HỒ NGUYÊN TRỪNG, GIẤC MỘNG CON
Lê Trừng tên chữ Mạnh Nguyên, người xứ Nam Giao, tước Chính Nghị đại phu, chức Tư trị doãn, Công bộ Tả thị lang là tên và chức tước ông tự ghi trong bài đề tựa sách Nam ông mộng lục.
Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) tự Mạnh Nguyên, hiệu Nam Ông, người Đại Lại, tỉnh Thanh Hóa. Tổ tiên ông ở hương Bào Đột đất Diễn Châu, đến đời Hồ Liêm mới dời đến Đại Lai. Vì Hồ Liêm làm con nuôi Tuyên úy Lê Huấn nên đổi họ là Lê. Hồ Nguyên Trừng do vậy còn được sử cũ chép là Lê Trừng. Ông là con trưởng của Hồ Quý Ly nhưng không kế cha làm vua, mà chỉ giữ chức Tư đồ Tả tướng quốc.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, quân Minh đã bắt được ông vào năm 1407, đưa về Bắc Kinh cùng cha là Hồ Quý Ly, em là Hồ Hán Thương và cháu là Nhuế (con Hồ Hán Thương). Vì biết chế tạo súng “thần cơ”, một thứ vũ khí có sức sát thương lớn, vượt hẳn các loại súng đương thời, Hồ Nguyên Trừng được nhà Minh tha không giết và sai trông coi việc chế tạo vũ khí. Từ chức công bộ doanh thiện ty thanh lại ty Chủ sự, ông dần dần được thăng làm Lang trung, rồi Công bộ Hữu thị lang, Công bộ Tả thị Lang (1436), Công bộ Thượng thư (1445). Ông mất vào tháng 7 năm Chính thống (1446), thọ 73 tuổi. Nam Ông mộng lục được viết xong vào năm Mậu Ngọ (1438), là tác phẩm duy nhất hiện còn của Hồ Nguyên Trừng. Đầu sách có bài tựa của Hồ Huỳnh, một quan Thượng thư đồng triều với Hồ Nguyên Trừng, viết năm Chính Thống 5 (1440). Tiếp đến là bài tựa của chính Hồ Nguyên Trừng viết vào năm Chính Thống 3 (1438). Rồi đến phần chính của sách gồm 31 thiên truyện. Cuốn sách có bài Hậu tự của Tống Chương, người Việt Nam, làm quan triều Minh, viết năm Chính Thống 7 (1442).
(Trích phần giới thiệu của tác giả Trần Nghĩa )
Bản do tác giả Trần Nghĩa dịch, chú thích cho biết bị thất lạc 3 thiên, chỉ còn 28 thiên.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn cho biết thêm trong Nam Ông Mộng lục có đến 16 thiên giống với những ghi chép trong bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư.
Nhân vật, sự kiện trong Nam ông mộng lục trải trong các triều Lý, Trần, Hồ và không thiếu các chuyện thần dị như đã thấy trong các tác phẩm văn học trung đại như Việt điện u linh tập (Lý Tế Xuyên, 1329), Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ, 1546).
Nguyên nhân viết tác phẩm như lời tác giả Hồ Nguyên Trừng viết trong lời tựa:
“Có kẻ hỏi tôi rằng: “Những người ông ghi chép đều là người thiện, vậy thì trong các chuyện bình sinh ông nghe thấy, lại chẳng có chuyện nào bất thiện ư?” Tôi trả lời họ rằng: “Chuyện thiện tôi rất mê nghe, nên có thể nhớ được; còn chuyện bất thiện thì không phải không có, chẳng qua tôi không nhớ đấy thôi”. Họ lại hỏi: “Sách lấy tên là ‘mộng’ ý nghĩa ở chỗ nào?” Tôi trả lời: “Nhân vật trong sách, xưa kia rất phong phú, chỉ vì đời thay việc đổi, dấu tích hầu như không để lại, thành ra còn mỗi một mình tôi biết chuyện và kể lại mà thôi, thế không phải ‘mộng’ là gì? Các bậc đạt nhân quân tử có thấu cho chăng? Còn ‘Nam Ông’ là tiếng Trừng tôi tự gọi mình vậy!”.
Qua lời tự sự này ta thấy ông muốn được như Lão tử, Trang tử, nhưng việc đời như mây nổi, ông lại sống như ý nguyện của Khổng tử, tận lực giúp cho triều đại đã lật đổ chính cha con ông. Họ biết tài, biết sức của ông nên trọng vọng. Và ông hết sức đáp đền. Thiên truyện 25, Điềm thơ để phúc về sau, thiên nhắc đến việc riêng trong gia tộc, cho thấy điều này. Sau khi kể lại công đức của một vị tổ phụ, Nguyễn Thánh Huấn, giữ chức Trung thư thị lang triều Trần Nhân vương (tức Trần Nhân Tông), đoạn kết ông viết: “Cho đến cháu ngoại bốn đời như Trừng ngày nay, ra tự hang sâu, dời đến cây cao, một khúc rãnh thừa cũng làm thành vật có ích, há chẳng phải do phúc trạch của tổ tiên chưa dứt, mới được sống gặp triều thánh, tắm gội nhân Nghiêu, mà có chuyện kỳ ngộ này ư?”.
“Mới sống gặp được triều thánh”, triều thánh đây chỉ nhà Minh.
Khi cha con Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt đưa về Trung hoa, số phận Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương không rõ ràng. Có tài liệu ghi cả hai bị giết dọc đường. Có tài liệu lại ghi Hồ Hán Thương được giao dạy Kinh Dịch cho các quan lại Trung Hoa.
Hồ Nguyên Trừng được trọng vọng, giao chức tước lớn, thì hẳn Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương cũng được đối đãi tử tế (nhằm để cho Hồ Nguyên Trừng yên tâm làm việc). Rất có thể Hồ Quý Ly chỉ bị giam lòng ở nơi nào đó thôi.
Trên tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, năm 2004, tác giả Quốc Việt có kể chuyện đi tìm mộ Hồ Quý Ly của nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật. Mộ không tìm thấy, nhưng tác giả cho biết ở vùng Lão Hổ Sơn, tỉnh Giang Tô, Trung quốc, có cả một làng họ Hồ ở đó, họ nói tổ tiên của họ là người Việt.
Hai nắm đất ông Đỗ Đình Truật mang về từ nơi lưu đày Hồ Quý Ly. (Đi tìm mộ Hồ Quý Ly - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)).
Với một chút tâm linh, có người sẽ nhìn thấy sao hai nắm đất này lại giống đầu người đến thế.
Nhắc đến việc này , ta nhớ lại trong Truyền Kỳ Mạn lục, có kể Chuyện đối đáp của người tiều phu núi Na (hay Nưa).
Trích đoạn cuối truyện
(Tóm tắt phần đầu:
Hồ Hán Thương sai quan hầu là Trương công đi tìm người tiều phu ở núi Na. Sau khi gặp được, Trương ngỏ lời vua tuyên triệu, thi tiều phu đáp:
“
Tiều phu biến sắc nói:
-Như lời ông nói, há chẳng phải là khoe khoang quá khiến cho người nghe phải thẹn thùng sao! Vả vị vua ngự trị bây giờ có phải họ Hồ không?
-Chính phải.
-Có phải là đã bỏ khu Long Đỗ về ở đất An Tôn không?
-Phải.
-Ta tuy chân không bước đến thị thành, mình không vào đến cung đình, nhưng vẫn thường được nghe tiếng ông vua bây giờ là người thế nào. Ông ấy thường dối trá, tính nhiều tham dục, đem hết sức dân để dựng cung Kim Âu, dốc cạn của kho để mở phố Hoa Nhai; phao phí gấm là, vung vãi châu ngọc, dùng vàng như cỏ rác, tiêu tiền như đất bùn, hình ngục có của đút là xong, quan chức có tiền mua là được, kẻ dâng lời ngay thì giết, kẻ nói điều nịnh thì thưởng; lòng dân động lay, nên đã xảy ra việc quân sông Đáy bờ cõi chếch mếch nên đã mất dải đất Cổ Lâu. Vậy mà các kẻ đình thần trên dưới theo hùa, trước sau nối vết. Duy có Nguyễn Bằng Cử có lượng nhưng chậm chạp, Hoàng Hối Khanh có học nhưng lờ mờ, Lê Cảnh Kỳ giỏi mưu tính nhưng không quyết đoán, Lưu Thúc Kiệm quân tử nhưng chưa được là bậc nhân; còn ngoài ra phi là đồ tham tiền thì là đồ nát rượu; phi là đồ chỉ lấy yên vui làm thích thì là tuồng lấy thế vị mà khuynh loát nhau; chứ chưa thấy ai biết những kế lạ mưu sâu để lo tính cho dân chúng cả. Nay ta đương náu vết ở chốn núi rừng, lo lảng tránh đi chẳng được, há lại còn xắn áo mà lội nữa ư? Xin ông vui lòng trở về, làm ơn từ chối hộ kẻ cư sĩ này. Ta không thể đem hòn ngọc Côn Sơn cho nó cùng cháy trong ngọn lửa Côn Sơn được.
Trương nói:
- Sự xuất xử của bậc người hiền lại cố chấp đến như thế ư?
Tiều phu nói:
- Không phải là ta cố chấp. Ta chỉ ghét những kẻ miệng lưỡi bẻo lẻo, đã đắm mình vào trong triều đình, vẩn đục, rối loạn lại còn toan kéo người khác để cùng đắm với mình.
Trương lặng im không trả lời, trở về đem hết những lời của tiều phu tâu lại với chúa. Hán Thương không bằng lòng nhưng còn muốn đem cỗ xe êm để cố đón ra kỳ được, sai Trương lại đi vào lần nữa. Nhưng vào đến nơi thì rêu trùm cửa hang, gai góc đầy núi, dây leo, cành rậm đã lấp mất cả lối đi rồi. Chỉ thấy ở trên vách đá có hai câu thơ đề bằng nhựa cây như sau:
Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn,
Cao Vọng sơn đầu khách tứ sầu.
Dịch:
Kỳ La cửa bể hồn thơ đứt,
Cao Vọng đầu non dạ khách buồn.
Ý lời như giọng trào phúng của họ Nguyên họ Bạch. thể chữ như lối triện lệ của ông Lưu ông Tư, nhưng rút lại chẳng hiểu định nói gì. Hán Thương cả giận, sai đốt cháy núi; núi cháy hết vẫn không thấy gì, chỉ thấy con hạc đen lượn trên không bay múa. Sau cha con họ Hồ gặp phải tai họa đều đúng như lời thơ.
Người tiều phu ấy có lẽ là kẻ sĩ đắc đạo đó chăng?
(Câu chuyện đối đáp của người tiều phu núi Na, Ngô Văn Triện dịch
Nguyễn Dữ, Truyền kỳ mạn lục)
Người tiều phu trong truyện là đại diện cho giới sĩ phu thời ấy, nặng lời chê bai cha con Hồ Quý Ly (“Ông ấy thường dối trá, tính nhiều tham dục, đem hết sức dân để dựng cung Kim Âu, dốc cạn của kho để mở phố Hoa Nhai; phao phí gấm là, vung vãi châu ngọc, dùng vàng như cỏ rác, tiêu tiền như đất bùn, hình ngục có của đút là xong, quan chức có tiền mua là được, kẻ dâng lời ngay thì giết, kẻ nói điều nịnh thì thưởng; lòng dân động lay, nên đã xảy ra việc quân sông Đáy bờ cõi chếch mếch nên đã mất dải đất Cổ Lâu. Vậy mà các kẻ đình thần trên dưới theo hùa, trước sau nối vết.”).
Cùng thời gian với việc cha con Hồ Quý Ly bị bắt sang Trung hoa, còn có Nguyễn An, một nhân tài kiệt xuất trong xây dựng. Có tài liệu ghi năm 16 tuổi Nguyễn An đã tham gia xây dựng cung điện nhà Trần. Nhiều sử liệu của Trung hoa cho biết ông tham gia thiết kế và giám sát xây dựng Tử Cấm thành
Về tài năng của Nguyễn An, bộ phim Tử cấm thành chiếu trên Đài truyền hình ZDF của Đức năm 2008 đã chỉ rõ Tử Cấm Thành được ông thiết kế theo quan niệm vũ trụ trời tròn đất vuông, nơi ở của Vua là ở vị trí trung tâm (như sao Bắc Đẩu trên bầu trời), với kiến trúc hào nhoáng và diễm lệ như cảnh thiên đường dưới thế. Để thiết kế 4 tháp tại bốn góc thành, Nguyễn An vô tình quan sát lồng con dế yêu của mình và thiết kế một cách ngẫu nhiên, được Vĩnh Lạc khen ngợi. Trong đó có Thiên An Môn - cổng trời bình yên, nằm xa nhất ở phía Nam, một điểm tham quan nổi tiếng ngày nay khi đến Bắc Kinh.
Vào lúc đó, Nguyễn An đã dùng một công trường rộng chuẩn bị vật liệu, từ đục đẽo, tính toán độ dài ngắn của các xà ngang để rồi sau đó chỉ cần gác lên nhau là vừa khít. Một điểm nhấn quan trọng, giữa các bậc thang phía trước Điện Thái Hòa còn trống, làm sao đưa một khối đá chạm rồng lắp vào nặng hàng trăm tấn, cách xa hàng trăm kilômét. Trong điều kiện trời rét khắc nghiệt và sức người có hạn, ông đã cho đào hàng trăm giếng cách đều nhau, đổ nước lên để nước đóng thành một lớp băng và như thế dễ dàng kéo tảng đá về cung điện.
Các tư liệu lịch sử khác cũng cho biết, sau khi hoàn thành một năm, năm 1421 ba điện lớn (điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa) cùng hai cung Càn Thanh, Khôn Ninh bị cháy. Nguyễn An được giao xây lại và chỉ một năm sau ông đã hoàn thành.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
(Xem bộ phim của Đài truyền hình ZDF có tựa “A will of a Tyrant” ở kênh Youtube)
(Xem thêm bài Beijing’s Forbidden City Build On Ice Roads trên NatGeo: Beijing's Forbidden City Built on Ice Roads (nationalgeographic.com) có nói rõ về cách xây dựng này. Bài này không đề cập gì đến Nguyễn An)
Chuyện này làm nhớ lại Chuyện người hóa dế mà Bồ Tùng Linh thuật trong bộ Liêu trai chí dị:
Thời vua Tuyên đức nhà Minh, rất mê chọi dế, lệnh cho dân gian phải cung tiến. Lệnh ban khắp phủ huyện. Các lý trưởng cứ thế hành dân làng phải tìm dế hay dâng nộp. Nho sinh tên Thành bắt được được con dế hay, bỏ lồng. Thằng con nhỏ vô tình làm dế sổ lồng, bay mất. Thành sợ quá, quát nạt con. Thằng bé hoảng, bỏ nhà đi mất. Thành đi tìm thì thằng bé té giếng chết mất. Đang thương khóc thì bắt được con dế lạ ngoài sân. Đem chọi thì thắng tất cả dế trong làng ngoài huyện, Thành đem nộp quan huyện. Huyện đem dâng vua. Con dế chọi rất hay nên Thành được ban thưởng rất hậu. Thằng bé con Thành chỉ mê man mà không chết, lúc ấy bỗng tỉnh dậy, nói nó hóa dế để giúp cha.
Con dế Bồ Tùng Linh kể có phải con dế Nguyễn An nuôi không? Con dế của Bồ Tùng Linh thời Minh Tuyên đức (1426-1435) chỉ sau thời gian xây dựng Tử Cấm thành (1406-1420) có mấy năm.
Trở lại lý do ông tự nêu khi viết sách Nam Ông mộng lục, ông chỉ ghi chép những việc thiện mà việc thiện thì ít và khó thấy như giấc mộng vậy. Ông có muốn ẩn ý gì về điều này không ?
Đa số việc ông kể trong sách nằm trong thời nhà Trần, chỉ ít việc thời Lý và mấy việc đời Hồ. Ông ca ngợi nhiều nhân vật thời Trần. Ông cũng nhấn mạnh nhờ ơn phúc của ông ngoại tổ phụ (Nguyễn Thánh Huấn là quan thời nhà Trần) để phúc trạch lại cho con cháu (là ông) được hưởng. Có phải qua đó ông ngầm trách việc cha ông lật nhà Trần là nghịch đạo chăng? (Ta nhớ rằng thời điểm ông viết sách thì thân ông là cá chậu chim lồng, thêm nữa khi quân Minh xâm chiếm nước ta, có đem theo Trần Thiêm Bình, dòng dõi nhà Trần, để lấy cớ khôi phục nhà Trần mà chiếm nước ta).
Nhưng tâm sự của ông làm sao ta biết được.
(Trang tử cùng với Huệ tử đi dạo trên cầu sông Hào. Trang tử bảo: - Đàn cá du kia thung thăng bơi lội, đó là cái vui của cá. Huệ tử bẻ: - Ông không phải là cá, làm sao biết được cái vui của cá? Trang tử đáp: - Ông không phải là tôi, làm sao biết được rằng tôi không biết cái vui của cá? - Tôi không phải là ông, dĩ nhiên tôi không biết được ông, nhưng ông không phải là cá thì hiển nhiên là ông không biết được cái vui của cá. Trang tử bảo: - Xin trở lại câu hỏi đầu tiên. Ông hỏi tôi làm sao biết được cái vui của cá. Như vậy tức là ông nhận rằng tôi đã biết cái vui đó rồi [nên mới hỏi làm sao tôi biết được?]. Làm sao biết tôi được ư? Thì đây: tôi đứng trên cầu sông Hào này mà biết được.
Nguyễn Hiến Lê, Trang tử và Nam Hoa kinh)
Cũng có thể ông dấu kín tâm sự mình trong thiên 27, Thơ viết sự nghiệp giúp vua. Dưới đây là phần trích nội dung và chú thích của tác giả Trần Nghĩa, sách Nam ông mộng lục:
Thơ Viết Sự Nghiệp Giúp Vua [1] (Thi Thán Trí Quân)
Quan Tư đồ Băng Hồ [2] có bài thơ Đề HuyềnThiên quán rằng: Bạch nhật thăng thiên dị, Trí quân Nghiêu Thuấn nan. Trần ai lục thập tải, Hồi thủ quý hoàng quan. Nghĩa là: Ban ngày lên trời là việc dễ, Làm cho vua trở nên Nghiêu, Thuấn là việc khó. Sống ở cõi trần đã sáu mươi năm, Ngoảnh đầu lại, thấy xấu hổ với người đạo sĩ [3].
Có lẽ khi còn làm Tể tướng, thấy mình không có công trạng gì, mới thốt ra lời than như vậy, đó cũng là do ưu ái trong lòng, mối tình quy trung hậu, đó là chỗ khả thủ của thi nhân chăng?
[1] Sách Luận ngữ có câu: Sự quân năng trí kỳ thân (thờ vua thì dâng cả cái thân của mình). Sách Mạnh Tử cũng có câu: Trí quân Nghiêu, Thuấn (giúp cho vua được như Nghiêu, Thuấn). [2] Băng Hồ: hiệu của Trần Nguyên Đán (1320-1390). [3] Văn Tín Công đời Tống nói: “Tôi không giúp gì được vua cứu nạn nước để về làng hưởng chữ nhàn, thật xấu hổ với người đạo sĩ”.
Công danh lên đến tột bậc, có sự nghiệp để lại cho đời. Công danh của riêng thân ông. Sự nghiệp là dành cho đất nước khác, không phải quê hương đất nước mình. Chỗ đau đớn của ông, nỗi lòng biết tỏ cùng ai của ông là ở đây chăng ?
Trang tử trả lời Huệ tử rằng ông đứng trên cầu sông Hào nên biết cá vui. Chúng ta ở cách Hồ Nguyên Trừng một khoảng lùi thời gian gần sáu trăm năm e là chỉ còn thấy mây mù.
Hồ Quý Ly muốn cải cách và làm thật nhanh vì giặc Minh muốn mượn cớ nhà Hồ diệt nhà Trần là nghịch đạo để đem quân xâm chiếm nước Nam. Mà càng muốn nhanh thì càng hao sức dân, càng gây mầm chống đối, bất mãn. Ông ngầm bất ý với cha ông là ở đó chăng.
Sử kể, Hồ Quý Ly có lần thử ý để chọn người kế nghiệp. Ông đã bày tỏ chỉ muốn làm quan không muốn lên ngôi vua. Có phải ông nhìn thấy trước mọi việc không ? (Cũng có thể còn nguyên do khác: ông là con trưởng nhưng là con bà thiếp Nguyễn thị; Hồ Hán Thương là em nhưng là con bà chính thất, công chúa Huy Ninh là con gái vua Trần Minh Tông, em gái vua Trần Nghệ Tông)
Ông chỉ là nhà nghiên cứu, sáng chế, không phải và không muốn làm nhà quản trị.
Hồ Quý Ly muốn cải cách và canh tân đất nước. Ông thất bại vì sinh bất phùng thời. Như lời khấn của nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật khi đi tìm mộ Hồ Quý Ly:
“Thuở giang sơn suy vi, giặc cường bạo xâm chiếm, Ngài phát tiết chí khí anh hùng mưu đồ chuyện lớn cho dân tộc. Tiếc thay thời thế chưa thuận, vận hùng ngắn ngủi, Ngài phải chịu cảnh lưu đày, rồi vong thân ở xứ người. Hôm nay, tôi cũng là con cháu tổ tiên Lạc Hồng sang đây thắp cho Ngài nén nhang với vài món quê nhà, khấn báo Tổ quốc đã hoàn toàn độc lập...”.
Tháng 5.2021
NTH
-
CUỘC THẬP TỰ CHINH CUỐI CÙNG< Trang trước
-
CON TÀU CỦA ÔNG NÔ Ê VÀ THÁNH GIÓNGTrang sau >
Triều đại nhà Hồ chỉ kéo dài có 7 năm (1400-1407) nhưng đã để lại nhiều tranh cải về công và tội của Hồ Quý Ly. Ông giết vua nhà Trần và bầy tôi để cướp ngôi, khi lên ngôi ông lại đưa ra một chương trình cải cách toàn diện từ Kinh tế, Quân sự đến Giáo dục, cải tiến chế độ thi cử...ông đặc biệt coi trọng toán học và dưa môn này vào giáo dục và thi cử (Toán học là cái món rất không được các nho sĩ ôm đống sách thánh hiền sợ hãi vì phải tính toán nhớ một cách chính xác). Mang tội giết vua cướp ngôi và áp dụng qua nhiều cải cách làm thay đổi xã hội nên chắc chắn không thể được mọi người ưa thích nhất là các triều thần cũ cùa nhà Trần. Vì vậy không được lòng dân khi kêu gọi chống quân Minh xâm lăng và đưa đến thất bại. Ông có công hay tội? Sử sách sẽ phán xét!
Một điều ghi nhận là con ông (Hồ Nguyên Trừng) hay triều thần (Nguyễn An) là những người rất giỏi về toán học. Nổi bật trong đó là Hồ Nguyên Trừng, (như trong bài viết trên đây) và Nguyễn An, người thiết kế và cũng là Tổng công trình sư của một kiến trúc nổi tiếng bậc nhất của Trung Hoa Tử Cấm Thành. Ngoài hai bộ phim tác giả kể trên, tôi còn nhớ cách đây đã lâu có được xem một bộ phim tài liệu trên Channel Discovery của Mỹ kể lại lich sử xây dựng của Tử Cấm Thành và vai trò của Nguyễn An. Thiết kế Tử Cấm Thành dựa trên một thiết kế một nơi nuôi dế của Nguyễn An, một thú chơi rất phổ biến thời Minh. Điểm đặc biệt là Tử Cấm Thành có 9.999 phòng, toàn bộ công trình không sử dụng đinh, tán...mà chỉ gồm toàn các mộng lắp ghép... Và được hoàn tất trang 3 năm. Đề nghị tác giả bài trên nghiên cứu tài liệu viết một bài về Thử Cấm Thành và Nguyễn An...
6/2021
SNg