Những Ký Ức Về Hàng Rong
Hàng rong có lẽ là một phần quan trọng trong đời sống người Việt Nam, từ thành thị, thôn quê đến hang cùng ngỏ hẽm...Những tấm hình tư liệu quí giá trong loạt bài ảnh Những Bức Ảnh Gợi Nhớ của chú H. chắc không ít thì nhiều gợi cho người xem những kỷ niệm về hàng rong từ thuở còn đi học. Tôi cũng không ngoại lệ nên xin ghi lại một vài hình ảnh còn nhớ.
Hình như các xe hang rong luôn gắn liền với trường học không biết từ bao giờ. Với tôi, từ thuở còn rất nhỏ đâu khoảng cuối những năm 1950, tôi còn là một học sinh trường Nam Tiểu học Nhatrang. Ngôi trường với những dãy nhà trệt, thấp là lớp học với tường vôi vàng, mái ngói đỏ bao chung quanh một sân đất với những hàng phượng vĩ, trước lớp là một dãy hành lang dài. Giữa hành lang treo một cái trống lớn mà ông cai trường chịu trách gõ lên báo hiệu giờ vào lớp, giờ ra chơi và tan học. Nhưng một nơi mà học sinh ai cũng nhớ lại là một sạp gỗ đóng sơ sài của bà vợ ông cai trường nằm ở góc trong cùng bên phải của sân trường. Trên cái sạp nhỏ này là mấy cái mâm tre bày đầy gỏi cuốn và vài thứ trái cây cóc, ổi... Cuốn gỏi cuốn hình như có mấy cọng rau, ít bún và một miếng thịt ba chỉ, không nhớ là có tôm hay không? Giá mỗi cuốn là 5 cắc (10 cắc = 1 đồng). Vào giờ ra chơi, học sinh xúm xít vây quanh, lớp trong lớp ngoài... và tôi thường đứng xa nhìn thèm nhểu nước miếng... vì không có tiền! Có lẽ vì thế mà tôi nhớ mãi không quên và đến giờ vẫn thèm ăn gỏi cuốn!
Lớn lên một chút tôi vào học trung học ở trường Dòng La San Bá Ninh nằm dọc bờ biển bao bọc với ba con đường: Duy Tân, Nguyễn Tri Phương và Trần Hưng Đạo (nay là Nguyễn Chánh-Trần Phú và Pasteur). Phía bên kia đường Nguyễn Tri Phương là Tòa Giám Mục Nhatrang. Ở ngay góc đường nguyễn tri Phương-Trần Hưng Đạo là mấy xe cà-rem (kem), gỏi cuốn, người bán là mấy bác tuổi trạc trung niên, đội nón, quần tây áo sơ mi cẩn thận ... hồi đó, học sinh phải đi học ngày 2 buổi, sáng 7:30 đến 11-30 và chiều 2.30 đến 5:00. Trưa nắng chói chang nhất là vào những ngày gần hè. Đi xe đạp là phương tiện duy nhất của học sinh thời đó. Đạp xe đến trường mồ hôi mồ kê nhể nhại, áo sơ mi trắng ướt dẫm mồi hôi, thấy xe cà-rem là mắt sáng long lanh nên mấy chiếc xe cà-rem ba bánh với thùng cà-rem phía sau lúc nào cũng có học sinh vây quanh. Những chiếc bánh cà-rem hình nón màu nâu, tràn lên trên một lớp cà-rem màu xanh lá cây, hồng vun lên rắc một ít đậu phọng rang giã nhỏ... Trưa nắng chói chang, cắn một miếng cà-rem mát lạnh, hạt đậu phọng bùi bùi, vừa mát lạnh vừa ngon lạ lùng! Bên cạnh xe cà-rem là xe gỏi cuốn và xe đá nhận. Thứ nào trông cũng thật hấp dẫn. Tôi còn nhớ năm lớp đệ Tứ (lớp 9), đâu vào khoảng năm 1965, lớp tôi nằm cuối dãy sát hàng rào góc đường Nguyễn tri Phương-Trần Hưng Dạo và cũng sát mấy xe hàng rong, mấy người bạn học ở “xóm nhà lá” cuối lớp đã giả vờ xin phép thầy giáo (dạy Sử Địa tên Cư) đi vệ sinh rồi tìm cách lẻn ra sát hàng rào kêu mua gỏi cuốn rồi tìm cách giấu trong áo, đem vào lớp chia nhau ăn lén... mà thói đời cái thứ ăn vụng lại ngon không gì bằng. Thật là nhất quỉ nhì ma thứ ba học... trò!
Trung học đệ nhị cấp, tôi chuyển sang trường trung học Võ Tánh. Trường nằm trên đường Bá Đa Lộc (nay là Lý Tự Trọng) với hàng xa cừ nổi tiếng hai bên đường, tàn lá vươn xa đan xen vào nhau nên trọn phần con đường trước khuôn viên trường học suốt ngày rợp bóng mát. và không ngoại lệ ở phía lề đường đối diện với trường lại là những xe hàng rong; cà-rem, gỏi cuốn...đến nay đã quá lâu tôi không còn nhớ rõ là bao nhiêu thứ... đông nhất là vào buổi học đầu giờ chiều trời nắng gắt học sinh cả nam lẫn nữ vây quanh. Đến tuổi này tôi không còn mặn mà với mấy món này nữa nên không còn nhớ rõ.
Năm 1968 tôi thi đậu Tú tài và chuyển vào Saigon theo học trường Luật. Mái trường Luật làm tôi nhớ lại ngôi trường Nam Tiểu học Nhatrang, cũng mấy dãy nhà trệt, thấp, mái ngói đỏ, sân trường với những cây Phượng vĩ hoa rực rỡ khi hè đến. Và con đường Duy Tân với cây dài bóng mát (Phạm Duy-Trả Lại Em Yêu) bên kia đường là những căn biệt thự không cho phép các xe hàng rong. Những xe hàng rong đã không còn nắm sát cạnh trường nữa nhưng cũng cách trường không xa, khoảng 200m trên Công viên Hồ Con Rùa, đối điện viện Đại học Saigon. Tạo thành một khu ăn vặt, hàn rong gồm cà-rem, nước mía và nổi tiếng nhất là bò bía. Cuốn chỉ bằng ngón tay, với vài con tôm khô nhỏ xíu, một lát lạp xưởng, ít củ sắn bào sợi hấp chín, một lá rau húng... chấm với nước tương đen cay cay... ngon chi lạ! Một cuốn lại một cuốn... làm thêm một ly nước mía ngay bên cạnh thiệt là cũng đủ lãng quên đời!
Vào mỗi chiều cuối tuần, tôi cùng một người bạn, tên Luân, rủ nhau bát phố, lúc bấy giờ là dọc đường Lê Lợi, Nguyễn, Huệ Tự Do. Ngay góc đường Pasteur-Lê Lợi về phía sông Bạch Đằng là Khu hàng rong: Phá lấu, nước mía Viễn đông. Xe phá lấu y như tấm hình chụp năm 1968 trong bài Những Bức Ảnh Gợi Nhớ của chú H. Có lẽ ngon nhất là tim và gan gà (hay vịt?) mùi thơm đặc trưng của tim, gan với thuốc bắc, nước tương..mặm mặm, bùi bùi đậm đà với một chút tương ớt, gọi thêm một ly nước mía thì cứ gọi là ngon cục kỳ! Ai muốn ăn hủ tiếu, mì thì có ngay, kế đó làm tiệm mì Hảo Huê nối tiếng!
Nếu có mõi chân vì đị bộ ngắm phố phường thì ngay góc bên kia đường Lê Lợi cũng trên Pasteur là quán cà-rem Mai Hương mà hầu như dân Saigon trước 1975 ai cũng biết. Vào quán, gọi một ly cà-rem ngồi ngắm người qua kẻ lại cũng là một cái thú bát phố.
Giã từ đời học sinh, sinh viên không còn cắp sách đến trường, không còn nhìn thấy các xe hàng rong dọc bên trường học mỗi ngày, thế nhưng hàng rong, quà vặt vẫn còn đó, dưới những hình thức khác. Vào buổi trưa trong các đường phố nhỏ, những con hẽm quanh co lanh lãnh tiếng rao của “ các cô, các bà bán xôi, bán chè. Tôi còn nhớ tiếng rao mỗi trưa ở dọc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm Quận 1 “Ai... chè đậu xanh nước dừa đường cát... hông?” giọng không lớn để làm mọi người mất giấc ngủ trưa nhưng cao vút len lõi vào từng ngóc nghách... làm người ta chợt tỉnh giấc và thèm một ly chè đậu, chút nước dừa lành lạnh... Vào buổi tối giọng rao “ Bánh chưng, giò... đây..!” và hình như luôn luôn là giọng đàn ông. Giọng rao hàng như than van năn nỉ, xin mọi người giúp đỡ. Tôi và chú em, Kim, hay thức khuya thỉnh thoảng chạy ra gọi mua. Một người đàn ông dáng hơi gầy với chiếc xe đạp cọc cạch, quần tây dài, áo ngắn tay sờn cũ.. thúng bánh chưng, giò nằm sau, khi mở ra lúc nào cũng bốc khói. Ai đã từng ăn bánh chưng này chắc còn nhớ. Chiếc bánh chỉ nhỏ độ bằng lòng bàn tay người lớn, gói bằng lá chuối. Không biết là do đói bụng hay vì kích thước nhỏ mà bánh gói rất chặt, lớp da bánh bóc ra mà thật xanh, cắn một miếng ngon hết biết!... Với tôi, chiếc bánh chưng này ngon hơn hẳn những chiếc bánh chưng to đùng ngày Tết. Và gọi mua một cái bánh chưng vào những buổi tối khuya khoắc là những kỷ niệm khó quên.
Nước Mỹ, nơi tôi đến định cư cũng có hàng rong, tuy không nhiều. Hóa ra hàng rong không phải chỉ có ở Việt Nam, tuy không đa dạng bằng. Khu phố tôi ở có tên Pin Oak Court được chú Hải đặt cho một cái tên rất dễ thương: Xóm Cây Sồi. Quả đúng với tên dọc con đường và chung quanh nhà là những cây oak (sồi) mà cứ vào cuối Thu hạt dẻ rơi xuống là thức ăn cho những chú sóc. Mùa đông ở đây rất lạnh nhưng mùa hè cũng không hề dễ chịu. Vào tháng 6-7 hàng năm nhiệt độ có khi lên đến 35-40oC. Và thật bất ngờ một buổi trưa ngày cuối tuần, bỗng nghe tiếng nhạc nam Mỹ vui tươi dập là y như nghe tiếng con nít chạy túa ra kêu inh ỏi Stop! Stop! Một chiếc xe thùng với đủ màu sắc, vẻ hình trẻ con, người lớn tay cầm ly cà-rem, tay cầm muỗng xì xà xì xụp... thì ra là xe bán cà-rem dạo. Nhìn những cô, cậu bé mắt xanh, tóc vàng xúm xít quanh chiếc xe kem làm lòng tôi chợt chùng xuống, nhớ ơi là nhớ về những kỷ niêm xưa cũ nơi quê nhà! Những năm gần đây lại xuất hiện một kiểu bán cà-rem dạo mới không khác gì ở nước ta. Một chàng thanh niên, đội mũ Mễ tây cơ đẩy chiếc xe cà-rem thùng tay rung chuông y dọc theo các con đường trong xóm, y như mấy chú bán cà-rem dạo ở Việt Nam.
Cách nhà tôi xa hơn, lái xe độ 40 phút đến trung tâm thành phố Washington D.C. nơi mà hàng năm đón hơn 20 triệu du khách. Trên các con đường nhánh cắt ngang đại lộ Constitution và Pensylvania quanh các viện bảo tàng, công viên người ta có thể bắt gặp các xe hàng rong dưới hình thức là những chiếc xe thùng lớn như những chiếc xe buýt loại trung. Có xe bán thức ăn nhanh như bánh mì - hot dots (một loại xúc xích ăn với bánh mì mềm), có xe bán cà-rem, đồ uống, có xe bán đồ lưu niệm cho du khách, thiên hình vạn trạng... Từ sáng sớm những chiếc xe này chạy đến đậu vào chổ đã rút thăm được từ đầu mùa, cửa mở xe lên và chủ hàng tất bật bày đồ ra gọn trên thung xe và một phần sau xe. Du khách, kẻ đứng người ngồi ăn cà-rem, uống nước hay mua một một món quà kỷ niệm... không khí thật náo nhiệt và đầy sức sống. Có một điều đặt biệt it ai ngờ tới là 95% chủ nhân những chiếc xe hàng rong này là người Việt Nam. Có lẽ cái máu bán hàng rong đã ngấm vào trong huyết quản chăng?
Hàng rong phát sinh do chu cầu của con người. Không phải lúc nào, nơi nào cũng có quán ăn, nhà hàng... Khách bộ hành, nhàn du ngắm cảnh hoặc vội vã vì công việc chợt thèm một món ăn vặt, một ly nước uống... xong lại tiếp tục chứ không muốn vào nhà hàng quán nước vừa mất thì giờ, đắt tiền mà cũng không phải lúc nào trong túi cũng sẵn tiền thì xe hàng rong là một nguồn cung lý tưởng và cũng là một nét đẹp trong đời sống.
Tháng 1/2021. S.Ng.
-
Lá Thư Xưa< Trang trước
-
Chuyện lượm lặtTrang sau >
Không phải những chuyện lớn lao quan trọng mới làm ta nhớ lâu. Nó chỉ làm ta nhớ rõ nhưng chóng quên. Những cái vụn vặt… như chuyện ăn hàng rong , mới lại là thứ nằm yên rất lâu trong ngăn tủ gọi là ký ức. Chỉ cần một sự tình cờ nào đấy, nó sẽ trồi lên, dắt tay ta trở về dĩ vãng. Ôi, kem, ôi gỏi, ôi, bánh giò, bánh chưng… và ôi, những tiếng rao đêm… đâu rồi.
Những dòng hồi ức về Trường Nam Tiểu học Nhatrang là chuyến tàu đưa ta về quá khứ. Nó làm người ta bâng khuâng, như bâng khuâng nhớ tiếng hát bay trên hàng phố… bâng khuâng.
Những kỷ niệm mãi là kỷ niệm…vàng son.