Phật viện Đồng Dương và Thiền phái Trúc Lâm (Kỳ 6/7)

TỨ SƠN (Tử)

Bãi đãng cuồng phong quát địa sinh
Ngư ông túy lí điếu chu hoành
Tứ thùy vân hiệp âm mai sắc
Nhất phái ba phiên cổ động thanh
Vũ cước trận thôi phiêu lịch lịch
Lôi xa luân chuyển nộ oanh oanh
Tạm thời trần liễm thiên biên tịnh
Nguyệt lạc trường giang dạ kỉ canh

 

Dịch thơ:

 

BÀI NÚI THỨ TƯ (Chết)

Một trận cuồng phong quét đó đây

Ngư ông say khước mặc thuyền xoay

Bốn phương u ám, mây vần vũ

Một cõi xô bồ, sóng bủa vây

Giăng giăng mưa trút từng cơn giục

Ầm ầm sấm nổ nhịp xe quay

Phút giây quang tạnh, trời tan bụi

Sông dài đêm lặng, ánh trăng đầy.

 

Chợt nhớ ngày xưa đọc được bài Đăng Sơn của Lý Thiệp, đời Đường. Ghi lại đây để hay rằng cũng có vài phút giây qua viện trúc gặp được nhà sư đàm đạo.

Đăng sơn

Chung nhật hôn hôn tuý mộng gian,
Hốt văn xuân tận cưỡng đăng san.
Nhân qua Trúc viện phùng tăng thoại,
Hựu đắc phù sinh bán nhật nhàn.

 

Dịch nghĩa

Cả ngày âm u trong mộng lẫn say
Bỗng nghe mùa xuân hết, gắng lên núi chơi
Nhân qua Viện trúc gặp nhà sư trò chuyện
Thế là được nhàn hạ nửa ngày ở cõi phù sinh.

Bản dịch sau đây của Thích Quảng Sự:

Tháng ngày túy lúy dạ miên man
Cố vượt non Xuân ngắm kẻo tàn.
Hầu chuyện cùng sư bên rặng trúc
Nửa ngày an lạc chốn nhân gian.

 

Nhưng vị tổ thực sự sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm lại là Trần Khảm Trần Nhân Tông. Sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông năm 1293, Nhân Tông lên núi Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh ngày nay), đi tu và lập ra Thiền phái này. Ông có hiệu là Trúc Lâm đại sĩ, còn gọi là Giác Hoàng điều ngự.

Ông chính là vị vua hai lần lãnh đạo đất nước đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông (các năm 1285 và 1287). Ông cũng xây dựng một quan hệ láng giềng hữu hảo với Chiêm Thành (khi quân Nguyên lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, ông từ chối và còn đưa quân giúp Chiêm Thành).

Năm 1288, sau khi đánh tan giặc Nguyên, về viếng lăng Trần Thái Tông ở Thái Bình, thấy chân các con ngựa đá trong lăng đều lấm bùn như thể vừa tham gia chiến trận, Nhân Tông tức cảnh hai câu thơ:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu

(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng)

Khi đi tu trên núi Yên Tử, ông lập tịnh xá, đi thuyết giảng, thu nhận nhiều đệ tử. Ông nhiều lần đi giảng kinh ở chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Sùng Nghiêm (Hải Dương), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Lập nhiều tự viện và đi giáo hóa trong cả nước theo đúng tinh thần vị Sơ tổ là Trần Thái Tông.

Năm 1301, ông vân du về phương nam. Đến châu Bố Chính (Quảng Bình nay) ông lập am Tri Kiến, giảng đạo ở đó, rồi sang Chiêm Thành trong 9 tháng. Được vua Chiêm là Chế Mân rất kính trọng, ông đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân trong dịp này. Và nhờ đó nước Việt có thêm được hai châu Ô, Lý mà không mất một mũi tên hòn đạn. (Bài dẫn của Trần Quang Chỉ trong tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ đã mô tả về chuyến đi này rằng: Có lúc ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm Thành biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn ngài về nước..., Trần Quang Chỉ là chủ nhân bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ).

Tượng Trúc Lâm Đại sĩ đặt trong tháp Huệ Quang

Trích thơ văn của Trần Nhân Tông

Thiên Trường vãn vọng

 

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên

Bán vô bán hữu tịch dương biên

Mục đồng địch lí ngưu quy tận

Bạch lộ song song phi hạ điền

 

Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra

 

Trước xóm sau thôn tựa khói hồng

Bóng chiều man mác có dường không

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng

(Ngô Tất Tố dịch)

Còn bài thơ dưới đây cho thấy hết tinh thần Thiền trong ông:

 

Cư Trần Lạc Đạo Phú

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

 

Bản dịch:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,

Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền.

Có báu trong nhà thôi tìm kiếm,

Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền.

(Lê Mạnh Thát dịch)

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết