TRUYỀN KỲ HOA CÚC

TRUYỀN KỲ HOA CÚC

Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu

Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên

(Thu, Xuân Diệu)

Cúc đã được trồng làm dược thảo từ 15 thế kỷ trước Công nguyên. Xưa người Hoa gọi hoa cúc là “Chu”. Họ đặt tên cho một thành phố ở tỉnh Quảng Tây là Thành phố Hoa Cúc (Chu-Hsien), để vinh danh loài hoa này. Hoa cúc xuất hiện ở Nhật từ thế kỷ 8, hoàng gia Nhật dùng hoa này làm biểu tượng.

Truyện kể rằng khi ông Bành Tổ đi tìm dược liệu làm thuốc, thì ông không tìm thấy hoa cúc. Chỉ vì khi ấy, Cúc Hoa đang là loài hoa mà Thái Thượng lão quân chưa dùng đến khi nấu linh đan trong lò Bát quái. Đúng lúc sắp xong một nồi thì Tôn Ngộ Không lên Thiên đình phá đám. Thiết bảng múa loạn, và nhìn thấy cả một vườn hoa thì Tôn đâu có bỏ qua. Cả ngàn loài dập nát và duy chỉ một cây hoa cúc và một cây mẫu đơn còn nguyên vẹn nhưng bị dứt bổng cả rễ cả cây bay lên rồi rơi vèo xuống hạ giới. Thôi rồi tàn một kiếp hoa… Hết đời trên Thiên đình. Nhưng Hạ giới thêm một loài hoa lạ.

Thế là…

Đời Đường, vua Cao Tông băng, Võ Tắc Thiên tiếm quyền thiên tử, lên ngai xưng Võ hậu, mở đầu cho một triều đại Nữ hoàng đầu tiên trong lịch sử Trung hoa.

Một hôm xong việc triều chính, Võ hậu dạo vườn Thượng uyển. Thấy một loài hoa lạ .

Đời Hùng vương thứ nhất, đồi Bạch hạc, làng Việt Trì, đất tổ người Việt xưa.

Chàng thư sinh họ Nguyễn được cha sai vào rừng hái thuốc. Ra đi từ sáng tinh mơ, hái đã lưng lửng giỏ, chàng ngồi tựa gốc cổ thụ  nghỉ tay, ngắm cỏ cây, hoa lá. Bỗng mắt thấy một chồi hoa vàng. Hoa lạ quá, chàng chưa từng thấy bao giờ. Ngồi bật dậy, Nguyễn lò dò đến gần, cúi xuống nhìn cho rõ. Mùi hương thoang thoảng bay. Một chút nồng, có mùi của thuốc. Nhưng rất thanh. Lạ quá. Nguyễn ngắt thử một cánh nhỏ, bỏ vào miệng nhấm. Nhằng nhặng đắng. Có lẽ làm thuốc được. Nguyễn cẩn thận lấy dao nhỏ đào sâu xuống, bứng trọn gốc  định về trồng thử.

Đêm ấy, Nguyễn vốn say ngủ, bỗng thấy bồi hồi, thao thức…

Quá giở Tí, bỗng thấy bức cửa lay động. Nguyễn giật mình ngồi lên. Một cô gái xiêm y vàng rực từ ngoài nhẹ bước vào, giọng nói thoảng như tơ trời:

‘ Sao chàng nỡ đoạt mạng thiếp đem về chơi vậy? ‘

Nguyễn lúng túng không nên lời.

‘Ta có lấy mạng ai bao giờ? Sao nàng nói vậy? Oan cho ta bao nhiêu. Mà nàng là ai? ’

‘Cây hoa màu vàng chàng đem về sáng nay là tinh thiếp đó ‘.

Nguyễn kinh ngạc:

‘ Chao ! Ta không hề biết.. Nếu biết, ta đã không dám động đến cành liễu rũ, cánh tơ trời…’

‘ Chàng biết thì đã muộn. Nhưng chưa nên nỗi. Chàng ráng chăm chút cho cây. Nếu có duyên, may ra…’

Nguyễn vội đáp:

‘ Chăm cây, mến cỏ là nghề của ta. Nàng đừng sợ. Ta sẽ cố hết sức.’

‘ Không cần chàng cố hết sức. Chỉ cần để tâm là được. Thiếp đi đây.’

Bóng áo vàng mờ đi rồi biến mất.

Nguyễn giật mình. Một giấc mơ.

Nhưng mùi hương thoảng hệt như mùi Nguyễn đã biết sáng sớm hôm qua vẫn còn phảng phất. Dư hương người ngọc chăng?

Nhưng từ ấy bóng áo vàng không bao giờ trở lại.

Mà Nguyễn thì không thôi thao thức.

Và suốt ngày ở ngoài vườn. Cây dễ chăm. Và cũng dễ ra hoa. Năm tàn, tháng lụn. Cây cứ lớn rồi tàn. Nhưng chẳng nhẽ cứ để hoa tàn. Nên làm gì với sắc vàng, mùi hương nồng nhưng không gắt đây?

Nguyễn nghĩ, hay trong chén trà buổi sớm của cha, nên chăng bỏ thử vài cánh hoa vàng. Thật kỳ diệu. Mùi hương thầm làm dậy không khí sớm mai. Cha Nguyễn đâm nghiện. Chẳng những thế, ông bảo khi non tháng sau, nhìn mọi vật như tỏ hơn trước.

Nguyễn cho là pha trà được thì chế rượu cũng được.

Trấn Sơn Nam hạ, phủ Kiến Xương, huyện Thanh trì, làng Hoàng mai. Đời nhà Lý sau khi dời đô về Thăng long.

Dư địa chí của Nguyễn Trãi viếtTrấn Sơn Nam, phủ Kiến Xương, làng Hoàng Mai (thuộc huyện Thanh Trì), làng Bình Vọng (thuộc huyện Thượng Phúc) có rượu cúc, rượu sen.

(Danh thần Nguyễn Trãi sống vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Khi ông ghi nhận đã có rượu cúc thì ít nhất hoa cúc đã được trồng từ vài trăm năm trước).

Bởi vì trên chiếc dĩa gốm cổ thời Lý-Trần phát hiện ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh (năm 2018), trong lòng đĩa là hình hoa cúc 19 cánh:

(Phát hiện đồ gốm cổ thời Lý - Trần trong vườn nhà dân ở Nghi Xuân (baohatinh.vn)

Hay hoa cúc trên 2 chiếc đĩa ngọc này:

(mỹ thuật trên gốm Lý – Trần | Cổ vật Việt Nam (covatvietnam.info)

Và trên viên ngói kiến trúc thời Lý trang trí hình hoa cúc:

(Thăng Long - Hà Nội linh thiêng hào hoa - Bảo Tàng Lịch Sử (baotanglichsutphcm.com.vn)

Cùng với hoa sen, hoa cúc là chủ đề trang trí quen thuộc ở các đình chùa Việt Nam:

Trang trí hoa cúc chùa Phổ Minh

Trang trí hoa cúc trên cánh cửa

Trang trí hoa sen và hoa cúc tháp Phổ Minh

(Trang trí trong kiến trúc truyền thống (mythuatms.com)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hoa cúc trên gạch lát nền

(Hiện vật quý Việt Nam về văn hóa – Thế kỷ 11 – Để gió cuốn đi (wordpress.com)

Và đi vào văn học:

Bài thơ Cúc hoa kỳ 2 của Thiền sư Huyền Quang đời Trần:

Đại giang vô mộng hoán khô tràng,
Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang.
Lão khứ sầu thu ngâm vị ổn,
Thi biều thực vị cúc hoa mang.

Ruột héo mong gì nước rửa trôi,
Mai hoa bách vịnh kém xinh tươi.
Tuổi già ngâm hão văn chưa ổn,
Vì cúc, vườn thơ luống rối bời.

(Phạm Trọng Điềm dịch)

 

Cúc trồng từ cuối hạ để cuối thu đầu đông thì hái. Hái hoa cúc trong gió heo may và nắng hanh vàng. Nâng niu để hoa không dập nát và để giữ vẹn mùi hương. Phơi trong nắng và gió tự nhiên. Thế rồi hoa cúc mùa thu sẽ chưng cất với nước mưa mùa hạ năm trước để có được âm dương vừa lứa. Rượu chứa trong hủ sành hạ thổ. Càng lâu năm hương càng đượm, rượu càng thơm.

Cũng truyền rằng khi ông Bành tổ tìm thấy cây trà, và khi trà trở thành thức uống quen thuộc của con người thì cây hoa cúc mới được tìm ra. Vì uống trà suông mà không hương thì mất thú nên cùng với sen, lài, ngâu… thì cúc đã thành một loại hương cho trà. Ai là người tìm ra ? Lịch sử không ghi nhận cũng không ghi nó đi theo trà từ thuở nào.

“Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân thời nhà Minh đã có rất nhiều ghi chép về trà hoa như: “trà hoa tính hơi hàn, vị ngọt, đi vào kinh phế, thận, có thể bình can, nhuận phế, dưỡng sắc. Uống các trà hoa khác nhau cho công dụng khác nhau”.

Kinh Thi có bài “Phong niên” nói đến rượu cay, rượu ngọt như sau:

Phong niên đa thử đa đỗ

Diệc hữu cao lẫm

Vạn ức cập tỉ

Vi tửu vi lễ

Chưng tỉ tổ tỉ

Dĩ hạp bách lễ

Giảng phúc khổng giai

 

Được mùa lúa nếp dồi dào

Cho nên đã có vựa cao trữ dùng

Lúa muôn ức tỉ thu chung

Rượu cay rượu ngọt đã cùng gầy ra

Để dâng cúng tế ông bà

Lễ nghi trăm thứ lo đà xong xuôi

Phúc lành ban xuống khắp nơi

(Kinh Thi, tập 3, Tạ Quang Phát dịch).

Kinh Thi (khoảng 5-10 thế kỷ TCN)  do Khổng Tử san định. Tức là phải có trước Khổng tử hàng trăm năm. Rượu ngọt rượu cay theo như lời bài ca đều làm từ lúa nếp. Cho nên không rõ rượu làm từ các loài hoa như hoa cúc chẳng hạn, có từ bao giờ?

Ngày xưa nói đến cúc là người ta hình dung ra Kim Cúc, Cúc Vàng.

Xót người tựa cửa hôm mai

Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài

Hoàng hoa chính là hoa cúc vàng. Nở cả vạt dài.

Nếu cúc là kỳ hoa dị thảo thì hoàng hoa tửu là mỹ tửu. Ví như Tổ Thiên Thu vừa ngửi hương rượu đã đoán ngay là Tam oa đầu phần tửu cất đã sáu mươi hai năm (!). Đã vậy, còn phải chọn đúng chén để uống mới là “tửu đạo”. Như Phần tửu phài dùng chén Ngọc uyển; rượu trắng quan ngoại phải dùng chén Tê giác_ Ngọc uyển làm tăng sắc rượu, Tê giác làm tăng hương rượu. Cổ nhân đã nói thế rồi. Hay rượu Bồ đào phải dùng chén Dạ quang, khi Bồ đào mỹ tửu được rót vào chén Dạ quang, màu rượu chẳng khác nào màu máu tươi, uống rượu cũng giống như uống máu. Còn rượu Bách thảo mỹ tửu ngâm bằng trăm loài hoa thơm cỏ lạ phải uống với chén Cổ đằng đẽo từ cây Cổ đằng trăm năm tuổi thì hương mới tăng bội phần, cây Cổ đằng trăm năm còn kiếm được chứ rượu Bách niên hồ dễ có.

Uống rượu Thiệu Hưng trạng nguyên hồng phải dùng chén Dương chi bạch ngọc, hay nhất là chén của đời Bắc Tống, chén đời Nam Tống thì dùng tạm được nhưng đã có khí tượng suy bại, còn dùng chén đời Nguyên thì không tránh khỏi sự thô tục. Còn hũ Lê hoa tửu này thì sao? Phải dùng chén Phỉ thúy. Một tửu quán ở Hàng Châu có đề câu thơ của Bạch Lạc Thiên trong bài Xuân vọng, rằng: “Thanh kỳ cổ tửu sấn lê hoa” (Cờ xanh thêm sắc rượu hồng hoa lê). Lệnh Hồ huynh nghĩ xem tửu quán ở Hàng Châu bán Lê hoa tửu có treo lá cờ xanh hình giọt nước xanh biếc ánh vào Lê hoa tửu cho thêm vẻ huyền ảo. Uống Lê hoa tửu phải dùng chén Phỉ thúy là vậy. Còn uống Ngọc lộ tửu đương nhiên phải dùng chén Lưu ly. Ngọc lộ tửu sủi bọt như những hạt châu li ti, dùng chén trong suốt mà uống thì không chê vào đâu được.

(Trích Tiếu ngạo giang hồ, hồi 60: Tổ Thiên Thu tửu luận gạt Hồ Xung)

Tửu luận của Tổ Thiên Thu nói rằng Bách hoa tửu phải uống với chén Cổ đằng trăm năm tuổi mới dậy hương. Rượu Bách hoa ngâm với trăm loài hoa. Rượu Hoàng hoa thì cũng là ngâm với hoa, hoa cúc. Nên phải tìm chén Cổ đằng mà uống. Chén Cổ đằng trăm năm khó nhưng vẫn có thể kiếm được, chứ rượu Hoàng hoa trăm năm tuổi là thứ rượu huyền thoại, chẳng bao giờ có. Giới tửu đồ ai mà chờ được đến trăm năm. Mười năm đã là tiên tửu rồi. Đời này gặp được chai Hoàng hoa tửu mười năm phải là duyên kỳ ngộ.

Rượu hoàng hoa  rót ra chén Cổ đằng thoang thoảng một hương thơm riêng có của hoa cúc. Khi đưa chén rượu lên môi, hương thơm ngát như đang đứng giữa ngàn hoa dặm dài.  Có một chút tân toan đôi khi là tân khổ nửa chìm nửa nổi trong hương rượu.

Tạc nhật đăng cao bãi,

Kim triêu cánh cử thương.

Cúc hoa hà thái khổ,

Tao thử lưỡng trùng dương.

(Lý Bạch_ Cửu nguyệt thập nhật tức sự)

 

Hôm qua uống rượu cúc hoa,

Hôm nay nâng chén vẫn là còn say.

Cúc hoa sao khổ thế này,

Trung Dương là lễ lại say hai lần.

(Công Tuấn dịch_ Chuyện ngày mười tháng chín)

 

Uống rượu cúc mà say đến hôm sau mới tỉnh là rượu đã qua chưng cất. Mất cả thú. (xem Hoàng hoa tửu, huyền thoại và thực tế, SNg. cũng trong Website Tạp luận).

Thu ẩm hoàng hoa tửu

Rượu hoàng hoa chỉ để uống trong mùa thu. Để thưởng thức mùa buồn và tạo thi hứng nhất trong năm. Uống rượu Lê hoa rót vào chén Phỉ thúy trong quán rượu có treo cờ xanh để ánh biếc soi vào chén rượu. Thần tình đến thế. Nâng chén Cổ đằng rót rượu Hoàng hoa trong vẻ thu bao trùm, sắc thu ảm đạm, khói thu tản mát, mây thu tụ lại, khí thu run rẩy, ý thu tiêu điều để nghe tiếng thu lạnh lẽo ẩn trong sắc vàng trong trẻo của mùa thu.

Ôi ! Tiếng thu sao buồn vậy. Hình trạng mùa thu, sắc thì ảm đạm, khói toả ra, mây thu lại; vẻ mùa thu trong trẻo, vòm trời cao mà mặt trời sáng; khí mùa thu lạnh run, chích da nhói xương; ý mùa thu tiêu điều, núi sông tịch mịch. Cho nên tiếng mùa thu thê lươngThan ôi! Thảo mộc vô tình, có thời phải điêu linh; người là động vật, linh hơn tất cả; trăm nổi lo làm xúc động trong lòng, vạn việc đời làm lao khổ thân hình.

(Thu thanh phú_Âu Dương Tu_Trọng Vũ, Nguyễn Hiến Lê dịch)

Lạc hà dữ cô vụ tề phi

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc

Ráng chiều rơi xuống, cùng cái cò đơn chiếc đều bay; làn nước sông thu với bầu trời kéo dài một sắc.

Ráng chiều cò lẻ cùng bay
Nước thu xanh biếc chung màu trời xanh

(Đằng vương các tự_Vương Bột_Trần Trọng San, Đinh Vũ Ngọc dịch)

Cùng là cảnh thu mà Vương Bột chỉ thấy sắc thu trong trẻo, ý thu êm đềm, còn Âu Dương Tu lại thấy khí thu thê lương, tiếng thu áo não. Các vị ấy, ai đã uống Hoàng hoa, ai không ?

Chỉ có chén rượu Hoàng hoa để tiêu mối sầu vạn cổ.

Đã có Tửu luận ắt có Trà Luận.

Công tử Đoàn Dự luận về trà từng phẩm bình có vài loại trà mang tên rất hoa mỹ. Tỉ như, Thập bát học sĩ: cả khóm có 18 bông mà màu sắc không bông nào giống bông nào, tía toàn tía hồng toàn hồng.

Hay Bát tiên quá hải, một khóm có 8 bông khác nhau. Thất tiên nữ có 7 bông. Nhị kiều có 2 bông, một trắng một hồng. Tất cả đều thuần một sắc, hồng pha trắng hay trắng pha tía là kém rồi.

Riêng về thứ "phong trần tam hiệp" lại chia ra làm hai: hạng chánh và hạng phó. Trong ba bông thì bông tía phải lớn hơn hết tượng trưng cho Cầu nhiêm Khánh, bông trắng thứ nhì tượng trưng cho Lý Tĩnh, bông hồng đẹp và nhỏ nhất tượng trưng cho Hồng phất Nữ. Nếu bông hồng lớn hơn hai bông kia là hạng phó, như thế là giá trị kém đi nhiều.

Còn loại có bông ngũ sắc tên là Lạc đệ tú tài. Về tư cách loại này so với "thập bát học sĩ" thì còn thiếu một bông, ngoài ra các mầu sắc lại còn bác tạp, không được thuần nhất, bông to bông nhỏ, hay nở sớm, nở muộn không đều phỏng có khác chi bì phấn với vôi? Tỷ như sĩ tử văn bài kém cả phân điểm, lẽ tất nhiên thi rớt nên mới có cái tên "Lạc đệ tú tài".

(Thiên long bát bộ, hồi 30_ Chơi hoa dễ đã mấy người biết hoa)

 

Nên đã có Trà luận thỉ phải có Cúc luận.

 

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,

Một tiếng trên không ngỗng nước nào?

(Thu vịnh_Nguyễn Khuyến)

Tâm sự u hoài của nhà nho Nguyễn Khuyến dấu kín trong hai câu thơ vịnh mùa thu. Không nhắc đến hoa, nhưng người đọc hiểu “mấy chùm trước giậu” ám chỉ một mùa hoa cúc chỉ còn trong ký ức. Đã là hoa của mùa cũ, không còn là của nhà nho nữa. “Ngỗng nước nào”, câu hỏi đắng lòng, nghèn nghẹn, cứ vang mãi không thôi. (Khi Tam nguyên Yên Đỗ về trí sĩ, thực dân Pháp đã đặt ách đô hộ trên đất nước ta). Nỗi nhớ một loài hoa, nỗi nhớ mùa thu, nỗi nhớ quê hương những ngày xưa cũ…Với riêng ông, mấy chùm hoa vàng trước giậu ấy có tên là “Cúc chi cố xứ”.

Thụ đắc âm dương của trời đất, thu được tiếng của mùa, đong đầy thần và khí vào trong sắc vàng rực rỡ để trong cái khí u ám, thê lương của mùa thu vẫn lộng lẫy khoe hết nét mỹ miều, cao ngạo. Ấy là hoa cúc. Cho nên có vô số loài hoa có màu vàng nhưng mỹ tự HOÀNG HOA chỉ dành riêng cho hoa cúc.

 

“Trạng nguyên hồ điệp mộng” còn là  cúc vàng lưng bờ giậu, mơ thấy khoác áo trạng nguyên kỳ thi Tiến sĩ. Ngày xưa đi học, giấc mơ mặc áo Trạng nguyên vinh quy bái tổ là giấc mơ lớn nhất của một đời người nhưng có người đã quá thất, bát tuần vẫn chỉ là mơ. Đây là loài hoa đệ nhất , dùng làm danh tửu Hoàng hoa. Dùng hãm trà thì vô hạn tưởng.

Đáng yêu nhất là “Họa mi tiểu nhi nữ”: cúc trắng, bông nhỏ duyên dáng mỗi thu về các mẹ, các chị gánh từng giỏ bán khắp phố phường chốn kinh kỳ. Để tặng người thương người nhớ.

Lãng mạn và đầy gió bụi là “Tử y phong trần hiệp”: cúc tím hay thạch thảo nở tím một màu thương nhớ các thung, các sườn đồi.

“Tinh kỳ nhất đóa hoa” là Cúc mâm xôi, nở thành từng mâm cỗ mang ra đình dịp lễ hội. Loại này còn có tên là “Thất thập nhị huyền công”. Bảy mươi hai bông trong một khóm. Bảy mươi hai hay một trăm linh hai, ai mà biết được. Nhiều quá đếm làm chi.

“Thủy chung vô hạn” là cúc xuyến chi. Đơn giản, thắm thiết như tấm lòng của Dương Qua với Tiểu Long nữ.  Dễ trồng, dễ mọc. Chẳng tốn công gì cũng ra bông. Thắm thiết thủy chung như nhất là Dương Qua. Đơn giản nhưng vô hạn thương như giòng nước Trường giang là Tiểu long nữ.

“Tứ bất tử” là loài chưng được rất lâu. Là hoa thật nhưng giống y như giả. Tên thế nhưng có nhiều hơn bốn màu: vàng, hồng, tím, đỏ, trắng…

Được ghi nhận trong dược điển xưa nhất của nhân loại. Dùng hãm trà, tĩnh tâm, sáng mắt. Dùng ngâm rượu, ngát hương nồng vị. Là thức phải có trong một dịp lễ đặc biệt: Tết Trùng Dương hay Trùng Cửu. Đi cùng triết gia và thi nhân. Các vương triều lừng lẫy nhất trong lịch sử Việt Nam, Lý-Trần, xem cúc (cùng với hoa sen) là loài hoa tiêu biểu, đưa nó vào kiến trúc cung đình và cả đền chùa, là đối tượng cho văn học, thi ca. Hoa cúc là đệ nhất danh hoa dù chỉ là loài hoa tầm thường. Có tên trong bốn loài quân tử: Mai, Lan, Cúc, Trúc (hay Tùng, Cúc, Trúc, Mai) nhưng xuất thân vẫn là dân dã. Cúc là trường hợp lạ lùng nhất trong các loài hoa.

Không có một huyền thoại nào riêng của hoa cúc cả, bởi vì chính Hoàng Hoa đã là huyền thoại của mùa thu.

Tháng 10.2022

NTH

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết