VỀ HOA LƯ KINH ĐÔ XƯA NƯỚC VIỆT
Phần 1
Hơn ngàn năm trước, Hoa Lư từng là kinh đô nước Đại Cồ Việt. Còn ngày nay, Tràng An được gọi là Hạ Long trên cạn. Hơn 200 triệu năm trước, đây là vùng biển cổ. Thế nên, hình thể sông núi, rừng, đảo lớn nhỏ nhấp nhô khiến nó như rồng uốn khúc. Ở vùng địa đầu miền Đông Bắc, ta có Hạ Long, xuôi về đồng bằng sông Hồng, có kinh thành Thăng Long xưa, và luì xuống hướng nam, theo đường chim bay, là kinh đô cổ Tràng An, có lẽ nên gọi là Giáng Long cho hợp lẽ.
Sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Hai Bà Trưng (43 SCN), Trung hoa đô hộ nước ta gần nghìn năm. Năm 908, Khúc Thừa Dụ nổi lên chiếm thành Đại La. Đến 930, quân Nam Hán kéo sang bị Dương Đình Nghệ đánh đuổi, giữ được độc lập đến 937. Năm 938, thái từ Nam Hán là Hoằng Thao kéo quân sang, bị Ngô Quyền đánh tan trên sông Bạch Đằng. Ngô Quyền xưng vương đóng đô ở Cổ Loa cho đến 968, khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư ( Ninh Bình).
Hoa Lư là quê hương của Đinh Bộ Lĩnh. Chỉ tồn tại 42 năm (968-1010, vì sau đó Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long), gắn với sự nghiệp 3 triều đại liên tiếp là Đinh, Tiền Lê và Lý, đi vào lịch sử với sự kiện thống nhất đất nước, phá Tống, bình Chiêm.
Cách đây hơn 250-200 triệu năm, đây là vùng biển cổ. Vào thời văn hóa Hoà Bình (chừng 10.000 năm trước), là nơi cư ngụ của người thời đồ đá mới. Các hang động nằm ngang xuyên qua lòng các dãy đá vôi, ngập nước thường xuyên, hình thành cách đây chừng 4.000 năm.
"Hoa Lư là nơi núi non trùng điệp. Núi trong sông, sông trong núi. Căn cứ thủy bộ rất thuận tiện. Sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả... Nơi đây non sông tráng lệ, phong thủy hài hòa, xứng đáng chọn để dựng đô được."
Chính nhờ những đặc điểm trên mà Hoa Lư đã được Đinh Bộ Lĩnh chọn làm kinh đô.
Ý THỨC TỰ CHỦ VÀ TƯ TƯỞNG ĐẾ VƯƠNG
Lưu Yểm, vua nhà Hậu Lương sau đổi là Nam Hán, khi đặt Lý Tiến làm thứ sử Giao châu, có dặn rằng, “Dân Giao Chỉ thích làm loạn, chỉ nên tìm cách lung lạc họ thôi.”
(Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh dẫn theo Lê Tắc, An Nam chí lược)
Cho dù triều đình phương bắc luôn quan niệm trời chỉ một vua, thiên hạ chỉ một hoàng đế, thì các thủ lĩnh phương nam khi dành được độc lập, vẫn ngang tàng xưng đế, dù vẫn nhún nhường xưng bề tôi khi cầu phong: Lý Bí xưng đế năm 544, Mai Thúc Loan xưng đế năm 713, và năm 968, Đinh Bộ Lĩnh tự xưng Đại Thắng Minh hoàng đế…
KỶ NHÀ ĐINH
ĐINH TIÊN HOÀNG ĐẾ
Vua họ Đinh, tên huý là Bộ Lĩnh, người động Hoa lư châu Đại Hoàng là con Đinh Công Trứ, thứ sử Hoan Châu. Vua dẹp loạn 12 sứ quân, tự lập làm vua, ở ngôi 12 năm, bị người trong cung là Đỗ Thích giết, thọ 56 tuổi, táng ở Sơn Lăng, Trường An. Vua dũng lược hơn đời, quét sạch bọn hùng trưỏng, mở rộng bờ cõi, nối tiếp quốc thống họ Ngô. Nhưng lập con nối ngôi không rõ ràng, phòng ngừa không cẩn mật, dể cung đình xảy ra biến loạn, vận mệnh cùa nước cũng theo đó mà mất.
Lập năm hoàng hậu là: Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cồ Quốc, Ca Ông. Ca Ông chính là Thái hậu Dương Vân Nga.
THÁI HẬU DƯƠNG VÂN NGA
Các sử gia thời xưa, từ Lê Tắc, đến Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ… cho đến thời cận và hiện đại, Trần Trọng Kim, Phạm Văn Sơn, đều nhìn Bà Dương Vân Nga với đôi mắt không mấy thiện cảm.
Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vào năm 968, lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn bị gian thần Đỗ Thích giết hại. Con trai nhỏ của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn được tôn lên ngôi khi mới 6 tuổi. Lê Hoàn được nắm quyền nhiếp chính, chỉ huy quân đội của cả nước và tự xưng là Phó vương. Các đại thần nhà Đinh như Đinh Điền và Nguyễn Bặc bất mãn với điều đó nên phát binh làm phản và bị Lê Hoàn đánh dẹp. Bên ngoài thì nhà Tống phát binh đánh xuống, toan chiếm nước Đại Cồ Việt.
Trong bối cảnh nền độc lập quốc gia bị đe dọa như vậy, Dương Vân Nga với tư cách là Thái hậu nhiếp chính đã quyết định tôn Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế. Còn việc bà tự quyết định hay bị ép buộc thì các sử gia nhìn rất khác nhau.
Lịch sử đã chứng minh đây là nước đi sáng suốt. Khi quân Tống tràn sang xâm lấn, vua Đinh Toàn chỉ là cậu bé 6 tuổi, trong khi Dương Vân Nga thì dù sao cũng là đàn bà nên không thể vùng vẫy trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ như xưa kia được. Các tướng có tài từng sát cánh Đinh Tiên Hoàng là Đinh Điền, Nguyễn Bặc thì đã nổi loạn chống Lê Hoàn và đã bị giết. Lê Hoàn lại nắm trong tay đến 10 đạo quân, và như sử sách đã chép là ông rất được lòng quân. Ông lại là tướng có tài. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Lê Hoàn đã thân chinh đánh lui quân Tống phía Bắc, bình quân Chiêm ở miền Nam, cứu lấy giang sang Đại Cồ Việt.
Về việc Thái hậu Dương Vân Nga nhường ngôi, nhận định của sử gia Ngô Thì Sĩ , cho thấy một khía cạnh khác của lịch sử:
“Lê Hoàn nhân lúc rối ren, kéo quân Phạm Cự Lượng đến bao vây mẹ góa con côi, lúc đó muốn gì chẳng được.”
Vậy ra, chẳng có việc nhường ngôi gì ở đây. Tiếm ngôi thì đúng hơn. Đã là tiếm ngôi thì vai trò của Thái hậu Dương Vân Nga chẳng còn mấy ý nghĩa…
Xã hội khắp nơi trên thế giới ngày nay, vẫn kêu gào bình đẳng giới, đòi nữ quyền, v.v… và v.v…, thỉ ở Việt Nam, từ hai ngàn năm trước, ngay đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa, tiếp nối là Bà Triệu. (“Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều nhất tề hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay. Xem thế cũng đủ biết hình thế đất Việt ta đủ để có thể dựng được nghiệp bá vương..." - Lời bàn của Bảng nhãn Lê Văn Hưu, Đại Việt sử ký toàn thư. Và cũng cần nhớ thêm rằng gần như toàn bộ tướng lĩnh cầm quân của Hai Bà đều là nữ tướng: Bát Nàn công chúa, Lê Chân công chúa, Thánh Thiên công chúa, Thiều Hoa công chúa…). Ngàn năm sau, vai trò của Thái hậu Dương Vân Nga tuy không rõ ràng, sử gia thời trung cổ và cận đại dù dè bỉu nhưng vẫn ghi nhận vai trò của bà. Còn hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu tỏ ra khoan dung hơn, có người còn tỏ ra trân trọng và kính phục. Ai cũng nhớ, thế kỷ 14 (1306), Huyền Trân công chúa, trong cuộc hôn nhân chính trị, để đánh đổi cho đất nước 2 châu Ô, Lý, thì khi chồng là Chế Mân chết, vua anh là Trần Anh Tông không muốn để em gái phải chết thiêu theo phong tục cổ lổ của Chiêm Thành, đã phái tướng Trần Khát Chân vào cứu em về…
Nữ giới ở Việt Nam, tuy đây đó vẫn còn bị đối xử thiếu công bằng, nhưng luôn có vai trò và được tôn trọng. Mà chẳng cần phải kêu gào…
Sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Hai Bà Trưng, các thái thú Tàu đem Nho giáo vào Việt Nam. Gần suốt nghìn năm, trai thì phải tam cương (quân-thần, phụ-tử, phu-phụ), ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín); gái thì phải tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh).
Nhưng luân lý Khổng, Mạnh khắc nghiệt không áp chế được tinh thần ưa chuộng tự do của người Việt. Nếu ta nhớ rằng trong thời Hùng Vương, nàng Mị Nương yêu tiếng sáo của chàng Trương Chi, nàng chỉ thất vọng vì chàng bị …rỗ hoa ! chứ không hề bị vua cha cấm cản. Hay chuyện công chúa Tiên Dung lấy chàng dân chài Chữ Đồng tử đời Hùng Vương thứ ba, không có chuyện giai cấp hay tại gia tòng phụ gì cả.
Sau khi lên ngôi, Lê Hoàn đã tỏ ra là một minh quân. Nếu trong sự nghiệp chống ngoại xâm, ông nổi tiếng với các chiến công « Phá Tống, Bình Chiêm », thì việc nội trị ông cũng là người tài giỏi. Chính ông khởi đầu cho Lễ tịch điền, tức lễ mà vua đích thân xuống cầm cày, một lễ nghi trọng đại mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển nông nghiệp. Lê Hoàn cũng là vị vua mở đường cho công cuộc đào kênh rạch khai thông đường thủy và lấy nước phục vụ nông nghiệp.
Về ngoại giao, Lê Hoàn đã có chính sách ngoại giao mềm dẽo khôn khéo. Sử cũ đã ghi lại việc Lê Hoàn nhận chiếu nhà Tống mà không quỳ lạy, sứ Tống cũng phải lơ đi. Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi nhà vua còn bố trí cho sư Pháp Thuận giả làm người chèo đò ra đón sứ giả Lý Giác. Câu chuyện hai người đã mượn bài thư Vịnh ngỗng của Lạc Tân Vương đời Đường để nối vần đối đáp với nhau nhân có hai con ngỗng bơi trên mặt sông, đã khiến Lý Giác rất thích thú và bị chinh phục, đã trở thành giai thoại thú vị trong lịch sử bang giao và văn học. Sau đó, về Lý Giác đã làm một bài thư gửi tặng ngỏ ý « tôn Lê Hoàn không khác gì vua Tống ».
NHỮNG DI VẬT CÒN LẠI TỪ THỜI ĐINH-LÊ
Cột kinh Phật của Đinh Liễn
Năm 1963, ở Hoa Lư đã phát hiện được một cột kinh Phật do Đinh Liễn, con Đinh Tiên hoàng, dựng năm 973… Năm 1964, phát hiện được cột kinh thứ hai… Năm 1978, lại phát hiện thêm 14 cột kinh tương tự ở Hoa Lư… Trên các cột kinh này đều có khắc bài Phật-đỉnh Tôn-thắng Đà-la-ni .
Sau đây là nguyên văn đoạn mà GS Hà Văn Tấn chép lại từ cột 3A : “Đệ tử là Suy thành Thuận Hóa, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đặc tiến Kiểm hiệu Thái sư, thực ấp một vạn hộ, Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn, vì vong đệ là Đại đức Đính Noa Tăng Noa không làm điều trung hiếu, không thờ anh và cha, lại có lòng ác, trái với sự yêu thương và khoan dung, anh không thể bỏ qua, nên đã làm tổn hại đến tính mệnh của Đại đức Đính Noa Tăng Noa, để trọn vẹn tình nhà nghĩa nước. Lời người xưa rằng, đã tranh quan thì không nhường, ra tay trước mới là hay, đến nỗi ra tình hình như vậy. Nay nguyện làm 100 cột kinh để cúng cho vong đệ và những hồn ma của người chết trước đây và sau này, cầu cho tất cả giải thoát, không phải tranh giành kiện tụng. Trước hết là chúc cho Đại Thắng Minh hoàng đế, mãi mãi làm chủ trời Nam, giữ yên ngôi báu”
Theo ba cột kinh này, thì Đinh Khuông Liễn đã dựng thảy 100 chiếc như vậy để cầu siêu cho người em là Đính Noa Tăng Noa đã bị Liễn giết. Người em này, theo sử thì được biết là Hạng Lang.
(Hà Văn Tấn, Cột kinh Phật Tôn thắng Đà la ni)
Các cột kinh được làm bằng đá xanh, cao khoảng 140 cm, gồm có 6 bộ phận: bệ, thớt đệm, thân cột, núm đệm, đài sen và búp sen. Những bộ phận này gá lắp vào nhau theo hệ thống ngõng và mộng, đững vững được trên mặt đất mà không cần chằng buộc hay chống đỡ. Thân cột hình bát giác (sáu cạnh), trên thân khắc kinh Phật đỉnh tôn thắng Đà-la-ni. Cột kinh được chế tác từ năm 973 - 979.
Theo thống kê, hiện nay tổng cộng tìm được khoảng 40 cột kinh phật đã được tìm thấy ở sông Hoàng Long và lòng đất Hoa Lư, tuy nhiên không được đầy đủ các bộ phận. Hiện 17 thạch kinh được bảo quản trong kho Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, trong đó 6 thạch kinh nguyên vẹn nhất được đặt ở phòng trưng bày để du khách tham quan.
Một số cột kinh phật của Đinh Liễn trưng bày tại Bảo tàng Ninh Bình
Cột Kinh Phật Chùa Nhất Trụ
Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ nằm trong khuôn viên di tích quốc gia Chùa Nhất Trụ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (Thuộc di tích quốc gia đặc biệt – Khu di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư).
Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ được tạo tác từ đá vôi, cấu tạo gồm 6 bộ phận bằng đá (lắp gá vào nhau theo phương thẳng đứng) trên mặt đất tổng chiều cao toàn cột 4,16m, nặng khoảng 4,5 tấn, gồm: Tảng vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen.
Trên tám mặt cột đều được khắc chữ Hán, ước khoảng 2.500 chữ nhưng nửa dưới thân cột không còn chữ, chỉ có nửa trên là còn chữ, song cũng không đầy đủ, có chỗ bị mờ khó đọc. Trong số này, chỉ còn bốn mặt còn đọc được một số dòng, bốn mặt còn lại bị mờ hoàn toàn, tuy nhiên cũng có thể nhận thấy phần văn tự cột đá này gồm lạc khoản, kệ, kinh.
Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ là hiện vật độc bản do vua Lê Đại Hành cho dựng trong khuôn viên chùa Nhất Trụ thuộc phạm vi Kinh đô Hoa Lư thế kỷ 10 còn nguyên tại vị trí cũ cho tới ngày nay.
Chữ khắc ở cột kinh
Theo sư thầy Thích Đàm An - Trụ trì chùa Nhất Trụ thì nội dung văn tự có 3 phần: kệ, kinh, lạc khoản. Nội dung văn tự là kinh Thủ Lăng Nghiêm và Kinh Đà La Ni. Phần lạc khoản của cột kinh khắc các chữ “đệ tử Thăng Bình hoàng đế”. Phần văn tự còn nhận biết được viết: “Bát Nhã tiền việt hải chi ba huề hương… Đại Thánh Minh Hoàng đế, Lê tổ tự thừa thiên mệnh, đại định sơn hà thập lục niên lai… khê thủ phóng quang Đại Phật Đỉnh”. Tạm dịch: Thuyền Bát Nhã, trước vượt sóng biển, đã mang về bản hương (kinh), … Đại Thánh Minh Hoàng đế, tổ họ Lê, tự nhận mệnh trời, cả định non sông đến nay là 16 năm trời… cúi đầu tỏa hào quang ra từ đỉnh đầu của vị Phật lớn.
(Có một điểm lạ ở hai cột kinh của Đinh Liễn dựng và của Lê Đại Hành dựng: dùng chung niên hiệu “Đại Thắng Minh Hoàng đế”)
Tượng vịt
Làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao, kích thước: 32 x 18cm (dài x cao). Tượng được chế tác đầy đủ các bộ phận như: đầu, mình, cánh, thân và đuôi. Đặc biệt, tượng mô tả vịt ở hai tư thế: đầu tiến về phía trước và ngoảnh lại phía sau.
Đây là con giống trang trí trong kiến trúc nhưng đồng thời cũng là vật liệu tham gia xây dựng kiến trúc, bởi phần bụng tượng có chốt gắn với lỗ mộng của viên ngói úp (Loại ngói dùng lợp nóc các kiến trúc cổ). Khi lợp viên ngói lên nóc kiến trúc cũng đồng thời là trang trí tượng vịt trên nóc kiến trúc và theo dạng thức con đi trước ngoảnh đầu về phía sau, con đi sau đầu hướng thẳng về phía trước tạo thành một cặp. Như vậy, khi lợp những viên ngói úp sẽ tạo thành một đàn tượng vịt bơi lội trên nóc kiến trúc.
Tượng vịt được tìm thấy tại khu vực Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên.
Tượng vịt trưng bày tại Bảo tàng Ninh Bình
(Theo Ấn độ giáo thì Vịt hay Thiên nga là con vật cưỡi của thần Brahma, gọi là Hamsa. Có thuyết cho rằng hình tượng vịt ở Hoa Lư là dấu vết của ảnh hường văn hoá Chiêm Thành.)
Những hiện vật cổ độc đáo trên đất Ninh Bình (trangandanhthang.vn)
BÁI ĐÍNH SƠN VÀ THIỀN SƯ MINH KHÔNG
Bàn thờ Nguyễn Minh Không ở chùa cổ Bái Đính
SỰ TÍCH ĐỨC THÁNH NGUYỄN MINH KHÔNG
(1066-1141)
Ông là người con của quê hương Ninh Bình, quê làng Đàm xá. Nổi tiếng là thần y khi chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông (1128-1138).
Ông họ Nguyễn, tên Chí Thành, tu tại chùa làng. Là môn đồ của Từ Đạo Hạnh. Pháp danh Minh Không do Vạn Hạnh đặt cho. Mất năm 73 tuổi (1141), là thế hệ thứ 13 kể từ Tỳ ni đa lưu chi. (Phật giáo Việt Nam, Trần Văn Giáp)
Thiền Uyển tập anh ghi: chùa Quốc thanh, Trường An (chưa rõ là ở đâu). Sau khi Đạo Hạnh mất, ông về làng cũ cày cấy hơn 20 năm, không màng tiếng tăm.
Thiền phái ở Việt Nam có 3 nhánh: tổ Ấn độ của Tỳ ni đa lưu chi (không rõ năm sinh năm mất, sang Việt Nam năm 580; tổ Trung hoa của Vô Ngôn Thông (đến Việt Nam năm 820); và Thiền phái Thảo đường xuất hiện vào thời Lý, Thảo đường tổ người Trung hoa bị vua Lý Thánh Tông (1054-1071) bắt được, được vua phong làm quốc sư, mở đầu cho thiền phái mang cùng tên. (Phật giáo Việt Nam, Nguyễn Đăng Thục và Phật giáo Việt Nam, Trần Văn Giáp)
Thọ giáo với Từ Đạo Hạnh. Truyền rằng khi sư Từ Đạo Hạnh sắp hóa, giao lại thuốc và thần chú cho Minh Không, dặn rằng: “xưa Đức Thế tôn đạo quả viên mãn mà còn quả báo huống là đời mạt kiếp này. Kiếp sau ta là nhân chủ nhưng bị quái bệnh, ngươi có duyên thì đợi mà cứu ta” . Đạo Hạnh hoá làm con của Sùng hiền hầu, sau làm vua Lý Thần Tông. Năm 1136, vua bệnh nặng, lông lá mọc đầy người, suốt ngày gầm rú như hổ. Thầy thuốc khắp nơi không chữa được. Triều đình nghe danh ông triệu về. Thấy ông quê mùa, mọi người có ý khinh thường. Ông lấy cây đinh dài 5 tấc, đóng ngập vào cột gỗ, thách ai dùng tay lấy ra. Không ai làm được. Ông dùng 2 ngón kéo đinh ra. Khắp triều đều khiếp phục. Vào thăm bệnh vua, ông thét to: “Đại trượng phu đứng đầu muôn dân, trị vì bốn bể, sao lại cuồng loạn như thế”. Ông lại cho nấu vạc dầu sôi, thả đinh thép vào. Rồi dùng tay không thò vào vạc dầu sôi lấy đinh ra. Kế rồi ông lấy dầu sôi tắm rửa cho vua. Lông lá rụng sạch. Vua khỏi bệnh. Phong ông là Quốc sư.
(Việt Nam Phật giáo sử lược, Thích Mật Thể)
Huyền tích kể vua Tàu nghe tiếng vời sang chữa bệnh cho Thái tử là chuyện kể nhà sư Không Lộ, có thể là một người khác. Sau khi chữa lành cho thái tử, vua cảm tạ ban cho ông nhiều bạc, vàng, châu báu, nhưng ông chỉ xin ít đồng đựng đầy túi ba gang. Vua đồng ý, nhưng gom đồng cả 10 kho mà túi chưa đầy. Không thuyền nào chở nổi nên ông dùng nón tu lờ chở túi đồng về quê.
Ông dùng đồng này đúc nên Tứ Đại khí của nước Việt: Tháp Báo thiên, Chuông Quy điền, Tượng Phật Quỳnh lâm và Vạc Phổ minh.
Nhưng cũng có ý kiến phản bác cho rằng Tứ đại khí không phải công trình của ông. Quanh ông là không khí huyền hoặc, pha trộn giữa Phật, Đạo và Nho, tinh thần khoan dung Tam giáo đồng nguyên lừng danh thời Lý Trần, thời mà ta thấy nhiều vua quan đi tu và nhiều vị sư nhập thế lo việc nước, có vị còn được phong làm Quốc sư. (Tương tự, ở Pháp có Hồng y kiêm Tể tướng Richelieu, triều vua Louis XIII, thế kỷ 17, nhân vật có thật được tiểu thuyết hóa trong bộ truyện Ba chàng Ngự lâm pháo thủ của nhà văn Alexandre Dumas.)
Chùa Bái Đính cổ, truyền là do ông lập ra khi đi tìm thuốc chữa bệnh cho vua. Chùa lập ngay trong các hang động tự nhiên, mang vẻ tự nhiên, tự tại, thờ cả Phật lẫn Mẫu. Đến thế kỷ 15, vua Lý Thánh Tông, vị vua anh minh nhất nước ta, người sáng lập ra bộ luật Hồng Đức, bộ luật khoan dung và nhân văn nhất thời trung cổ, đã viếng nơi này. Cuối thế kỷ 18, trên đường hành quân ra bắc, đánh đuổi quân Thanh, vua Quang Trung cũng dừng lại đây, làm lễ tế cáo Trời Đất. Vì thế, Bái Đính sơn được xem là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, một trong những nơi linh thiêng nhất nước ta.
MINH KHÔNG VÀ KHÔNG LỘ:
Đây là hai người khác nhau hay là một thì vẫn trong vòng tranh luận. Theo bài “Sự tích Không Lộ, Minh Không” trên Tạp chí Hán-Nôm, 1984, nhà nghiên cứu Phạm Đức Duật và Trần Mỹ Giống, dựa theo tập Quốc sư bảo lục của Đặng Xuân Bảng viết năm 1898, xác định đó là hai người khác nhau. Dưới đây là vài điểm chính:
“1. Không Lộ là đạo hiệu có thật ở thời nhà Lý.
- Không Lộ và Minh Không là hai người khác nhau. Không Lộ ở thế hệ trước cùng với Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Còn Minh Không ở thế hệ sau và là học trò của Từ Đạo Hạnh.
(Thiền Uyển tập anh-Lê Đức Thọ dịch, tài liệu mà hầu hết các sách nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam đều xem là tài liệu gốc, ghi Thiền sư Không Lộ, (?-1119), là thế hệ thứ 9 của phái Vô Ngôn Thông, không ghi gì về Thiền sư Minh Không. Bản của Lê Mạnh Thát dịch, ghi Không Lộ giống bản Lê Đức Thọ, nhưng lại ghi rõ Quốc sư Minh Không (1066-1141) là thế hệ thứ 13 của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi )
- Nguyên nhân dẫn đến sự lầm lẫn giữa Không Lộ với Minh Không vì sự tích hai nhà sư này có những điểm tương tự như nhau:
a, Cả hai người đều chữa bệnh cho vua nhà Lý. Không Lộ chữa bệnh sợ tiếng tắc kè kêu của Lý Nhân Tông (1072-1128), còn Minh Không chữa bệnh hóa hổ cho Lý Thần Tông (1128-1138).
b, Cả hai người đều được nhà Lý phong làm Quốc sư.
c, Minh Không cũng tu ở chùa Diên Phúc (sau đó là Viên Quang) nơi mà Không Lộ và Giác Hải trước đó đã từng tu.
- Do ảnh hưởng của sách Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng và nhất là sách Hành Thiện hậu lục đã dẫn đến những sai lầm về nội dung của các sách ra đời sau đó như: Nam Việt Phật tổ tam thánh sự tích thiền uyển ngữ lục ký tập hiện có ở chùa Keo làng Hành Thiện, Không Lộ thiền sư ký ngữ lục ở chùa Keo Thái Bình trước đây, Quốc sư sự tích ký ngữ lục ở chùa Am xã Vũ Tây, Kiến Xương, v.v...”
Dương Không Lộ, quê Hải Thanh (sau đổi là Thiên Trường), Nam Định, xuất thân làm nghề chài lưới, sau đi tu.
Nguyễn Minh Không, quê Gia Viễn, Ninh Bình.
Còn theo tác giả Ngô Vi Liễn, trong sách Quỳnh Côi dư địa chí, 1933, thì “tháp Báo Thiên do vua Lý Thánh Tông cho xây ở Kinh đô. Chuông Qui Điền do vua Lý Nhân Tông cho đúc. Minh Không tạo tượng Quỳnh Lâm. Còn chuông Phả Lại là “khi đức Không Lộ tu ở Phả Lại đúc ra, mà cũng có sách lại cho là của Minh Không đúc và liệt kê vào Nam thiên tứ khí là nhầm”.
(Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Thích Mật Thể, cho biết thêm:
Năm 1056, Lý Thánh Tông sắc dựng chùa Sùng Khánh ở phường Báo Thiên, có xây ngọn tháp 12 tầng, cao 20 trượng và đúc một quả chuông hết 12.000 cân đồng. Phường ấy ở xã Tiên thị, huyện Thọ xương, Hà nội, nay còn di tích)
THIỀN PHÁI TỲ NI ĐA LƯU CHI VÀ MẬT TÔNG THỜI ĐINH-LÊ
Thiền phái bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã (Bát Nhã: Trí huệ; Nhận thức. Là trí huệ đạt được lúc trực nhận tính Không, không qua lí luận hay hiểu biết thông thường. Đạt được Bát Nhã là Giác Ngộ: theo tự điển Phật học, Nguyễn Tường Bách), vọng theo Mật tông, chủ trương bất lập văn tự, chú trọng việc truyền thụ tâm ấn. Thiền phái này chịu ảnh hưởng Phật giáo Ấn độ chứ ít chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung hoa. Hợp với tính cách của dân tộc Việt Nam, vừa có âm hưởng siêu việt tâm linh của Phật giáo, vừa biểu lộ tính cách đơn giản và thực tế của quần chúng nghèo khổ.
(Theo Thiền Uyển tập anh, thiền sư Tỳ Ni đa lưu chi dòng Bà la môn, gốc Nam Thiên trúc, vân du qua Trung hoa năm 562. Gặp tổ Tăng Xán, tổ khuyên ông đi về phương Nam. Ông đến nước ta năm 580, tu tại Pháp Vân tự. Tịch năm 584, là người mở đầu cho dòng phái Thiền tông ở nước ta.)
Tuy khởi từ tư tưởng thâm sâu của Bát Nhã, nhưng cũng chấp nhận thần linh thường được thờ phượng trong dân gian, và nhờ thế hợp với sinh hoạt tín ngưỡng ở Giao châu.
Nói nôm na, Mật tông thường sử dụng thần chú khi tụng niệm. Mà tin rằng chỉ thần chú mới trấn áp được ma quỷ thì quá hợp với tín ngưỡng của người Việt. Mãi cho tới gần đây, không riêng gì các sắc tộc thiểu số miền núi, ngay thôn quê Việt Nam, khi có người đau bệnh, người dân chỉ ưa đi rước thầy pháp về làm bùa phép chứ không tin y học tây phương.
Khoảng năm 1963, tại làng Trường Yên thuộc kinh đô Hoa Lư của nhà Ðinh, người ta đã đào được một cây bia đá, trên bia có khắc câu kệ và chú Ðà La Ni, dựng vào năm 973 đời Ðinh. Bia này là một trụ đá có tám mặt, một mặt rộng sáu phân rưỡi. Trên mỗi mặt bia đều có khắc chữ Hán, bắt đầu bằng câu "Phật Ðính Tối Thắng Già Cú Linh Nghiệm Ðà La Ni", ghi là do Tinh Hải Quân Tiết Chế Nam Việt Vương Ðinh Liễn tạo lập. Lại phát hiện một kinh tạng dựng năm 995 thời Lê Ðại Hành có một bài kệ với những câu sau đây:
Chư thiên thường Phạn ngữ thanh
Văn niệm Phật đỉnh Ðà La Ni
Tắc đắc cụ túc trai giới
Những tài liệu trên cho biết sự thực hành trì chú của Mật Giáo rất được phổ thông qua các triều đại Ðinh và Tiền Lê vậy.
(Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang)
Sự pha trộn giữa Phật giáo và Đạo giáo thời Lý thấy rõ qua nhân vật điển hình là Từ Đạo Hạnh:
“Xét ra trong thời này, hình như Phật giáo pha lẫn Đạo giáo nên Thuyền sư nào cũng giỏi phù chú độn số. Thuyền sư Đạo Hạnh họ Từ, huý Lộ. Cha là Từ Vinh, làm quan đến chức Tăng quan đô án, mẹ là Đặng thị. Ông Vinh dùng tà thuật, mích lòng Duyên thành hầu. Hầu giận, sai Đại Điên pháp sư dùng pháp thuật đánh chết, vất thây xuống sông Tô lịch. Từ Lộ muốn báo thù cha, ẩn vào núi Từ Sơn, trì chú Đại bi và nhiều pháp thuật khác. Khi thấy phép đã tinh, ném cây gậy xuống sông ngược dòng đến nhà Duyên thành hầu đứng lại, đánh chết Đại Điên. Hầu sợ, mời tổ Giác hoàng đấu phép. Đạo Hạnh thua, suýt chết, nhờ Sùng hiền hầu xin cho, nên sau đầu thai làm con Sùng hiền hầu_ sau là Lý Thần Tông, bị bệnh hóa hổ, nhờ sư Minh Không cứu cho.”
(Việt nam Phật giáo sử lược, Thích Mật Thể)
TÍNH CÁCH NHẬP THẾ CỦA CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ
(Trích dẫn từ Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang- Tập I, Chương 8: Tổng quan về Phật giáo đời nhà Lý, 1010-1225)
Thế kỷ thứ 10, sau khi dành được độc lập, đạo Phật đã tích cực đóng góp vào việc dựng nước.
Ðạo Phật Và Chính Trị
Có nhiều lý do khiến các thiền sư đời Lý tham dự chính sự (tham dự chính sự mà không tham dự chính quyền, bởi vì họ không nhận chức vụ trong nội các, chỉ tới giúp ý kiến và công việc, rồi về chùa). Lý do thứ nhất: họ là những người có học, có ý thức về quốc gia, sống gần gũi với quần chúng và biết được những khổ đau của người dân đang bị một chính sách đô hộ hà khắc bóc lột. Lý do thứ hai: họ không có ý muốn tranh ngôi của vua, không giành quyền bính và địa vị ngoài đời, nên vua tin họ. Lý do thứ ba: họ không cố chấp vào thuyết trung quân (chỉ biết giúp một vua mà thôi) như các nhà Nho, nên họ có thể cộng tác với bất cứ ông vua nào có thể đem lại hạnh phúc cho dân. Lý do thứ tư: các vua cần sức học của họ; nhất là trong đời Ðinh, Lê, các vua đều không phải thuộc giới trí thức. Nho sĩ thì chắc là không có mấy người, mà lại chỉ trung thành được với một triều đại.
Như đời vua Lý Thái Tổ, tuy nước cường thịnh, Hán học tuy có phổ thông nhưng ít được chú trọng, vì không có khoa cử nên Phật giáo là độc tôn, văn hoá và học thuật nằm ở Phật giáo cả. Ví dụ như ngài Vạn Hạnh thường được vua Lê đại hành hỏi về việc quân (năm 980, Tàu sai Hầu nhân Bảo sang đánh nước ta, Lê đại hành triệu ông đến hỏi thắng bại thế nào. Ông tâu, chỉ trong ba, bảy ngày, giặc tất lui. Việc đúng như thế nên vua Lê rất phục)
(VNPGSL-Thích Mật Thể)
Hồi ban đầu lập quốc các thiền sư đã mở những cuộc vận động gây ý thức quốc gia, đã sử dụng các môn học phong thủy và sấm vĩ trong các cuộc vận động ấy, đã trực tiếp thiết lập kế hoạch, thảo văn thư, tiếp ngoại giao đoàn, bàn luận về cả những vấn đề quân sự. Nhưng sau đó, khi trong triều đình đã có đủ người lo các việc ấy thì họ chỉ giữ vai trò hướng dẫn tinh thần và cố vấn đạo đức. Nhưng dù sao những thiền sư thân cận với chính quyền vẫn ít. Ngoài các vị Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Huệ Sinh, Viên Chiếu, Mãn Giác, Chân Không, Giác Hải và Không Lộ là những vị thường có đi lại cửa khuyết mỗi khi có triệu thỉnh, nhiều thiền sư đã từ chối về kinh sư khi có chiếu mời. Nhưng những thiền sư có tham dự chính sự như Vạn Hạnh trong khi làm việc vẫn giữ thái độ xuất thế của mình, không muốn hòa minh trong vòng danh lợi, xong việc thì rứt lui về chùa. Triết học hành động của Vạn Hạnh tiêu biểu cho thái độ chung của các thiền sư: làm thì làm, nhưng không mắc kẹt vào công việc, không nương tựa vào hữu vi. Ðó là triết lý vô trụ (tác giả Nguyễn Lang giải thích vô trụ là bất bạo động; có lẽ hiểu là không bám vào bất kỳ cái gì thì dễ hiểu hơn. Chính là tư tưởng của Vạn Hạnh: làm thì làm nhưng không mắc kẹt vào công việc.)
Ðạo Phật Và Văn Hóa
Ý hướng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam độc lập của các thiền sư rất rõ rệt. Về phương diện địa lý họ đã muốn dời kinh đô tới một nơi có thể dựng nên sự nghiệp độc lập lâu dài. Về phương diện học thuật, họ có công đào tạo một lớp trí thức không cố chấp, biết dung hợp các ý thức dị biệt như Nho, Lão, Phật. Về phương diện văn hóa, họ dựng nên được cả một triều đại thuần từ, lấy đức từ bi làm căn bản cho chính trị. Về văn hóa, họ là những người đóng góp vào vấn đề sáng tác nhiều nhất trong nước, dù phần lớn những sáng tác này nằm trong chủ đề Phật giáo. Về mỹ thuật, những công trình kiến trúc và điêu khắc của Phật giáo cũng là những đóng góp mỹ thuật quan trọng nhất trong thời đại.
Về phương diện sáng tác, các vị thiền sư thường để lại mỗi người ít ra một bài thơ. Có nhiều thi tập có đến ngàn bài, nhưng đều đã mất. Những bài thơ còn được giữ lại là nhờ sách Thuyền Uyển Tập Anh. Trong số những bài thơ ấy có nhiều bài rất đẹp, nhưng vì ít biết về từ ngữ Phật giáo và không quen thuộc với Thiền học nên nhiều người cho đó là những bài kệ khô khan, sau đây trích một vài ví dụ. Trước hết là bài của thiền sư Không Lộ:
Chọn nơi địa thế đẹp sông hồ
Vui thú tình quê quen sớm trưa
Có lúc trèo lên đầu chót núi
Kêu dài một tiếng lạnh hư vô
(Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư)
"Kêu dài một tiếng, lạnh hư vô" là một thi hứng siêu thoát trầm hùng ít thấy ở thi ca. Một bài khác nữa của thiền sư Mãn Giác:
Xuân đến trăm hoa nở
Xuân đi trăm hoa rơi
Trước mắt đời diễn biến
Trên đầu già đến nơi
Ðừng nói xuân đi hoa rụng hết
Ðêm qua sân trước một cành mai
(Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa tận lạc
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai).
Cành mai ấy phải chăng là hiện tướng của bản thể chân như bất sinh bất diệt của vạn pháp?
Một bài của thiền sư Ngộ Ấn:
Chân tính vô khó đến nơi
Chỉ hư tâm đạt đến mà thôi
Trên núi ngọc thiêu mầu vẫn thắm
Trong lò sen nỏ sắc thường tươi
(Diệu tính hư vô bất khả phan
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan?
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên phát lô trung thấp vị can).
Chân tính thì vô tướng, không nắm bắt được. Nhưng nếu chân tính đã vô tướng, tại sao ta không dùng tâm vô tướng để bắt nó? Đó là bí quyết của thành công. Hình ảnh hòn ngọc tươi thắm trên núi lửa và bông sen nở trong lò than hồng là những hình ảnh mô tả sự nhiệm mầu của chân tâm đạt tới do một tâm trạng vô tướng như thế.
Tuy nói Tam giáo đồng nguyên là tư tưởng chủ đạo thời Lý-Trần, nhưng Phật giáo mới là quốc giáo. Chùa xây dựng khắp nơi. Vua quan xong việc triều chính thì đi tu. Có phải tinh thần từ bi khoan dung, yêu chuộng tự do, tự tại mà vẫn sẵn sàng hành động đã đưa tới hai triều đại nối tiếp nhau là Lý và Trần mang tinh thần tự chủ, độc lập vẻ vang nhất và giàu sức sáng tạo nhất trong lịch sử nước ta? (Đồ gốm sứ đời Lý-Trần, kiến trúc chùa chiền, đình tháp thời đại này cho tới nay vẫn được xem là độc đáo nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, trong khi triều Nguyễn thời cận đại, vua quan chỉ thích đặt hàng gốm sứ ký kiểu từ Trung hoa!)
Bái Đính sơn, Tràng An, 2013 - Sài Gòn 2022
NTH
(Xem tiếp phần 2)
-
Về Hoa Lư Kinh Đô Xưa Nước Việt Phần 2< Trang trước
-
ANGKOR, PHẾ TÍCH BỊ LÃNG QUÊNTrang sau >