ĐÈN ĐƯỜNG Ở SÀI GÒN

ĐÈN ĐƯỜNG Ở SÀI GÒN

 

Đèn đêm không soi bóng vắng

Kinh đô thắc mắc

Im nghe phố buồnDD

(Phố buồn, Phạm Duy)

Có hai nhạc sĩ nhắc đến xóm nhỏ Sài Gòn, với ánh đèn đường hắt hiu: Phạm Duy bài Phố buồn và Phạm Đình Cương bài Xóm đêm:

Đường về canh thâu

Đêm khuya ngõ sâu như không màu

Qua phênh vênh có bao mái đầu

Hắt hiu vàng ánh điện câu

Đường dài không bóng…

Ns Phạm Duy nói đến Phố, chứ Ns Phạm Đình Cương chỉ nói đến xóm nhỏ của những người lao động nghèo, không có tiền mắc điện, chỉ xài điện câu ké hay câu trộm nhà ai đó.

Đó là Sài Gòn của những năm 1950.

Vậy chừng 50 năm trước, tức cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Sài Gòn có đèn đường không và nếu có thắp sáng bằng gì?

 

Một cây đèn đường rất đẹp ở chợ Bến thành

 

Và một cây đèn khác, có lẽ xưa hơn

 

Một góc chợ SG, không biết chợ nào. Với một cây đèn đẹp.

 

Một con đường ở Gò Vấp, hai bên đường là đèn dầu hỏa, chiều tối có người đi thắp.

 

Quảng trường Francis Garnier và nhà hát. Nhưng cây đèn mới là chủ thể nổi bật.

 

Đèn đường hay tác phẩm nghệ thuật đường phố, chụp khoảng đầu thập niên 1950, vì có hình Bảo Đại trên tháp chợ Bến thành.

 

Nhà hát, trụ dán quảng cáo có nóc tròn bên trái và đèn đường bên phải đều đẹp.

 

Góc Vannier, nay là Ngô Đức Kế, thay cho bùng binh là cây đèn đường, một tác phẩm nghệ thuật

 

Đại lộ Charner và Tòa Thị sảnh. Đèn đường thắp dầu hoả, bồn kèn bên trái.

 

Góc Charner-Vanier, nay là góc Nguyễn Huệ-Ngô Đức Kế. Trụ nước máy và mấy đống đá dăm để làm đường. 1908. Để ý trụ đèn đường cong xuống.

 

Cây đèn đường ở Bưu điện SG

 

Cây đèn trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi)

 

Hàng đèn đường trên Đại lộ Charner, đối diện sông Sài Gòn. Một góc Paris giữa lòng Sài Gòn, bảo sao mà nhiều du khách cả Đông lẫn Tây phương ví Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông.

Ánh đèn là một cách kéo dài ánh sáng của ngày. Từ cành củi, lá khô, sang mỡ heo, dầu lạc, và cả cách tận dụng ánh lập loè của đom đóm để học bài (chuyện ông Trạng Mạc Đĩnh Chi). Chuyện học trò học bài dưới ánh trăng, và rồi, dưới ánh đèn dầu, hay đèn đường không thiếu. Bóng trăng hay một cách lấy đèn trời xuất hiện trong vài câu ca dao:

“Sáng trăng giải chiếu hai hàng

Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ”.

Ấy là cảnh làng quê Bắc bộ thế kỷ 18, 19. Còn đây lả cảnh trên đường Catinat, Sài Gòn đầu thế kỷ 20:

“Phong lưu cách điệu ai bằng,

Đường đi trơn láng, đèn giăng sáng lòa”

(Nguyễn Liên Phong - Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca - Sài Gòn 1906)

Từ cây đuốc, sang đĩa đèn dầu lạc, sang đèn lồng, để tiến lên đèn đường phục vụ đời sống nhân sinh, xã hội là bước rất dài. Cây đèn đường ngoài việc toả ánh sáng, còn là một tác phẩm nghệ thuật, như thấy ở trên. Nhưng giờ thì chẳng ai quan tâm đến đèn đường nữa. Thậm chí, có những nhà môi trường còn nói đến chuyện “ô nhiễm ánh sáng”.

Lạc cực sinh bi là thế chăng?

29.1.2021

NTH


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết