MỐI TÌNH XA XƯA

MỐI TÌNH XA XƯA

Tình yêu là cảm xúc tự nhiên của con người, bắt đầu từ rất sớm, 8t như BS Đỗ Hồng Ngọc nói, có khi sớm hơn, khi một bé trai lớp lá, 6t, thốt lên: tóc  nhỏ Quỳnh Anh đẹp lắm ba ơi, vào một chiều tan học mẫu giáo. Từ ấy trong bao nỗi bận rộn đời người, có một thứ tình cảm lạ lùng chi phối, nó cứ âm ỉ trong lòng, có khi bùng phát dữ dội, có khi lặng lẽ âm thầm, có lúc dường như chìm mất đi khi tiền bạc, địa vị, danh vọng cất cao tiếng, nhưng thực sự  nó vẫn còn, vẫn lẩn khuất đâu đó và có lẽ chỉ kết thúc khi ta vĩnh biệt cuộc đời.

Một cuộc tình là đẹp, như đời thường nói, khi kết cục có hậu, đôi lứa yêu nhau được sống chung mái nhà. Có khi chung mái nhà nhưng ở đó chỉ có quạnh hiu vì tình yêu đã nguội lạnh hay không còn nữa. Ở đó, người sống vì nghĩa vụ, người gắng yêu người để sống, và có lẽ sống với cả giấc mơ hay hoài niệm thời  thanh xuân đã xa.

Nay thì vậy, xưa ra sao ? Thứ dân đã đành, mấy ai dám trèo cao, và lầu vàng điện ngọc, quyền uy một cõi, có là giấc mộng muôn đời của mọi vương tôn công chúa?

 

 

 

TRIỀU LÝ

 

Thân em như hạt mưa rào

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày

                                Ca dao

 

Ngược dòng lịch sử ngàn năm trước, triều Lý trải hơn 200 năm đã hùng cứ một miền nam Á với chiến công phá Tống bình Chiêm lừng lẫy. Chân Lạp, Chiêm Thành, Ai Lao phải thần phục, Xiêm La xa xôi ngàn dặm cũng phải bang giao vì kiêng nể, quan hệ Tống-Việt bề ngoài tuy là chư hầu nhưng thực tế thế bình đẳng hai nước vẫn nguyên vẹn. Thuở đó biên giới nước Đại Việt chỉ có từ Lạng Sơn đến Nghệ An, với dân số  không hơn ba triệu và các dân tộc Tày, Thái, Mường, Nùng chiếm phần không nhỏ, địa bàn cư trú  của họ là núi rừng chập chùng hiểm trở bao quanh dãi đồng bằng bắc bộ ở giữa. Vì xa xôi cách trở, ngôn ngữ và văn hóa cũng khác biệt, khiến việc thống nhất quản lý đất nước đất gặp khó khăn. Biên niên sử triều Lý cho thấy đất nước không luôn thanh bình như ta nghĩ, các quan Châu Mục ở biên cương thường nổi loạn, xưng vương xưng đế. Để tạo được sự đoàn kết trong nội bộ, giữa triều đình trung ương và  địa phương, giữ yên đất nước, ngày nay mấy ai biết đến sự đóng góp lặng lẽ của công chúa 9 triều vua nhà Lý. Trong họ, có người  đã phải lấy chồng xa, xa lắm.

Từ 1029 đến 1167, có đến 6 vị công chúa nhà Lý đã giã từ cha mẹ, anh em, rời xa Kinh thành để về làm vợ các thổ quan Đầu Mục ở vùng thâm sơn quạnh vắng. Những hôn nhân thuần túy vì mục đích chính trị. Đám cưới họ  tất  phải vương giả, cuộc đưa dâu hẳn phải ngựa xe võng lọng rình rang. Ở đó, nụ cười ắt không thiếu trên môi chú rễ, họ mạc nhưng nước mắt, ai biết, có thể đã như mưa sa khi kiệu hoa băng qua sông Hồng, sông Đà sông Mã sông Lô để về miền sơn cước, bỏ lai sau lưng những mối tình thơ ngây son trẻ ngày nào. Những công chúa Bình Dương, Kim Thành, Trường Ninh, Thiên Thành, Thiên Dung, Thiên Cực, họ đã vì nước quên tình riêng. Ai biết, một ngày Thu Đông, hay Xuân Hạ nàng công chúa ngày  xưa ngồi bên lầu vắng nhìn về kinh đô xa xăm hoài niệm điều gì. Đại Việt đã yên bình hơn khi kiệu hoa đã về ngàn. Triều Lý vang bóng một thời, Đại Việt lẫy lừng một thủa có chăng công lao của họ, những nàng công chúa kiều diễm ngày xưa?  Sử sách đã không nói nhiều về họ, chỉ vỏn vẹn vài dòng, năm X vua Y đã gả công chúa Z cho quan châu Mục ….

Kẻ hậu sinh này xin thắp nén tâm nhang tưởng niệm những bậc hồng nhan ngày ấy.

 

 

 

TRIỀU TRẦN

 

Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo

 

Sử chép, năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông viếng Chiêm Thành, ở lại chơi 9 tháng, có hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Chế Mân. Mấy năm sau đó, Chế Mân nhắc lời hứa xưa, vuaTrần Anh Tôn, anh của Huyền Trân có ý thoái thác, nhưng đại thần Đạo Tái và Trần Khắc Chung can ngăn, khuyên nên giữ lời để không tổn hại tình hòa hiếu hai nước. Năm 1306 đám cưới đã diễn ra, sính lễ nhà trai là hai châu Ô, Lý, Bình Trị Thiên ngày nay. Năm sau, vua Chiêm băng hà, Huyền Trân cũng vừa sinh Thái tử Đa Đa. Sợ em mình phải chết theo Chế Mân, Anh Tông cử Trần Khắc Chung vào đất Chiêm đón Huyền Trân về Thăng Long.

Năm 1309, theo di mệnh của Thái thượng Hoàng, Huyền Trân xuống tóc qui y ở Bắc Ninh pháp danh Hương Tràng. Năm 1311, Ni sư ra lập chùa riêng ở Nam Định, đến 1340 thì mất. Dân chúng thương tiếc tôn xưng là Thần Mẫu. Chùa Nộm Sơn, hay Quảng Nghiêm Tự, tồn tại mãi đến nay và luôn được dân chúng quanh năm hương khói.

Nhìn lại cuộc đời công chúa, lấy chồng năm 19 tuổi, làm mẹ và thành góa phụ khi vừa tròn 20, xuống tóc năm 22 tuổi và mất sau 31 năm nương cửa Phật. Ở góc độ thế tục, người đời  xem nàng Huyền Trân là bất hạnh, dẫu đã có một hôn nhân đăng đối, làm vợ một quốc vương tài giỏi của một đất nước hùng mạnh. Ngày xưa, hôn nhân con cái do cha mẹ định đoạt, trong tông thất hẳn còn khắt khe hơn. Tình yêu chỉ được đến sau đám cưới. Những mối tình đầu ngày ấy e có chăng cũng chỉ là giấc mơ thôi.

Từ khi bước xuống thuyền hoa trên sông Hồng, bờ vai nhỏ Huyền Trân đã trỉu nặng gánh non sông của hai châu Ô Lý. Trái tim non hẳn bao lần chùng nhịp bởi nổi sầu biệt ly quê hương và tình lang cũ ?

          Tuổi son má đỏ môi hồng

          Bước chân về đến nhà chồng là thôi

          Đêm qua mưa gió đầy trời

          Trong hồn chị có một người đi qua…

          N.Bính

 

Người đời thường nói sau khi cứu thoát Huyền Trân ở Đồ Bàn, trong 10 tháng lênh đênh trên biển trước khi thuyền cập bến Thăng Long, võ tướng Khắc Chung đã tư thông với cựu hoàng hậu của Chế Mân. Có người lại bảo không phải thế, vì tuổi tác hai người chênh lệch lắm. Sử không ghi năm sinh mà chi ghi năm mất của Khắc Chung, 1330. Trần Khắc Chung vốn họ Đỗ, năm 1286 nhờ chiến công trong chiến thắng Nhà Nguyên, ông được đổi sang họ vua. Năm sau, 1287, Huyền Trân ra đời, lúc đó Khắc Chân có lẽ trên dưới 20 tuổi. Như vậy xem ra 2 người cũng đâu quá chênh vênh về tuổi tác ? Tôi, kẻ hậu sinh lại nghĩ khác. Tôi mong rằng cuộc tình Huyền Trân và Khắc Chung là có thật, để cho cuộc đời của nàng công chúa tài hoa có hậu và thi vị. Để nàng có cũng một thời để yêu, để làm vợ, làm mẹ, làm hoàng hậu, làm người tình và rồi giũ bỏ tất cả để thành Hương Tràng ni sư và rời bỏ cuộc đời trong tiếng kinh giọng mõ ở mái chùa Nộm Sơn, Thiên Bản, Nam Định.

Suốt hơn 50 năm làm kiếp con người, có lẽ hành trình gần một năm trên biển Đông đã là khoảnh khắc cành quế Huyền Trân ngát trong hương hạnh phúc. Đời sau có thi sĩ Nguyễn Bính làm bài thơ tình Lỡ Bước Sang Ngang như trích dưới đây, chẳng biết có ý gì không?

 

Thế rồi máu chảy về tim

Duyên làm lành chị, duyên tìm về môi

Chị nay lòng ấm lại rồi

Mối tình chết đã có người hồi sinh

Đã đành máu chảy về tim

Cũng không buộc nổi cánh chim giang hồ

Người đi xây dựng cơ đồ

Chị về trồng cỏ nấm mồ thanh xuân

Người đi khoác áo phong trần

Chị về may áo liệm dần nhớ thương.

Thế là tàn một giấc mơ

Thế là cả một bài thơ não nùng.

 

Ngày nay, ta đi chơi  động Phong Nha - Kẻ Bàng, dạo bước trong  kinh thành, lăng tẩm  ở Huế là ta đã đặt chân đến châu Ô, Châu Lý ngày xưa. Ngắm cảnh vật hữu tình ở đó, mấy ai nhớ, mấy ai biết núi sông Thuận Hóa chính là khối tình câm và dòng lệ của Huyền Trân ngày xa xưa ấy.

 

 

 

CHÚA NGUYỄN

 

Nước Việt đã hơn một lần bị chia cắt kể từ Trịnh Nguyễn Phân Tranh. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào Nam cát cứ, lấy Sông Gianh sau đèo Ngang làm ranh giới phía Bắc, lấy Thuận Hóa ( Ô, Lý) và Quảng Nam làm địa bàn hoạt động và Thu Bồn hay Trà Khúc là biên giới phía nam. Chúa Nguyễn trải 9 đời, mở là Nguyễn Hoàng, kết là Nguyễn Phúc Thuần, 1777, kép dài tận 220 năm như Triều Lý.

Trong thời đại của  mình, các chúa Nguyễn đã lấn bờ cõi dần về phương Nam. Năm 1611, Nguyễn Hoàng chiếm đến Phú Yên. Ở thập niên 1690 Nguyễn Phúc Chu lấy trọn đất Chiêm thành đến hết phần đất Bình Thuận ngày nay của vua Chiêm Pô Rome rồi  tiếp nhận đất Bà Rịa-Sài Côn từ vua Miên Chư Chetta II. Năm 1714, ông nhận đất Hà Tiên từ Mạc Cửu và 60 năm sau, hậu duệ Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã lấy trọn dãi đất miền Nam ngày nay. Trải 8 đời, hơn 200 năm, các chúa  Nguyễn  xóa sổ một quốc gia, mở rộng lãnh thổ thêm một diện tích rộng gấp chục lần châu Ô Lý  và bằng phân nửa nước Việt hiện nay. Công sức ấy quả thực to lớn. Thành tựu đó đã hẳn do tài thao lược của các minh vương chúa Nguyễn nhưng ít ai biết trong từng tấc đất ấy ngoài xương máu của các chiến sĩ, đã từng thấm đẩm dòng lệ của các bóng hồng trong cung cấm. Đó là công nương Ngọc Vạn, Ngọc Khoa.

Nhớ xưa bên Trung Hoa, 40 năm trước CN, nàng Vương Chiêu Quân đã từng gạt nước mắt vĩnh biệt Hán Nguyên Đế đi về phương bắc giá lạnh làm vợ vua Hồ, thiền vu Hồ Hàn Tà, để đổi lấy bình yên trong 60 năm cho nhà Tây Hán. Nhà thơ Lý Bạch cảm hoài nổi sầu thiên cổ đã viết thành bài thơ sau:

 

Xứ Tần trăng sáng tỏ,

Dõi bóng chiếu Minh Phi.

Một lên đường ải Ngọc,

Bên trời biền biệt đi.

Trăng Hán vẫn mọc ngoài Đông Hải,

Minh Phi sang Hồ không trở lại.

Lạnh lùng hoa tuyết núi Yên Chi,

Cát bụi bay mù ngập thúy mi.

Sống thiếu cân vàng tranh vẽ nhác,

Chết phơi nấm đất cỏ xanh rì.

Trúc Khê dịch

 

Mười sáu thế kỷ sau Chiêu Quân, nàng Ngọc Vạn, con chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, 1620 đã xuôi nam làm vợ vua Miên Chen Chetta II, và nàng Ngọc Khoa  mười năm sau đó cũng  nối gói chị, 1631, đã về làm vợ lẻ của vua Chiêm Pô Rome. Dãi đất Khánh Hòa đến Bình Thuận ngày nay còn thoảng hương của Ngọc Khoa và dãi đất Đồng Nai Bến nghé vẫn nhớ đến sắc nàng Ngọc Vạn năm nao. Họ có phải là hóa thân của  Vương Chiêu Quân hay Trần Huyền Trân, trở lại để trả nốt món nợ tình còn vương vấn ở trăm nghìn kiếp trước ?

 

Ngọc Vạn, Ngọc Khoa giữ một niềm

Vì ai, tô điểm nước non tiên?

Chị lo giữ vẹn tình Miên-Việt,

Em nhớ làm tròn nghĩa Việt-Chiêm

Bà RịaBiên Hòa thêm vạn dặm,

Phan Rang, Phan Rí mở hai miền

Non sông gấp mấy lần Ô, Lý

Nam tiến, công người chẳng dám quên.

Tân Việt Điểu

 

 

 

HÔM NAY

 

Tháng sáu qua, tôi có về Phan Rang dự một đám cưới Chăm. Đó là một cặp trai gái Chăm đồng tôn giáo, Bà la môn, nên nghi thức tổ chức cũng theo đạo này. Bà la môn và Bà Ní (Hồi giáo) là quốc giáo của dân tộc Chiêm thành xưa mà ngày nay hậu duệ họ vẫn cố gìn giữ, như một tập tục, như một nuối tiếc thủa vàng son của cha ông xưa. Tiếc là vì lý do đặc biệt, nghi thức cổ truyền đã không tiến hành trọn vẹn như đã định, để tôi có thể thấy lại một đám cưới Huyền Trân hay Ngọc Khoa năm nào. Dù đây chỉ là một đám cưới của thứ dân, dẫu vậy, qua trang phục rực rỡ sắc màu của cô dâu chú rễ và khách mời, hình ảnh vương giả của Chế Mân và Pô Rome mấy trăm năm cũ vẫn như còn phảng phất đâu đây. Sân khấu nhỏ với 2 dòng chữ Chăm Việt: Lễ Thành Hôn; MC nữ với 2 ngôn ngữ Việt Chăm, nói những câu sáo ngữ không khác đám cưới thuần Việt. Dàn nhạc trẻ vui nhộn với các bài hát đỏ vàng xanh, nhưng tuyệt nhiên không có nhạc Chăm. Các ca sĩ không chuyên, vốn là thực khách, đua nhau lên sân khấu để biểu diễn ca khúc cách mạng và trử tình của Phan Hùynh Điểu, Trần thiện Thanh, Trịnh Công Sơn…

Tàn tiệc thì trời cũng vừa đổ cây mưa lớn sau 6 tháng khô hạn, nhà đài gọi đó là cây mưa vàng cho đất Phan Rang năm nay. Đôi trai gái này đã lấy nhau vì tình; gia đình cũng môn đăng hộ đối vì cùng là thầy giáo. Đám cưới xong lại gặp cơn mưa to, ai cũng mừng cho đôi trẻ vì nghĩ đó là điềm lành. Tôi cũng mong vậy.

Trên đường về, qua làn mưa bụi, thấp thoáng phía núi có bóng ngôi tháp cổ trơ vơ tôi từng viếng 5 năm trước, tháp Pô Rome  ở cuối làng Hậu sanh. Ngôi tháp có pho tượng của vị vua Chiêm cuối cùng, Pô Rome, mà có người độc miệng gọi là vua Mê. Ông vì mê nhan sắc Việt Ngọc Khoa nên để mất nước, họ nói vậy. Trong tháp còn có tượng  vợ hai, Bia Thanchan;  ngoài tháp có tượng bà vợ cả Bia Thuchih nhưng tượng của nàng Bia Ut Ngọc Khoa thì không có ở đó. Tượng Bia Ut bằng đá trắng bị đập gãy nằm chìm dưới ruộng cách đó 3 km và chỉ mới được khai quật lên từ những năm năm mươi của thế kỷ trước.

 

 

Lễ phục người cao tuổi                  Trang phục lễ cưới người Chăm

Tháp Po Rome, Phan rang

 

Đời người con gái

Ước mơ đã nhiều

Trời cho không được mấy

Đến khi lấy chồng

Chỉ còn mối tình mang theo

VTA

 

Tháng sáu, 2015

TK

 https://www.youtube.com/watch?v=WXU_AeLuesQ


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết