắc rối, anh tự ghi bằng các ký tự anh học được. Rất không may anh đã qua đời trên đường trở về quê hương”.

Ở Lời nói đầu của sách này, tác giả (Shihoken Seishi) cho biết lý do và nguồn tài liệu để ông soạn :

“Cổ nhân bảo, tính của gương là phản chiếu. Nước trong vì nó chảy, nhưng nếu có gió to, nó lại làm chìm tàu trên biển. Lửa biến hình dưới tay người: đặt nó lên cao, nó soi tỏ chỗ xa chỗ gần: ấy là đức tốt của nó vậy. Nhưng: dưới chân hải đăng thì tăm tối, ánh sáng của nó không phân biệt được hình dạng, màu sắc mọi chốn. Cũng như thế, tầm hiểu biết của chủ hiệu sách chỉ biết đến cái tựa sách; tự Kana [cổ ngữ Nhật] tôi còn không biết huống hồ là chuyện trước tác văn chương. Mà cuốn sách này tường thuật giấc mơ của vị đạo sĩ giắt trái bầu đến phương Nam, nơi có vô số chuyện kể du hành ra xứ lạ, đến vùng biển phương Nam, rồi quay về quê hương bản quán, sau 3 năm gian khổ. Chuyện xưa nay hiếm và rất thú vị, người kể là người trực tiếp đi nên biết về phong tục những đất nước nơi miền biên viễn. Có thể còn nhiều thiếu sót, chẳng hạn dụng cụ sinh hoạt và khí cụ, là những thứ tôi tự hỏi không biết có ở Annam hay không. Nhặt nhạnh câu trả lời trong rất nhiều báo cáo lẫn lộn, ̣tôi viết ra cuốn sách tựa đề là: Chuyện kể vị đạo sĩ dắt trái bầu đến phương Nam.”

 

Vương thành xứ Annam. Ảnh trích trong Nampyoky, Naufrage dans le Sud, BEFEO, 1933

“Làng nhỏ Tây sơn” (Le petite village de Saison, Nampyoky)

“Trong nội đô có toà tháp 5 tầng, cao chừng 200 pieds (60m), rất lộng lẫy”

[Không biết tác giả, dịch giả, hay sách có in nhầm không. Độ cao 60m hơi khó tin, với một công trình xây dựng vào cuối thế kỷ 18 ở Gia Định ? 1pied = 0,3m]

Quán xá

(Các ảnh trên trích từ: http://lib.s.kaiyodai.ac.jp/library/bunkan/tb-gaku/hyoryu/NANPYO/nanpyo-index.html)

(Các chú thích hình của người viết, ảnh ở link trên không ghi)

Nơi tàu đắm, Nampyoky (bản Pháp dịch: Naufrage dans le Sud) ghi là Saison ( M.G. chú là Tây Sơn). Viên hoa tiêu trên tàu tên Genzaburo, biết chút ít chữ Hán, trao đổi với các ngư dân bản xứ, và hỏi đây là đâu, họ trả lời: là đảo hoang Tây sơn thuộc nước Annam (L’ile désert Saison en Annam).

Từ đảo này đi 5 ngày theo đường sông thì đến nơi họ (thủy thủ Nhật) gọi là vương thành của nước Annam (La capitale royale de l’ Annam).

Bà M.G. cho rằng vương thành này là Gia Định.

Đây là mô tả về vương thành:

Vương thành: phía tây, phía nam là núi cao. Phía bắc thành là thị trấn. Phía đông là sông lớn chảy ra biển. Sông này chảy qua làng nhỏ Tây sơn. 100 ri về phía đông bắc là xứ Tây-sơn. (1 ri # 655m)

Vậy nơi tàu Nhật trôi dạt vào có thể là cửa biển Cần giờ (ngoài huyện Cần giờ ngày nay, có xã đảo Thạnh An, có phải là đảo hoang nơi tàu Nhật tấp vào không?) Tên Cần giờ đã có từ thời chúa Nguyễn Ánh. Đại Nam thực lục ghi nhiều lần Nguyễn Ánh đem binh từ cửa Cần giờ ra NhaTrang, Quy nhơn, đánh nhau với Tây sơn. Trong tập du ký A Voygage to Cochinchina, 1824, John White (đến Saigon năm 1820) ghi là Canjeo (khi khởi hành từ Saigon qua Canjeo đến Vungtau .(Chương XXI, trang 348).

Ở Gia Định, 4 trái núi gần nhất là Châu Thới ở Biên Hoà, Bà Đen ở Tây Ninh, Thị Vải và Dinh. Núi Bà Đen cao 996m, núi Châu Thới chỉ cao 82m. Núi Thị  Vải cao 600m, núi Dinh cao 500m. Mô tả phía tây, phía nam có núi cao có lẽ không đúng. Núi Bà Đen phía tây, cách Gia Định gần 90km; núi Dinh cách Gia Định chừng 80km và Thị Vải cách Gia Định chừng 65km phía đông bắc khá cao mới có thể nhìn thấy được; nhưng kỳ thực, đứng trên đất bằng từ Gia định có thể nhìn thấy núi không ?

Theo cách tính khoảng cách đến đường chân trời thì với khoảng cách và độ cao như trên thì từ Gia Định có thể thấy núi Bà Đen, Thị Vải và núi Dinh.

Một mô tả khác:

Trong nội thành có ngôi chùa với toà tháp 5 tầng, cao chừng 60m, rất lộng lẫy. Nhiều tỉnh trong các xứ thuộc Thanh triều, luôn có các toà tháp 5 tầng bên trong và ngoài tòa thành.

Ở cuối thế kỷ 18 (1794), có thể nào có công trình xây dựng cao đến 60m không? (200 pied x 0,3m).

[Đây có thể là nhầm lẫn của người biên soạn sách (Shihoken Seishi); ông nghĩ rằng Annam thuộc Thanh triều thì phải có toà tháp 5 tầng. Nên khi đọc lời kể các thủy thủ Nhật rằng chùa ở đó đẹp lộng lẫy thì ông viết thêm có toà tháp 5 tầng. Các hình ảnh dưới đây về một số cổ tự danh tiếng ở Saigon, Gia Định trong tài liệu của người Pháp khoảng thời gian 1860-1870, ta không thấy toà tháp nào cả].

Vĩnh Trường tự:

Cách kinh thành chừng 1,5 ri về hướng tây bắc là Vĩnh Trường tự, ngôi chùa thuộc Thiền tông, là nơi an táng người trong hoàng tộc. (ri: đơn vị chiều dài xưa của Nhật; 1ri # 654m)

A environ un ri et demi au nord-ouest de la capitale [est] le Vĩnh-trường tự, temple de la secte du Zen et temple funéraire de la famille royale.

 

Trong thời gian lưu ngụ ở vương đô Ananm, ó 6 người bị bệnh không qua khỏi được mai táng ở chùa Vĩnh Trường, đây là chùa thuộc phái Lâm tế, thờ Quan Âm. [On les enterra dans le terrain du temple d'Eichô (Vĩnh Trường tự), de la secte du Rinsai où se trouve, entre autres, une Kwannon.

Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (soạn khoảng 1820), không ghi nhận gì về chùa Vĩnh Trường. Chỉ có chùa Cây Mai, Giác Lâm.

Các tài liệu về chùa ở Gia định khoảng thế kỷ 18, 19, ngoài chùa Cây Mai và Giác Lâm, chỉ ghi các chùa Kim Chương, Khải Tường, Từ Ân.

Chùa Kim Chương còn có tên là Kim Chung, Thiên Trường, Phổ Quang Thiên Sơn tự. Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương khi bị Tây Sơn đuổi đánh, cũng tị nạn ở đây. (Theo Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc_ Kim Chương tự, ngôi chùa lịch sử của đất Gia định). Tài liệu này không thấy ghi chép gì về tháp cao 5 tầng.

Có thể là Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Phúc Dương, người thuộc dòng chúa Nguyễn tị nạn ở đây, nhưng các thủy thủ Nhật nghe nhầm thành nơi chôn người trong hoàng tộc.

Nếu có ngôi chùa với toà tháp 5 tầng lộng lẫy, hẳn các sử liệu của Việt Nam phải ghi nhận lại, nhưng không tìm thấy chi tiết này trong bất kỳ tài liệu nào.

Chi tiết chùa Vĩnh Trường là nơi an táng người trong hoàng tộc, rất có thể người kể (thủy thủ Nhật) đã nghe nhầm khi Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Phúc Dương  tị nạn ở chùa Kim Chương, [Nguyễn Phúc Dương được tôn làm Mục vương ở đây năm 1775] (chỉ có viên hoa tiêu của tàu biết chút ít chữ nghĩa (chữ Hán), còn hầu như các thủy thủ Nhật chỉ trò chuyện với người Việt bản xứ bằng tay hay bút đàm là chính, chuyện nghe nhầm là rất có thể xảy ra ).

 

Năm 1860 Giám mục Lefèbre đặt viên đá đầu tiên nhà thờ Đức bà vô nhiễm nguyên tội, trên nền ngôi chùa bỏ hoang ở vị trí sau là đường Catinat. Đến 1874, trở thành tòa Hòa giải. Hiện nay là cao ốc Sun Wah. (theo ảnh gốc ở L’Illustration, Journal Universel, No 1104, Volume XLIII, April 23, 1864)

 

(http://www.historicvietnam.com/eglise-sainte-marie-immaculee/)

(https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/29315371607)

Chùa Khải tường, Pháp gọi là chùa Barbé, chụp khoảng năm 1871-1874. Cà chùa này và chùa ở đường Catinat ở trên đều không có toà tháp. Nhiều tài liệu cho rằng chùa hiện là Bảo tàng chứng tích chiến tranh, 28, Võ Văn Tần, Q.3; nhưng cũng có tác giả cho là ở vị trí Nhà thờ Đức bà. (https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/albums/72157661578363180/)

 

Chùa Kiểng Phước, 1860, [Pháp gọi là Pagode des Clochetons, chùa Chuông, vậy đây là chùa Kim Chương hay Kim Chung mà Pháp gọi là Pagode des Clochetons] trích trong bài Trương Định, Phù Lang Trương Bá Phát Tập San Sử địa số 3, chép lại từ sách của ông Taboulet (Học giả Vương Hồng Sển cho biết chùa nằm trên đường Nguyễn Văn Thoại, giáp với trường Bà Đầm, Chợ Lớn. Đã bị phá năm 1866; nay là khoảng cuối đường Lý Thường Kiệt giáp với Phù Đổng Thiên vương). Ảnh khá mờ nhưng không thấy toà tháp.

Chùa Kiểng Phước (Pagodes Clochetons), không có toà tháp, chỉ thấy tháp canh của quân Pháp. Quân Pháp chiếm chùa ngày 28.6.1860. Chùa có cảnh quan rất đẹp, nhưng vị trí chùa không ở trong nội đô như lời các thủy thủ Nhật. (https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/albums/72157661578363180/)

Chùa Cây Mai, Pháp chiếm làm đồn Cây Mai (23.4.1859). Hiện là số 26, Hùng Vương Q.11 (Pagode l’Aubreuvoir ou Fort de Caimai près de Cholon). Ảnh của Emile Gsell, không rõ năm chụp, có thể cùng thời điểm với lúc chụp chùa Barbé)

(www.photo.rmn.fr/archive/13-532286-2C6NU0DQOKP5.html)

Ảnh này gợi nhớ bài thơ Vịnh chùa Cây mai của ̉Tôn Thọ Tường:

Đau đớn cho mai cách dưới đèo,
Mười phần trong sạch phận cheo leo.
Sương in tuyết đóng nhành thưa thớt,
Xuân đến thu về lá quạnh hiu.
Lặng lẽ chuông quen cơn bóng xế,
Tò le kèn lạ mặt trời chiều.
Những tay rượu thánh thơ thần cũ,
Trông cảnh bao nhiêu tiếc bấy nhiêu
.

Trước khi bị quân Pháp chiếm, chùa là nơi tụ hội các nhà thơ trong Bạch Mai thi xã, ngoài Tôn còn có Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa…

“Lặng lẽ chuông quen cơn bóng xế, Tò le kèn lạ mặt trời chiều”,… câu thơ đầy tâm sự ngậm ngùi khi chùa xưa không còn nữa, thay cho tiếng chuông là tiếng kèn điểm binh trong trại lính. Trong bài thơ họa trích bên dưới, Đông Hồ đưa tâm sự này vào 2 câu thực: “Giang Nam mộng cũ xuân man mác, Thi xã hồn xưa gió hắt hiu”.

Một ngày cuối năm 1960 , khi nơi này còn là đồn binh, nhà thơ Đông Hồ cũng lặn lội đến đây, cạy cục xin vào ngắm cây mai trắng để làm bài thơ họa với bài trên của Tôn.

Lọ thẳm khơi sông chót vót đèo
Rồng thiêng tiên náu bước xuân leo
Giang Nam mộng cũ xuân man mác
Thi xã hồn xưa gió hắt hiu
Cốt cách thẹn thò băng ngọc tối
Phong tao e ấp tuyết sương chiều
Năm ba hồi nở năm ba nụ
Tâm sự ngày xưa chút bấy nhiêu.

 

MỘT SỐ TỪ VIỆT TRONG NAUFRAGE DANS LE SUD, MARUMATSU GASPARDONE, BEFEO, 1933 (dịch từ bản tiếng Nhật của Shihoken Seishi, 1794)

(Đây là cách đọc của người Nhật các từ Việt nên sẽ rất khác với cách ghi của người phương Tây; các ghi chú tiếng Pháp và nghĩa tiếng Việt chép đúng theo bản Pháp ngữ)

Mo (un): một

Hai (duex): hai

Ha (trois): ba

Hon(quatre): bốn

Nan (cinq): năm

Sao (six): sáu

Wai (sept): bảy

Tan (huit): tám

Sen (neuf): chín

Moi (dix): mười

Moran (cent): một trăm

Mokan: một quan

Mame (oeil): mắt

Dai (oreille): tai

Bocha (tête): đầu

Moto (bouche): mồm

Ran (rent): răng

Moi (nez): mũi

Roi (langue): lưỡi

Zaa (père): cha

Mame (mère): mẹ

Biya (femme): nữ

Kagea (enfants): con cái

Kuntai (garcon): con trai

Kono (fille): con gái

Kyoo (chien): chó

Hiko (canard): vịt

Mayao (chat): mèo

Kiyao (cheval): ngựa

Mai (riz): gạo

Yao (huile): dầu

Ren (lumière): đèn

Hei (papier): giấy

Tou (tabac): thuốc (lá)

Yoi (oreiller): gối

Tsui (pinceau): bút

Moto (encre): mực

Rowa (feu): lửa

Rai (marmite): nồi

Kai (non): không

Kanron (riz cuit): cơm rang

Sai (thé): chè

Meusu (demain): sớm mai

Mao (pluie): mưa

Jouchi (sale): dơ bẩn

Kabon (Est ce qu’il y a cela Hinoshita aussi?) : có không. Có phải người Hinoshita không?

_Ta thấy từ “Gạo”, J. Barrow viết rõ là “gao”, thì S. Seishi viết “mai”. Không rõ đọc thế nào? “Mê” hay “mễ” chăng?. Theo bảng ghi từ gốc (xem ở dưới), âm Sino-Tibetan, và cả âm của dân Austroasiatic như Daic và Hmong-mien đều đọc là “mei”.

Vậy có thể “mễ” hay “mê” là âm gốc của người Việt. Về sau mới chuyển sang đọc là “gạo”.

_Kanron: cơm rang. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Của ghi: cơm rang: cơm nguội chấy hay ram với mỡ.

_Từ “Ngựa” viết khác hẳn nhau; J.Barrow viết ‘Ma” trong khi S.Seishi viết “Kiyao”

 

Tiếng Việt ở Đàng Ngoài và Đàng Trong đã được bàn đến nhiều qua văn bản của các thừa sai và Giáo hội, như tự điển Việt_Bồ_La, Phép giảng tám ngày, Truyện thầy Lazaro Phiền v.v…

Nên ở đây chỉ nhắc qua loa về tiếng Việt ở miền Nam, cụ thể là vùng Sài Gòn, Gia Định, với cách ghi của các thủy thủ Nhật liệt kê ở bảng đối chiếu ở trên và cuốn Chuyện Đời Xưa của học giả Trương Vĩnh Ký. Đây là sách cụ Trương Vĩnh Ký soạn từ năm 1866, chỉ sau thời điểm các thủy thủ Nhật đến Gia Định (1794) là 72 năm. Có lẽ tiếng Việt chưa khác biệt mấy.

Do người Nhật chỉ ghi các từ đơn, nên cũng chỉ tham khảo các từ tạm xem là tương đương trong Chuyện Đời Xưa (theo bản của Abel des Michels, gồm 3 thứ tiếng: Quốc ngữ, Pháp và Nôm, in tại Paris, 1888. Bản này chỉ có 20 chuyện. Và bản của Nhà xuất bản Khai Trí in lại năm 1967, không rõ in theo bản nào, có 74 chuyện).

Các nhà nghiên cứu nhận xét văn trong Chuyện đời xưa viết trơn tuột như nói (lời văn hết sức giản dị, mộc mạc, bình dân. Sách viết lúc chữ quốc ngữ còn phôi thai, nên có nhiều đoạn chữ rất cổ, câu văn không được mạch lạc, sáng sủa như hiện nay… Trích Lời nhà xuất bản, Khai Trí).

Xin trích nguyên văn lời mở đầu cuốn này của Trương Vĩnh Ký (bản Nhà xb Khai Trí, 1967):

Ý SÁCH

CHUYỆN ĐỜI XƯA

Kêu rằng: CHUYỆN ĐỜI XƯA, vì nó là những chuyện kẻ lớn trước ta bày ra để mà khen sự tốt, chê sự xấu cho người ta sửa cách ăn, nết ở cho tử tế.

Ta cũng có thêm một, hai chuyện thiết tích mà có ý vị vui, dễ tức cười, cũng để cho người ta thấy khen mà bắt chước, thấy chê mà tránh.

Góp nhóp trộn trạo chuyện kia, chuyện nọ, in ra để cho con nít tập đọc chữ quốc ngữ, cũng là có ý cho người ngoại quốc muốn học tiếng Annam, coi mà tập hiểu cho quen.

Nay ta in sách này lại nữa: vì đã hết đi, cũng vì người ta dùng sách này mà học tiếng, thì lấy làm có ích. Vì trong ấy cách nói là chính cách nói tiếng Annam ròng; có nhiều tiếng, nhiều câu thường dùng lắm.

P.J.P. TRƯƠNG VĨNH KÝ

Trích một truyện tượng trưng trong tập Chuyện Đời Xưa, bản Abel des Michels, Paris, 1888:

TRUYỆN CHƠI

Truyện số I

CON GÁI CẦU CHỒNG ĐẠI VƯƠNG

Có một con kia nhan sắc đẹp đẽ, mà trông cho được một người chồng sang trọng đứng vì vương vì tướng, cho nên thường bữa thường ra chợ mua nhang đèn, đem vô chùa vái cùng Phật bà, xin xui khiến cho mình đặng như người tình mình sở nguyện. Người bán nhang còn nhỏ tuổi; thấy cô ấy mổi bữa mổi ra mua nhang thì lấy làm lạ. Quải giổ thì cùng có khi, có đâu mà mổi ngày, ngày nào cũng như ngày nấy. Đánh mòm theo coi, thấy vái có chồng cho sang. Anh ta dòm hiểu được ý, thì bữa sau mướn người khác bán thế cho mình. Liệu vừa chừng cô ấy vô chùa, anh ta vô trước núp sau tượng Phật. Cô ấy vào thắp nhang, đốt đèn, ngồi lạy xin một hai cho được chồng làm vua mà thôi. Chú chàng ở sau ứng tiếng lên nói: “Con muốn làm vậy, mà không nên; con phải lấy thằng bán nhang ngoài chợ. Số con làm vậy đó.” Cô ta ra về, vưng theo lời Phật bà dạy, ra tìm người bán nhang. Hẹn hò ngày kia buổi nọ thì ra chổ nọ cho nó đem về nhà. Vậy nó bỏ con ấy vào cái bao không, bỏ một đầu thì nó, một đầu thì nhang, gánh thẳng về nhà. Đàng về nhà thì phải đi ngang qua cái rừng. Bữa ấy có thái tử đông cung đi săn trong ấy. Anh ta sợ gặp quân gia quan quyền, có khi họ hỏi han, khó lòng, mới đứng ngừng lại. Quân gia đâu vừa đi trợt tới. Nó thấy vậy để gánh dẹp lại một bên đường, chạy tuột vào bụi trốn trỏng. Quân thấy gánh mà không có người, thì lại lục mà coi, mở cái bao ra, thấy một nàng xinh tốt lắm nằm khoanh trong ấy; thì dẫn về cho thái tử. Đức ông mới hỏi tự sự trước sau. Thì cô ấy gởi rõ duyên cớ đầu đuôi gốc ngọn, lại cho Đức ông nghe. Sẳn có săn được một con cọp; thì thái tử dạy đem con cọp mà bỏ vào cái bao, cột lại, để lại trong gánh như trước, còn cô ấy thì thái tử đem về làm vợ. Anh kia núp vào trong bụi nghe coi đã vắng tiếng thì biết họ đã đi đi rồi (sic); thì ra, rờ lại cái bao thăm coi vợ mình còn hay không. Bóp coi thấy còn, thì kề vai gánh về nhà. Cha mẹ anh em ra hỏi mắng chớ giống gì trong cái bao này vậy ? thì nó nói nộ rằng: “Cọp đó chớ gì”. Cất nhang đồ rồi, nó rinh cái bao ấy về phòng, được có đem vợ ra. Chẳng ngờ vợ đâu chẳng thấy ! cọp ở trong nhảy ra bẻ cổ anh ta chết tươi đi tức thì.

(bản Khai Trí, truyện số 60, chép khác :

_ mà trong ý ước trông cho được

_ đặng như tình mình sở nguyện vậy

_ xin một hai, cho được chồng làm vua làm tướng mà thôi

_ dạy đem con cọp mà bỏ vào cái bao, cột lại, để lại trong gánh im lìm như trước

_ đã đi (thiếu một chữ đi) rồi; thì ra

_ nó rinh cái bao ấy về phòng, đóng cửa lại, rồi lại mở miệng bao, được có đem vợ ra.

Ngoài ra, bản Khai Trí có thêm câu sau đây ở cuối truyện:

_ Bởi thiên lý vị nhiên, nên nghịch thiên giả tử

Những từ gạch dưới là những từ không có trong bản Abel des Michels. Bản A.M. không chia đoạn, không xuống hàng. Bản K.T. chia làm 7 đoạn.

Trích thêm truyện số 18, bản Khai Trí, văn đối thoại:

ĐÚT SÁP CHO CỌP ĂN KHỎI CHẾT

Thằng hát bội kia nó giễu cái nầy xâm những ông quan hay ăn hối lộ: Ý cha chả ! hôm trước tôi đi ăn ong về, gặp ông cọp; tưởng đã xong đời đi rồi.

Hủy ! Vậy thì còn gì mầy ? Mà may tao có vác một bó sáp trên vai, tao mới chàng hảng ra, tao đút sáp ra đàng sau, ổng chạy theo ổng táp, mắc nhai sáp, tao chạy trược đi khỏi. Xí hụt !

Nhân tiện, chép lại đây một số từ đặc trưng của người miền Nam:

Nổi thần hung lên; nổi xung lên (nổi giận)

Đặng (được)

Năng vô ra tới lui (thường vô ra)

Xong xả (xong xuôi)

Đàng (đường)

Quở (mắng)

Ngang quá ghẹ đi cà (ngang hơn cua)

Cờ bơ cờ bất ( cù bơ cù bất)

Lếu (láo)

Leng teng (tung tăng?)

Có khuấy chơi (có giỡn chơi?)

Thì thôi thè (thì thôi hè)

Làm om bển đi vậy (làm om sòm bên đó vậy)

Đói bụng thét (đói bụng quá)

Đi trờm tới (đi trờ tới)

Lợt xợt (đột ngột, thình lình)

Tỉnh nghỉnh (lếnh nghểnh, nhiều )

Cố cựu (ngày xưa)

Lót cót (lót tót)

Lăng căng, xăng văng (lăng xăng)

Liệt địa cùng đàng ( dưới đất trên trời)

Xẻn lẻn (bẻn lẻn)

(Nhiều) đều: (nhiều) điều

Dện diệt (nện)

Duông nhan (dung nhan)

Quờn cao lộc cả (quyền cao chức trọng)

 

MỘT SỐ TỪ VIỆT GỐC

Theo các nhà ngôn ngữ học, tiếng Việt thuộc nhóm ngôn ngữ Austric (bao gồm Austro-Asiatic (Nam Á) và Austronesian (Nam Đảo), ngữ hệ Mon-Khmer, nhánh Vietic (hay Việt-Mường); tổ tiên chung của nhóm ngôn ngữ này ước chừng 3.000 năm trước CN. (Origin and Development of Langue in South Asia, Michel Witzel) và có thể xưa hơn: 5.000-4.000 TCN (Language Dispersal Beyond Farming, Martine Robbeets).

Dưới đây là vài từ gốc của tiếng Việt:

Table 3. Widely attested agricultural terms in Sino-Tibetan

                   Gloss                      Comment

#mei          rice         [also in Daic and Hmong-Mien]

#ʃan          rice         [also in Daic]

#t∫ͻk         foxtail millet [also in Mienic and Austronesian]

#ŋwV         cox, ox    [also in Daic and Austroasiatic]

#brak         pig          [also in Austronesian]   

 

Từ ngày nay ta đọc là gạo, John Barrow viết rõ “gao”, nhưng Shihoken Seishi viết “mai”, có thể đọc theo ngôn ngữ Hmong-Mien là “mê” hay “mễ” chăng ? (Vậy từ “mễ” nghĩa là gạo không phải là từ Hán-Việt mà là thuần Việt: ảnh hưởng theo ngữ hệ Hmong-Mien; một giả thuyết khác là vào thế kỷ 18,19, lúa gạo hầu như do Hoa kiều chi phối nên người Gia định nói “mai”, chứ không nói “gao” ?)

Table 6. The #duuk root for ‘boat’ in Austroasiatic

Branch            Subgroup, language     Citation

Banaric           Proto-Bahnaric             *duuk

Katuic             Pka                             *duuk

Khmeric           Khmer                        tuuk

Monic              Nyah Kur                    thū:k

Nicobaric         Nancowry                    dϋc

Pearic              Common                     #tͻ̀k

Vietic               Proto-Vietic                 #ɗu:k 

 

Chữ mà ngày nay ta đọc là “tàu”, thì John Barrow viết là ‘tau”. Từ “ɗu:k” không biết đọc thế nào. “Dau” chăng ? (Theo bảng này, ta thấy người Việt nói giống người Bahna, sau chuyển sang nói theo người Khmer (tuuk) hoặc Mon (thù:k): ảnh hưởng của thuyết ngôn ngữ lan tỏa.

Table 8. Proposals for the Daic subsistence lexicon

Item          Quasi-reconstruction        Possible source

Taro     #pɣaak        <Taiwan names for Alocasia macrorrhizos

Cooked rice  #mpVŋ              widespread mV-root

Husked rice   #saan               Sino-Tibetan and Austroasiatic

White rice      #rͻp                 Daic innovation

Ginger           #khiŋ               <Proto-Hmong-Mien

Buffalo          #kwaay            <Austroasiatic

Goose           #ɣaan               <Austroasiatic 

 

Từ “saan” (husked rice) có thể là gốc của từ “trấu”

Từ “Ɣaan” không biết đọc thế nào. Hay là từ “ngan” (ngỗng) trong tiếng Việt bắt nguồn từ đây ?

(Các bảng trên trích từ: Origin of Ethnolinguistic Identify in Southeast Asia, Roger Blench)

* Các từ dưới đây thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á (South Asia), nhưng có thể liên quan đến từ Việt:

   Engl.                             hand                     eye    

   Hindi                             hath                      āṅkh

   Tamil                            kai                         kaṇ

   Korku &                         tī                           me’d

   Munda                           ī       

(Origin and Development of Langue in South Asia, Michel Witzel)

Chú ý các từ “ tay” và “mắt” với các từ “kai”, “tī” và “me’d”: từ “tay” của tiếng Việt pha trộn giữa 2 từ “kai” và “tī”.

 

Dù J. Greenberg chưa kịp hoàn thành công trình phân loại từ cho vùng ngôn ngữ Austroasiatic, nhưng 2 nhà ngôn ngữ học Bengtson và Ruhlen cũng đã cung cấp cho chúng ta một bảng tổng hợp 27 Từ Nguyên của Nhân Loại. Những từ mà ông tổ từ châu Phi hơn năm vạn năm trước đã mang đi phân phát khắp thế giới. Và may thay trong đó cũng còn giữ vài từ nguyên của người Việt, những từ mà người Việt thời Phùng Nguyên, Đông Sơn, Hai Bà Trưng đã nói:

* Trích dẫn vài từ trong Từ nguyên thế giới (Global Etymonogies, John D. Bengtson và Merritt Ruhlen):

AJA: (Mother, older female) từ chỉ Mẹ, Phụ nữ lớn tuổi:

_ Austroasiatic: Mon-Khmer: Proto Mon-Khmer: *jaɁ : grandmother: Bà?

KANA: (arm) cánh tay:

_Austroasiatic: Vietnamese: cánh, cành (arm, branch, wing)

KUN: (who?) Ai?

_Austroasiatic: Mon-Khmer: Vietnamese: gì  ‘what,’(A.de Rhodes [ cả Pigneau de Béhaine và J.B.Taberd] đều ghi là “đí gì ?”; nhà văn Hoàng Hải Thủy thường ghi theo cách nói dí dỏm của miền Bắc là: “ký rì ?chắc ông không ngờ đó chính là cách nói của các cụ ta ngày xưa. Bất ngờ hơn là A.de Rhodes ghi lại một câu thế này: :”chẳng có đí gì sốt”, hệt như văn trào phúng hiện đại của Vũ Trọng Phụng)

PAR: (to fly) Bay:

_Austroasiatic: Vietnamese: Bay

TIK: (finger, one) Ngón tay

_Austroasiatic: Vietnamese: Tay

Trong 5 từ gốc kể trên, ngoại trừ từ AJA chỉ kê tên nhóm Mon-Khmer ( tiếng Việt có thể là Bà), 4 từ còn lại đều kê rõ từ Việt liên quan:

KANA: cánh, cành; KUN: gì; PAR: bay; TIK: tay.

 

Dưới đây là bảng đối chiếu 26 từ nguyên nhân loại, với các từ liên quan trong tự điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes và các từ Việt ngày nay.

GLOBAL ETYMOLOGIES

VIỆT-BỒ-LA (1651)

VIỆT HIỆN NAY

1.Aja (mother, older female relative)

Mẹ, Bà

Mẹ, Bà

2.Bu(n)ka (knee, to bend)

Đầu gối

Đầu gối, Quỳ gối

3.Bur (ashes, dust)

*

Tro, Bụi

4.Čun(g)a (nose, to smell)

Mũi

Mũi, Ngửi

5.Kama (hold[in the hand])

Cầm, Giữ

Cầm, Giữ

6.Kano (arm)

Tay, Cánh tay

Tay, Cánh tay

7.Kati (bone)

Xương

Xương

8.K’olo (hole)

Lỗ

Lỗ

9.Kuan (dog)

Chó

Chó

10.Ku(n) (who?)

Ai, Ai đó

Ai, Ai đó

11.Kuna (woman)

Đàn bà

Đàn bà

12.Mako (child)

Con cái

Con cái

13.Maliq’a (to suck[le], nurse, breast

**

Vú, Bú

14.Mana (to stay [in the place])

Ở lại, Ở đâu

Ở lại

15.Mano (man)

Oũ, đãn oũ (ông, đàn ông)

Ông, đàn ông

16.Mena (to think ‘about’

***fuy (suy), fuy lại, fuy chẳng đến

Suy nghĩ, Ngẫm nghĩ

17.Mi(n) (what?)

Gì, Đí(cái?) gì, fự(sự) gì, Đều (điều) gì

Gì, Cái gì, Sự gì, Điều gì

18.Pal (2)

Hai, Đôi, Nhị

Hai, Số 2

19.Par (to fly)

****

Bay

20.Poko (arm)

Tay

Tay, Cánh tay

21.Teku (leg, foot)

Bàn chên (chân)

Chân, Bàn chân

22.Tik (finger, one)

Ngón tay

Ngón tay

23.Tika (earth)

Đất, Địa

Đất, Trái đất

24.Tsaku (leg, foot)

Bàn chên (Bàn chân)

Chân, Bàn chân

25.Tsuma (hair)

Tóc

Tóc, lông

26.ɁAq’wa (water)

Nước, Nác

Nước

 

* Tự điển Annam-Latinh của Pigneau de Béhaine (1773) và J.L.Taberd (1838) có ghi từ Bụi bặm, Tro bụi. Có thể A. de Rhodes đã bỏ sót.

** Tự điển Annam_Latinh (1838) của J.L.Taberd có ghi từ Bú (bú mớm, bú sữa), và từ Vú (vú nuôi, vú sữa)

***Tự điển Annam-Latinh của P.de Béhaine và J.L.Taberd có ghi từ Nghĩ (Suy nghĩ) và cả từ Suy (suy xét, suy ngẫm). Bản Việt-Bồ-La dùng vần f thay cho vần s, chỉ có từ Fuy (Suy), không cho từ Nghĩ.

****Tự điển Annam-Latinh của Pigneau de Béhaine và của J.L.Taberd đều có ghi từ Bay (bay nhảy, cao bay xa chạy). Tự điển P. de Béhaine chỉ sau Tự điển Việt-Bồ-La 122 năm, có thể A.de Rhodes đã bỏ sót từ này.

(Xem thêm bài Cội Nguồn, đoạn Nguồn gốc dân tộc theo ngôn ngữ học: từ *tik (một, ngón tay) có thể là tiếng mẹ đẻ ban đầu của cả loài người ).

Ta thấy là theo bảng này, ngoài 4 từ mà Bengtson và Ruhlen ghi nhận có trong tiếng Việt; theo A.de Rhodes, còn có các từ nói gần như từ gốc: JAR (Bà); BUR (Bụi); KAMA (Cầm); KANO (cánh, cánh tay); MI[N]  (Đí [cái] gì); TIKA (địa, đất); TSAKU (chên, bàn chên>chân, bàn chân).

Từ PAL, theo A.de Rhodes ghi nhận, có các từ Hai, Đôi, Nhị: ĐÔI gần với PAL hơn là HAI. Mon-Khmer và Bahnar (cũng thuộc nhóm Austroasiatic) nói gần âm gốc hơn: bār và Ɂbar.

Từ TIKA, A.de Rhodes ghi hai từ Đất, Địa; từ ĐỊA gần với TIKA hơn; ngữ Sino-Tibetan (Hán-Tạng) nói thế này: diak (nhánh Lushei) và dek (nhánh Sho). Không biết là Việt nói ‘Địa’ theo tổ tiên hay nói theo ngữ Sino-Tibetan; từ nguyên không ghi nhận ngữ Austroasiatic cho từ này.

(Đây chỉ là suy đoán, vì ta không biết chắc những từ này là từ gốc hay học theo các ngữ hệ khác {theo thuyết ngôn ngữ lan toả do ảnh hưởng nông nghiệp của Jared Diamond và Peter Bellwood} ).

Có 2 từ giống y như âm gốc mà cụ tổ loài người đã nói chính là âm PAR: BAY và BUR: BỤI

Có một từ mà Việt nói khác hoàn toàn, đó là từ  ɁAQ’ WA. Tiếng Việt: NƯỚC. (A.de Rhodes ghi nhận 2 từ là Nước và Nác. P.de Béhaine và Taberd chỉ còn ghi từ Nước. Nác có phần giống từ gốc hơn). Nhóm Indo-European (Ấn-Âu) nói giống y: Italic: Latin: aqua (nước); Germanic: Gothic: ahwa (sông). Rất lạ là ngữ Japanese và Ainu (sắc tộc bản địa ở Nhật) nói y như vậy: Japanese: aka (nước); Ainu: wakka (nước).

Một số ngữ hệ dùng từ nguyên này với 2 nghĩa: sông và nước. Thế nên người Việt ta hay nói câu đại khái như, những người sống ở miệt sông nước. Và hãng nước ngọt Pepsi có hẳn một nhãn hiệu nước đóng chai: Aquafina.

 

Tiếng Việt là ngôn ngữ độc lập có từ ít nhất là 3.000-5.000TCN. là ngôn ngữ nói chứ chưa có chữ viết (nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng đi tìm chữ viết của người Việt nhưng chưa có bằng chứng xác thực).

Điều đáng tiếc duy nhất là nhà ngôn ngữ học Joseph Greenberg (1915-2001) chưa kịp lập bảng phân loại cho các ngôn ngữ  Sino-Tibetan, Austronesian, Hmong-Mien, Austroasiatic (trong đó có tiếng Việt) thì đã qua đời. Cho tới nay, chưa có công trình nào hoàn chỉnh nên chúng ta vẫn còn phải đợi.

 

Tháng 11.2021

NTH

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết