Sự tích Ô Trình tửu

SỰ TÍCH Ô TRÌNH TỬU

Trần Minh Thiện dòng dõi hoàng tộc nhà Trần. Bị nhà Tùy diệt, nước mất nhà tan, Trần công tử cùng đám con cháu nhà Trần chạy trốn tứ tán khắp nơi.

( Trần là một nước nhỏ thời Nam-Bắc triều, thế kỷ thứ VI bên Trung hoa. Ông vua cuối cùng của nước Trần, Trần Hậu chủ, nổi tiếng ăn chơi sa đọa, tên tuổi gắn liền với bài thơ Bạc Tần Hoài của Đỗ Mục, thi sĩ đời Đường:

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa

Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia

Thương nữ bất tri vong quốc hận

Cách giang do xướng Hậu đình hoa

Khói lồng nước, bóng trăng lồng cát

Bến Tần Hoài, thuyền sát tửu gia

Gái ca đâu nghỉ nước nhà

Cách sông vẫn hát khúc Hoa Hậu đình

Trần Trọng Kim dịch)

Khi Tùy Dương đế cho đào con kênh Vận Hà, tốn hao công của không biết bao nhiêu mà kể. Dân phu bị bắt đi đào kênh, lớp chết, lớp bỏ trốn, nên quan binh lúc nào cũng phải đi bắt dân làm phu để bù vào chỗ thiếu hụt. Trần Minh Thiện cũng bị bắt trong số đó.

Đã lo việc làm phu đào kênh vất vả, lại lo thân phận con cháu nhà Trần vẫn đang bị lùng bắt, Trần nơm nớp lo sợ, suốt ngày nghỉ cách trốn chạy.

Một hôm mưa to gió lớn, dân phu bỏ trốn rất đông, Trần cũng lẩn theo họ, chạy về đến Lan Lăng ( nay thuộc Giang Tô). Ngẫu nhiên gặp người đầy tớ cũ rồi lần hồi gặp lại một số tông thuộc nhà Trần đang tìm cách mưu sát Tùy Dương đế đang tuần du Giang Nam. Âm mưu bị lộ nên quan binh lùng xét gắt gao. Trần biết không ở yên chỗ này được nên cùng gia nhân xuống thuyền nhỏ định chèo về Thái Hồ lánh nạn. (Thái Hồ là một hồ lớn trong địa phận tỉnh Chiết giang)

Vừa đến Thái Hồ, toan lên bờ mua thức ăn thì bất chợt thấy có toán lính đang tra xét. Có chèo đi cũng chẳng kịp, Trần định nhảy xuống sông tự trầm thì chợt ở chiếc thuyền to gần đó, một thiếu phụ xua tay, ý khuyên chàng đừng liều thân. Trần mừng rỡ, lẻn ngay sang thuyền lớn.

Thiếu phụ biết ý đưa ngay Trần trốn xuống khoang, lẩn trong đống hàng hóa. Quan binh tra xét chỉ bắt được gã gia nhân, rồi tịch thu luôn thuyền nhỏ của Trần và bỏ đi. Trần thoát nạn, nhưng vô kế khả thi, định nhảy sông tự trầm lần nữa. Thiếu phụ can gián rồi đó Trần bày tỏ thân phận, thiếu phụ thương tình cho tạm ngụ trên thuyền và theo về quê.

Thiếu phụ hóa ra là vợ góa một vị nhưỡng tửu quan ( chức quan lo việc cất, nấu rượu trong triều). Chồng mắc bệnh chết, nàng thu xếp lên đường về quê.

Cảm ân tình, cảm gió sương sông nước, lại là cô nam quả nữ, nhất là để tránh tiếng, nên hai người bèn giả làm vợ chồng, đang trên đường về quê lánh nạn binh đao.

Ở quê hương Ô Trình, chẳng ai biết mặt chồng nên Trình từ chồng giả thành chồng thật. (Ô Trình nay thuộc huyện Ngô Hưng, tỉnh Chiết giang. Sông Tiền Đường là sông lớn trong tỉnh này. Sông Tiền Đường thì ai đọc Truyện Kiều đều biết: Triều đâu nổi sóng đùng đùng, Hỏi ra mới biết là sông Tiền Đường)

Chẳng mấy chốc, yên nơi yên chốn, hàng xóng láng giềng nghe danh Trình là nhưỡng tửu quan, bèn lân la hỏi thăm việc nấu rượu. Trình ú ớ đánh trống lảng. Vội vàng hỏi vợ chuyện này. Vợ cố nhớ những gì học hỏi từ chồng cũ, kể lại rồi khuyên Trình tìm tòi học hỏi thêm.

May sao, Trình cũng có khiếu chế biến, pha phách. Dùng lúa mạch nấu chín, cho vào vò ủ lên men, cất được mẻ rượu. Nếm thử thấy ngon, liều đem ra trình làng. Lão Tam đầu làng, Chú Tứ cuối xóm, Lão Ngũ, Bác Lục kề cận đều khen. Trình hứng khởi, tìm tòi dược thảo trong rừng, nước suối trong ở núi, cặm cụi gia công cho rượu của Trình gia.

Rồi đó, dân làng, dân xóm, dân quanh vùng biết tiếng đổ dồn đến quán rượu Trình gia. Huyện lệnh Lan Lăng nghe danh, phái Trình đem lên nếm thử. Quan nếm rượu , khen không tiếc lời. Cho người đem dâng lên vua ( là Tùy Dương đế). Trình ngậm đắng nuốt cay, phải cố công nấu rượu ngon dâng cho kẻ thù. Rượu Ô Trình của Trình gia từ ấy mang danh ngự tửu ( rượu tiến vua).

Nhưng nhà Tùy không kéo dài được lâu. Nhà Tùy mất, nhà Đường lên, không chuộng rượu Ô Trình. Cũng không quan tâm gì đến con cháu nhà Trần nữa.

Trình Minh Thiện được yên thân, mở xưởng lớn, thu dụng nhiều nhân công, nấu rượu bán đi khắp nơi.

Một chiều mưa lạnh, hay nắng ráo gì đó, Lạc Tân Vương , trên đường gió bụi, bây giờ gọi là đi phượt, ghé xóm Ô Trình, khéo sao lại đúng tửu quán họ Trình, gọi một vò rượu, dăm ba hạt lạc rang, vài bìa đậu phụ chiên dòn, ngồi nhâm nhi ngẫm nghỉ sự đời. Tợp một hớp, Lạc ta ngạc nhiên, ờ nơi hoang sơn dã lãnh này sao có rượu ngon đến thế. Tợp thêm hớp nữa, vị nồng, mùi thơm, chất rượu trong, hương rượu ngát. Lạc mềm môi hô tiểu nhị đem thêm vài vò nữa. Tự hỏi Lệnh Hồ Xung, Hồng Thất Công, Kiều Phong giờ này đang ở đâu. Và tự hỏi huynh đệ Kim Sơn đang lưu lạc chốn nào ?

Đang có tửu hứng, lại có rượu ngon, Lạc Vương gọi xin bút mực, xô ghế đứng dậy, viết ngay lên tường Trình gia tửu quán dòng chữ:

THIÊN HẠ Đệ NHẤT Ô TRÌNH TỬU

Chủ quán gặp được một trong tứ kiệt đời Đường, mừng quá, ngồi kể lể khúc nôi. Lạc Tân Vương nghe xong, ngồi ghi chép lại sự tích để bây giờ hậu thế được thưởng thức một chuyện tình kể trong men rượu.

( Lạc Tân Vương, nhà thơ thời Sơ Đường. Ông có bài Dịch Thủy tống biệt rất nổi tiếng:

Thử địa biệt Yên Đan

Tráng sĩ phát xung quan

Tích thời nhân dĩ một

Kim nhật thủy do hàn

Đất này biệt chủ Yên Đan

Tóc anh tráng sĩ tức gan dựng đầu

Người xưa nay đã đi đâu

Lạnh lùng sông nước cơn sầu chưa tan

Tản Đà dịch )

( Viết theo Nguyễn Duy Chính, dẫn từ Trương Hữu Thằng, Lịch đại khoa kỹ nhân vật truyện, Thế giới văn vật, Đài Bắc, 1993.)

Tháng 12.2020

NTH

 


Có 1 phản hồi với bài viết “Sự tích Ô Trình tửu”

  1. Thứ năm, 31 Tháng 12 2020 13:57

    Câu chuyện thật thú vị nhất là cái đoạn anh chàng Trình công tử (giả) mầy mò làm rượu! Y như kẻ này đọc bài chú Kim về rượu cúc hay Hoàng Hoa tửu thấy thích quá! Ở xứ này mùa thu hoa cúc muôn trùng!  vàng rực khắp nơi! Cũng muốn thử làm. Lên mạng VN chỉ thấy ca tụng mà chẳng nói làm thế nào? Cuối cùng tìm đến quê hương của nó (TH) mới tìm được nhưng cũng chỉ sơ sài. Thôi thì cứ làm đại, đủ kiểu đủ cách... May sao cuối cùng thành công! Uống cũng tạm. Gửi về anh em ở VN đều khen Ngon! Nhưng không biết là khen lấy lòng hay khen thật! Nhưng tâm lý con người, cứ nghe người ta khen là Khoái! Bèn định mai mốt về trại KS ở Diên Khánh, Khánh Hòa mở một lò rượu! Mượn hai câu thơ của Đỗ Mục sửa lại chút đỉnh gắn ngoài cổng. Mong mai mốt quần hùng Kim Sơn tụ hội thưởng thức!

    Tá vấn tửu gia hà hữu xứ

    Mục đồng dao chỉ Hạnh hoa thôn

    Đỗ Mục

    Lữ khách hỏi thăm đâu có rượu?

    Trẻ trâu chỉ thẳng Trại Kim Sơn!

    TCM 

Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết