TẢN MẠN VỀ RƯỢU

TẢN MẠN VỀ RƯỢU

 

Thiên nhược bất ải tửu

Tửu tinh bất tại thiên

Địa nhược bất ái tửu

Địa ưng vô tửu tuyền

Lý Bạch

 

Trời mà không thích rượu

“Sao rượu” ở chi trời?

Đất mà không thích rượu

Suối rượu ở chỉ đời?

Khái Hưng dịch

 

Xưa nay, các bài viết về một đề tài đều là dân trong nghề, nhưng hình như cũng có ngoại lệ, bài viết ngắn vể rượu Cúc của chú Kim một người không phải đệ tử của Lưu Linh là một bài rất hay. Có lẽ là từ những cảm hứng vào buổi chiều tàn ngồi uống rượu một mình trên bờ sông Cái (Diên Khánh, Khánh Hòa).

Nghe nói rất nhiều về Lưu Linh, nhưng nay qua chú Kim, mới biết là ông ta say 3 năm liền vì uống rượu Đỗ Khang. Lưu Linh là một nhà triết học trong nhóm Thất Lâm Trúc hiền nhưng lại lấy rượu làm danh và Đỗ Khang một người làm rượu nổi danh cũng được Tào Tháo nhắc đến trong bài phú Xích Bích của mình:

“Hà dĩ giải ưu duy hữu Đỗ Khang”

Tào Tháo dùng rượu để tiêu nỗi lo có vẻ giống với Kinh thánh cựu ước tiếng Hebrew khuyên là nên cho những người sắp chết hoặc đang chán nãn uống đồ uống có cồn, để họ quên đi nỗi thống khổ của mình (Proverbs 31: 6-7).

Nghe nói, rượu đã có mặt từ buổi bình minh của nhân loại. Nghiên cứu cho thấy các loài linh trưởng rất thích ăn trái cây lên men. 

Nhà máy bia lâu đời nhất có thể kiểm chứng được đã được tìm thấy trong một khu chôn cất thời tiền sử trong một hang động ở Israel. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy cặn của bia 13.000 năm tuổi ở Haifa, Israel được sử dụng cho các nghi lễ tôn vinh người chết.

 Bằng chứng về đồ uống có cồn cũng đã được tìm thấy có niên đại từ 5000 TCN ở Iran,  3150 TCN ở Ai Cập cổ đại, 3000 TCN ở Babylon, 2000 TCN ở Mexico tiền Tây Ban Nha và 1500 TCN tại Sudan. Và theo Guinness, bằng chứng chắc chắn sớm nhất về việc sản xuất rượu vang có từ năm 6000 trước Công nguyên ở Georgia.

Và có lẽ các bác Trung Hoa cũng không nhận vơ là một dân tộc biết thưởng thức rượu sớm nhất của nhân loại, khi các nhà khảo cổ cho rằng đã tìm thấy cặn rượu cón sót lại trong một bình gốm có niên đại 7000 BC ở Hồ Nam.

 Như vậy dân nhậu không phải bây giờ mới có, vì vậy cũng không nên đỗ lỗi do lối sống hiện đại, văn hóa suy đồi… mà tội nghiệp cho rượu.

 Nói đến rượu ngon theo sách vở, thì Tây phương không ai qua được Pháp, Đông phương, không ai qua được Trung hoa. Các loại rượu ngon của Pháp từ cognac cho đến Vang mà người viết có dịp thử qua đều phải nói rất tuyệt, quả là không hổ là danh là hảo tửu càng để lâu càng ngon. Cách đây không lâu người viết có khui uống thử một chai vang của một người bạn cho đã lâu được đóng chai từ 1973… Phải nói là rất tuyệt! Vị rất đằm, hương nhè nhẹ vương trên vòm họng, nuốt xuống hậu rượu chát mà không đắng quyện rất lâu, lâng lâng ở cuống họng.

 Rượu Tàu thì do không được thử nhiều nên không dám có ý kiến, nhưng qua vài loại đã uống qua: Ngũ gia bì, Mao đài...) thì… hơi bị thất vọng không bằng Đế nước ta xa. Có lẽ không được uống loại ngon như Nữ Nhi Hồng, Trúc Diệp thanh... như Kim Dung nhắc đến. Nhưng cũng không loại trừ khả năng nói quá sự thật? Các bác Trung Hoa vốn có tính hay phóng đại… chẳng hạn trong Tam quốc chí, đoạn mô tả doanh trại quân ngụy của Tào Tháo ở Xích Bích dài hơn 800 dặm, khoảng hơn 400 cây số (dặm = Lý = 500m), không biết vào thời Tam quốc không có điện thoại, internet… mọi liên lạc chỉ thị đều bằng ngựa tốc độ trung bình khoảng 40km/giờ thì làm sao mà chú Tào chỉ huy??? có lẽ vì vậy, thua chạy mất dép.

An Nam ta có món quốc hồn quốc túy: rượu Đế, vua của các loại rượu!!! Không biết tên rượu Đế có từ bao giờ nhưng nói không nói ngoa, cái tên này cũng xứng đáng. Ly rượu trắng hơi đục như màu hạt nếp cái hoa vàng, mùi thơm dịu nhẹ nhưng dai dẵng như bám vào không khí: Một chút hương nếp, một chút nồng của rượu. Chiêu một ngụm, vị rượu sực như cháy cổ họng! Khà một tiếng, mùi thơm ngát mũi, vị cay nồng nhưng dịu, cái hậu nồng cháy bám vào cổ họng, rồi dịu đi, nghe lâng lâng… như thấy cả đất trời nghiêng ngửa dưới chân… có lẽ vì thế mà có tên là Đế?

Nó là thứ không thể thiếu trong cuộc sống phiêu bạt những người Việt khai phá miền đất phía Nam. Họ phải hàng ngày trân mình trong rừng thiêng nước độc chiến đấu với rắn rết, cá sấu, sốt rét với rừng sâu nước độc, với ma thiêng, thú dữ… để vào mỗi chiều sau một ngày lao động kiệt lực ngồi bên mạn thuyền chiêu một ly đế nhai một  miếng khô cá… để thấy mình là ... Đế!

Đế An nam mà ngâm thuốc bắc của Tàu, hay các ‘kỳ trân” của dân nhậu của Việt Nam  là số một, bảo đảm không thua cognac Martel Henessy của Pháp hay whiskey Johnny Walker black label của Anh.

Kinh Thi nói: “Vô tửu bất thành lễ” nên ngày xưa rượu được dùng trong các lễ tế quan trọng, vua tế thiên địa, tổ tiên… ngay trong nhân gian ta, trong lễ cúng tổ tiên ông bà luôn luôn có mấy chén rượu trắng, có lẽ vì nó được chưng cất từ ngủ cốc là tinh hoa của trời đất, nên không gì tinh khiết hơn! 

Ngày xưa nhân vật uống rươu nổi tiếng được xem là thánh (thánh tửu: Lý Bạch, Lưu Linh…). Ngày nay, các bác uống rượu được coi là Bợm (nhậu), Ma (men) và rượu không còn thứ dùng trong tế lễ, giỗ chạp mà được sử dụng phổ biến tràn lan đến tận hang cùng ngõ hẽm. Ở Viêt nam, rượu các loại hiện diện từ nhà hàng sang trọng, đến các quán bia ôm, karaoke, quán cóc… có lẽ là nhiều nhất so với bất cứ các loại đồ ăn thức uống ở bất cứ tụ điểm nào có từ 2 người trở lên…

Ở Mỹ, luật lệ về rượu rất chặt chẻ và được thi hành cực kỳ nghiêm chỉnh. Các nơi công cộng đều cấm bia rượu, các quán rượu phải có giấy phép bán rượu riêng, và chủ quán phải chịu trách nhiệm nếu cho phép khách hàng dưới 21 tuổi uống bia rượu (rút giấy phép bán rượu, hoặc đóng cửa quán nếu tái phạm, và không có chuyện “thông cảm” với chú công an). Dưới 21 tuổi không được phép mua rượu bia, và cũng không được cầm chai bia, rượu trên tay, trên xe không được có chai rượu đã khui, nên đã lỡ khui thì phải uống cho hết, không thì tặng chủ nhà. Vi phạm, cha mẹ hoặc người đi cùng phải đóng một khoản phạt “nhẹ” là 500 US, và có khi phải hầu tòa. Đồ uống có rượu chỉ được dùng trong nhà, sau vườn, không thể cầm chai bia ngồi trước hiên nhà....

(Trong khi ở xứ ta, ông bố đang nhậu ngon trớn thì hết rượu, bèn kêu thằng cu 7 tuổi: mày chạy sang quán bà Năm mua cho bố xị đế!).

Người uống rượu lái xe bị bắt, bị rút bằng lái xe ngay tại chổ, bị còng tay đưa về bót, sau đó ra tòa và dĩ nhiên cũng không có chuyện thông cảm. Luật lệ chặt chẻ như thế nhưng theo thống kê (người Mỹ rất khoái thống kê) hiện có 40 triệu người Mỹ đang chịu các di chứng vể rượu và hàng năm 40% tai nạn giao thông xảy ra có liên quan đến rượu.

Và với luật lệ khá lõng lẽo, con số này ở VN chắc là cao hơn rất nhiều. Có lẽ vì thế nghe nói dân ta đang kêu gọi tẩy chay uống rượu và thành lập các hội đoàn tẩy chay rượu. Tội nghiệp, bản thân rượu có tội tình gì??? Nếu ai cũng uống rượu như anh em Kim Sơn thì đâu đến nỗi!!! Nhưng có lẽ đi lạc đề hơi bị xa rồi….

Nói đến rượu Tây, rượu Tàu rồi rượu ta mà không nhắc đến rượu Sake của Nhật cũng là một thiếu sót. Rượu Sake được các kiều nữ Geisha chiêu đãi trong các quán rượu ở Nhật bản thời trước (hiện nay cũng vẫn còn nhưng không nhiều). Rượu Sake được đựng trong một bình sứ nhỏ cổ cao, khi uống được hâm nóng rót vào chén sứ như chén quân uồng trà của Tàu. Rượu trắng trong, hâm nóng, men hơi nồng có hương vị gần giống với rượu đế của ta. Uống rượu Sake ăn Sushi là một món quốc hồn của Nhật. Trong cái giá buốt của mùa Đông nhai một miếng sushi chiêu một ngụm Sake nóng, vị hơi tanh của cá sống, vị ngọt dịu của cơm nếp quyện với chút men nồng sake cũng là một thứ hưởng thụ tuyệt vời.

Giai thoại về rượu ở xứ ta trong văn học cũng không nhiều nhưng ở Trung Hoa thì vô số kể… Rượu Trung Hoa cực kỳ đa dạng, không kém rượu Tây từ chủng loại đến cách uống, có loại phải hâm nóng, có loại để lạnh, rượu nào thì phải uống với chén đó. Người viết thích nhất các nhân vật uống rượu của Kim Dung, mỗi người một tính cách.

Uống rượu hào sảng như Tiêu Phong, bang chúa Cái Bang, càng uống càng tỉnh, võ công càng cao, hào khí bốc tận mây!!! Trái ngược với Đoàn Dự, uống rượu vừa kém vừa gian (dùng Lục Mạch Thần Kiếm cho rượu chảy ra ngoài qua ngón tay út)

Uống rượu là một cách hưởng thụ lạc thú cuộc đời như Hồng thất Công, là bang chúa Cái bang, suốt đời đi tìm các loại danh tửu và món ăn ngon coi đó như lẽ sống. Có lẽ đây là nhân vật uống rượu sành nhất vì luôn luôn chọn rượu đi với thức ăn.

Nhưng độc đáo nhất là Lệnh hồ Xung và các bạn nhậu. Lệnh H Xung, đại đệ tử của Hoa Sơn kiếm phải, uống rượu thay cơm, có người cho là nát rượu. Rượu đã làm cho anh ta thân bại danh liệt, nhưng cũng rượu đã làm anh chinh phục được Doanh Doanh, thánh cô của Minh giáo.

Các đoạn viết về rượu trong Tiếu Ngạo Giang Hồ là rất tuyệt như đoạn Điền bá Quang lẻn vào hoàng cung đập vỡ mấy ngàn vò rượu Thiệu Hưng quí chỉ để lại 2 vò duy nhất còn lại trên thế gian, gánh tới hậu sơn của Hoa sơn, mời Lệnh Hồ Xung uống khi đó đang bị phạt ở trên Tư Quá Nhai, cách uống rượu này hơi bị hao! và cực kỳ ích kỷ. Nhưng khi biết đây vò rượu Thiệu Hưng cuối cùng trên đời thì… quả là ngon!!! Nên mặc dù Điền B Quang mang xú danh đệ nhất dâm tặc, còn mình đang bị chưởng môn Hoa Sơn phạt nhưng vì tiếc rượu, Lệnh H Xunh cũng không nề hà cạn chén cùng Điền Bá Quang!

Hay đoạn Tổ Thiên Thu, giáo chúng Minh giáo, thuyết vể rượu với Lệnh Hồ Xung, rượu nào chén đó, nói tới loại nào, một tay cầm chén một tay rót rượu, như nước chảy mây trôi… không những làm cho bợm nhậu Lệnh H Xung túy lúy càn khôn mà người đọc cũng nhỏ giải thòm thèm. Xin trích lại để mọi người cùng thưởng thức:

 

  • Không được! Nhất định không được! Lệnh Hồ huynh dùng khí cụ thế này uống rượu không được.
    Thật là đầu Ngô mình Sở, chưa hiểu cách uống rượu. Uống rượu cần nghiên cứu về đồ dùng. Uống thứ rượu nào phải dùng chén nấy. Uống rượu đất Phần phải dùng chén ngọc. Người Ðường có câu thơ:
    "Ngọc uyển thình lai hổ phách quang". Như vậy đủ để chén ngọc làm cho sắc rượu thêm phần rực rỡ.
    Tổ Thiên Thu lại nói:
    - Rượu trắng ở ngoài quan ải uống rất ngon nhưng đáng tiếc mùi vị không đủ thơm tho. Hơn hết là lấy sừng tê giác làm chén để rót rượu vào mà uống. Có như thế thì mùi rượu mới thuần mỹ phi thường. Ta nên nhớ chén ngọc làm cho rượu nổi mầu sắc, sừng tê cho rượu thêm hương vị. Cổ nhân quả đã không lầm. Lệnh Hồ Xung trước nay chỉ thích phẩm chất hơn là vỏ ngoài. Có điều hắn chỉ kết giao với khách hào kiệt giang hồ, họ chỉ biết phân biệt rượu ngon hay rượu nhạt cũng là khó rồi còn ai thảo luận đến chén ngọc chung tê? Lệnh Hồ Xung lúc này nghe Tổ Thiên Thu nói thao thao bất tuyệt thì khác nào ở trong bóng tối nhìn ra ánh sáng.
    Tổ Thiên Thu nói tiếp:
    - Ðến như rượu Bồ Ðào thì dĩ nhiên phải dùng đến chén hổ quang. Cổ nhân có câu thơ "Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi..." Chén dạ quang là vật trân quí hiếm trên đời. Rượu bồ đào đã có mầu hồng mà bọn nam nhi chúng ta uống vào thì không đủ hào khí. Chén dạ quang phát ra ánh sáng mới là tuyệt diệu! Rượu bồ đào rót vào chén dạ quang lập tức mầu rượu đỏ như huyết.
    Uống rượu cũng như uống huyết. Trong bài thơ của Nhạc Ngũ Mục có câu: "Tráng chí cơ xan hồ lổ nhục, Tiếu đàn khát ẩm hung nô huyết?" Chí khí của người tráng sĩ lấy thịt rợ của rợ Hồ làm cơm ăn, cười nói đến khi khát nước thi uống máu giặc Hung Nô, Như vậy có phải là hùng tráng không?
    Lệnh Hồ Xung gật đầu lia lịa, nhưng hắn đọc sách rất ít. Hắn nghe Tổ Thiên Thu dẫn chứng bằng những câu thơ mà hắn không hiểu rõ nghĩa, chỉ lập đi lập lại câu "Tiếu đàn khát ẩm Hung Nô huyết" mà hào khí ngất trời, trong lòng khoan khoái.
    Tổ Thiên Thu lại nói:
    - Còn thứ rượu ngon này là rượu tối cổ ngẫu nhiên có người đem cho, ngẫu nhiên mà uống. Nó là rượu cao lương. Thứ rượu này phải dùng chén "tước" đúc bằng đồng xanh mới là có ý cổ kính. Thứ gạo làm rượu này cũng là thật tốt, nó vừa ngọt vừa thơm, nên dùng thứ đấu lớn mà uống mới hợp ý rượu.
    Lệnh Hồ Xung nói:
    - Tại hạ là kẻ lỗ mãng đã không rõ chất rượu, cũng không hiểu đồ dùng. Nghiên cứu như huynh đài thật là hiếm có.
    Tổ Thiên Thu trỏ vào hũ rượu đề bồn chữ "Bách thảo mỹ tửu" nói:
    - Thứ "Bách thảo mỹ tửu" này là hái trăm thứ hoa thơm cỏ lạ ngâm vào trong rượu nên mùi thơm phảng phất như đi chơi ngoài nội ngày xuân, khiến người ta chưa uống đã say. Uống thứ "Bách thảo tửu" nên dùng chén cổ đẳng (làm bằng thứ rong cổn, cây cổ đẳng phải đủ trăm năm thì mới khoét thành chén được). Uống rượu bách thảo bằng chén cổ đẳng mùi thơm càng tăng lên bội phần.
    Lệnh Hồ Xung nói:
    - Cây sống trăm năm khó mà tìm được.
    Tổ Thiên Thu nghiêm sắc mặt nói:
    - Lệnh Hồ huynh nói sai rồi! Rượu bách thảo mỹ tửu so với bách niên cổ đẳng còn khó kiếm hơn nhiều.
    Tổ Thiên Thu lại nói:
    - Uống thứ rượu Thiệu Hưng trạng nguyên hồng này cần phải dùng thứ chén sành cổ mà là chén đời Bắc tống, nếu không có thì dùng tạm thứ chén Nam Tống vậy. Dùng chén Nam Tống đã là khí thế suy kém rồi. Còn dùng đồ sành đời Minh thì nhỏ mọn quá. Uống rượu Lê Hoa thì phải dùng chén Phí Thúy. Lệnh Hồ huynh thử nghĩ coi trước cửa quán rượu Lê Hoa ở Hàng Châu có treo cờ xanh để ánh vào rượu Lê Hoa cho thêm vẻ huyền ảo. Nếu uống rượu Lê Hoa phải dùng chén Phí Thúy là vì lẽ đó. Uống thứ rượu ngọc lộ tửu này phải dùng chén lưu ly. Rượu ngọc lộ sủi tăm như hạt châu rót vào chén lưu ly (pha lê) để trông rõ bên trong, cho phân biệt rượu ngọc lộ với thứ rượu khác.
    Trong khoảnh khắc Tổ Thiên Thu diễn tả đầy đủ tính cách của tám loại mỹ tửu cùng chén uống, thao thao bất tuyệt...

 

Tuy nhiên cái cảm giác này bị giãm đi không ít trong chuyến về VN năm 2007, được chú Kim trang trọng chiêu đãi một chai danh tửu Mao Đài chính hiệu mua tận Bắc Kinh! Vị rượu cay gắt mà không thơm, lại không có hậu! Như đang trưa hè nắng cháy khát khô cổ họng lại có người mời một ly nước nóng. Lúc đó cả hai anh em đều thất vọng. Nhưng cũng khó nói, vì mỗi người đều có tửu vị khác nhau. Với cá nhân người viết là không như lời ca tụng…. người viết được uống qua rượu tây, một số loại whisky, cognac, wine… có tiếng tuy không nhiều, nhưng cảm nhận là mỗi thứ đều có hương vị riêng. Chỉ riêng rượu Tàu, không có dịp thử nhiều chỉ có 2 loại Ngũ gia bì, và Mao đài… mang lại một chút thất vọng nhưng cũng không thể nói là rượu Tàu không ngon. Chắc là không được thử nhiều đó thôi!

Ta về ta tắm ao ta…

Cái món quốc hồn quốc túy này theo người viết, so sánh với các danh tửu Tây, và Tàu đều không thua kém một chút nào (cũng như món phở, được xếp vào danh sách những món ăn ngon hàng đầu thế giới). Bên cạnh cái hậu cay, nồng (nhưng không gắt lại có vị thơm đặc trưng không lẫn với bất kỳ một loại rượu danh tiếng nào trên thế giới càng uống càng ngon, thế nhưng không hiểu tại sao nhà nước ta lại mang rượu vang ta đi đãi khách Tây, nếu họ có khen ngon cũng chỉ là vì phép lịch sự mà thôi? Mà vang VN thì chắc là không có tên trong bảng xếp hạng của các quốc gia sản xuất rượu vang có tên tuổi (trên xuống dưới lên). Còn dân nhậu thì lại đi chuộng cái món Vodka, trong như nước mưa, không mùi, không vị, nhạt nhạt… chỉ được cái cay gắt như nước ớt. y như chú Kim mô tả như rượu lậu pha thuốc rầy!!!

Rượu cũng như trà uống cần có bạn (tuy uống một mình cũng có hương vị riêng) nên người xưa nói “Trà tam, tửu tứ” đúc kết kinh nghiệm quần ẩm. Nhưng điều đó cũng còn tùy bạn đồng ẩm,  như anh chị em KS thì càng đông không khí càng vui, rượu càng ngon. Có lẽ vì sự đồng cảm, vì cái chân tình, sống với nhau bằng cả tấm lòng. Nhớ lại những ngày cuối tháng 8-2019 ở trại Kim Sơn, Diên Khánh-Khánh hòa, sau hơn 20 năm anh chị em lại được gặp nhau gần như đầy đủ, cùng ôn chuyện cũ, cùng chuyền tay nhau ly rượu đế ngâm thuốc. Ly rượu tương phùng sao mà đậm đà hương vị, sâu lắng tình người.

Tháng 12, 2020. S.Ng


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết